Tê tay chân ở người tiểu đường: Thông tin cần biết
Tình trạng tê tay chân ở người tiểu đường thường xuất hiện rất sớm. Những triệu chứng điển hình của biến chứng là tình trạng châm chích ngoài da kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa ngáy như kiến bò. Tê bì các chi cũng là biến chứng của tổn thương thần kinh, mạch máu mà bệnh nhân cần phải cảnh giác.
Nguyên nhân và triệu chứng tê tay chân ở người tiểu đường
Thông thường có khoảng 60 – 70% bệnh nhân bị tiểu đường gặp phải các biến chứng liên quan đến hệ thống thần kinh, mạch máu. Trong đó có khoảng 10% người bệnh có biểu hiện tê bì chân tay. Tình trạng này thường xuất hiện khi hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Trong đó những nguyên nhân khác gây tổn thương hệ thần kinh là do lượng đường huyết trong máu tăng cao, quá trình oxy hóa trong cơ thể diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên bệnh nhân tiểu đường cấp 1 thường ít gặp phải các cơn tê bì. Ở giai đoạn tiểu đường cấp 2, bệnh nhân sẽ nhận thấy những cơn tê tay chân nhất định. Biểu hiện ban đầu thường là:
- Bắt đầu xuất hiện cơn tê bì tại các đầu ngón tay, ngón chân, sau đó lan cả bàn tay, bàn chân.
- Tay chân có cảm giác bỏng rát, ngứa ran, cơn đau đớn tái phát như bị kiến cắn, kim châm, chuột rút.
Tình trạng tê tay chân ở người tiểu đường thường tiến triển nặng hơn vào ban đêm, từ đó gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ. Trong giai đoạn nặng, đường huyết bị mất ổn định và gây ra các đợt tăng đường hoặc hạ đường quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng mất cảm giác ở tay và chân. Bệnh nhân có thể không cảm nhận được sự đau đớn, lạnh hoặc nóng, đây là những biểu hiện đầu tiên của tình trạng tê liệt.
Tê tay chân – Biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường
Biến chứng tiểu đường có thể gây tổn thương mô ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó những biến chứng nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mạch máu, hệ thống tim mạch và đến thận, mắt… Nếu như không được cấp cứu và xử lý kịp thời, các biến chứng này có thể gây tử vong cho người bệnh. Trong đó tê tay chân ở người tiểu đường không phải là bệnh mà là dấu hiệu của một trong những biến chứng sau:
Biến chứng tổn thương thần kinh
Được xem là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất. Hệ thống thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật là những khu vực bị tổn thương nhiều nhất. Trong đó tình trạng tê bì chân tay là dấu hiệu ban đầu khi thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Khi dây thần kinh này bị tổn thương tại bàn chân sẽ gây viêm, loét bàn chân, khi không điều trị kịp thời sẽ khiến vùng bị thương hoạt tử.
Trong trường hợp tê tay chân ở bệnh nhân tiểu đường gây ra do tổn thương thần kinh thực vật. Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như tăng nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát được. Đối với nữ giới có thể bị khô âm đạo, ở nam giới gây rối loạn cương dương…
Biến chứng mạch máu gây tổn thương ở tim mạch
Những biến chứng mạch máu vô cùng nghiêm trọng vì nó có thể tác động đến hoạt động tim mạch. Những nguy cơ bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải là tình trạng tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch. Khi máu huyết bị tắc nghẽn tại bất kỳ một động mạch chủ chốt nào cũng sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Đây là những biến chứng nguy hiểm dẫn đến bại liệt hoặc tử vong.
Hội chứng ống cổ tay, ống cổ chân
Hội chứng ống cổ tay và ống cổ chân đều có biểu hiện ban đầu là cơn tê tay, tê chân. Trung bình có khoảng 20% người bệnh tiểu đường gặp phải hội chứng này. Tình trạng tê bì chân tay thường xảy ra khi bệnh nhân buông thõng tay hoặc chân. Ngoài ra nếu gập vùng cổ tay cổ chân quá lâu sẽ làm cho cảm giác tê càng tăng. Cơn đau cũng tăng lên khi bệnh nhân gấp duỗi cổ tay, khi cầm sách, báo, sử dụng bàn phím, lái xe, sử dụng dao, đũa…. Bệnh có thể được cải thiện bằng hình thức phẫu thuật kết hợp vật lý trị liệu.
Hội chứng bàn tay cứng
Không có nhiều bệnh nhân tiểu đường có biến chứng bàn tay cứng. Tuy nhiên không thể loại trừ đây là nguy cơ gây tê tay chân ở người tiểu đường. Những biểu hiện ban đầu của bệnh là da tay bị dày lên, các ngón tay không thể gập và duỗi hết cỡ. Tình trạng xơ cứng gần giống như bệnh xơ cứng bì. Từ đó gây ảnh hưởng đến vận động bình thường, xơ hóa các bao gân duỗi và gấp ngón tay.
Hội chứng tiến triển từ nhẹ đến nặng hơn, nếu tiến triển nghiêm trọng thì bệnh nhân sẽ không thể áp sát 2 lòng bàn tay vào nhau. Người bệnh mắc phải hội chứng này phổ biến hơn ở những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1, bệnh có thể ảnh hưởng đến vận động khớp.
Biến chứng tổn thương thận
Mặc dù nghe quan có thể không liên quan nhưng nhiễm trùng thận, bệnh thận cũng là một trong những nguyên nhân gây tê mỏi. Nhất là đối với bệnh nhân bị tiểu đường. Nếu như đường huyết luôn cao sẽ gây tổn thương hang triệu vi mạch máu tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng lọc, bài tiết của thận và suy thận.
Hội chứng Dupuytren
Hội chứng Dupuytren phổ biến ở 25% bệnh nhân đái tháo đường. Đây là tình trạng tổn thương ở gân trở thành sẹo xơ. Tình trạng này có thể làm cho gân co rút, các gân gấp ở lòng bàn tay cũng dày lên, từ đó gây ra những ảnh hưởng đến vận động. Tình trạng này cũng gây ra những cản trở nghiêm trọng đến hoạt động của bàn tay khi các ngón bị co rút. Ngón tay đeo nhẫn thường gặp phải tình trạng này nhất, đôi khi cũng có thể lan rộng sang ngón trỏ.
Bệnh xương khớp
Hầu hết những biến chứng cơ xương khớp của bệnh nhân bệnh đái tháo đường thường đến từ tình trạng tổn thương thần kinh và mạch máu. Do mật độ xương của người bệnh tiểu đường thường thấp hơn từ 20-30% so với người bình thường cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp, đau nhức khớp và viêm khớp gây tê mỏi cục bộ. Lúc này hệ thống xương, khớp của bệnh nhân tiểu đường bị suy giảm đề kháng nên cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.
Tê tay chân ở người tiểu đường có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, tê tay chân không phải là bệnh mà đây là một triệu chứng biểu hiện bệnh. Do đó mức độ nguy hiểm của triệu chứng còn phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Nếu như tê tay chân là do biến chứng thần kinh và mạch máu gây ra sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Ban đầu bệnh nhân chỉ nhận thấy cơn khó chịu. Sau đó cảm giác tê bì ở đầu các chi sẽ kéo dài suốt cả ngày, gây cản trở chất lượng cuộc sống và khả năng lao động.
Những biến chứng nghiêm trọng hơn là tình trạng tăng cảm giác, mất cảm giác, rối loạn cảm giác do tê bì. Điều này dễ khiến người bệnh không nhận biết được các nguy hiểm xung quanh như khi chân chạm vào vật cứng, sắc nhọn, bỏng lạnh hoặc bỏng nóng và gây ra nhiều vết thương.
Điều đáng nói là những vết thương ở bệnh nhân tiểu đường thường rất khó chữa, nhiễm trùng vết thương khó khắc phục hơn so với người bình thường. Vùng bị nhiễm trùng lan rộng, ăn sâu vào xương và phá hủy hệ thần kinh, mạch máu gây hoại tử chi. Trường hợp xấu nhất là bệnh nhân tiểu đường có thể bị nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong. Nhoài ra biến chứng mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, tắc mạch vành tim…
Cách chữa tê tay chân cho người tiểu đường
Để cải thiện tình trạng tê tay chân cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân cần thăm khám nguyên nhân bị tê phát sinh từ biến chứng gì. Tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc thực hiện can thiệp phù hợp. Những cách thường được áp dụng để đối phó với tình trạng này gồm có:
Sử dụng thuốc giảm đau, giảm viêm
Trong trường hợp bạn bị tiểu đường và mắc bệnh xương khớp song song. Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thêm một số loại thuốc như thuốc giảm đau, glucosamin, canxi… nhằm làm giảm các cơn đau. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, thuốc không có tác dụng điều trị tận gốc nguyên nhân gây biến chứng.
Kiểm soát đường huyết
Mọi biến chứng gây tê tay chân ở bệnh nhân tiểu đường đều bắt đầu từ tự tăng giảm đường huyết quá mức trung bình. Nồng độ đường trong máu cao và không ổn định là điểm xuất phát cho mọi biến chứng trong đó có bệnh tê tay chân. Do đó để giảm tê bì lâu dài, trước tiên người bệnh cần chủ động kiểm soát chỉ số đường huyết bằng những biện pháp sau:
- Người bệnh sử dụng thuốc theo chỉ định. Trong trường hợp sử dụng các loại thuốc hiện tại không hiệu quả, bệnh nhân nên liên hệ lại với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc.
- Kiêng giảm lượng tinh bột đến từ các loại thực phẩm nhiều năng lượng (như cơm, bún, miến, phở, bánh, kẹo…). Đồng thời người bệnh nên tăng cường nhóm rau xanh, đồng thời chia nhỏ bữa ăn…
- Bổ sung thêm nhóm thực phẩm giàu canxi để tránh loãng xương như: sữa ít đường, cá, đậu phụ, rau lá xanh sẫm… Duy trì mức cân nặng ổn định, hạn chế tình trạng thừa cân, điều này giúp giảm nguy cơ viêm khớp.
Phương pháp chườm ấm
Phương pháp chườm ấm thường được áp dụng để làm giảm tình trạng tê bì chân tay tạm thời. Phương pháp này cũng sẽ hỗ trợ kích thích lưu thông máu tuần hoàn tốt, từ đó làm giảm nguy cơ tắc nghẽn gây tê mỏi. Khi chườm ấm, nhiệt độ sẽ khiến máu lưu thông tốt hơn và đồng thời hệ thống cơ bắp và thần kinh được thư giãn. Mặc dù vậy bạn cũng cần chủ động kiểm tra nhiệt độ nước trước khi chườm ấm bằng, tránh nguy cơ bị bỏng.
Phương pháp massage
Massage là hình thức giảm tê bì, giảm đau mỏi vùng chi rất hiệu quả trong mọi trường hợp. Tác dụng của biện pháp này cũng là giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời kích thích các dây thần kinh và giảm bớt cảm giác tê bì. Những phương pháp massage kích thích khí huyết lưu thông rất dễ áp dụng tụng tại nhà. Có thể kết hợp massage cùng với dầu oliu, dầu oải hương để xoa bóp vùng tê bì theo vòng tròn, thực hiện liên tục trong khoảng 5 phút. Trong trường hợp tê bì chưa cải thiện, bệnh nhân nên kiên nhẫn và áp dụng nhiều lần.
Tăng cường bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 là một trong những dưỡng chất quan trọng cần được bổ sung đủ đối với bệnh nhân tiểu đường. Có không ít trường hợp bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến sự gián đoạn dẫn truyền và tổn thương tế bào thần kinh. Đây là hai nguyên nhân chính gây ra tê bì chân tay. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ nên bổ sung nếu cơ thể thiếu hụt dưới sự chỉ định của bác sĩ. Thông qua các xét nghiệm máu sẽ giúp bệnh nhân biết mình có bị thiếu vitamin B12 hay không.
Bài tập chữa tê tay chân ở người tiểu đường
Tập luyện thể dục mỗi ngày hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu tăng cao.Thông qua các phương pháp vận động và luyện tập tại nhà này sẽ giúp cơn tê bì của bệnh nhân cải thiện rõ:
- Đi bộ: Người bị tiểu đường nên rèn luyện đi bộ bằng gót chân hoặc đầu ngón chân. Khi đi bộ bằng các đầu ngón chân và gót chân, hoạt động tuần hoàn máu sẽ được kích thích, khí huyết trao đổi tốt hơn. Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần thực hiện từ 10 – 15 phút sẽ giúp máu được lưu thông từ đầu ngón chân đến gót chân.
- Đứng trên một chân: Đây là tư thế Yoga “Cây thẳng đứng” được áp dụng phổ biến. Người bệnh có thể đứng thẳng bằng 2 chân, sau đó nâng một chân lên khỏi mặt đất, cố gắng giữ thăng bằng trên một chân còn lại trong 30s rồi đổi chân. Trung bình từ 10 – 15 phút sẽ làm giảm tình trạng tê bì chân tay.
- Nắm chặt tay: Đầu tiên bạn nắm 2 bàn tay lại, sau đó đan chặt các ngón tay với nhau trong 30s. Tiếp tục lặp lại động tác này 10 lần cho mỗi lần thực hiện. Động tác này có thể thực hiện bất cứ khi nào nếu bệnh nhân có cảm giác mỏi. Sau một thời gian luyện tập, bàn tay và các ngón tay sẽ giảm tê mỏi và cử động linh hoạt hơn.
Tình trạng tê tay chân ở người tiểu đường có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được can thiệp và điều trị sớm. Người bệnh nên chủ động thăm khám tại các chuyên khoa uy tín để được sự hỗ trợ đúng hướng từ bác sĩ. Bài viết chỉ mang thông tin tham khảo, chúng tôi không đưa ra lời khuyên hay chuẩn đoán chuyên môn.