Tiền hồ

Tiền hồ là loài thực vật thuộc họ Hoa Tán (Apiaceae), có tác dụng tán phong nhiệt, chỉ khái và tiêu đờm. Tiền hồ được sử dụng để điều trị chứng ho khan, ho có đờm do viêm phế quản, cảm lạnh, cảm cúm, viêm amidan, viêm họng và một số bệnh lý khác ở cơ quan hô hấp trên.

Hình ảnh Tiền hồ
Tiền hồ là loài thực vật thuộc họ Hoa Tán, có nguồn gốc và sinh sống chủ yếu ở Trung Quốc
  • Tên gọi khác: Quy nam, thổ đương quy, tử hoa tiền hồ, sạ hương thái, thổ dương quỳ,…
  • Tên khoa học: Angelica decursiva
  • Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)

Mô tả cây Tiền hồ

1. Đặc điểm thực vật

Tiền hồ là cây thân thảo, mọc đứng, chiều cao trung bình từ 0.7 – 1.4m. Lá cây mọc ở gốc có hình xẻ lông chim, cuống dài khoảng 15 – 30cm. Với lá ở thân nhỏ, thường có cuống ngắn hơn. Hoa màu tím, mọc thành cụm, quả có hình bầu dục, rộng khoảng 3 – 5mm.

2. Bộ phận dùng

Rễ của cây.

3. Phân bố

Loài thực vật này mọc nhiều ở Hàng Châu, An Huy, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Châu,… tại Trung Quốc. Ngoài ra hiện nay đã phát hiện tiền hồ ở Lạng Sơn và một số tỉnh phía Bắc nước ta.

4. Thu hái – sơ chế

Thời điểm thu hái thường là mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Sau khi thu hái về, rửa sạch đất và phơi/ sấy khô để dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao và nơi có độ ẩm cao.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu này có chứa tannin, tinh dầu, spongosterola, nodakenin, manitol, decusin,… Thủy phân nodakenin sẽ cho nodegenin, glucoza và nodakenitin.

Vị thuốc Tiền hồ

1. Tính vị

Vị cay, đắng, tính hơi hàn.

2. Qui kinh

Quy vào kinh Tỳ và Phế.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Hạ khí, giảm ho, tán phong nhiệt và tiêu đờm.
  • Chủ trị: Các chứng bệnh do phong nhiệt (ho, cảm mạo, đờm, đau đầu, sốt,…)

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thực nghiệm trên mèo gây mê nhận thấy dược liệu có tác dụng tiêu đờm.
  • Cho mèo gây ho bằng cách tiêm dung dịch 1% iot uống nước sắc tiền hồ nhận thấy tác dụng giảm ho rõ rệt.
  • Tác dụng ức chế virus gây bệnh cúm, nấm và có tác dụng an thần.
  • Tăng lưu lượng máu của động mạch vành, ức chế ngưng tập tiểu cầu (chống đông máu) và giãn động mạch vành.

4. Cách dùng – liều lượng

Tiền hồ được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc, có thể dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với các dược liệu khác. Liều dùng tham khảo: 9 – 15g/ ngày.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu tiền hồ

Vị thuốc Tiền hồ
Tiền hồ được dùng để chữa ho khan, viêm phế quản, viêm amidan, viêm họng, cảm mạo,….

1. Bài thuốc chữa viêm khí quản khiến đờm không tiết ra được

  • Chuẩn bị: Bối mẫu, đào nhân, tang bạch bì và tiền hồ mỗi thứ 10g, khoản đông hoa 8g, cam thảo 3g và cát cánh 5g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu sắc với 600ml nước, còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

2. Bài thuốc chữa viêm amidan và viêm họng thể phong nhiệt

  • Chuẩn bị: Cát cánh, tiền hồ và bạc hà mỗi thứ 6g, hạnh nhân và ngưu bàng tử mỗi thứ 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống.

3. Bài thuốc trị cảm mạo đau đầu

  • Chuẩn bị: Bạch chỉ, tiền hồ và kinh giới mỗi thứ 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

4. Bài thuốc trị nhọt đang sưng

  • Chuẩn bị: Một nắm tiền hồ tươi.
  • Thực hiện: Đem tiền hồ giã nát và đắp lên mụn nhọt.

5. Bài thuốc trị viêm phế quản thể nhiệt

  • Chuẩn bị: Tang bì, mạch môn, hạnh nhân và tiền hồ mỗi thứ 10g, bối mẫu 6g, gừng tươi 3 lát và cam thảo 3g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang cho đến khi khỏi.

6. Bài thuốc trị khó thở, tức ngực, do và đờm có màu vàng

  • Chuẩn bị: Hạnh nhân, tang bì, mạch môn và tiền hồ mỗi thứ 10g, cam thảo 3g, gừng 3 lát, bối mẫu 6g.
  • Thực hiện: Dùng sắc uống ngày 1 thang.

7. Bài thuốc chữa khí trệ ở ngực, chân tay tê lạnh và hông sườn đau nhói

  • Chuẩn bị: Đương quy, đào nhân, xuyên khung, phục linh, quế tâm, nhân sâm, trần bì, tiền hồ, phụ tử, mộc hương mỗi thứ 1.2g, tế tân 0.4g, bá tử nhân 0.2g, ngô thù du 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, sau đó sắc với 2g gừng tươi và 3 quả táo.

8. Bài thuốc trị đờm loãng, tắc mũi, đau đầu nhẹ và ngoại cảm lương táo

  • Chuẩn bị: Trần bì, tiền hồ, bạch linh, tô diệp và bán hạ mỗi thứ 8g, cam thảo, sinh khương và chỉ xác mỗi thứ 6g, đại táo 3 quả, cát cánh và hạnh nhân mỗi thứ 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày, chia thành 3 lần dùng.

9. Bài thuốc trị ho có đàm do viêm phế quản

  • Chuẩn bị: Chích ma hoàng, hạnh nhân, tiền hồ, xuyên bối mẫu, cát cánh, bách bộ, ngũ vị tử, cát cánh, bách bộ mỗi thứ 6g, mạch môn 9g, tử uyển 9g, bách hợp 15g, chích đâu linh 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống, chia thành 3 lần dùng hết trong ngày.

Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ tiền hồ

Khi sử dụng dược liệu tiền hồ, bạn nên lưu ý những thông tin sau đây:

  • Khi dùng tiền hồ trị các bệnh ở phế có thể chích mật để giảm tính hàn và gia tăng tác dụng điều trị.
  • Người ngoại cảm không có thực nhiệt không nên sử dụng dược liệu này.
  • Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc từ tiền hồ.

Tiền hồ có thể điều trị được các chứng bệnh ở phế như cảm lạnh, cúm, ho, đau đầu, khó thở, đờm ứ ở cổ họng. Tuy nhiên để tránh các tác dụng không mong muốn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền trước khi sử dụng.