Tê vai trái là do bệnh gì gây nên? Điều trị như thế nào?

Tê vai trái là hệ quả do vận động quá mức hoặc ngủ sai tư thế. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý mãn tính như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm,… Để có hướng điều trị và khắc phục phù hợp, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này.

tê bả vai trái
Tê vai trái là do bệnh gì gây nên? Điều trị như thế nào?

Tê vai trái là dấu hiệu của những bệnh lý nào?

Tê vai trái là tình trạng bả vai bị tê bì và có thể đi kèm với các triệu chứng như cứng cơ và đau nhức. Mức độ tê bì vai phụ thuộc vào các nguyên nhân cụ thể.

Tình trạng này thường là hệ quả do vận động hoặc ngủ sai tư thế. Tuy nhiên tê bả vai trái cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Chính vì vậy khi triệu chứng phát sinh, bạn cần quan sát các biểu hiện lâm sàng để xác định nguyên nhân trước khi tiến hành khắc phục và điều trị.

Triệu chứng tê bả vai trái có thể dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe sau:

1. Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mãn tính, đặc trưng bởi triệu chứng tê bả vai và co cứng cơ. Bệnh lý này là hệ quả của quá trình lão hóa, phát sinh khi đốt sống suy yếu, gây đè nén lên nhau và làm xuất hiện cơn đau.

Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người cao tuổi. Tuy nhiên một số người trẻ cũng có thể mắc bệnh nếu lao động nặng nhọc hoặc duy trì tư thế sai lệch trong một thời gian dài.

tê bả vai trái
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh mãn tính thường gặp ở những người cao tuổi

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh mãn tính không thể chữa trị. Vì vậy bạn chỉ có thể tiến hành cải thiện triệu chứng của bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Nếu không tiến hành điều trị, tổn thương ở đốt sống có thể nặng nề hơn và tạo điều kiện cho gai xương phát triển.

2. Thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cổ cũng là bệnh lý phát sinh triệu chứng tê bả vai trái. Bệnh lý này hình thành do đĩa đệm bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng nhân nhầy tràn ra bên ngoài và chèn ép lên các cơ quan lân cận.

Lượng nhân nhầy bị thoát ra có thể đè nén lên dây thần kinh, gây ra tình trạng tê bì ở bả vai trái. Trong trường hợp nhân nhầy thoát ra nhiều, triệu chứng tê mỏi có thể xuất hiện cục bộ ở cả vùng vai và cánh tay.

tê bả vai trái
Thoát vị đĩa đệm có thể gây tê bì vai trái hoặc có thể gây tê cục bộ bả vai và cánh tay

Tương tự như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm là bệnh mãn tính không thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên bệnh có tiến triển chậm nên nếu nghiêm túc điều trị, cơn đau và các triệu chứng của bệnh sẽ được hạn chế ở mức tối đa.

Ngược lại, tình trạng chủ quan và không tiến hành khắc phục có thể khiến đĩa đệm bị tổn thương nghiêm trọng. Tạo điều kiện cho các biến chứng như rối loạn dây thần kinh, thiếu máu não,… xuất hiện, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

3. Dây thần kinh cổ – vai bị chèn ép

Triệu chứng tê bả vai có thể là hệ quả do dây thần kinh cổ và vai bị chèn ép. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuy nhiên phổ biến nhất là do vận động mạnh và ngủ sai tư thế.

Vận động mạnh thường xuyên khiến dây chằng và dây thần kinh bị kéo giãn. Tác động của hoạt động vật lý còn có thể kích thích mô mềm và sụn khớp sưng viêm, tạo điều kiện cho triệu chứng đau nhức và tê bì vai phát sinh.

Một nguyên nhân khác khiến dây thần kinh cổ bị chèn ép là do ngủ sai tư thế. Ngủ sai tư thế khiến trọng lượng cơ thể đè nén lên xương và dây thần kinh khiến cơ quan này bị đau nhức và tê mỏi. Thông thường, tê bả vai do ngủ sai tư thế còn đi kèm với triệu chứng mỏi cổ/ vai và cứng cơ.

Ngoài ra, dây thần kinh cổ – vai bị chèn ép còn do một số nguyên nhân như vận động sai tư thế hoặc duy trì một tư thế quá lâu.

4. Hội chứng đau mỏi vai gáy

Đau mỏi vai gáy là hội chứng thường gặp ở những người ít vận động và thường xuyên duy trì một tư thế như nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh,…

tê bả vai trái
Đau mỏi vai gáy đặc trưng bởi tình trạng tê vai và đau nhức ở vùng cổ – bả vai

Đau vai gáy hình thành do tổn thương cơ vai và dây thần kinh bị đè nén. Cơn đau có thể khu trú ở vùng vai và cổ, tuy nhiên với những trường hợp nặng, triệu chứng có thể lan rộng vùng lưng, bắp tay hoặc cả cánh tay.

Tê bì là triệu chứng đặc trưng nhất của hội chứng đau mỏi vai gáy. Bên cạnh đó, triệu chứng này thường đi kèm với tình trạng đau cổ, nhức mỏi vai, giảm khả năng vận động,…

5. Các bệnh lý khác

Ngoài các bệnh lý trên, tê bả vai còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng sức khỏe khác như u hố sau, u xương, viêm màng bao hoạt dịch, u nang hoạt dịch,…

Việc xác định bệnh thông qua các biểu hiện lâm sàng có khả năng gây nhầm lẫn cao. Vì vậy bạn cần đến bệnh viện, để bác sĩ tiến hành các thủ thuật chẩn đoán, nhằm xác định nguyên nhân chính xác gây ra triệu chứng tê mỏi bả vai.

Các phương pháp điều trị tê bả vai trái

Hầu hết các trường hợp tê vai trái đều được điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc, chăm sóc tại nhà và vật lý trị liệu.

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là biện pháp làm giảm cơn đau và triệu chứng tê vai trái phổ biến. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ của các triệu chứng để chỉ định loại thuốc phù hợp.

tê vai trái
Dùng thuốc có khả năng cải thiện tê bì và các triệu chứng đi kèm

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị tê vai trái, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau (Paracetamol, NSAIDs): Thuốc giảm đau là lựa chọn ưu tiên trong điều trị triệu chứng tê mỏi vai trái. Loại thuốc này có khả năng cải thiện cơn đau và giảm viêm. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, bệnh nhân viêm loét dạ dày tiến triển, suy gan, thiếu hụt men G6PD,…
  • Thuốc giãn cơ (thuốc chống co cứng và thuốc chống co thắt): Loại thuốc này được sử dụng khi tê vai trái do dây thần kinh bị chèn ép. Thuốc giãn cơ làm ức chế hiện tượng co cứng cơ bắp, từ đó cải thiện triệu chứng tê bì và đau nhức. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
  • Corticosteroid: Corticosteroid hiếm khi được sử dụng để làm giảm cơn đau và tê bì vì loại thuốc này có thể khiến tuyến thượng thận suy giảm chức năng, gây hư hại khớp và tăng đường huyết đột ngột. Trong trường hợp triệu chứng quá nặng nề và không đáp ứng với bất cứ loại thuốc uống nào, bác sĩ có thể đề nghị tiêm 1 – 2 liều corticosteroid để làm giảm triệu chứng.

Việc sử dụng thuốc có khả năng cải thiện tình trạng tê vai trái và các triệu chứng đi kèm.Tuy nhiên mỗi loại thuốc đều có nguy cơ gây ra các tác dụng ngoại ý, vì vậy bạn chỉ nên dùng khi có yêu cầu từ bác sĩ.

Hơn nữa, tình trạng lạm dụng thuốc có thể khiến cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cần phối hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để làm tần suất và mức độ của triệu chứng.

2. Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Chế độ chăm sóc tác động trực tiếp đến tổn thương ở đốt sống và bả vai. Chăm sóc đúng cách có thể giảm thiểu tần suất, mức độ của cơn đau và các triệu chứng đi kèm.

Ngược lại chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không hợp lý có thể kích thích phản ứng viêm, tăng áp lực lên dây thần kinh và khiến các triệu chứng chuyển biến nghiêm trọng hơn.

tê vai trái
Luyện tập thường xuyên là biện pháp giúp làm giảm cơn đau và tê bì vai do các bệnh xương khớp

Do đó bệnh nhân tê mỏi vai trái cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị.

  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi để giúp khớp và đốt sống thư giãn. Bên cạnh đó, phải hạn chế các hoạt động sinh hoạt và làm việc gây tăng áp lực lên vùng cổ và khớp vai.
  • Thực hiện chườm nóng/ lạnh, xoa bóp, bấm huyệt,… để cải thiện triệu chứng và hạn chế tình trạng sử dụng thuốc giảm đau.
  • Thường xuyên luyện tập nhằm tăng cường mức độ dẻo dai của cơ thể, giúp thư giãn cơ bắp, giải phóng chèn ép ở cổ và cải thiện hội chứng đau mỏi vai gáy.
  • Hạn chế thức khuya, sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn và hút thuốc lá. Tác động từ những thói quen này có thể khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, đồng thời khiến xương khớp mất tính ổn định và dễ xuất hiện triệu chứng tê mỏi, đau nhức.
  • Tránh những thực phẩm kích thích phản ứng viêm và đẩy nhanh quá trình thoái hóa xương như thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị và chế biến sẵn.
  • Bổ sung các thực phẩm giúp phục hồi mật độ xương như rau xanh, thịt trắng, các loại đậu, cá, trái cây,…

Hầu hết các trường hợp tê bì vai trái đều đáp ứng tốt với điều trị nội khoa và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên với những trường hợp chuyển biến nặng do phát hiện và điều trị muộn, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật thường đi kèm với các rủi ro nhất định, vì vậy phương pháp này chỉ được thực hiện trong những trường hợp bắt buộc.

Các phương pháp điều trị trong bài viết chỉ thích hợp với người bệnh bị tê vai trái do các vấn đề xương khớp gây ra. Nếu triệu chứng này bắt nguồn do các bệnh lý khác, bạn cần tìm gặp bác sĩ để được tư vấn về hướng điều trị cụ thể.