Chèn dây thần kinh là gì, hay bị ở vị trí nào?
Chèn ép dây thần kinh là tình trạng xảy ra khi có một lực tác động lên các dây thần kinh từ xương, sụn, cơ hoặc gân. Các áp lực này gián đoạn làm mất chức năng của dây thần kinh dẫn đến tình trạng ngứa ran, đau rát, tê hoặc làm mất sức lực cơ bắp.
Chèn ép dây thần kinh là gì?
Hệ thống dây thần kinh kéo dài từ não đến tủy sống và điều khiển hoạt động trong cơ thể. Nếu một người bị chèn ép dây thần kinh, cơ thể sẽ sẽ gửi các tín hiệu cảnh báo bao gồm đau hoắc tế nhức ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Chèn dây thần kinh xảy ra khi có áp lực lớn chèn ép lên dây thần kinh bởi các mô xung quanh. Áp lực này có thể làm gián đoạn chức năng của các dây thần kinh, gây đau, tê hoặc làm suy yếu chức năng dây thần kinh. Các tổn thương do chèn ép các dây thần kinh có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề tạm thời hoặc lâu dài.
Trong một số trường hợp, bị chèn ép dây thần kinh có thể được chẩn đoán và điều trị một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi các tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng và gây tổn thương vĩnh viễn cho dây thần kinh. Do đó nhận biết các triệu chứng và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Các vị trí thần kinh bị chèn ép phổ biến
Các dây thần kinh ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể đều có thể bị chèn ép. Tuy nhiên, vị trí dây thần kinh bị chèn ép phổ biến nhất là lưng dưới (vùng thắt lưng như L4 và L5) và cổ (vùng đốt sống cổ như C6 và C7).
Đối với lưng dưới, đây là phần quan trọng nhất ở cột sống và hỗ trợ chịu phần lớn trọng lượng cơ thể. Đối với đốt sống cổ, vùng cổ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì đầu nặng khoảng 4.5 – 4.9 kg. Bên cạnh đó, đầu liên tục chuyển động và gây áp lực lên các dây thần kinh bị giới hạn ở cổ.
Ngoài ra, các dây thần kinh ở lưng, mông, vai, cổ tay, các ngón tay,… đều có thể bị chèn ép và dẫn đến đau, nhức, tê, mỏi.
Nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh
Áp lực tác động, không gian hạn chế và hao mòn tự nhiên là các nguyên nhân chính gây chèn ép dây thần kinh. Áp lực có thể là hệ quả của việc chuyển động lặp đi lặp lại hoặc khi bạn giữ một tư thế quá lâu trong thời gian dài.
Một số nguyên nhân cụ thể có thể gây áp lực, tác động lên dây thần kinh bao gồm:
- Thoát vị đĩa đệm (vòng bà xơ đĩa đệm bị rách hoặc bị tổn thương).
- Tư thế ngồi, đứng, vận động không đúng.
- Viêm gân, cơ, xương do lão hóa, hao mòn, tổn thương.
- Chuyển động lặp đi lặp lại như uốn cong hoặc xoắn.
- Béo phì, thừa cân làm tăng áp lực lên hệ thống thần kinh.
- Ngồi ở tư thế trong một thời gian quá dài.
- Chấn thương như Hội chứng ống cổ tay.
- Gai xương khiến không gian ở dây thần kinh bị thu hẹp lại.
- Viêm xương khớp gây thoái hóa xương.
- Hẹp ống sống.
- Có khối u chèn ép lên các dây thần kinh.
- Mô sẹo do phẫu thuật làm thu hẹp không gian của dây thần kinh.
Các triệu chứng bị chèn dây thần kinh
Các triệu chứng chèn dây thần kinh phụ thuộc vào vị trí dây bị chèn ép. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Tê hoặc giảm cảm giác ở khu vực bị ảnh hưởng.
- Có cảm giác ngứa ran, như kim ghim.
- Đau nhói, đau rát ở vị trí bị ảnh hưởng và có thể tỏa ra các khu vực khác.
- Yếu cơ bắp ở khu vực bị ảnh hưởng.
- Thường xuyên có cảm giác một bên tay hoặc chân bị mất kiểm soát.
- Cơn đau tăng lên liên tục sau khi vận động hoặc luyện tập thể dục.
- Đau về đêm, đau khi ngủ.
Biện pháp chẩn đoán chèn ép dây thần kinh
Nếu nghi ngờ tình trạng bị chèn dây thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Đây là một thử nghiệm đo các xung thận kinh và hoạt động cơ bắp của dây thần kinh thông qua các điện cực đặt trên da. Kết quả nghiên cứu có thể cho biết người bệnh có bị tổn thương dây thần kinh hay không.
- Điện cơ (EMG): Bác sĩ sẽ chèn một điện cực kim xuyên qua da và các cơ bắp. Bài kiểm tra sẽ đánh giá hoạt động của cơ bắp khi chúng co bóp và nghỉ ngơi. Kết quả sẽ cho bác sĩ biết nếu tổn thường dây kinh ảnh hưởng đến các cơ bắp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để hiển thị các hình ảnh chi tiết về cơ thể. Xét nghiệm này có thể được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị chèn ép rễ thần kinh.
- Siêu âm độ phân giải cao: Là siêu âm ứng dụng sóng âm thanh tần cao để thu hình ảnh bên trong cơ thể. Xét nghiệm này thường được chỉ định để chẩn đoán hội chứng dây thần kinh bị chèn ép như Hội chứng ống cổ tay.
Các biện pháp điều trị chèn dây thần kinh
Để khắc phục tình trạng bị chèn dây thần kinh, bác sĩ thường đề nghị người bệnh nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến khu vực bệnh. Tùy thuộc vào vị trí bị chèn ép, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:
1. Vật lý trị liệu
Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh các bài tập tăng cường và kéo căng các cơ ảnh hưởng đến dây thần kinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh các hoạt động và sửa đổi các tư thế có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
2. Thuốc
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị bao gồm:
- Các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) như Aspirin , Ibuprofen hoặc Naproxen có thể làm giảm sưng và đau.
- Thuốc Corticosteroid đường uống được sử dụng để giảm sưng và đau.
- Thuốc gây tê thường chỉ định trong một thời gian ngắn để hỗ trợ cắt giảm các cơn đau nghiêm trọng.
- Thuốc Steroid dạng tiêm có thể làm giảm sưng và hỗ trợ việc hồi phục các dây thần kinh.
3. Phẫu thuật
Nếu tình trạng các dây thần kinh bị chèn ép không được cải thiện sau vài tuần hoặc vài tháng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị. Phẫu thuật có thể làm giảm áp lực lên các dây thần kinh, loại bỏ xương tác động hoặc thúc đẩy hồi phục một phần ở đĩa đệm cột sống.
Có ba phương pháp phổ biến nhất là phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật ghép da. Tùy vào vị trí dây thần kinh bị chèn ép mà bác sĩ có thể đề nghị nhiều loại phẫu thuật khác nhau.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của ca phẫu thuật.
Phòng ngừa chèn dây thần kinh
Người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp phòng ngừa chèn dây thần kinh như:
- Duy trì thực hiện các tư thế tốt, không bắt chéo chân khi ngồi hoặc không nằm ở bất cứ vị trí nào trong một thời gian dài.
- Thường xuyên luyện tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp và giúp gân, xương linh hoạt.
- Hạn chế các hoạt động lặp lại thường xuyên và dành thời gian để nghỉ ngơi.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu thừa cân béo phì.
Một số trường hợp chèn ép dây thần kinh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác người bệnh cần điều trị y tế để khỏi bệnh hoàn toàn và không gây ra các biến chứng lâu dài.