Nhiễm trùng hạt Tophi – Cách xử lý và điều trị
Nhiễm trùng hạt Tophi là một biến chứng dễ gặp của bệnh Gout mạn tính không được kiểm soát tốt. Nếu không can thiệp kịp thời, các vấn đề nguy hiểm sẽ nhanh chóng phát sinh.
Tìm hiểu về tình trạng nhiễm trùng hạt Tophi
Hạt Tophi thường sẽ xuất hiện khi bệnh Gout bước sang giai đoạn cuối. Lúc này, hàm lượng acid uric trong cơ thể ở mức rất cao, tinh thể muối urat lắng đọng ngày càng nhiều tại khớp. Qua thời gian, tình trạng lắng đọng này sẽ tạo ra các khối u cục nổi trên bề mặt da, đây là các hạt Tophi.
Nhiễm trùng hạt Tophi đặc trưng bởi tình trạng các hạt Tophi vỡ ra và chảy máu với tổn thương ngoài da khó liền. Lúc này, nếu vệ sinh không đúng cách sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm.
Ban đầu chỉ là tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ. Tuy nhiên nếu không kịp thời can thiệp thì có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp hay nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.
Mầm vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng hạt Tophi thường là:
- Tụ cầu vàng – staphylococcus aureus chiếm khoảng 75%
- E.coli chiếm khoảng 12,5%
- Klebsiella pneumonia chiếm khoảng 12,5%
Trong trường hợp này, bạn sẽ dễ dàng quan sát được một số triệu chứng đặc trưng. Điển hình nhất là có dịch mủ mà trắng đục hay vàng đục chảy ra, có thể có mùi hoặc không. Ngoài ra bạn còn có thể gặp các dấu hiệu toàn thân khác như sốt, môi bong tróc, hơi thở có mùi…
Nhiễm trùng hạt Tophi có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng hạt Tophi được đánh giá là một trong những biến chứng rất nghiêm trọng. Bởi nếu không xử lý đúng cách thì các vấn đề nguy hiểm sẽ dễ dàng phát sinh.
Điển hình nhất là tình trạng nhiễm trùng khớp xương hay nhiễm trùng máu. Người bệnh đứng trước nguy cơ bị hoạt tử, phải loại bỏ khớp. Nhiều trường hợp, chức năng vận động còn bị lấy đi vĩnh viễn.
Trường hợp phát sinh biến chứng nhiễm trùng máu sẽ rất nguy hiểm. Nếu không xử lý kịp thời có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Điều trị nhiễm trùng hạt Tophi như thế nào?
Trước khi đưa ra biện pháp điều trị thích hợp cần phải xác định cụ thể loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như nhuộm gram, cấy máu hay cấy dịch từ hạt Tophi.
Sau đây là các hướng điều trị với tình trạng nhiễm trùng hạt Tophi:
1. Điều trị tại chỗ
Khi hạt Tophi có dấu hiệu vỡ ra thì người bệnh cần phải xử lý đúng cách. Chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng khớp bị nhiễm trùng hạt Tophi. Có thể sử dụng nước muối sinh lý hay dung dịch Betadin pha loãng.
Sau đó dùng băng thấm dung dịch natri clorua 10% nhằm bảo vệ vùng da bị nhiễm trùng. Cần thay băng theo hướng dẫn từ bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng phát triển.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số cách điều trị tại chỗ khác. Hãy nghiêm túc thực hiện để nhanh chóng kiểm soát nhiễm trùng.
2. Sử dụng thuốc kháng sinh
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh khác nhau để đáp ứng tình hình.
Trường hợp chưa có kết quả cấy vi khuẩn:
Lúc này, chưa tìm ra được vi khuẩn nào là tác nhân gây nhiễm trùng. Bác sĩ thường sẽ chọn nhóm kháng sinh nhạy cảm với cả liên cầu và tụ cầu vàng.
Các thuốc được chọn có thể là:
- Ceftriaxon
- Cefotaxim
- Gentamycin
- Amikacin
Việc lựa chọn kháng sinh trong trường hợp chưa có kết quả cấy vi khuẩn thường dựa vào lứa tuổi, mức độ kháng thuốc phổ biến ở phần đa người bệnh và kinh nghiệm từ bác sĩ cùng nhiều yếu tố khác.
Cấy máu và dịch vỡ hạt Tophi cho kết quả dương tính:
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo kháng sinh đồ. Đôi khi người bệnh có thể được duy trì liều dùng kháng sinh như lúc đầu nếu mang lại kết quả tốt.
Trường hợp nhiễm khuẩn tụ vàng:
- Oxacillin
- Clindamycin
- Vancomycin
Trường hợp nhiễm khuẩn do S. pneumoniae và H. influenzae kháng Penicillin:
- Ceftriaxon
- Cefotaxim
Trường hợp nhiễm trực khuẩn mủ xanh:
- Mezlocillin
- Ceftazidim
- Ciprofloxacin
- Một số thuốc thuộc nhóm Penicillin phổ rộng
Trường hợp nhiễm vi khuẩn gram âm đường ruột:
- Levofloxacin
- Kháng sinh thế hệ 2 hay 3
Tất cả các loại kháng sinh sử dụng trong điều trị nhiễm trùng hạt Tophi cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không thay đổi kế hoạch, liều lượng cũng như tần suất dùng thuốc.
3. Can thiệp ngoại khoa
Trường hợp kháng sinh không đáp ứng được do hạt Tophi quá lớn hoặc vùng nhiễm trùng quá rộng thì bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp phẫu thuật. Mục đích của việc phẫu thuật là để loại bỏ hạt Tophi hoặc xương sụn khi cơ quan này xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng kèm theo.
Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng hạt Tophi
Để ngăn ngừa nguy cơ gặp tình trạng nhiễm trùng hạt Tophi, người bệnh cần chú ý:
- Kiểm soát tốt bệnh Gout theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Kết hợp khoa học với chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt. Tránh để bệnh Gout chuyển biến sang giai đoạn mạn tính.
- Khi hạt Tophi xuất hiện cần ngăn ngừa nguy cơ vỡ loét bằng cách hạn chế cọ xát. Trường hợp cần thiết có thể cắt hạt Tophi để dự phòng vỡ loét ở những vị trí dễ cọ xát.
- Nếu có thực hiện các thủ thuật phẫu thuật gần kề vị trí hạt Tophi cần vô trùng tuyệt đối. Bên cạnh đó cần chú ý điều trị nhiễm khuẩn nếu có ở các cơ quan khác, nhất là ở da, phần mềm hay xương.
Nhiễm trùng hạt Tophi là tình trạng rất nguy hiểm. Người bệnh cần đặc biệt nghiêm túc điều trị để ngăn ngừa biến chứng hoại tử, đôi khi còn phải cắt bỏ chi.