Ngũ linh chi
Ngũ linh chi là phân khô của động vật thuộc chi Sóc hoặc Dơi thường được dùng để hành huyết, chữa băng huyết, rong kinh, giảm đau, tiêu tích, cầm máu. Tuy nhiên, nguồn gốc và cách sử dụng vị thuốc này còn mơ hồ. Do đó, người dùng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
- Tên gọi khác: Thảo linh chi, Ngũ linh tử, Hàn hiệu trùng phẩn, Hàn hiệu điểu, Hàn phần
- Tên khoa học: Faeces Trogopterum
Mô tả dược liệu Ngũ linh chi
1. Đặc điểm dược liệu
Hiện tại nguồn gốc của Ngũ linh chi hay Thảo linh chi vẫn chưa được xác định. Tại nước ta, Thảo linh chi được nhập từ Trung Quốc.
Ngũ linh chi được cho là phân của loài Dơi Pteropus psetap Hon Lay thuộc họ Dơi – Pteropodidae. Đây là một loại Dơi rất lớn, sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á. Đây là loài dơi sống nhờ vào mật hoa, phấn hoa và các loại trái cây. Tuy nhiên, hiện tại có một số tài liệu nghiên cứu cho biết Ngũ linh tử là phân của Sóc bay Tmẹopterus xonthipes Milne – Edwrds thuộc họ Sóc bay Petauristiđae.
Ngũ linh chi là phân có màu nâu đen, đóng thành từng cục, không lẫn đất cát, không tạp chất, bóng nhuận, được cho là dược liệu tốt. Phân lẫn tạp chất hoặc bị phân thành nhiều hạt được cho là có chất lượng kém.
2. Phân bố
Thảo linh chi thường được tìm thấy ở Trung Quốc tại các tỉnh Hà Bắc, Cam Túc, Sơn Tây.
3. Thu lượm – Bào chế thuốc
Thông thường, Ngũ linh chi sẽ được thu lượm vào tháng 10 – 12. Người ta thường đi vào các hang núi sâu để thu lượm mang về loại bỏ các tạp chất và phơi khô. Căn cứ vào hình dạng của phân mà phân thành Ngũ linh chi khối (hay đường Ngũ linh chi) và tán Ngũ linh chi(Ngũ linh chi vụn).
Cách bào chế Ngũ linh chi như sau:
Theo Trung y:
Nhặt bỏ hết sạn, đất, cát, tạp chất, tẩm rượu hoặc tẩm giấm rồi sao vàng. Ngoài ra có thể dùng Ngũ linh tử sống, không cần sao, tùy theo nhu cầu sử dụng và yêu cầu của đơn thuốc.
Theo Y học cổ truyền Việt Nam:
- Dùng sống: Ngũ linh chi chứa nhiều tạp chất, do đo cần giã nhỏ hoặc thủy phi (ngâm trong nước). Sau đó gạn bỏ phần nước đầu, để lắng xuống lấy phần cặn. Phơi khô tán thành bột:
- Dùng sao: Ngũ linh chi nhặt bỏ hết tạp chất sau đó đãi rửa thật nhanh, phơi khô tẩm rượu, để yên một lúc, sao khô. Lúc mới sao, dược liệu sẽ mềm, dễ vỡ do đó cần nhẹ tay. Sao đủ độ dược liệu sẽ khô cứng lại.
4. Bảo quản
Ngũ linh chi dễ bị ẩm mốc, oxy hóa, lên mùi làm mất tác dụng dược liệu. Do đó, cần lưu trữ dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm, tránh nóng.
5. Thành phần hóa học
Trong Ngũ linh tử chứa nhiều chất nhựa, vitamin A, Ure và Acid Uric.
Vị thuốc Ngũ linh chi
1. Tính vị
Vị cam, tính ôn, không chứa độc (theo Khai Báo Bản Thảo)
Vị chua, hơi ngọt, không độc, khí bình (theo Bản Thảo Hội Ngôn)
2. Quy kinh
Ngũ vị tử quy vào kinh Can.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Ức chế sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn lao.
- Nước thuốc có thể ức chế các loại nấm ngoài da.
- Làm dịu các cơn co thắt ở cơ trơn.
Theo y học cổ truyền:
- Chủ liệu tâm phúc lãnh khí, trị trường phong, thông lợi khí mạnh, tiểu nhi ngũ cam, phụ nữ kinh nguyệt không đều, tắc kinh (theo Khai Báo Bản Thảo).
- Tán huyết, hòa khí, giảm đau, điều trị kinh giãn, tiêu tích hóa đàm, trị chứng huyết tí, sát trùng (theo Bản Thảo Cương Mục).
- Chữa tâm phúc lãnh khí, năng hành huyết chỉ huyết, huyết khí thích thống, phụ nữ tâm thống (theo Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di).
- Hành huyết, chỉ huyết, thống khí bế, chữa kinh kéo dài không dứt, trị huyết vựng ở sản phụ (theo Bản Thông Mông Toàn).
- Hanh huyết, thông lợi huyết mạch, chữa ung nhọt độc do nhiệt, bế kinh ở phụ nữ, bụng dưới đau, sinh ra máu xấu (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
Chủ trị:
- Đau bụng kinh
- Băng huyết, rong huyết và các chứng bệnh của phụ nữ sau khi sinh.
- Cảm mạo, phong hàn, sốt ở trẻ em.
- Chữa rắn rết cắn.
- Phụ nữ xích bạch đái không ngừng và băng huyết.
4. Cách dùng – Liều lượng
Ngũ linh chi có thể cho vào thuốc thang hoặc làm thành viên hoàn. Nếu cho vào thuốc thang cần cho vào túi vải.
Liều lượng khuyến cáo là 6 – 12 g mỗi ngày.
Bài thuốc sử dụng Ngũ linh chi
1. Trị khí huyết ngưng trệ gây đau bụng
Sử dụng 12 g Ngũ linh tử, Thảo quả, Diên hồ sách, mỗi vị đều 8 g, Một dược 6 g sắc uống mỗi ngày 1 thang.
2. Trị ợ chua, viêm loét dạ dày, hành tá tràng
Sử dụng Ngũ linh tử, Hương phụ, Ô tặc cốt, mỗi vị 12 g, Cam tùng, Diên hồ sách 8 g, Nhũ hương, Ô dược, Xuyên liên, Mộc hương, mỗi vị 6 g, Hoàng liên 4 g, sắc thành thuốc dùng uống
3. Trị ứ huyết kinh gây đau bụng
Sử dụng 20 g Thảo linh chi, Đan sâm 16 g, Bồ hoàng 20 g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
4. Chữa thống kinh, đau bụng kinh
Sử dụng Ngũ linh tử, Huyền hồ, Đào nhân, Đan bì, Bồ hoàng, Hương phụ, mỗi vị 12 g, Ô dược 8 g sắc thành thuốc, dùng uống.
5. Hành khí, hòa ứ chỉ thống, chữa thống kinh
Dùng 12 g Ngũ linh chi, 12 g Bồ hoàng, Hổ phách, Trầm hương, mỗi vị 4 g, Diên hồ sách, Nhục quế, mỗi vị 8 g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
6. Điều trị xuất huyết dạ dày
Sử dụng Thảo linh tử 40 g, Hoàng kỳ 20 g, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng uống 3 g, 2 – 3 lần một ngày.
7. Chữa đau thắt tim do huyết ứ trệ sau sinh, kinh nguyệt không đều, tử cũng xuất huyết
Dùng Bồ hoàng và Ngũ linh tử, phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 6 g với rượu hoặc giấm.
8. Chữa viêm gan do virus
Sử Ngũ linh tử, Nhân trần, Bồ hoàng (sao vàng) tán thành bột mịn, dùng uống.
9. Điều trị rắn rết cắn
Sử dụng 2 phần Thảo linh chi, 1 phần Hùng hoàng, tán thành bột mịn, trộn đều, dùng bôi ngoài vết thương 3 lần mỗi ngày.
Kiêng kỵ khi sử dụng Ngũ linh chi
Ngũ linh chi khi sắc có mùi hôi khó chịu, dễ gây buồn nôn, do đó không nên dùng nhiều.
Ngũ linh tử sợ Nhân sâm. Do đó, không dùng chung hai vị thuốc này.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú nên dùng cẩn thận.
Ngũ linh chi là vị thuốc được sử dụng để hoạt huyết chỉ thống, cầm máu, giải độc, hóa ứ. Tuy nhiên, hiện tại nguồn gốc và các bài thuốc về Ngũ linh cho tương đối không rõ ràng. Do đó, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể về cách dùng và liều lượng.