Vạn tuế
Vạn tuế là cây thường xanh, được trồng chủ yếu để làm cảnh. Ngoài ra, lá, nón, hạt và rễ của cây còn được sử dụng để chữa viêm loét dạ dày – tá tràng, đau nhức xương khớp, đau răng, lao phổi, đau bụng kinh,… Tuy nhiên dược liệu này chứa độc tính mạnh nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Tên khoa học: Cycas revoluta Thunb
- Tên dược: Semen, Folium, Conus et Radix Cycas Revoluta (hạt, lá, nón và rễ của cây)
- Họ: Tuế (danh pháp khoa học: Cycadaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Vạn tuế là cây thường xanh, sống nhiều năm, có chiều cao trung bình từ 1.5 – 2m. Thân hình trụ và có lá mọc vòng xung quanh thân. Lá có hình lông chim, phiến lá nhỏ như gai, dài khoảng 14 – 18cm nhưng chỉ rộng 5 – 6 mm. Các lá chét có màu xanh lục đậm, cứng và nhọn rất đặc trưng.
Cây có nón cái và nón đực riêng. Nón cái gồm các lá noãn dài đến 20cm và được phủ lông ngả vàng. Nón đực hẹp, rộng 4 – 5cm và dài khoảng 28cm. Hạt của cây hình trái xoan dẹt, dài 3cm và có màu cam. Cây ra hoa vào tháng 6 – 7 và sai quả vào tháng 10 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Rễ, nón, lá và hạt của cây đều được sử dụng làm thuốc.
3. Phân bố
Vạn tuế có nguồn gốc từ Nhật Bản và hiện nay được trồng nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, loài thực vật này được trồng để làm cảnh ở các đình làng, chùa chiền,… vì cây sống dai, khỏe và ít phải chăm bón.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái nón của cây vào mùa hè – thu, sau khi hái về đem rửa sạch và phơi khô, để dùng dần. Rễ và lá có thể thu hái quanh năm, có thể được dùng tươi hoặc phơi khô.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo, thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Thân cây chứa chất màu, bột cọ, azoxyglucosid, oleic, palmitic, stearic, behenic,… Lá chứahinokiflavone và sosetsu flavon. Hạt chứa 25% tinh dầu, choline, adenine, trigonellin, cycasin, inositol, hystidin,…
Vị thuốc vạn tuế
1. Tính vị
Vị nhạt, ngọt, tính bình.
2. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Hạt có tác dụng giáng huyết áp, bình can và thường được dùng để trị huyết áp cao.
- Hoa có tác dụng cố tinh, ích thận, chỉ thống và lý khí, được sử dụng để chữa đau bụng kinh, bạch đới, di mộng tinh và đau thượng vị.
- Lá có tác dụng chỉ thống, giải độc, thu liễn và chỉ huyết, được dùng để chữa viêm loét dạ dày tá tràng và các trường hợp xuất huyết.
- Rễ có tác dụng bổ thận và khu phong hoạt lạc, được dùng để trị bạch đới, đau thắt lưng, lao phổi, chấn thương, thấp khớp và đau nhức răng.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Đang cập nhật.
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng dược liệu tươi hoặc dùng ở dạng thuốc sắc. Liều dùng tham khảo:
- Lá và hoa: 3 – 6g/ ngày
- Hạt và rễ: 10 – 16g/ ngày
Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu vạn tuế
- Ngọn thân và hạt của cây có độc, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.
- Hợp chất Alkaloids trong thân cây có tác dụng gây rối loạn thần kinh và tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy không tự ý sử dụng tay hoặc dụng cụ để thu hái dược liệu.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú không tùy tiện sử dụng cây vạn tuế để chữa bệnh.
- Không đặt cây vạn tuế trong phòng kín vì độc tố của cây có thể tích tụ trong không phí, gây ngộ độc hoặc thậm chí tử vong. Đồng thời cần dặn dò trẻ nhỏ không chạm vào cây vì chất độc trong cây có thể khiến da trẻ đỏ rát, nổi mụn nước, mẩn ngứa,…
Vạn tuế không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn có tác dụng chữa trị bệnh. Tuy nhiên dược liệu này chứa độc tố mạnh và có nguy cơ gây tử vong cao. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ dẫn của thầy thuốc.