Một dược

Một dược hay mộc dược là nhựa dầu lấy từ loài thực vật cùng tên có danh pháp khoa học là Commiphora Myrrha Engl, thuộc họ Trám. Vị thuốc này có mùi thơm, vị đắng, tính bình, tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, sinh tân, chỉ thống và tiêu sưng. Mộc dược thường được phối hợp với nhũ hương trong bài thuốc trị giãn tĩnh mạch, đau bụng kinh, đau nhức xương khớp,…

một dược hay mộc dược
Một dược hay mộc dược là nhựa dầu lấy từ loài thực vật cùng tên, thuộc họ Trám
  • Tên gọi khác: Mộc dược, Mạt dược.
  • Tên dược: Myrrha/ Commiphora Myrrha
  • Tên khoa học: Commiphora Myrrha Engl
  • Họ: Trám (danh pháp khoa học: Burseraceae)

Mô tả dược liệu một dược

1. Đặc điểm của cây và dược liệu một dược

Cây mộc dược là dạng thực vật thân nhỡ, chiều cao trung bình từ 2.5 – 3.5m. Thân cây nhỏ, ít phân nhánh và các cành đều có gai. Lá mọc cách, màu lục xám, lá kép gồm có 3 lá chét. Hoa mọc ở nách lá, đơn tính, kích thước nhỏ và có màu trắng. Quả hạch, bên trong có 2 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt nhỏ.

vị thuốc một dược
Cây mộc dược là dạng thực vật thân nhỡ, hoa mọc ở nách lá và có lá kép, mỗi lá gồm 3 lá chét

Dược liệu một dược là gôm nhựa từ cây mộc dược. Dược liệu thường tồn tại ở dạng khối, cục, hình dáng không đều. Mùi thơm, vị đắng, thường có màu đỏ nâu, đốm trắng, bên trong sáng bóng. Một dược thường tan trong rượu hoặc nước. Khi phơi nắng thì hóa dẻo và thơm, đốt lửa tỏa ra mùi thơm dễ chịu.

vị thuốc một dược
Dược liệu một dược tồn tại chủ yếu ở dạng khối cục và thường có màu đỏ nâu, nâu sẫm

2. Bộ phận dùng

Nhựa của cây. Thông thường nhựa của cây một dược thường chảy tự nhiên thông qua các kẽ nứt ở vỏ. Ban đầu nhựa chảy ra có màu vàng nhạt hoặc trắng, chất sền sệt sau đó chuyển thành màu vàng đậm, đỏ nhạt rồi thành đỏ sẫm.

3. Phân bố

Một dược phân bố chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới, tập trung nhiều ở bán đảo Arabian, bờ biển Somalia,… Hiện tại, cây một dược chưa được tìm thấy ở nước ta.

4. Thu hoạch – sơ chế

Muốn thu hoạch nhựa, cần rạch vào thân vỏ hoặc rạch sâu vào các cành to để nhựa chảy ra. Sau đó đem sao hoặc chế giấm dùng dần.

Ngoài ra có thể bào chế mộc dược theo những cách sau:

  • Bỏ tạp chất, tán với đăng tâm thành bột mịn (cứ 30g mộc dược thì dùng 1g đăng tâm). Hoặc có thể sao qua với đăng tâm rồi đem tán bột mịn.
  • Thêm ít rượu vào rồi nghiền nát, khi qua nước rồi đem phơi khô. Hoặc đem nghiền với bột gạo nếp.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát. Ngoài ra cần bảo quản mộc dược ở trong lọ kín để tránh mất mùi thơm của dược liệu.

6. Thành phần hóa học

Mộc dược chứa tinh dầu, chất keo, dầu keo, commiphorinic acid, commiphoric acid, heerabomyrrholic acid, heeraboresene, heerabomyrrhol, commiferin, limonene, pinen, aldehyde cinamic, ergenol,…

Vị thuốc mộc dược

1. Tính vị

Vị đắng, mùi thơm, tính bình.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Tâm, Tỳ và Can.

3. Tác dụng dược lý

– Tác dụng của vị thuốc một dược theo Đông Y:

  • Công năng: Sinh cơ, thông kinh, chỉ thống, khứ ứ, tiêu sưng, hoạt huyết.
  • Chủ trị: Đau thượng vị, bế kinh, sưng đau do trĩ, sang chấn, nhọt độc sưng đau, đau bụng kinh, vết loét lâu lành, mục chướng.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thực nghiệm lâm sàng cho thấy dược liệu có tác dụng hạ mỡ trong máu và ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da.

4. Cách dùng – liều lượng

Một dược được dùng ở dạng hoàn tán, thuốc thang hoặc dùng ngoài (cao dán, tán bột). Liều dùng uống: 4 – 12g/ ngày.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc một dược

cây mộc dược
Mộc dược được sử dụng trong bài thuốc trị các chứng bệnh do huyết ứ như bế kinh, thống kinh,…

1. Bài thuốc trị tĩnh mạch chi thể khí huyết ứ (chân tay lạnh, sắc mặt tối sạm, tinh thần ủ rũ, dễ nóng, bứt rứt, sắc da thâm tím)

  • Chuẩn bị: Tử hoa địa đinh, sinh địa, đan sâm, đương quy và huyền sâm mỗi vị 12g, kim ngân hoa, một dược, nhũ hương và bồ công anh mỗi vị 10g, hoàng kỳ 16g, diên hồ sách và hồng hoa mỗi vị 8g, cam thảo 6g.
  • Thực hiện: Để một dược và nhũ hương riêng, các vị thuốc còn lại đem rửa sạch và sắc 2 lần với nước (mỗi lần đun sôi trong vòng 45 phút. Sau đó chắt lấy nước còn nóng, thêm một dược và nhũ hương vào khuấy cho tan hoàn toàn. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

2. Bài thuốc chữa tĩnh mạch chi thể nhiệt độc thịnh (ù tai chóng mặt, da bỏng, chảy máu, đau liên tục, người bứt rứt, sắc mặt sạm khô)

  • Chuẩn bị: Sinh cam thảo 6g, địa miết trùng, nhũ hương và mộc dược mỗi vị 10g, kim ngân hoa và hoàng kỳ mỗi vị 16g, tử thảo nhung, ngưu tất, đương quy, địa long, xích thược và đan sâm mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem địa miết trùng và địa long sao khô, tán thành bột mịn. Để nhũ hương và mộc dược ra riêng, các vị thuốc còn lại sắc 2 lần với nước (mỗi lần đun sôi trong vòng 45 phút). Sau đó chắt lấy nước còn nóng rồi thêm mộc dược và nhũ hương vào quấy đều. Sau đó cho bột địa miết trùng và địa long vào, khuấy đều và dùng uống khi ấm. Chia làm 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

3. Bài thuốc trị chứng đau bảo tử, phụ nữ bị đau bụng kinh và bế kinh

  • Bài thuốc 1: Diên hồ sách và đương quy mỗi vị 10g, hồng hoa và một dược mỗi vị 5g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6 – 10g uống với nước ấm hoặc rượu nóng. Ngày dùng 2 lần.
  • Bài thuốc 2: Hương phụ và ngũ linh chi mỗi vị 6g, diên hồ sách 10g và một dược 5g. Đem các vị tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8 – 10g uống với rượu nóng hoặc nước ấm, ngày dùng 2 – 3 lần.

4. Bài thuốc trị té ngã sưng đau

  • Chuẩn bị: Cam thảo và nhục quế mỗi vị 3g, đương quy, bạch truật và bạch chỉ mỗi vị 10g, nhũ hương và một dược mỗi vị 5g.
  • Thực hiện: Tán bột, mỗi lần dùng 6 – 10g uống với rượu. Ngày uống 3 lần cho đến khi hết đau nhức.

5. Bài thuốc trị ung nhọt đau

  • Bài thuốc 1: Nhũ hương và một dược mỗi vị 10g, đem tán bột rồi đắp bên ngoài.
  • Bài thuốc 2: Xạ hương 0.1g, một dược và nhũ hương mỗi vị 5g, hùng hoàng 3g. Đem tán bột mịn, mỗi lần dùng 3 – 6g uống với nước sôi để nguội, ngày dùng 2 lần.

6. Bài thuốc trị chấn thương gây đau lưng cấp

  • Chuẩn bị: Một dược và nhũ hương bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, chế thêm 30% rượu vào làm thành hồ. Sau đó đắp lên vùng đau nhức 1 – 2 lần trong vòng 3 – 5 ngày sẽ khỏi.

7. Bài thuốc trị gân xương đau nhức và tổn thương ở bên trong do té ngã, đánh đập

  • Chuẩn bị: Xuyên khung, tự nhiên đồng, một dược, nhũ hương, xích thược, xuyên tiêu.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, trộn với sáp ong làm thành hoàn.

8. Bài thuốc trị chấn thương ngoại khoa gây sưng đau

  • Bài thuốc 1: Huyết kiệt và hồng hoa mỗi vị 6g, băng phiến 3g, chu sa, nhũ hương và mộc dược mỗi vị 5g, nhĩ trà 10g và xạ hương 2g. Đem các nguyên liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 0.2g thuốc bột uống cùng với rượu.
  • Bài thuốc 2: Xuyên khung, một dược và nhũ hương đều 5g, sinh địa, bạch chỉ, đơn bì và xích thược mỗi vị 10g, cam thảo 3g. Đem các nguyên liệu tán thành bột mịn, sau đó dùng 3 – 4g uống với nước tiểu trẻ em chưng lên hoặc uống với rượu. ngày dùng 2 lần.

9. Bài thuốc trị ung nhọt sưng đau

  • Chuẩn bị: Cam thảo 3g, kim ngân hoa 15g, mộc dược và nhũ hương mỗi vị 5g, mẫu lệ (vỏ hàu), thiên hoa phấn, đại hoàng, ngưu bàng tử và hoàng kỳ mỗi vị 10g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

10. Bài thuốc trị vùng gan đau, viêm gan

  • Chuẩn bị: Ngũ linh chi, nhũ hương, miết giáp và mộc dược các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Sắc đặc rồi dùng gạc tẩm đắp lên vùng đau nhức.

11. Bài thuốc trị nhũ hạch

  • Chuẩn bị: Hoàng bá, đại hoàng, nhũ hương và một dược.
  • Thực hiện: Tán bột rồi trộn với 1 ít băng phiến và bảo quản trong lọ nâu. Khi dùng, trộn ít bột thuốc với lòng trắng trứng rồi thấm với gạc dày 1mm và đắp lên cho đến khi tiêu hạch.

12. Bài thuốc trị chứng ung nhọt mới mưng mủ

  • Chuẩn bị: Cam thảo 4 – 8g, thiên hoa phấn 8 – 12g, xuyên sơn giáp 8 – 12g, bạch chỉ 8 – 12g, tạo giác thích (sao) 8 – 12g, xích thược 12g, quy vĩ 8 – 12g, phòng phong, nhũ hương, trần bì và mộc dược mỗi vị 6 – 8g, kim ngân hoa 12 – 20g và bối mẫu 8 – 12g.
  • Thực hiện: Đem sắc với nước hoặc nửa nước nửa rượu, dùng uống hết trong ngày.
  • Lưu ý: Nếu có đau mắt đỏ sưng do can nhiệt, nên gia thêm mộc tặc, cúc hoa và hạ khô thảo.

13. Bài thuốc trị đinh nhọt lở loét gây sưng đau

  • Chuẩn bị: Khinh phấn, thiềm tô, hùng hoàng, đồng lục, hàn thủy thạch, khô phàn, chu sa, xạ hương, nhũ hương, qua ngư và một dược.
  • Thực hiện: Tán bột, làm hoàn uống.

14. Bài thuốc trị đau vùng hạ sườn do huyết ứ

  • Chuẩn bị: Tam lăng, nga truật, một dược và nhũ hương mỗi vị 5g, kim linh tử 15g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

15. Bài thuốc chữa viêm khớp mãn tính và viêm khớp dạng thấp

  • Chuẩn bị: Thương truật, ngưu tất, nhũ hương, một dược, cương tàm, toàn yết, cam thảo và ma hoàng mỗi vị 36g, mã tiền tử và đỗ xanh mỗi thứ 300g.
  • Thực hiện: Cho mã tiền và đậu xanh vào nồi đất, thêm nước vào và đun cho đến khi đậu xanh nứt ra. Sau đó lấy mã tiền ra để nguội bớt, bóc bỏ vỏ đen, cắt thành lát mỏng và đem phơi khô. Khi dược liệu khô cho vào nồi và sao với cát đến khi có màu vàng đen. Cho một dược và nhũ hương lên miếng ngói sao cho hết dầu (khi dược liệu hết sủi bọt là được). Các vị còn lại cho vào nồi đất sao vàng. Sau đó đem dược liệu tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 0.5 – 1g uống với rượu trước khi ngủ.
  • Lưu ý: Giảm liều cho người cao tuổi, người có sức khỏe yếu và cần tránh gió sau khi uống thuốc.

16. Bài thuốc trị chứng tê dại, đau cánh tay và đau lưng do phong thấp

  • Chuẩn bị: Chế mộc dược và chế nhũ hương mỗi vị 80g, chế thảo ô, độc hoạt, chế xuyên ô, khương hoạt và chế mã tiền tử mỗi vị 200g, chế phụ tử 40g, ma hoàng, mộc qua, toàn đương quy và ngưu tất mỗi vị 170g.
  • Thực hiện: Đem nguyên liệu tán bột mịn. Sau đó dùng quế chi 60g sắc lấy nước hòa với thuốc bột làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng 3 – 4g uống với nước sôi ấm trước khi đi ngủ.

17. Bài thuốc trị dị ứng bại liệt ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp, nhũ hương, mã tiền chế, một dược và đương quy mỗi vị 30g, bạch truật và đảng sâm mỗi vị 60g, ngô công 5 con.
  • Thực hiện: Tán thành bột min, hòa với mật làm thành viên to bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần dùng 2 – 4g uống với rượu ấm, ngày dùng 2 lần.

18. Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng

  • Chuẩn bị: Cam tùng và diên hồ sách mỗi vị 6g, hương phụ, ngũ linh chi và ô tặc cốt mỗi vị 10g, ô dược, xuyên luyện tử, một dược, nhũ hương và mộc hương mỗi vị 5g, hoàng liên 3g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

19. Bài thuốc trị đau bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau

  • Chuẩn bị: Sa nhân, nhũ hương và mộc dược mỗi vị 6 – 10g, xích thược 8 – 12g và đan sâm 12 – 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống, nếu đau nhiều thì gia thêm diên hồ sách.

20. Bài thuốc trị chấn thương gây tự máu sưng đau

  • Chuẩn bị: Đinh hương 2g, hồng hoa 8g, huyết kiệt, đồng tự nhiên, một dược và nhũ hương mỗi vị 10g, chế phàn mộc miết 4g, tô mộc 15g và xạ hương 0.4g.
  • Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi lần dùng 3 – 4g uống với rượu, ngày dùng 2 lần.

21. Bài thuốc trị viêm tắc động mạch thể uất nhiệt

  • Chuẩn bị: Đương quy 15 – 30g, huyền sâm 30g, ngưu tất 15g, chế một dược 12 – 15g, bạch giới tử 12g, hoàng kỳ 15 – 30g, liên kiều 15g, kim ngân hoa 30 – 60g, đơn sâm 20 – 30g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

22. Bài thuốc trị chứng phong thấp tý thống kéo dài gây tê dại tay chân, đau nhức xương khớp

  • Chuẩn bị: Nhũ hương và mộc dược mỗi vị 88g, chế nam tinh, chế thảo ô, địa long và chế xuyên ô mỗi vị 240g.
  • Thực hiện: Tán thành bột, sau đó hòa với rượu làm thành hoàn nặng 4g. Dùng 1 hoàn uống với rượu khi đói, ngày uống 1 – 2 lần.

23. Bài thuốc trị gan lách to

  • Chuẩn bị: Trạch lan, đơn bì, đào nhân và mẫu lệ và quy vĩ mỗi vị 12g, một dược, nhũ hương và xuyên sơn giáp mỗi vị 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

24. Bài thuốc trị chân tay sưng đau, đau lưng mỏi gối do té ngã, bong gân hoặc gãy xương kín

  • Chuẩn bị: Đồng tự nhiên, huyết kiệt, đương quy, chích một dược, chích nhũ hương, thổ miết trùng, tục đoạn, cốt toái bổ và hồng hoa mỗi vị 12g, mộc hương 8g.
  • Thực hiện: Tán các vị thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g thuốc bột uống ùng với nước sôi nguội. Ngày dùng 2 – 3 lần. Ngoài ra nên dùng thêm thuốc bột hòa với giấm rượu rồi đắp bên ngoài.

25. Bài thuốc trị u xơ tử cung

  • Chuẩn bị: Hải tảo, đào nhân, miết giáp, mẫu lệ, xích thược và quế chi mỗi vị 160g, tam lăng, nga truật, nhũ hương và một dược mỗi vị 80g, hồng hoa 100g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 10 – 12g bột, ngày uống 2 – 3 lần.

26. Bài thuốc trị đau nhức các khớp do đàm ứ trệ

  • Chuẩn bị: Quế tâm, mộc hương, mộc dược và bạch giới tử mỗi vị 10g, mộc miết tử 3g.
  • Thực hiện: Tán bột làm hoàn, mỗi lần dùng 3g uống với rượu ấm. Ngày dùng 2 lần.

27. Bài thuốc trị đau bụng dưới do huyết ứ, kinh nguyệt không đều, đau lưng, bụng dưới đầy, sắc kinh tím đen và vón thành cục

  • Chuẩn bị: Ngũ linh chi (sao) 8g, tiểu hồi hương 7 quả, bồ hoàng 12g, xích thược 8g, can khương (sao) 2g, nhục quế, diên hồ sách, mộc dược và xuyên khung mỗi vị 4g, đương quy 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

28. Bài thuốc trị đau toàn thân, đau chân, đau lưng hoặc đau vai do huyết ứ

  • Chuẩn bị: Địa long 4 – 8g, xuyên ngưu tất 12g, hồng hoa 6 – 12g, tần giao 6 – 12g, hương nhu 4 – 8g, ngũ linh chi (sao) 8g, xuyên khung 8g, đào nhân 12g, đương quy 12g, mộc dược 4 – 8g, hồng hoa 6 – 12g, khương hoạt 4 – 8g, cam thảo 4 – 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

29. Bài thuốc trị băng đới, khử ứ sinh tân

  • Chuẩn bị: Chu sa 40g, nhũ hương, ngũ linh chi và mộc dược mỗi vị 80g, vũ dư lương, xích thạch chi, từ thạch anh và đại giả thạch mỗi vị 160g.
  • Thực hiện: Tán bột mịn, gia thêm 10 – 20% gạo tẻ làm hồ và chế thành hoàn. Mỗi lần dùng 4 – 16g uống với nước nóng, ngày dùng 2 lần.

Lưu ý – Thận trọng khi dùng vị thuốc một dược

  • Không dùng cho trường hợp mụn nhọt đã vỡ và phụ nữ mang thai.
  • Để tăng tác dụng giảm đau và hoạt huyết, nên chế mộc dược với giấm.
  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị đau dạ dày.
  • Khi sử dụng một dược với nhũ hương, nên gia giảm liều lượng vì hai vị thuốc này có tác dụng tương tự nhau.
  • Mộc dược là chất gôm nhựa của cây nên có tính dính và quánh. Khi sắc chung với những vị thuốc khác làm giảm tính tan và tác dụng của các dược liệu phối hợp. Vì vậy không nên cho dược liệu vào bài thuốc sắc mà nên tán bột và khuấy đều với nước sắc ấm.
  • Không nên dùng cho trường hợp ngực bụng sườn đau, khớp đau nhức nhưng không phải do huyết ứ mà do huyết hư.
  • Tránh dùng cho mắt có màng đỏ không phải do huyết nhiệt nặng.
  • Người bị rong kinh hoặc kinh nguyệt ra nhiều không nên dùng.
  • Tránh sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu như Aspirin, warfarin,…
  • Thận trọng khi dùng cho người có rối loạn đông máu hoặc đang bị chảy máu cấp tính (xuất huyết tiêu hóa, chảy máu do vết thương hở,…).

Một dược hay mộc dược là vị thuốc quý và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh nên bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc về liều lượng và thời gian dùng thuốc nhằm hạn chế các tác dụng không mong muốn.