9 cách giảm đau thoát vị đĩa đệm giúp người bệnh thoải mái hơn
Bài viết này gợi ý một số cách giảm đau thoát vị đĩa đệm ngay tại nhà để cắt giảm nhanh các cơn đau. Bạn đọc và người bệnh quan tâm có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết ở bên dưới.
Tổng quan về thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một đĩa đệm ở cột sống bị vỡ ra lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Bệnh có thể kích thích dây thần kinh ở xung quanh khu vực đó dẫn đến đau, tê hoặc yếu ở cánh tay và chân. Tuy nhiên, một số đối tượng có thể không nhận thấy dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm.
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Bác sĩ thường khuyên người bệnh nên điều trị nội khoa hoặc vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm trước khi tiến hành xem xét phẫu thuật.
9 cách giảm đau thoát vị đĩa đệm
Một số lựa chọn có thể hỗ trợ cắt giảm các cơn đau do thoát vị đĩa đệm bao gồm:
1. Đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu
Trong hầu hết các trường hợp, vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm có thể làm giảm các cơn đau và giúp cơ, xương khớp linh hoạt, dẻo dai hơn. Vật lý trị liệu cũng giúp phòng ngừa các cơn đau lưng và cổ trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Bác sĩ điều trị có thể phối hợp với nhà vật lý trị liệu tạo ra một phác đồ điều trị phù hợp để rút ngắn thời gian phục hồi của người bệnh.
Trước khi thực hiện giảm đau thoát vị đĩa đệm người bệnh cũng nên chú ý các triệu chứng của cơ thể và thực hiện các bài tập theo đúng chỉ định. Đôi khi một số động tác có thể làm cho các cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Tránh các bài tập nặng như cử tạ, chạy hoặc nhảy cao.
2. Tập thể dục
Người cao tuổi thường có xu hướng ít vận động nên dễ mắc các bệnh về xương khớp, chấn thương và viêm. Ngồi lâu hoặc giữ một tư thế trong thời gian dài có thể làm cho đĩa đệm phồng lên và làm các cơn đau trở nên tồi tệ. Ngoài ra, không hoạt động thể chất cũng làm cho cơ bắp yếu và tạo nhiều áp lực lên cột sống, đặc biệt là khi bạn thừa cân.
Nếu các cơn đau thoát vị đĩa đệm không quá nghiêm trọng và người bệnh vẫn có thể di chuyển thì hãy cố gắng đi bộ hàng ngày hoặc luyện tập các môn thể dục thể thao mà bạn yêu thích. Điều này có thể giúp năng ngừa các cơn đau thắt lưng, duy trì sự linh hoạt, tăng cường sức mạnh và bảo vệ lưng của người bệnh.
Các bài tập sức mạnh ở lưng dưới như bơi lội, khiêu vũ, đạp xe,… đều là những lựa chọn tốt để giảm đau thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, để tăng tính linh hoạt, giảm cứng khớp, viêm và đau thì người bệnh cần kiên trì và thực hiện các động tác trong một thời gian nhất định.
3. Sử dụng thuốc giảm đau không theo toa
Nếu các cơn đau thoát vị đĩa đệm ở mức độ vừa phải và không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh thì thuốc giảm đau không kê đơn có thể là một lựa chọn tốt. Một số loại thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm không kê đơn phổ biến bao gồm:
- Ibuprofen
- Acetaminophen
- Naproxen
Tuy nhiên, đây là các loại thuốc giảm đau tạm thời. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Người bệnh cũng có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hàng ngày để thuốc phát huy công dụng tối đa.
4. Nghỉ ngơi đầy đủ
Làm việc quá sức có thể chính là nguyên nhân khiến các cơ, xương và khớp của bạn bị quá tải dẫn đến viêm, đau và thoát vị đĩa đệm. Do đó hãy đảm bảo là bạn có một giấc ngủ ngon (7 – 9 giờ mỗi đêm) và luôn cho cơ thể có thời gian thả lỏng, nghỉ ngơi khi làm việc, luyện tập.
Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát các hormone căng thẳng và kiểm soát trọng lượng cơ thể để hạn chế các nguy cơ chấn thương.
5. Chườm nóng
Biện pháp này thích hợp để giảm đau trong giai đoạn đầu của bệnh. Người bệnh có thể chườm túi nước nóng lên các vị trí bị đau, cơn đau sẽ nhanh chóng được cải thiện. Bạn cũng có thể kết hợp massage nhẹ nhàng để tăng hiệu quả giảm đau.
Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, có thể đắp một số loại thảo dược lành tính (như ngải cứu) để tăng hiệu quả giảm đau. Ngải cứu rửa sạch rang nóng cùng với muối trắng rồi chườm hỗn hợp này lên vùng lưng đau. Thực hiện liên tục trong một thời gian cho đến khi các cơn đau dứt hẳn.
6. Ngồi thiền
Thiền có thể giảm đau tức thì nhờ vào việc ổn định hơi thở. Đối với một số trường hợp, ngồi thiền có thể tịnh tâm và hạn chế việc phụ thuộc vào các loại thuốc giảm đau. Khi ngồi thiền, người bệnh cần giữ thẳng lưng, hít thở sâu, đầu óc thư giãn nhất có thể để tăng hiệu quả cắt giảm các cơn đau.
7. Điều chỉnh tư thế
Điều quan trọng nhất khi giảm đau thoát vị đĩa đệm là làm giảm các áp lực lên đĩa đệm. Do đó, người bệnh nên chú ý các tư thế khi đi, đứng, ngồi hoặc làm việc. Không nên đi giày cao gót, đứng hoặc ngồi trong thời gian quá lâu. Cố gắng giữ cho lưng luôn thẳng khi mang vác vật nặng.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm không nên dành nhiều giờ mỗi ngày để ngồi làm việc. Tuy nhiên, nếu tính chất công việc của bạn yêu cầu điều đó thì hãy ngồi theo đúng tư thế. Nghỉ giải lao sau mỗi 20 – 30 phút để căng cơ hoặc đứng dậy di chuyển xung quanh văn phòng.
Thường xuyên thực hiện các động tác căng lưng dưới, chân, vai hoặc cổ của bạn để ngăn ngừa các cơn đau trong tương lai.
8. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn uống hợp lý có thể là cách giảm đau thoát vị đĩa đệm hiệu quả. Sử dụng các loại thực phẩm chống viêm để tăng khả năng hồi phục sau chấn thương cột sống và hỗ trợ điều trị các triệu chứng.
Một số loại thực phẩm chống viêm tốt cho người thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Rau có màu xanh đậm.
- Chất béo lành mạnh bao gồm: Dầu oliu nguyên chất, dầu dừa, protein sạch và thịt nạc.
- Thịt của động vật ăn cỏ bao gồm bò hoặc cừu được nuôi bằng cỏ chứ không phải thức ăn công nghiệp.
- Cá đánh bắt tự nhiên.
- Thực phẩm có chứ men vi sinh.
Các loại thức ăn mà người thoát vị đĩa đệm nên tránh bao gồm:
- Đường hoặc thực phẩm chứa nhiều đường.
- Thức ăn, thịt, cá chế biến sẵn.
- Sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
- Rượu, bia và thức uống chứa nhiều cồn hoặc chất kích thích.
Ngoài ra, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh hút thuốc, hạn chế căng thẳng và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
9. Châm cứu – bấm huyệt
Phương pháp giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng cách châm cứu, bấm huyệt với tinh dầu thiên nhiên có thể giảm đau lưng, cổ và cả tay chân. Châm cứu, bấm huyệt là một biện pháp điều trị của y học cổ truyền. Liệu pháp được thực hiện bằng cách tác động một lực vừa phải lên các huyệt vị cụ thể trên cơ thể để đạt mục đích điều trị.
Ngoài ra, sử dụng túi sưởi để chườm lên vùng bị đau hoặc massage cũng mang lại hiệu quả làm dịu các cơn co thắt và giảm viêm. Tuy nhiên các biện pháp này cần được thực hiện đúng thời điểm để đạt hiệu quả tối đa và đảm bảo tính an toàn. Bạn cũng có thể chà xát một ít tinh dầu bạc hà lên cơ bắp để giảm viêm và làm giảm dấu hiệu cứng khớp.
Có rất nhiều cách giảm đau thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, với trường hợp các dấu hiệu kéo dài và gây nhiều biến chứng thì người bệnh có thể cần phẫu thuật để điều trị. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà.