Các triệu chứng, dấu hiệu loãng xương cần khám ngay khi gặp
Loãng xương là bệnh lý thường xuất hiện cùng với quá trình lão hóa của cơ thể nhưng hiện đang có xu hướng dần trẻ hóa. Nhận biết được triệu chứng loãng xương sớm chính là cách tốt nhất để bạn kiểm soát tình hình. Điều này cũng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe xương khớp, hạn chế rủi ro phát sinh.
Các triệu chứng bệnh loãng xương cần phát hiện và thăm khám ngay
Loãng xương là bệnh lý đặc trưng bởi sự mất dần canxi trong xương, khiến cho xương suy yếu dần, trở nên giòn và dễ gãy. Thống kê cho thấy rằng, tình trạng này bắt đầu diễn ra khi con người bước qua tuổi 30. Bệnh có nguy cơ xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
Để hạn chế được những ảnh hưởng của bệnh loãng xương đến sức khỏe và đời sống, bạn cần sớm phát hiện bệnh. Nên chú ý đến các triệu chứng loãng xương thường gặp sau đây:
1. Nướu bị thu hẹp
Vấn đề nướu bị thu hẹp với bệnh loãng xương có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, triệu chứng này thường ít được quan tâm bởi hầu hết mọi người không thấy được sự gắn kết giữa nướu và hệ thống xương khớp.
Thực tế, răng của chúng ta được kết nối với xương hàm, khi mật độ canxi trong xương hàm giảm thì tình trạng mất xương sẽ diễn ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nướu bị thu hẹp.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng mất xương hàm có liên kết với sự suy giảm mật độ canxi trong các đốt sống. Như vậy, khi thấy nướu bị thu hẹp thì bạn nên thăm khám ngay, bác sĩ sẽ tiến hành chụp chiếu và chẩn đoán tình hình. Lúc này bạn đang có nguy cơ cao sống chung với bệnh loãng xương.
2. Gặp vấn đề khi cầm nắm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự mất canxi trong xương với khả năng cầm nắm. Tình trạng này biểu hiện rõ ràng nhất ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Bởi sau mãn kinh, hormone estrogen nữ sẽ giảm nhanh, kèm theo đó là mật độ xương cũng sẽ giảm. Lúc này, việc cầm nắm sẽ trở nên kém chắc chắn do các khớp xương không còn linh hoạt và dẻo dai.
Chính vì vậy, mà bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu về bệnh loãng xương dựa vào thử nghiệm vật lý này. Chỉ cần cho người bệnh cầm nắm một vật có độ nặng phù hợp để quan sát sức mạnh của cơ tay.
3. Đau cơ và đau xương
Đau cơ và đau xương là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh loãng xương nhưng lại rất dễ bị bỏ qua. Bởi những cơn đau do bệnh dễ bị nhầm lẫn với tình trạng đau nhức cấp tính bình thường do tuổi tác và vận động.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức bị kích hoạt thường xuyên thì bạn hãy chú ý thăm khám ngay. Nếu không bị loãng xương thì nhất định xương khớp của bạn cũng đang gặp phải các vấn đề khác cần quân tâm sớm.
4. Móng tay yếu và giòn
Sức khỏe của móng tay có thể được xem là chiếc gương phản chiếu hiện trạng xương khớp của bạn. Móng tay phát triển tốt và khỏe mạnh chứng tỏ xương khớp của bạn cũng đang được bảo vệ tốt.
Ngược lại, trong một thời điểm nhất định, bạn nhận thấy móng tay của mình trở nên giòn và dễ gãy thì hãy chú ý hơn. Lúc này, xương khớp có thể đang gặp vấn đề, điển hình nhất là tình trạng mất xương do mật độ canxi giảm. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương cần sớm thăm khám.
5. Thường xuyên bị chuột rút
Các chuyên gia xương khớp khuyến cáo rằng tình trạng thiếu vitamin khi ở mức báo động có thể kích hoạt tình trạng đau cơ. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự xuất hiện của tình trạng chuột rút, nhất là vào ban đêm.
Chuột rút cũng là tín hiệu cho thấy nồng độ canxi, kali và magie của cơ thể đang giảm quá thấp. Nếu tình trạng này kéo dài có thể phát sinh vấn đề mất xương quá mức. Chính vì vậy nếu thường xuyên bị chuột rút thì bạn cũng nên thăm khám để dự phòng nguy cơ loãng xương.
6. Giảm chiều cao
Đây là vấn đề rất dễ thấy khi con người dần già đi. Nó có thể xuất hiện do duy trì tư thế xấu quá lâu hay bị gãy xương cột sống.
Ngoài ra, sự suy giảm chiều cao còn được cho là liên quan đến tình trạng mất xương. Xương cột sống bị giảm mật độ canxi sẽ trở nên yếu đi, khả năng chịu lực kém. Từ đó sẽ rất dễ bị mất đường cong sinh lý, rụt xuống, nhất là khi phải vận động mạnh hay mang vác nhiều.
7. Thể lực suy yếu
Mật độ canxi trong xương giảm sẽ khiến cho sức mạnh cơ bắp cũng như khả năng giữ cân bằng của cơ thể giảm dần. Điều này sẽ khiến cho khả năng chịu đựng áp lực của hệ thống xương khớp giảm.
Loãng xương cũng sẽ khiến thể lực chung của cơ thể yếu dần. Khả năng giữ cân bằng kém có thể khiến bạn dễ bị té ngã khi di chuyển. Cần chú ý thăm khám sớm khi các vấn đề này phát sinh.
8. Xương giòn, dễ gãy
Đây là triệu chứng loãng xương phổ biến và dễ dàng phát hiện nhất. Lúc này, mật độ canxi trong xương đã sụt giảm ở mức độ đáng báo động.
Thông thường, tình trạng gãy xương chỉ xảy ra khi có tác dụng lực quá mạnh vào xương. Điển hình nhất là do tai nạn lao động, chấn thương thể thao hay tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi bị loãng xương, xương rất giòn và dễ gãy ngay cả khi chỉ có những tác dộng nhẹ.
Phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương
Khi phát hiện ra các triệu chứng bệnh loãng xương được đề cập ở trên bạn nên sớm thăm khám. Bởi nguy cơ bạn đang sống chung với bệnh lý này là rất cao.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng để đo mật độ xương. Điều này sẽ giúp hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.
- Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA: Đây là phương pháp đo mật độ xương được dùng rấy rộng rãi, cho kết quả chính xác khoảng 85 – 99%. Xét nghiệm này không phải chiếu tia X nhiều như chụp X-quang phổi.
- Đo mật độ xương bằng siêu âm: Phương pháp này tương đối mới và không đòi hỏi phải có nguồn phóng xạ. Bác sĩ sẽ tiến hành chiếu chùm tia siêu âm trực tiếp vào khu vực cần đo.
Tiêu chuẩn chẩn đoán mức độ loãng xương sẽ dựa trên chỉ số T – score với những thông số cụ thể như sau:
- Bình thường: T – score > -1
- Thiếu xương: -1 > T – score > -2,5
- Loãng xương: -2,5 >= T – score
- Loãng xương nghiêm trọng: Loãng xương + Tiền sử gãy xương gần đây
Bệnh loãng xương sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu bạn phát hiện khi những triệu chứng đầu tiên khởi phát. Lúc này cần thăm khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương án can thiệp kịp thời. Ngoài ra, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như rèn luyện khoa học để ngăn ngừa bệnh lý này.