Đau vai gáy bên trái là bệnh gì? Các bệnh lý có thể liên quan

Đau vai gáy bên trái là tình trạng có thể dễ dàng xuất hiện do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố cơ học và vấn đề bệnh lý. Liệu đau vai gáy bên trái là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm hay không? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn thông qua nội dung được tổng hợp ở bài viết dưới đây.

đau vai gáy bên trái là bệnh gì
Đau vai gáy bên trái có thể là triệu chứng liên quan đến các bệnh lý mà bạn đang sống chung

Đau vai gáy bên trái là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Đau vai gáy là tình trạng phổ biến hiện nay có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Bao gồm cả những nguyên nhân cơ học như tư thế xấu, chấn thương, làm việc nặng, béo phì… Nhưng đôi khi, cơn đau kích hoạt do các bệnh lý gây ra, điển hình nhất là các bệnh cơ xương khớp.

Tình trạng đau vai gáy có thể khởi phát ở bên trái hoặc bên phải, đôi khi là trên diện rộng. Nếu những cơn đau xuất hiện ở bên trái có thể sẽ liên quan đến các bệnh lý sau đây:

1. Thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cổ có thể là hệ quả của việc các đốt sống cổ bị tổn thương, rạn nứt khiến cho phần nhân nhầy phía trong có cơ hội thoát ra bên ngoài. Chúng sẽ gây chèn ép lên đốt sống, rễ dây thần kinh và cả mạch máu.

Cái dây thần kinh ở vùng vai gáy bên trái cũng có thể sẽ bị chèn ép và gây ra đau nhức. Tình trạng đau nhức do bệnh lý bày gây ra thường xuất hiện trong thời gian dài. Khi vận động mạnh hay mang vác nặng, cường độ đau sẽ mạnh lên. Nếu không sớm kiểm soát, các vấn đề nghiêm trọng sẽ rất dễ xảy ra.

2. Thoái hóa đốt sống cổ

Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng các đốt sống ở vùng cổ gặp tổn thương, bị bào mòn hay rạn nứt. Thoái hóa đốt sống cổ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở người già. Bệnh thường đi kèm cùng với quá trình lão hóa của cơ thể theo tuổi tác.

Ở bệnh lý này, tình trạng đau vai gáy bên trái sẽ xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài. Khi có gai xương hình thành trên những đốt sống bị thoái hóa thì cơn đau sẽ trở nên nặng nề hơn và rất khó kiểm soát.

đau vai gáy bên trái
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến vùng vai gáy bên trái bị đau

Đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm cho bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Việc điều trị sẽ nhằm mục đích khắc phục triệu chứng, cải thiện vận động cũng như ngăn ngừa biến chứng.

3. Hội chứng cổ vai gáy

Đau mỏi cổ vai gáy là hội chứng rất phổ biến ở nhóm đối tượng ít vận động, thường duy trì một tư thế trong công việc và sinh hoạt. Điển hình nhất là nhân viên văn phòng, công nhân may, học sinh, sinh viên…

Tình trạng đau nhức có thể xuất hiện ở vùng vai gáy bên trái khi các cơ và dây thần kinh ở vùng này bị chèn ép. Ở những trường hợp bệnh nặng, triệu chứng đau nhức có thể còn kích hoạt trên diện rộng. Vùng lưng, bắp tay hay cả cánh tay… cũng có thể sẽ bị đau.

4. Đau thần kinh vai gáy

Bệnh lý này thường khởi phát khi hệ thống rễ dây thần kinh và mạch máu ở vùng vai gáy bị chèn ép quá mức. Với bệnh đau thần kinh vai gáy, bạn sẽ gặp các cơn đau kích hoạt một vách đột ngột.

Ngoài đau vùng vai gáy bên trái thì tình trạng đau nhức cũng có thể lan tỏa trên diện rộng. Đôi khi, cả hai cánh tay hay vùng lưng cũng có thể sẽ bị đau. Bên cạnh đó, các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt hay ù tai… cũng có thể đi kèm khi tuần hoàn máu não bị ảnh hưởng.

Đây là một trong những bệnh lý khá nguy hiểm cần sớm thăm khám và can thiệp. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây ra tình trạng thiếu máu não kèm theo các vấn đề nguy hiểm như đột quỵ hay xuất huyết não. Lúc này, nếu không phát hiện kịp thời, tính mạng của người bệnh cũng sẽ bị đe dọa.

5. Đau tim

Mặc dù là trường hợp không phổ biến nhưng tình trạng đau vai gáy bên trái cũng có thể liên quan đến những cơn đau tim. Một cơn đau tim sẽ xuất hiện khi cơ tim gặp tổn thương hay tạm ngưng hoạt động do thiếu oxy.

Phần đa các trường hợp đau tim thường xảy ra khi động mạch vành bị thu hẹp hay tích tụ mảng bám. Điều này ngăn cản tuần hoàn máu và kích hoạt tình trạng đau nhói ở tim.

đau vai gáy bên trái là dấu hiệu bệnh gì
Đau vai gáy bên trái cũng có thể liên quan đến một cơn đau tim

Thông thường, người bệnh sẽ thường cảm nhận rõ cơn đau thắt ở khu vực ngực. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, cơn đay có thể lan tỏa đến vùng dưới bả vai, lên cả gáy, lan ra cánh tay hay vùng lưng bên trái.

6. Các bệnh lý khác

Ngoài các bệnh lý trên thì tình trạng đau vai gáy phía bên trái có thể sẽ liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác. Phải kể đến là:

  • Viêm màng bao hoạt dịch
  • U hố sau, u xương
  • U nang hoạt dịch
  • Viêm quanh khớp vai trái
  • Bệnh phổi hoặc vấn đề về cơ hoành

Chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng thường sẽ không thể đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh. Khi bị đau vai gáy bên trái, tốt nhất bạn nên thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán xác định.

Khi nào nên thăm khám bác sĩ?

Tình trạng đau vai gáy bên trái nếu khởi phát ở dạng cấp tính thì có thể dễ dàng khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải cần đến sự chăm sóc y tế kịp thời.

Bạn nên chú ý thăm khám khi:

  • Tình trạng đau nhức không giảm kể cả khi đã đành thời gian nghỉ ngơi
  • Cơn đau xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh và khó kiểm soát
  • Khả năng vận động bị hạn chế, tình trạng co cứng cổ vai gáy xuất hiện thường xuyên
  • Các liệu pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả
  • Đau vai gáy bên trái kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở…

Cách khắc phục tình trạng đau vai gáy bên trái

Tùy thuộc vào mức độ đau nhức mà có thể lựa chọn các liệu pháp khác nhau để khắc phục. Đối với tình trạng đau vai gáy bên trái thì các phương pháp điều trị dưới đây sẽ có thể đáp ứng.

1. Các liệu pháp chăm sóc tại nhà

Chế độ chăm sóc tại nhà có tác động trực tiếp đến việc khắc phục những tổn thương ở khu vực vai gáy. Các cơn đau và triệu chứng đi kèm có thể giảm về cường độ cũng như tần suất xuất hiện khi bạn thực hiện chế độ chăm sóc đúng cách.

Sau đây là những chú ý:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi để đốt sống và cơ bắp được thư giãn. Hạn chế tối đa việc vận động mạnh để tránh gây áp lực lên vùng vai gáy đang bị tổn thương.
  • Có thể áp dụng các liệu pháp đơn giản như tác dụng nhiệt bằng chường nóng/lạnh, massage, bấm huyệt… để hỗ trợ đẩy lùi tình trạng đau nhức.
  • Hạn chế thức khuya, xây dựng thời gian biểu để cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.
  • Tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích. Đồng thời nên hạn chế các loại thức ăn có thể kích thích phản ứng viêm phát triển. Điển hình như thực phẩm chứa nhiều purin, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều gia vị…
  • Nên tăng cường các nhóm thực phẩm giàu canxi và vitamin D để thúc đẩy quá trình sản xuất tế bào xương.
  • Tập các bài vận động trị liệu cho vùng cổ vai gáy. Có thể tham khảo bác sĩ để xây dựng liệu trình luyện tập phù hợp.
khắc phục tình trạng đau vai gáy bên trái
Xoa bóp, bấm huyệt có thể giúp tình trạng đau nhức phần nào được xoa dịu

Chế độ chăm sóc tại nhà khoa học không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh. Đồng thời giúp vùng vai gáy đang tổn thương phục hồi dần chức năng vận động. Điều này giúp giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và cuộc sống.

2. Sử dụng thuốc Tây

Khi các liệu pháp chăm sóc tại nhà không thể đáp ứng được triệu chứng thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng một số loại thuốc Tây. Đau vai gáy bên trái thường là do các vấn đề xương khớp gây ra. Chính vì thế mà một số nhóm thuốc sau đây sẽ thường được sử dụng phổ biến:

  • Thuốc giảm đau thông thường hoặc nhóm thuốc NSAIDs: Đây là lựa chọn được ưu tiên trong việc khắc phục tình trạng đau vai gáy bên trái. Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng làm giảm sưng đau và giảm viêm. Tuy nhiên, những đối tượng như phụ nữ mang thai hay cho con bú, bệnh nhân suy gan, viêm loét dạ dày – tá tràng… cần thận trọng khi dùng. Paracetamol, Aspirin, Naproxen… là những thuốc được dùng phổ biến.
  • Thuốc giãn cơ: Đáp ứng tốt với trường hợp đau vai gáy bên trái do hệ thống rễ thần kinh bị chèn ép. Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng ức chế tình trạng co cứng cơ bắp. Từ đó có thể hạn chế sự chèn ép lên dây thần kinh và cải thiện triệu chứng đau nhức. Metaxalone, Orphenadrine, Dantrolene, Diazepam… là những thuốc thường được chỉ định.
  • Corticosteroid: Thường được dùng khi các thuốc giảm đau, kháng viêm và giãn cơ thông thường không đáp ứng triệu chứng. Corticosteroid có thể được chỉ định cả ở dạng uống hay dạng tiêm tùy thuộc vào từng trường hợp. Loại thuốc này có tác dụng nhanh nhưng lại tiềm ẩn tương đối nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Chính vì thế mà người bệnh cần hết sức thận trọng khi được bác sĩ chỉ định sử dụng.

Trường hợp tình trạng đau vai gáy bên trái bị kích hoạt do các bệnh về tim mạch hay bộ phận khác thì toa thuốc đặc trị sẽ được chỉ định. Chỉ khi các bệnh lý liên quan được kiểm soát thì tình trạng đau vai gáy bên trái mới giảm tần suất xuất hiện.

Tất cả các loại thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng đau vai gáy bên trái đều có thể phát sinh các tác dụng ngoại ý. Chính vì thế mà bạn cần chú ý thận trọng. Khi thuốc không đáp ứng triệu chứng hay phát sinh vấn đề bất thường, hãy chủ động tìm đến bác sĩ.

Đau vai gáy bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng cần sớm can thiệp. Khi tình trạng đau nhức kéo dài thường xuyên, hãy nhanh chóng tìm đến sự chăm sóc y tế. Tránh chủ quan để các bệnh lý liên quan diễn tiến xấu, khó kiểm soát.