Các loại thuốc tây chữa bệnh gút và lưu ý khi dùng

Sử dụng thuốc tây chữa bệnh gút là phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng cho hầu hết bệnh nhân. Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích giảm axit uric trong máu, chống sưng đau khớp và dự phòng tái phát bệnh. Dưới đây là các thuốc điều trị bệnh gút thường được bác sĩ kê đơn và những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc.

Các loại thuốc tây chữa bệnh gút

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh gút đang ngày càng gia tăng đến mức báo động. Căn bệnh này xảy ra do ảnh hưởng của quá trình rối loạn chuyển hóa purin khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao quá mức. Theo thời gian, lượng axit uric dư thừa sẽ tích tụ lại thành các tinh thể muối urat sắc nhọn gây tổn thương, sưng đau khớp – triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân bị gút.

Các loại thuốc tây được sử dụng trong điều trị bệnh gút bao gồm những thuốc có khả năng làm giảm axit uric trong máu, đồng thời cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Phổ biến nhất là các thuốc sau:

1. Thuốc Allopurinol (Zyloric)

Allopurinol nằm trong nhóm các loại thuốc ức chế tổng hợp axit uric, qua đó làm giảm nồng độ axit uric dư thừa trong máu. Loại thuốc này được chỉ định rộng rãi trong điều trị và dự phòng bệnh gút. 

Thuốc được bào chế từ thành phần chính là allopurinol. Chất này khi được hấp thu sẽ phát huy tác dụng bằng cách làm giảm quá trình lắng đọng của axit uric tại khớp và thận. Điều này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của phản ứng viêm tại khớp – một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh gút.

thuốc tây chữa bệnh gút
Allopurinol là loại thuốc tây chữa bệnh gút thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Allopurinol nhằm mục đích làm giảm nồng độ axit uric trong máu cho những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư bằng hóa trị.

Thuốc Allopurinol có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng như buồn nôn hoặc nôn ói, ngứa da, nổi mề đay, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, buồn ngủ. Nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trong làm ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết ngay.

Liều lượng sử dụng:

  • Liều điều trị khởi đầu: Uống 100mg/lần/ngày
  • Liều dùng duy trì: Mỗi lần uống 200-300 mg/lần/ngày. Trường hợp bị gút tophaceous  ở mức độ trung bình đến nặng dùng liều 400-600 mg/ngày chia làm nhiều lần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Thuốc Colchicin điều trị bệnh gút

Thuốc Colchicin được sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân trong các đợt gút cấp và mãn tính. Đây cũng là loại thuốc tây thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định để dự phòng tái phát gút cho người bệnh.

Colchicin có nguồn gốc từ thực vật. Thành phần dược chất có trong thuốc giúp ức chế chế quá trình ứng hóa và di chuyển của các tế bào bạch cầu trung tính có trong ở viêm, từ đó làm giảm tinh trạng sưng viêm, phù nề tại khớp do tác hại của tinh thể urat, giúp bệnh nhân bớt đau nhức, khó chịu.

Loại thuốc tây chữa bệnh gút này có thể gây độc tính, làm hủy hoại xương tủy hoặc thậm chí là gây tử vong nếu không được sử dụng đúng cách. Một số trường hợp cũng gặp phải các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc Colchicin như tiêu chảy, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, thận… Chính vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa qua thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, chú ý tuân thủ đúng về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc được hướng dẫn trong đơn.

Liều lượng sử dụng:

– Điều trị bệnh gút cấp và mãn tính:

  • Ngày đầu uống 3 lần, mỗi lần 1mg. Liều dùng tối đa không quá 4mg/ngày.
  • Ngày thứ 2 trở đi: Mỗi lần uống 1mg x 2 lần/ngày

– Dự phòng tái phát bệnh:

Mỗi lần uống 0,5-2 mg x 1 – 2 lần/ngày. Mỗi đợt điều trị dự phòng với thuốc Colchicin thường kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Người cao tuổi, bệnh nhân có vấn đề về thận thường được chỉ định liều dùng thấp hơn.

3. Thuốc corticoid chữa bệnh gút

Khi các loại thuốc khác không đạt được hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các thuốc chứa Corticoid toàn thân. Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp giảm hiện tượng sưng đau, nóng đỏ tại khớp nhanh chóng. 

các loại thuốc tây chữa bệnh gút
Bệnh nhân bị gút nặng có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc Corticoid theo đường tiêm

Để điều trị bệnh gút, thuốc Corticoid được tiêm trực tiếp vào trong khớp bị tổn thương. Sử dụng thuốc theo đường tiêm cho tác dụng nhanh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng khớp. Vì vậy, chỉ có những bác sĩ chuyên khoa xương khớp giàu kinh nghiệm chuyên môn mới có thể đảm nhận tiêm thuốc cho người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh lạm dụng thuốc Corticoid quá mức bởi thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Teo da, đau kéo dài tại vị trí tiêm
  • Yếu gân cơ
  • Suy giảm sức đề kháng
  • Đục thủy tinh thể
  • Loãng xương
  • Tăng huyết áp…

4. Thuốc Febuxostat (Uloric)

Nhắc đến các loại thuốc tây chữa bệnh gút chúng ta phải kể đến thuốc Febuxostat. Loại thuốc này có tác dụng ức chế tổng hợp axit uric nên được chỉ định cho các trường hợp bị bệnh gút mãn tính. 

Thận trọng khi chỉ định thuốc Febuxostat chữa bệnh gút cho các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ. Loại thuốc này chỉ được sử dụng cho người trưởng thành, trẻ dưới 18 tuổi không nên sử dụng.

Trong quá trình điều trị với thuốc, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các cơn gút cấp trong giai đoạn mới dùng thuốc. Ngoài ra, loại thuốc tây chữa bệnh gút này còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, buồn nôn, thay đổi vị giác, đau bụng, rối loạn chức năng gan, chóng mặt…

Liều lượng sử dụng:

  • Liều khởi đầu: Mỗi ngày uống 40 mg
  • Sau 2 – 4 tuần điều trị, nồng độ axit uric trong máu chưa hạ đến mức mong muốn thì tăng liều từ từ lên 80 mg/ngày nhưng liều dùng tối đa không nên vượt quá 120mg/ngày.

5. Thuốc Lesinurad 

Thuốc Lesinurad có khả năng ức chế vận chuyển axit uric 1. Thuốc được bào chế theo đường uống và thường được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp mắc bệnh gút có liên quan đến tình trạng tăng axit uric trong máu. 

Khi được cơ thể hấp thu, thành phần trong thuốc sẽ phát huy tác dụng làm giảm axit uric trong huyết thanh thông qua quá trình ức chế enzym URAT1. Thuốc Lesinurad thường được kê đơn cùng với một loại thuốc chứa chất ức chế xanthine oxyase để điều trị bệnh gút hiệu quả hơn.

Thuốc tây chữa bệnh gút Lesinurad có thể tương tác với một số loại tân dược khác khi sử dụng cùng lúc. Vì vậy, trong quá trình thăm khám, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc mình đang sử dụng để được kê đơn thuốc phù hợp.

6. Thuốc chữa bệnh gút Pegloticase

Pegloticase là loại thuốc mới được sử dụng trong điều trị bệnh gút. Loại thuốc này đã được hiệp hội FDA của Mỹ phê chuẩn sử dụng cho đối tượng lớn tuổi mắc bệnh gút mà không đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác.

Thuốc có khả năng chuyển hóa acid uric thành một chất vô hại và bài tiết chất này qua đường tiết niệu, nhờ đó làm giảm lượng axit uric trong máu. Những bệnh nhân bị gút ở mức độ nặng hoặc gút mãn tính có thể được bác sĩ chỉ định loại thuốc này. 

thuốc tây trị bệnh gút
Pegloticase là loại thuốc mới được phê chuẩn để điều trị cho bệnh nhân bị gút

Thuốc được chỉ định theo đường tiêm. khi sử dụng, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như bầm tím ở nơi tiêm thuốc, buồn nôn hoặc nôn ói, ngứa mũi, khó đi cầu, sốc phản vệ do dị ứng…

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm thuốc Pegloticase trên 222 bệnh nhận bị gút trong khoảng 2 tuần cho thấy thuốc có hiệu quả tốt với các trường hợp bị gút nặng. Loại thuốc này được phép sử dụng để thay thế cho các thuốc Colchicin, Allopurinol khi chúng không mang lại hiệu quả.

Lưu ý khi dùng thuốc tây chữa bệnh gút

– Các loại thuốc tây chữa bệnh gút đều tiềm ẩn một số rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân không được tự tiện mua thuốc về điều trị hoặc sử dụng lại đơn thuốc của người mắc gút có triệu chứng tương tự.

– Mỗi loại thuốc sẽ có liều dùng và quy định khác nhau về thời gian sử dụng. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và đối tượng sử dụng. Để được kê toa thuốc phù hợp, người bệnh nên tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết ngay khi có dấu hiệu bị gút.

– Bệnh gút có tính chất mãn tính nên rất khó điều trị khỏi. Bệnh nhân cần kiên trì uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên để theo dõi được tiến triển của bệnh. Điều quan trọng là phải kiểm soát được nồng độ axit trong máu, không để chất này tiếp tục tăng cao quá mức cho phép thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ tái phát các đợt gút cấp trong tương lai. Để làm được điều này, người bệnh cần lưu ý:

  • Uống nhiều nước hơn mỗi ngày. Chất lỏng sẽ làm gia tăng lượng nước tiểu, giúp hỗ trợ thận đào thải axit uric dư thừa ra ngoài theo đường tiết niệu. Ngoài nước lọc, bệnh nhân có thể uống các loại nước khác như nước lá tía tô, nước dừa, nước ép lê…
  • Kiêng uống bia, rượu. Sử dụng các thức uống này thường xuyên sẽ làm tăng axit uric trong máu và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gút ở nam giới.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purin có thể làm tăng axit uric trong máu như cá ngừ, thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt thú rừng, tôm hùm, cua…
  • Sử dụng các thực phẩm chứa ít purin và có khả năng tiêu viêm, giảm đau, làm hạ axit uric tự nhiên như sữa tách béo, khoai tây, bánh mì, giấm táo, dầu ô liu, hạt cần tây, các thực phẩm giàu chất xơ.
  • Tránh tự ý sử dụng thuốc tây bừa bãi, đặc biệt là các thuốc làm tăng axit uric máu như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc lợi tiểu, Aspirin.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống hợp lý. Điều này sẽ giúp bệnh nhân bị gút giảm thiểu được gánh nặng cho khớp và hạn chế nguy cơ bị phá hủy, biến dạng khớp.