Các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa, giảm đau tốt
Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,… là các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa được sử dụng khá phổ biến. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ cơn đau, tình trạng sức khỏe và khả năng dung nạp của từng bệnh nhân để chỉ định loại thuốc thích hợp.
Các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa phổ biến
Đau thần kinh tọa là tình trạng rễ thần kinh bị chèn ép, gây ra cơn đau nhức ở vùng thắt lưng di chuyển dọc xuống vùng mông, đùi và bắp chân. Tình trạng này thường là hệ quả do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống vùng thắt lưng, nhiễm trùng cột sống, hẹp cột sống, ít vận động, bệnh tiểu đường, u cột sống…
Điều trị đau thần kinh tọa chủ yếu là cải thiện cơn đau và giảm mức độ chèn ép lên cơ quan này. Trong đó thuốc thường được chỉ định để làm giảm cơn đau, tê bì, ngứa ran, châm chích và một số triệu chứng đi kèm khác.
Các loại thuốc chữa đau dây thần kinh tọa được sử dụng phổ biến, bao gồm:
1. Nhóm thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là nhóm thuốc điều trị ưu tiên đối với bệnh đau thần kinh tọa. Bác sĩ thường dựa vào mức độ cơn đau để chỉ định loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc giảm đau thường được dùng:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau toàn thân. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế cyclooxygenase của hệ thần kinh trung ương nhằm cải thiện cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Paracetamol là loại thuốc có độ an toàn khá cao nên thường được chỉ định cho hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên cần điều chỉnh liều lượng thuốc ở bệnh nhân suy gan và suy thận.
- Opioids: Opioids là thuốc giảm đau gây nghiện. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách liên kết với tụ thể opioid của tế bào thần kinh nhằm tái hấp thu chất dẫn truyền norepinephrine serotonin. Opioids được chỉ định khi cơn đau không có đáp ứng với các loại thuốc thông thường. Tuy nhiên nhóm thuốc này không được chỉ định cho phụ nữ mang thai, người ngộ độc rượu cấp hoặc bệnh nhân đang sử dụng IMAO.
2. Thuốc chống viêm non-steroid
Thuốc chống viêm non-steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau và chống viêm. Thuốc được chỉ định khi Paracetamol không đem lại cải thiện như mong đợi. NSAID hoạt động bằng cách ức chế COX 1 và COX 2, từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm.
Tuy nhiên NSAID có thể gây kích cơ quan tiêu hóa, ảnh hưởng đến chức năng của tim mạch và thận. Do đó không nên dùng nhóm thuốc này khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, mắc các bệnh lý về tim mạch và suy giảm chức năng thận. Các loại NSAID thường được sử dụng, bao gồm Diclofenac, Naproxen, Piroxicam, Ibprofen,…
Ngoài viên dạng uống, bạn có thể dùng NSAID ở dạng thuốc bôi hoặc miếng dán ngoài da để hạn chế tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn máu và thận.
3. Thuốc corticosteroid
Corticosteroid ở dạng tổng hợp có hoạt động tương tự hormone cortisone được tạo ra từ tuyến thượng thận. Loại thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm làm giảm hiện tượng viêm ở dây thần kinh tọa và cải thiện triệu chứng như đau nhức, sưng viêm, tê bì, ngứa ran, châm chích,…
Bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid ở dạng uống (Prednisolon, Triamcinolone, Betamethason) hoặc dạng tiêm tùy vào mức độ của cơn đau. So với NSAID, corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh và cải thiện cơn đau có mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, gây suy thận, tăng nguy cơ đột quỵ, loãng xương và ức chế hoạt động của tuyến thượng thận. Vì vậy corticosteroid thường chỉ được dùng trong một thời gian ngắn và phải được kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.
4. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (thuốc chống trầm cảm tuần hoàn) thường được dùng trong quá trình điều trị bệnh trầm cảm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhóm thuốc này có thể được dùng để giảm đau do đau thần kinh tọa gây ra.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoạt động bằng cách thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, noradrenalin nhằm điều chỉnh tâm trạng. Việc thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ không chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng của bệnh trầm cảm mà còn giúp não bộ không cảm nhận thấy tín hiệu đau.
Vì vậy trong trường hợp đau thần kinh tọa gây đau kéo dài, bác sĩ có chỉ định một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amoxapine, Amitriptyline, Nortriptyline, Trimipramine, Doxepin,… Tuy nhiên sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra tình trạng an thần quá mức, đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực,…
5. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ là một trong những loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa khá phổ biến. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách thư giãn cơ và hạn chế sự co thắt quá mức của cơ bắp nhằm cải thiện tình trạng đau nhức.
Tuy nhiên dùng thuốc giãn cơ có thể gây chóng mặt, mờ mắt, buồn ngủ, khô miệng và bí tiểu. Các tác dụng phụ của thuốc có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn sử dụng đồng thời với bia rượu và các đồ uống chứa cồn.
Ngoài ra bạn không nên sử dụng nhóm thuốc này nếu mắc bệnh thận hoặc đang sử dụng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (Oxybate natri).
6. Thuốc chống động kinh
Thuốc chống động kinh (thuốc chống co giật) thường được chỉ định trong điều trị bệnh đau dây thần kinh tam thoa, bệnh động kinh và dự phòng bệnh hưng – trầm cảm. Ngoài ra nhóm thuốc này cũng được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh tọa.
Thuốc chống động kinh hoạt động bằng cách chẹn synap nhằm giảm các chất dẫn truyền đi qua cơ quan này. Các loại thuốc chống co giật thường được dùng trong điều trị đau thần kinh tọa, bao gồm Pregabalin, Gabapentin,…
Dùng nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng ngoại ý về thần kinh trung ương như ngủ gà, mệt mỏi, mất điều hòa, chóng mặt,… Ngoài ra thuốc cũng có thể gây nổi ban, ngứa, nhức đầu, buồn nôn, khô miệng và chán ăn.
Những lưu ý khi dùng thuốc chữa đau thần kinh tọa
Sử dụng thuốc giúp làm giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng do đau dây thần kinh tọa gây ra. Tuy nhiên dùng thuốc không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ và các tình huống rủi ro.
Vì vậy khi dùng thuốc điều trị đau thần kinh tọa, bạn nên chú ý những thông tin sau:
- Không tùy tiện sử dụng thuốc. Thay vào đó nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc thích hợp.
- Sử dụng thuốc theo liều lượng và tần suất được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý tăng liều và kéo dài thời gian dùng thuốc.
- Nếu nhận thấy không có đáp ứng, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác.
- Nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe (mang thai, đang cho con bú, suy thận, tiểu đường, huyết cao, tim mạch,…) để được cân nhắc trước khi chỉ định thuốc.
- Trong trường hợp nhận thấy tác dụng phụ của thuốc, nên liên hệ với bác sĩ để tìm hướng giải quyết. Tình trạng chủ quan có thể khiến triệu chứng tiến triển xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị triệu chứng. Do đó bạn nên kết hợp với các kỹ thuật vật lý trị liệu, tích cực trong việc điều trị bệnh lý nguyên nhân và xây dựng lối sống khoa học để tác động toàn diện đến quá trình chữa trị.
- Nên phối hợp giữa việc dùng thuốc với các biện pháp giảm đau tại nhà như chườm lạnh, chườm nóng, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc,… nhằm hạn chế nguy cơ phụ thuộc thuốc.
Bài viết đã tổng hợp một số loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa phổ biến nhất. Để được chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, bạn nên chủ động liên hệ và tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.