5 bài thuốc ngâm chân trị phong thấp hiệu quả tại nhà
Ngâm chân bằng nước ấm đều đặn mỗi ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe đáng kể mà giúp hỗ trợ điều trị bệnh khá tốt. Các bài thuốc ngâm chân trị phong thấp có thể áp dụng ngay tại nhà như hoa cúc, vỏ bưởi, gừng,… vừa giúp làm giảm đau, nhức mỏi xương khớp mà lại tiết kiệm được khoản chi phí nhờ nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm.
Bật mí 5 bài thuốc ngâm chân trị phong thấp hiệu quả tại nhà
Người xưa thường có câu “Giàu có thì uống thuốc bổ còn nghèo khó thì ngâm chân”. Câu nói này có nghĩa là ngâm chân đúng cách và đúng thời điểm không khác gì thuốc bổ. Điều này hoàn toàn đúng, bởi trên thực tế, ngâm chân chính là cách đơn giản nhất và cũng là biện pháp hiệu quả nhất giúp thông kinh lạc, kích thích huyệt vị và lưu thông máu, giúp toàn bộ tinh thần và cơ thể thư giãn.
Và đây là giải pháp điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh xương khớp, trong đó có bệnh phong thấp hữu hiệu nhất được nhiều chuyên gia Đông y khuyên bệnh nhân nên thực hiện. Không chỉ vì các nguyên liệu dùng để ngâm chận chữa bệnh rẻ tiền, dễ kiếm mà chúng còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe.
Dưới đây là 5 bài thuốc ngâm chân trị phong thấp theo kinh nghiệm dân gian, người bệnh có thể tham khảo và áp dụng.
1. Vỏ bưởi
Theo các nhà khoa học, vỏ bưởi có chứa nhiều tinh dầu, vitamin C và A. Chính vì vậy, khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên này nấu nước ngâm chân không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể mà còn giúp làm đẹp da. Chưa kể, bài thuốc này còn có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp tinh thần thư thái và giảm đau nhức ở xương khớp.
+ Cách thực hiện:
- Dùng vỏ của 1 – 2 quả bưởi đã phơi khô rồi đem nướng trên bếp lửa khoảng 4 phút
- Sau đó để nguội và thái vỏ quả bưởi thành từng miếng nhỏ rồi cho vào miếng vải bọc sạch
- Tiếp đến cho bọc vải này ngâm trong nước nóng khoảng 10 phút để các tinh chất trong vỏ bưởi hòa tan trong nước
- Sử dụng nước này ngâm chân
Với cách làm này, bệnh nhân chỉ cần thực hiện đều đặn mỗi tối trước khi đi ngủ, tình trạng đau nhức do phong thấp gây ra sẽ được cải thiện đáng kể.
2. Gừng
Với đặc tính khử phong và khử hàn tốt, gừng thường được giới Y học cổ truyền sử dụng như vị thuốc giúp điều trị bệnh phong thấp khá tốt. Người bệnh chỉ cần sử dụng vài lát gừng tươi ngâm trong nước ấm có thể giúp giảm đau và tạo sự thoải mái cho tinh thần và cơ thể.
+ Cách làm:
- Sử dụng một củ gừng tươi, không bỏ vỏ đem rửa sạch, đập dập hoặc thái lát mỏng
- Sau đó cho vào ấm, thêm 1 lít nước và đun sôi
- Sau khi nước sôi, tắt bếp và thêm 25 gram muối hạt, khuấy tan đều
- Cuối cùng chờ nước nguội đến nhiệt độ phù hợp và tiến hành ngâm chân
Với bài thuốc ngâm chận trị phong thấp bằng gừng này, nếu người bệnh duy trì 2 – 3 lần mỗi tuần sẽ giúp giảm đau nhức, đồng thời tạo cảm giác thoải mái và thúc đẩy bệnh bình phục nhanh.
3. Hoa cúc
Trong các bài thuốc ngâm chân trị phong thấp, hoa cúc là một trong những loại thảo dược được các thầy thuốc Đông y đặc biệt ưa chuộng. Lý do là vì chúng chứa nhiều hoạt chất hóa học có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là hệ xương khớp.
Không những thế, hoa cúc còn có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm. Quan trọng hơn hơn chúng còn chứa nhiều hoạt chất tốt cho hệ thần kinh, giúp tinh thần thư giãn, giảm đau và hỗ trợ điều trị phong thấp.
+ Cách làm:
- Sử dụng một nắm hoa cúc phơi khô đem rửa sạch và đun sôi với 1 lít nước
- Sau đó, lọc lấy nước, chờ nước thuốc nguội hoặc pha thêm nước để nước thuốc hạ đến nhiệt độ thích hợp rồi tiến hành ngâm chân
Chỉ với 30 phút ngâm chân mỗi ngày bằng bài thuốc ngâm chân trị phong thấp từ hoa cúc, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức giảm dần và tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn.
4. Nha đam
Nha đam có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng giải nhiệt, chống viêm, sát trùng và giải độc. Việc dùng nguyên liệu tự nhiên này trong bài thuốc ngâm chân không chỉ làm tăng thân nhiệt, cải thiện tình trạng khô ráp của da mà còn thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Đồng thời cách làm này còn giúp giảm đau thần kinh và hỗ trợ chữa trị chứng phong thấp và một số chứng bệnh khác như đau lưng,…
+ Cách thực hiện:
- Dùng 1 – 2 nhánh nha đam, rửa sạch
- Sau đó cắt thành từng khúc dài khoảng 1mm rồi cho vào ấm chứa 1 lít nước và tiến hành đun
- Sau khoảng 20 phút đun, tắt bếp và pha thêm nước lạnh rồi ngâm chân
Với bài thuốc ngâm chân trị phong thấp này, bệnh nhân chỉ cần ngâm 20 phút mỗi ngày sẽ giúp mang lại cảm giác dễ chịu ở xương khớp. Từ đó giúp giảm đau nhức ở cơ và khớp xương.
5. Lá trà xanh
Nhờ giàu hoạt chất phenol chống oxy hóa và nhiều hoạt chất khác mà trà xanh mang lại nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như giúp chống viêm, kháng khuẩn và chống lão hóa. Chưa kể đến, vị thảo dược tự nhiên này còn giúp kích thích hệ thần kinh, làm giảm đau nhức xương khớp và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
+ Cách thực hiện:
- Dùng một nắm lá chè xanh đem rửa sạch và đun sôi chung với 1 lít nước
- Lọc lấy nước thuốc, pha nguội rồi ngâm chân
Để cải thiện tình trạng đau nhức xương và phòng tránh bệnh tái phát, người bệnh nên áp dụng bài thuốc ngâm chân trị phong thấp bằng trà xanh mỗi ngày.
Những điều cấm kỵ khi thực hiện bài thuốc ngâm chân trị phong thấp
Khi tiến hành ngâm chân điều trị bệnh phong thấp bằng các loại thảo dược tự nhiên, người bệnh nên chú ý những nguyên tắc cấm kỵ sau đây để bệnh nhanh chóng bình phục.
1. Không nên ngâm chân quá lâu
Để làm tăng tác dụng điều trị và giảm nguy rủi ro, trong quá trình ngâm chân chữa bệnh phong thấp, bệnh nhân chỉ nên ngâm chân từ 15 – 30 phút. Bởi theo các chuyên gia sức khỏe, ngâm chân thường khiến máu trong cơ thể tuần hoàn nhanh hơn dẫn đến nhịp tim sẽ đập nhanh hơn so với bình thường nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân làm tăng gánh nặng cho tim, có thể gây ngất hoặc một số phản ứng phụ liên quan đến tim mạch.
Chưa kể đến, trong quá trình ngâm chân, máu sẽ đổ dồn xuống chân dẫn đến hiện tượng thiếu máu lên não. Khi đó, bệnh nhân có thể bị choáng váng, hoa mắt hoặc xỉu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh phong thấp, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc người có tiền sử đột quỵ, mắc bệnh tim không nên ngâm chân quá lâu. Tốt nhất nên ngừng ngay việc ngâm chân và tiến hành nằm nghỉ nếu thấy dấu hiệu choáng váng xảy ra.
2. Không nên ngâm chân sau khi ăn khoảng 30 phút
Sau khi ăn, toàn bộ lượng máu của cơ thể tập trung về dạ dày để thực hiện quá trình chuyển hóa và tiêu thụ thức ăn. Nếu người bệnh ngâm chân trong vòng 30 phút sau khi ăn, lượng máu tập trung phục vụ quá trình tiêu hóa ở dạ dày sẽ bị phân tán xuống chân. Khi đó, dạ dày sẽ không đủ lực để tiêu hóa thức ăn dẫn đến tình trạng khó tiêu, ợ nóng hoặc ợ chua. Về lâu dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa và viêm đau dạ dày.
Tốt nhất, người bệnh nên ngâm chân vào khung giờ 19h00 – 21h00 buối tối. Đây là khoảng thời gian lý tưởng giúp gan bổ sung khí huyết, đồng thời giúp hệ xương khớp thư giãn. Từ đó hỗ trợ quá trình lưu thông máu, làm giảm đau, nhức mỏi ở xương khớp và tăng nhanh quá trình bình phục bệnh.
3. Chú ý nhiệt độ nước ngâm chân
Trong quá trình ngâm chân điều trị bệnh phong thấp, bệnh nhân nên chú ý đến nhiệt độ nước ngâm. Tốt nhất, nước ngâm không quá nóng và cũng không quá lạnh. Bởi nóng quá có thể gây bỏng da và làm ảnh hưởng đến dây thần kinh cảm giác và các vi mạch máu dưới da chân. Còn lạnh quá sẽ làm giảm tác dụng điều trị bệnh, ngược lại còn tăng nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh.
Vì vậy, nhiệt độ nước ngâm đối với người bình thường có thể cao hơn thân nhiệt cơ thể 2 – 3 độ C. Nghĩa là, cơ thể thường dao động ở mức nhiệt 36 – 37 độ C, vậy nước ngâm chân có độ ấm ở mức 39 – 40 độ C là thích hợp. Còn đối trẻ em hay người mắc bệnh tiểu đường, nhiệt độ của nước ngâm chân có thể thấp hơn một chút. Ở những người chân có nhiều vết chai hoặc da chân thô cứng, nhiệt độ nước ngâm có thể tăng lên một chút, tùy thuộc vào cảm nhận của từng người.
Như vậy, để giảm đau nhức ở xương khớp, người bệnh có thể chọn một trong những bài thuốc ngâm chân trị phong thấp nêu trên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên có chế độ tập luyện và ăn uống khoa học. Đặc biệt thăm khám định kỳ theo lịch hẹn từ bác sĩ chuyên khoa.