Mướp đắng
Mướp đắng không đơn thuần là một loại thực phẩm thông thường mà còn có nhiều đặc tính dược lý. Với vị đắng, tính lạnh, công dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền, tiêu khát, minh mục, mướp đắng được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, đau mắt đỏ, viêm họng, cảm cúm, nóng trong người,…
- Tên gọi khác: Khổ qua, Hồng dương, Hồng cô nương, Cẩm lệ chi, Lương qua, Lại qua,…
- Tên khoa học: Momordica charantia L.
- Họ: Bầu bí (danh pháp khoa học: Cucurbitaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Mướp đắng là loài thực vật nhỏ, thân leo bằng tua cuốn. Thân cây nhỏ, có cạnh, đường kính khoảng 3 – 6mm. Lá cây màu xanh lục, chia thành 4 – 5 thùy, dài 5 – 10cm và rộng khoảng 4 – 9cm. Mặt dưới thường có màu nhạt hơn mặt trên và phiến lá thường có lông nhỏ bao phủ.
Hoa mọc có nách lá, có cuống dài và có màu vàng nhạt. Quả dài 8 – 15cm, hình trứng thuôn dài, mặt ngoài sần sùi. Quả chưa chín có màu xanh và chuyển sang màu vàng hồng khi chín. Hạt dài 13 – 15mm, rộng 7 – 8mm, dẹp và có màu xanh nhạt. Khi chín, xung quanh hạt có màng đỏ bao bên ngoài tương tự như màng của hạt gấc.
2. Bộ phận dùng
Rễ, hoa và quả của mướp đắng được thu hái để làm thuốc và làm thực phẩm. Nếu dùng làm dược liệu, chỉ chọn các quả có màu vàng lục.
3. Phân bố
Khổ qua được trồng nhiều ở nước ta, chủ yếu để làm thực phẩm.
4. Thu hái – sơ chế
Quả được thu hái vào tháng 5 – 7 hằng năm. Rễ được thu hái quanh năm. Mướp đắng thường được dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Đối với hạt chỉ lấy ở những quả chín, sau đó đem phơi khô.
5. Bảo quản
Ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Mướp đắng có chứa thành phần hóa học rất đa dạng, bao gồm b-sitosterol-b-D-glucoside, charantin, saponin, adenine, beatin, vitamin B1, vitamin C, ancaloid, momordicin, dầu, chất đắng, carotene,…
Vị thuốc khổ qua
1. Tính vị
Vị đắng, tính lạnh.
2. Qui kinh
Quy vào kinh Tâm, Can, Tỳ, Vị.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Công dụng: Giải lao, minh mục, trừ nhiệt, giải phiền, thanh tâm, ích khí, chỉ khát, trừ độc khí đơn hỏa.
- Chủ trị: Chứng phong nhiệt, hạ lỵ, tiêu khát, phiền nhiệt, viêm đường tiết niệu cấp, sỏi đường tiết niệu, đau mắt đỏ, sốt cao, bệnh tiểu đường,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thực nghiệm trên thỏ nuôi nhận thấy nước cốt từ dược liệu có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt.
- Nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy cơ chế hạ đường huyết của khổ qua bằng cách cải thiện khả năng dung nạp đường và hạn chế lượng đường tích tụ trong máu.
- Ngoài ra, mướp đắng còn có khả năng làm chậm tiến triển và ngăn chặn các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
- Vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật trong mướp đắng có tác dụng kích thích vị giác và tăng cường chức năng tiêu hóa.
- Vitamin C trong dược liệu có tác dụng chống các chất oxy hóa như superoxyd, 1-diphenyl-2-picrylhydrazyl,…, bảo vệ màng tế bào và nâng cao khả năng miễn dịch.
- Hạt và quả khổ qua có khả năng hoạt tính guanylate cyclase của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
- Các glucoside trong mướp đắng có tác dụng chống tế bào ung thư đang phát triển, ức chế vi khuẩn và một số loại virus gây nhiễm trùng.
- Tiêu trừ các gốc tự do giúp ngăn ngừa lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh như rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao và một số bệnh tim mạch khác.
- Dùng mặt nạ từ mướp đắng có tác dụng dưỡng ẩm da, kháng viêm và giảm mụn trứng cá.
- Hợp chất thực vật và chất xơ trong dược liệu có tác dụng hạn chế tích trữ chất béo và hỗ trợ quá trình thải độc của gan.
- Hàm lượng vitamin A trong mướp đắng có tác dụng cải thiện thị lực và tăng tốc độ hồi phục tổn thương.
- Cao từ lá và rễ của dược liệu có khả năng ức chế siêu vi bại liệt, virus HIV, vi khuẩn Pseudomonas, Herpes simplex I,…
- Protein trong cây có hoạt tính chống sinh sản và giảm khả năng thụ thai ở chuột đực thực nghiệm. Chó đực dùng 1.7g cao khổ qua/ ngày có thể làm tổn thương tinh hoàn và giảm khả năng sản sinh tinh trùng.
- Quả mướp đắng chín có tác dụng sinh kinh nguyệt.
- Thực nghiệm trên chuột có thai cho thấy, chuột uống nước sắc mướp đắng với liều 6ml/ kg trọng lượng bị chảy máu tử cung và chết sau đó khoảng vài giờ. Tuy nhiên tình trạng này không xảy với động vật không có thai.
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng mướp đắng ở dạng sắc uống, đốt tồn tính, dùng ngoài hoặc chế biến thành món ăn. Mỗi ngày dùng từ 8 – 20g.
Bài thuốc – món ăn chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe từ mướp đắng
1. Bài thuốc trị đau mắt
- Chuẩn bị: Khổ qua tươi và đăng tâm.
- Thực hiện: Đem đăng tâm sắc lấy nước, khổ qua rửa sạch, cắt nhỏ, ăn trực tiếp và uống cùng nước sắc đăng tâm.
2. Bài thuốc trị mụn nhọt
- Chuẩn bị: 1 ít mướp đắng tươi
- Thực hiện: Rửa sạch, sau đó nghiền nát, đắp trực tiếp lên da và rửa sạch sau 20 phút.
3. Bài thuốc trị phiền nhiệt gây nóng sốt và khô miệng
- Chuẩn bị: 2 – 3 quả mướp đắng.
- Thực hiện: Bỏ ruột, thái mỏng và sắc lấy nước uống. Có thể nấu với nhiều nước và dùng thay thế nước lọc thông thường.
4. Bài thuốc trị rôm sảy ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 1 nắm lá khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch và nấu lấy nước tắm từ 2 – 3 lần/ ngày. Thực hiện liên tục từ 2 – 3 ngày sẽ thấy tình trạng thuyên giảm rõ rệt.
5. Bài thuốc điều trị tăng huyết áp
- Chuẩn bị: Gừng băm, muối, nước tương, dầu mè, bột nêm và hành hoa mỗi thứ một ít, khổ qua tươi 250g.
- Thực hiện: Rửa sạch khổ qua, bỏ hạt và trụng nước sôi trong 3 phút. Sau đó đem thái sợi, trộn đều với các nguyên liệu còn lại và dùng trực tiếp.
6. Bài thuốc trị xơ vữa động mạch
- Chuẩn bị: Hành hoa, bột nêm, muối, gừng sợi và dầu ăn mỗi thứ một ít và mướp đắng tươi 250g.
- Thực hiện: Rửa sạch và bỏ ruột khổ qua, sau đó thái lát mỏng và đem xào với dầu ăn, thêm gia vị và dùng ăn với cơm.
- Lưu ý: Nên dùng dầu thực vật và nêm nêm lạt để tránh tăng huyết áp.
7. Bài thuốc trị chứng phiền nhiệt, người vã mồ hôi và mất sức
- Chuẩn bị: 100g thịt gà và 200g khổ qua, chuẩn bị thêm dầu mè, giấm, đầu hành, muối và bột nêm mỗi thứ 1 ít.
- Thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, thịt gà thái sợi, khổ qua bỏ ruột và thái lát. Sau đó đem khổ qua trụng sơ với nước sôi, để ráo. Đem thịt gà xào sơ và nêm nếm gia vị vừa ăn. Trộn đều thịt gà và khổ qua, ăn thường xuyên.
8. Bài thuốc điều trị Vị khí thống
- Chuẩn bị: Mướp đắng tươi
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và uống cùng với nước ấm.
9. Bài thuốc điều trị bệnh chàm (thấp chẩn)
- Chuẩn bị: Lá khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo, giã nát và đắp lên vùng da cần điều trị.
10. Bài thuốc điều trị trẻ nhỏ bị kiết lỵ
- Chuẩn bị: Một ít mật ong và khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch khổ qua và vắt lấy nước, trộn đều với mật ong và cho trẻ uống từ 1 – 2 lần.
11. Bài thuốc điều trị đại tiện ra máu
- Chuẩn bị: Rễ khổ qua tươi 200g.
- Thực hiện: Rửa sạch, cắt khúc và sắc trong nồi đất. Sau khi nước sôi, vặn lửa nhỏ và ninh lấy nước cốt uống.
12. Bài thuốc trị mụn nhọt lâu ngày không vỡ
- Chuẩn bị: 1 quả mướp đắng tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, thái nhỏ, vắt lấy nước và thoa trực tiếp lên mụn nhọt 3 lần/ ngày.
13. Bài thuốc trị vị khí đau
- Chuẩn bị: Khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, cắt và ăn trực tiếp.
14. Bài thuốc trị trúng thử phát sốt
- Chuẩn bị: Mướp đắng tươi 1 quả và chè xanh vừa đủ.
- Thực hiện: Khoét bỏ ruột, sau đó cho chè xanh vào mướp đắng và phơi trong bóng râm cho khô hoàn toàn. Thái mỏng mướp đắng và trộn đều với chè xanh. Mỗi lần dùng 8 – 12g sắc uống thay nước trà.
15. Bài thuốc điều trị chứng lỵ
- Chuẩn bị: Khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, nghiền nát và ép lấy 1 chén nước cốt và uống trực tiếp.
16. Bài thuốc trị đinh độc sưng đau dữ dội
- Chuẩn bị: Rượu nhạt và lá khổ qua mỗi thứ vừa đủ.
- Thực hiện: Đem lá khổ qua rửa sạch và thái nhỏ. Mỗi lần dùng 10g uống cùng với rượu nhạt. Uống từ 2 – 3 lần ngày cho đến khi khỏi.
- Lưu ý: Có thể dùng rễ khổ qua nghiền nát, trộn với mật ong và thoa lên nhọt để tăng tác dụng điều trị.
17. Bài thuốc trị tăng huyết áp và choáng váng
- Chuẩn bị: Dầu mè, nước cốt gừng, tỏi băm, muối, rượu trắng và rượu vang mỗi thứ vừa đủ, nghêu 0.5kg và khổ qua 250g.
- Thực hiện: Bỏ ruột khổ qua, sau đó trụng sơ với nước sôi và vớt ra ngâm với nước lạnh cho hết vị đắng, thái lát. Nghêu cho vào chảo nấu đến khi mở miệng, bỏ vỏ và lấy thịt, đem xào với dầu và thêm gia vị vào. Đặt khổ qua lót dưới đáy chảo, cho nghêu lên trên, cho rượu trắng, nước cốt gừng, tỏi và muối vào
18. Bài thuốc điều trị máu nhiễm mỡ
- Chuẩn bị: Sữa bò 200ml, mật ong 20ml và mướp đắng 1 quả.
- Thực hiện: Bỏ ruột và rửa sạch mướp đắng, sau đó thái nhuyễn. Đổ sữa bò vào mướp đắng và xay nhuyễn, lấy nước hòa với mật ong và 2 lần/ ngày (sáng – chiều).
19. Bài thuốc trị nhiệt độc tả lỵ
- Chuẩn bị: Đường đỏ vừa đủ và dây khổ qua 60g.
- Thực hiện: Đem dây khổ qua rửa sạch, đem sắc với nước trong nồi đất bằng lửa mạnh. Sau đó, giảm lửa ninh lấy nước cốt, bỏ bã, thêm đường đỏ và dùng uống. Ngày dùng từ 3 – 4 lần.
20. Bài thuốc điều trị cảm cúm
- Chuẩn bị: Một ít ruột khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, đem sắc trong nồi đất bằng lửa lớn. sau khi sôi hạ nhỏ lửa, ninh thành cốt. Đem vớt bỏ bã và lấy nước uống.
- Lưu ý: Bên cạnh đó để bệnh nhanh lành, nên bổ sung các món ăn từ khổ qua như canh khổ qua nhồi thịt, khổ qua xào trứng,…
21. Bài thuốc điều trị chứng tiêu chảy ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Một ít dây khổ qua tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, đem sắc trong nồi đất, ninh nhừ lấy nước cốt uống.
22. Bài thuốc trị chứng nôn ói ở trẻ em
- Chuẩn bị: 6g rễ khổ qua.
- Thực hiện: Đun sôi trong nồi đất, sau đó giảm nhỏ lửa, bỏ bã và lấy nước cốt dùng.
23. Bài thuốc chữa đinh nhọt sưng đau
- Chuẩn bị: Lá khổ qua phơi khô.
- Thực hiện: Đem tán mịn, mỗi lần dùng 15g uống với rượu trắng.
24. Bài thuốc trị bệnh tiểu đường có biến chứng võng mạc
- Chuẩn bị: Bắp và mướp đắng, mỗi thứ 100g, đường phèn 10g.
- Thực hiện: Rửa sạch bắp, mướp đắng, cắt nhỏ mướp đắng và cho vào nồi cùng với bắp. Nấu thành chè, khi chín thêm đường phèn vào và chia thành 2 lần ăn (sáng – chiều).
25. Trà mướp đắng giúp giải khát và thanh nhiệt
- Chuẩn bị: 1 – 2 quả mướp đắng tươi.
- Thực hiện: Cắt bỏ hai đầu, rửa sạch, sau đó thái thành từng lát mỏng, đem phơi hoặc sấy khô. Khi sử dụng, lấy 1 ít trà hãm với nước sôi trong 30 phút và dùng uống.
26. Bài thuốc chữa ho và thanh nhiệt cơ thể
- Chuẩn bị: 20 quả đại táo và 3 quả mướp đắng.
- Thực hiện: Đem mướp đắng rửa sạch và đun lấy nước, thêm táo vào và đun sôi thêm 10 – 15 phút.
27. Mướp đắng trộn rau cần giúp giải độc và thanh nhiệt
- Chuẩn bị: Rau cần ta 200g, 1 quả mướp đắng, rau thơm, tỏi giã nhuyễn và gia vị.
- Thực hiện: Thái nhỏ mướp đắng và trụng sơ qua nước sôi, sau đó nhúng vào nước lạnh và để ráo. Trộn mướp đắng với rau cần và gia vị, ăn trực tiếp.
28. Bài thuốc chữa thấp khớp
- Chuẩn bị: Cỏ xước, cối xay, cây vòi voi sao, dây đau xương sao, rễ nhàu, cây xấu hổ và lá mướp đắng, mỗi thứ 8g, dây thần thông, rễ ngũ trảo mỗi thứ 5g, gừng tươi 3g và quế chi 4g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
Một số tác hại có thể gặp phải khi sử dụng mướp đắng
Quả mướp đắng thường được sử dụng làm thực phẩm và hầu như không có độc tính. Dùng cao khổ qua ở liều điều trị 50ml/ ngày thường không làm phát sinh bất cứ phản ứng có hại nào.
Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra tác hại trong một số trường hợp sau:
- Hạn chế dùng món ăn từ mướp đắng cho người có đường huyết thấp. Nếu bổ sung mướp đắng thường xuyên, nên uống trà mật ong kèm theo để tránh hạ đường huyết quá mức.
- Không dùng khổ qua cho phụ nữ mang thai vì có nguy cơ gây hư thai và xuất huyết.
- Khổ qua có tính lạnh, dùng cho người Tỳ Vị hư hàn dễ bị đau bụng và thổ tả.
- Hạt khổ qua chứa nhiều đặc tính dược lý. Tuy nhiên các nghiên cứu về dược liệu này còn hạn chế, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.
Mướp đắng là dược liệu đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên trước khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được cân chỉnh về liều lượng và tần suất sử dụng.