Bị gai cột sống có nên uống canxi – Chuyên gia tư vấn
Bệnh gai cột sống bắt nguồn từ tình trạng canxi lắng đọng, dẫn đến sự hình thành của các gai xương nhỏ ở đốt sống. Chính vì điều này mà nhiều người lo lắng rằng, việc uống canxi sẽ khiến bệnh nặng nề thêm. Vậy đâu là câu trả lời cho vấn đề “bị gai cột sống có nên uống canxi không?”.
Người bị gai cột sống có nên uống bổ sung canxi không?
Khi gặp phải các vấn đề xương khớp, nhiều người thường quan tâm đến vấn đề bổ sung canxi để khắc phục tình hình. Bởi canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương, giúp xương khớp chắc khỏe hơn. Thiếu canxi chính là nguyên nhân khiến một số bệnh lý xương khớp khởi phát. Điển hình nhất là bệnh thoái hóa khớp hay loãng xương.
Tuy nhiên, đối với bệnh gai cột sống thì nhiều người lại có suy nghĩ trái chiều. Bởi bệnh lý này đặc trưng là sự hình thành các gai xương do lắng đọng canxi. Điều này khiến người bệnh nhầm tưởng rằng cơ thể đang dư thừa canxi và việc uống bổ sung là không cần thiết. Vậy sự thật là có nên uống canxi khi đang bị gai cột sống hay không?
Trao đổi về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thuốc Dân Tộc có chia sẻ:
“Nhiều người quan niệm rằng với bệnh gai cột sống, nếu uống bổ sung canxi sẽ khiến cho các gai xương phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là ý kiến chủ quan thiếu cơ sở khoa học. Bởi thực tế cho thấy, gai xương hình thành do lắng đọng canxi chứ không phải dư thừa canxi.
Bệnh rất dễ khởi phát và diễn tiến nhanh khi đốt sống thoái hóa và không có đủ dưỡng chất để làm lành, hàn gắn tổn thương. Canxi chính là thành phần không thể thiếu trong quá trình tái tạo tế bào xương mới. Do đó, người bệnh nên uống bổ sung để xúc tiến quá trình này.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi người trưởng thành cần đến khoảng từ 800 – 1200mg canxi. Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng rất khó đáp ứng hoàn toàn được nhu cầu trên. Chính vì thế mà tốt nhất người bệnh gai cột sống nên uống bổ sung canxi để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh.
Tuy nhiên, việc uống canxi cần tuân thủ theo nguyên tắc cụ thể mà bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý thực hiện để tránh tình trạng dùng thiếu hoặc thừa nhu cầu canxi cơ thể cần.”
Một số lưu ý khi uống canxi cho bệnh nhân bị gai cột sống
Mặc dù việc uống bổ sung canxi khi bị gai cột sống là cần thiết nhưng người bệnh cũng cần cẩn trọng. Bởi việc sử dụng thiếu khoa học sẽ có thể khiến một số vấn đề rủi ro phát sinh.
Dung nạp canxi một cách tùy tiện có thể khiến người bệnh bị rối loạn chuyển hóa. Đây là vấn đề tương đối phức tạp có thể khiến gai xương phát triển và làm bệnh diễn tiến xấu. Nhất là ở đối tượng người cao tuổi, tình trạng rối loạn chuyển hóa sẽ rất dễ phát sinh.
Khi uống bổ sung canxi, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Trao đổi cụ thể với bác sĩ để được tư vấn chính xác về hàm lượng canxi cần bổ sung. Bác sĩ sẽ căn cứ vào chế độ ăn uống của bạn để đưa ra liều lượng tương thích.
- Nên chia nhỏ liều dùng để cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn, tránh việc canxi dư thừa tạo áp lực cho hệ bài tiết. Việc dư thừa canxi không bài tiết hết có thể gây lắng đọng và hình thành sỏi thận.
- Hạn chế hút thuốc lá, đồ uống có cồn, chất kích thích bởi chúng có thể gây cản trở đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể.
- Cùng với việc uống canxi nên tăng cường bổ sung vitamin D từ chế độ ăn để giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn.
- Thời điểm thích hợp uống canxi nhất là vào buổi sáng, nên uống chung với nhiều nước để cơ thể đào thải tốt hơn.
- Nên bổ sung các loại rau xanh, trái cây để kích thích quá trình trao đổi chất và ngăn ngừa rối loạn chuyển hóa.
- Nếu có các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa đi kèm với gai cột sống, cần báo ngay cho bác sĩ để được cân nhắc về việc bổ sung canxi.
- Khi có các vấn đề bất thường phát sinh trong quá trình uống bổ sung canxi, cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý.
- Ngoài việc sử dụng viên uống, người bệnh nên bổ sung canxi cho cơ thể bằng cách tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn. Có thể kể đến như sữa, hạnh nhân, cá mòi, rau lá xanh đậm…
Việc uống canxi khi mắc bệnh gai cột sống chỉ là liệu pháp hỗ trợ, không có tác dụng thay thế cho các loại thuốc đặc trị. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung đúng cách, tránh các vấn đề không mong muốn phát sinh.