Cách chữa bệnh gút bằng lá lốt – Hướng dẫn A-Z
Cách chữa bệnh gút bằng lá lốt là phương pháp điều trị có nguồn gốc từ dân gian. Phương pháp này tận dụng dược tính của lá lốt nhằm giảm cơn đau, hiện tượng viêm ở khớp và hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit uric máu.
Chữa bệnh gút bằng lá lốt – Hiệu quả không?
Bệnh gút (thống phong) là bệnh đau nhức và sưng khớp thường gặp ở nam giới từ 45 – 60 tuổi. Bệnh xảy ra khi hàm lượng axit uric máu tăng lên, gây tích tụ muối urat tại khớp và làm bùng phát cơn đau nhức.
Còn theo y học cổ truyền, bệnh thống phong thuộc chứng tý, khởi phát do phong, thấp và hàn, ảnh hưởng đến công nặng của Tỳ, Thận và Can. Từ đó khiến đàm trọc ách trở, khí huyết ứ trệ và sinh ra bệnh.
Do xem căn nguyên của bệnh gút là do phong, hàn và thấp nên dân gian thường tận dụng các loại thảo dược tự nhiên có tính ấm, tác dụng chỉ thống (giảm đau), tán hàn và hoạt huyết để kiểm soát bệnh. Trong đó phương pháp điều trị được áp dụng khá phổ biến là chữa bệnh gút bằng lá lốt.
Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm, tác dụng trừ phong hàn, làm ấm khớp, kiện gân cốt. Vì vậy dùng dược liệu này có thể giảm cơn đau nhức do bệnh gout gây ra. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng các hợp chất thực vật trong lá lốt có khả năng kích thích tiêu hóa, hạn chế tình trạng rối loạn chuyển hóa và hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit uric trong máu.
Tuy nhiên các nghiên cứu về lợi ích của lá lốt trong quá trình điều trị bệnh gout còn nhiều hạn chế. Vì vậy để tránh rủi ro khi áp dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Thực hiện 3 cách chữa bệnh gút bằng lá lốt ngay tại nhà
1. Bài thuốc uống từ lá lốt
Bài thuốc uống từ lá lốt có tác dụng điều hòa nồng độ axit uric trong máu, kiểm soát hiện tượng sưng viêm ở khớp và ngăn ngừa cơn đau bùng phát.
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 5 – 10g lá lốt phơi khô hoặc dùng 15 – 30g lá lốt tươi.
- Thực hiện: Đem sắc với 2 chén nước, còn lại ½ chén và uống sau khi dùng bữa tối. Thực hiện bài thuốc liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: Cỏ xước tươi, rễ bưởi bung, lá lốt và vòi voi mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu cắt nhỏ, sau đó sao vàng rồi sắc với 3 chén nước còn lại 1 chén. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày, thực hiện bài thuốc liên tục trong 1 tuần.
2. Bài thuốc ngâm
Các bài thuốc uống từ lá lốt cần thực hiện trong thời gian dài mới phát huy tác dụng. Do đó để giảm nhanh cơn đau và các triệu chứng do bệnh gout gây ra, bạn có thể phối hợp với bài thuốc ngâm.
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 30g lá lốt tươi và 1 ít muối.
- Thực hiện: Đem nấu với 1.5 – 2 lít nước, sau đó đổ ra thau và để nguội. Thêm muối vào và ngâm chân/ tay trong 10 phút. Áp dụng liên tục trong 7 – 10 ngày có thể giảm nhanh.
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: 15g lá lốt và 15g lá trầu không.
- Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch và nấu với 1.5 – 2 lít nước. Đổ nước ra thau cho nguội bớt và dùng nước ngâm chân.
3. Món ăn từ lá lốt hỗ trợ điều trị gút
Bên cạnh việc thực hiện các bài thuốc ngâm và uống từ lá lốt, bạn nên bổ sung một số món ăn để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ kiểm soát bệnh gút.
Khi chế biến món ăn, nên phối hợp lá lốt với các loại thực phẩm chứa hàm lượng purin thấp như cá, thịt trắng, cà, rau xanh, trái cây,… Bên cạnh đó, nên hạn chế dầu mỡ và gia vị trong chế độ dinh dưỡng.
Các chuyên gia cho biết, ăn quá nhiều gia vị có thể gây áp lực lên thận và giảm lượng axit uric được đào thải. Từ đó làm tăng hàm lượng axit uric tích trữ trong máu và kích thích các triệu chứng của bệnh gout bùng phát mạnh hơn.
Dùng lá lốt chữa bệnh gút cần lưu ý điều gì?
Lá lốt là thảo dược thiên nhiên nên có độ an toàn cao và ít gây tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên nếu áp dụng cho không đúng cách, bạn có thể gặp phải một số tình huống rủi ro.
Để đảm bảo an toàn khi dùng lá lốt chữa bệnh gút, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Lá lốt có tính nóng nên không phù hợp với người đang bị nhiệt miệng, táo bón và đau dạ dày.
- Áp dụng bài thuốc từ lá lốt có thể gây mất sữa ở phụ nữ sau khi sinh. Vì vậy bạn nên cân nhắc trước khi áp dụng bài thuốc từ thảo dược này.
- Chỉ nên ăn khoảng 100g lá lốt tươi/ ngày. Bổ sung quá nhiều lá lốt có thể gây nóng trong người, táo bón và nổi nhiệt miệng.
- Hiệu quả của bài thuốc chữa bệnh gút bằng lá lốt còn phụ thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh lý của từng người.
- Cần phối hợp các cách chữa từ dân gian với việc sử dụng thuốc đặc hiệu (thuốc tăng đào thải axit uric, thuốc kiềm hóa nước tiểu,…).
- Bệnh gút chịu tác động từ nhiều yếu tố, do đó bạn nên phối hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học và thói quen sinh hoạt điều độ.
- Ngưng áp dụng cách chữa bệnh gút bằng lá lốt nếu có dấu hiệu dị ứng (phát ban da, sưng miệng, nổi mề đay).
- Trong trường hợp đã xuất hiện hạt tophi, bạn nên thăm khám và áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu.
- Cách chữa bệnh gút bằng lá lốt chỉ có tác dụng hỗ trợ. Cách chữa này không thay thế cho thuốc điều trị và các thủ thuật ngoại khoa chuyên sâu.
Chữa bệnh gút bằng lá lốt có thể hỗ trợ làm giảm cơn đau và làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên hiệu quả của các chữa này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng.