LONG NHÃN
Long nhãn là dược liệu được sử dụng chủ yếu của cây nhãn. Nó có vị ngọt, tính bình, ấm, giúp an thần, chữa mất ngủ, thiếu máu, làm tăng tuổi thọ.
- Tên khác: Lệ chi nô, á lệ chi, quế viên, mạy ngận, bảo viên, mác nhan (Tày)
- Tên khoa học: Euphoria longan (Lour.) Steud.
- Họ: Bồ hòn (Sapindaceae)
I. Mô tả về cây nhãn
Đặc điểm của cây nhãn
Nhãn là loại cây nhiệt đới lâu năm có chiều cao trung bình khoảng 5 – 10 mét. Thân cây đứng thẳng, phân thành nhiều cành có lá um tùm. Bên ngoài thân được bao bọc bằng một lớp vỏ xù xì, có màu xám.
Lá nhãn dạng kép, mọc so le, màu xanh và có hình dáng tương tự như hình lông chim, bao gồm khoảng 5 – 9 lá chét.
Nhãn cho ra hoa vào mùa xuân. Hoa màu vàng nhạt, thường mọc thành chùm ở các kẽ lá hay mọc ngay đầu cành.
Quả nhãn hình tròn, lớp vỏ bao ngoài nhẵn và có màu vàng xám. Bên trong vỏ là một lớp cùi nhãn màu trắng, có hạt đen nhánh nằm chính giữa.
Có nhiều giống nhãn khác nhau như:
- Nhãn lồng
- Nhãn đường phèn
- Nhãn tiêu da bò
- Nhãn miền thiết
- Nhãn xuồng cơm vàng…
Dược liệu
Cùi nhãn sấy khô ( long nhãn ) có chỗ dày, chỗ mỏng không đều nhau. Nó có màu vàng cánh gián hoặc màu nâu đậm, mặt ngoài nhăn nheo, mặt trong sáng bóng.
Ăn long nhãn có vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo. Sờ tay vào thấy không bị dính.
Vị trí phân bố của cây nhãn
Cây nhãn ít kén đất và có khả năng chịu rét tốt nên có khả năng sinh trưởng ở nhiều vùng miền khác nhau. Ở nước ta, nhãn được trồng nhiều ở Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Sơn La, Bắc Cạn…
Trên thế giới, nhãn còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ ( các bang Bengai và Asam ) hay các tỉnh khu vực miền nam Trung Quốc.
Bộ phận dùng làm dược liệu của cây nhãn
Ngoài cùi quả thì các bộ phận khác của cây nhãn như rễ, lá hay hạt cũng được Y học cổ truyền sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Thu hái – Sơ chế
Lá và rễ cây nhãn được thu hái quanh năm. Riêng hạt và cùi nhãn được thu vào mùa quả chín, thường là từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.
Quả nhãn sau khi được hái về sẽ được đem phơi nhiều nắng hoặc cho vào máy sấy ở nhiệt độ 40 – 50 độ C. Trong quá trình phơi, kiểm tra bằng cách lắc quả nghe tiếng kêu lóc cóc thì bóc vỏ, lột lấy cùi nhãn bên trong.
Cùi nhãn sẽ được tiếp tục đem sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ C cho đến khi sờ vào không thấy mật dính ở tay là được.
Bảo quản
Bảo quản long nhãn trong hộp kín hoặc đóng gói hút chân không, để nơi thoáng mát, khô ráo.
Thành phần hóa học
- Cùi nhãn tươi: Trong cùi nhãn còn tươi chứa đến 77,15% là nước; 1, 47% protid; 0,13% chất béo, sắt, vitamin A, B & C cùng đường sacarose cùng các hợp chất chứa nito có khả năng tan trong nước.
- Long nhãn ( cùi khô ): Có độ tro khoảng 3,36%, chiếm 0,85% nước và một số thành phần khác như sắt, vitamin C, glucose, acid taetric, sacarose và các chất không hòa tan trong nước.
- Hạt nhãn: Trong thành phần của hạt nhãn có chứa saponin, tanin, chất béo ( bao gồm acid xyclopropanoid, acid dihydrosterculic) và hàm lượng tinh bột đáng kể.
- Lá nhãn: Chứa các hợp chất như b -sitosterol, quexitin, 16-hentriacontanol, tanin và quexitrin…
II. Vị thuốc long nhãn
Tính vị
Vị ngọt, tính bình, ấm, không chứa độc
Quy kinh
Long nhãn có khả năng quy vào 2 kinh Tâm và Tỳ
Tác dụng dược lý và chủ trị
Trong Đông y, long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết. Chủ trị suy giảm trí nhớ, chữa hay quên, rối loạn giấc ngủ, lo âu, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, các thành phần trong long nhãn cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Vitamin C giúp chống cảm cúm, cải thiện hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch.
- Thành phần chất đồng được tìm thấy trong long nhãn giúp ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
- Hoạt chất Riboflavin có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về mắt, đặc biệt là căn bệnh đục thủy tinh thể.
- Ngoài ra, với thành phần vitamin A, C dồi dào cùng nhiều khoáng chất thiết yếu, long nhãn còn có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da.
Cách dùng và liều lượng
Tùy theo lứa tuổi, thể trạng có thể dùng 9 – 18g long nhãn một ngày. Dược liệu này được dùng phổ biến dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc hoàn, ngâm rượu hay chế biến thành các món ăn bài thuốc để cải thiện sức khỏe.
Tác dụng phụ của long nhãn
- Nóng trong
- Nổi mụn
- Táo bón
- Tăng cân
- Tăng lượng đường trong máu
- Thai phụ ăn nhiều long nhãn có thể bị ra huyết, đau bụng, động thai
Các món ăn, bài thuốc sử dụng long nhãn
1. An thần, bổ tỳ vị
- Thành phần: Long nhãn, rượu trắng ngon
- Cách sử dụng: Cho long nhãn vào bình thủy tinh và đổ ngập rượu vào ngâm. Rượu long nhãn ngâm trong 3 tháng 10 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 20ml x 2-3 lần/ngày.
2. Chữa chán ăn, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi trộm bằng long nhãn
- Thành phần: Long nhãn (50g), cao ban long (40g)
- Cách sử dụng: Trước tiên, dùng long nhãn sắc lấy nước đặc, vớt bỏ xác. Tiếp tục thái nhỏ cao ban long cho vào nấu chung với nước sắc long nhãn được một loại cao. Để cho cao nguội và đặc lại rồi thái nhỏ thành những miếng mỏng. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10g vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
3. Khắc phục chứng thiếu máu, chảy máu dưới da
- Nguyên liệu: Long nhãn (10g), lạc (15g)
- Cách sử dụng: Lạc để nguyên vỏ, đập dập và nấu chung với long nhãn. Nêm thêm ít muối ăn mỗi ngày 1 lần.
4. Chữa chứng hay quên, hồi hộp, ngủ không ngon giấc, mất ngủ
- Nguyên liệu: Hoàng kỳ, phục thần, toan táo nhân, đảng sâm, bạch truật, đương quy, long nhãn ( mỗi vị 12g); Mộc hương (4g); Chích thảo (4g); Đương quy (8g); Viễn Chí (6g).
- Cách sử dụng: Tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị đem trộn chung tạo thành một thang sắc lấy nước. Chia làm 2 -3 lần uống trong ngày. Có thể gia thêm các vị như gừng tươi, đại táo để đạt hiệu quả tốt hơn.
5. Trị tâm phế âm hư
- Nguyên liệu: Long nhãn và kỷ tử ( mỗi vị 20g); Yến sào (30g), đường phèn
- Cách sử dụng: Cho yến sào, kỷ tử và long nhãn vào nồi, đổ nước cho ngập mặt rồi hầm nhừ. Cuối cùng bỏ thêm đường phèn vào sao cho vừa đủ ngọt và dọn ra ăn. Món ăn bài thuốc này có tác dụng trị tâm phế âm hư với các biểu hiện như mất ngủ, rối loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt về chiều, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, ho khan hoặc ho ít đờm.
6. Bài thuốc an thần, kiện tỳ, bổ máu từ long nhãn
- Nguyên liệu: Long nhãn (16g), gạo tẻ (100g), đại táo (15g)
- Cách sử dụng: Nấu cháo ăn mỗi ngày một lần liên tục trong khoảng 3 tuần
7. Chống suy nhược cơ thể, chữa ăn ngủ kém, hay đánh trống ngực, nóng ở lòng bàn tay và gan bàn chân
- Nguyên liệu: Long nhãn và sơn dược ( mỗi vị 20g ), ba ba (một con cỡ 300 – 400g )
- Cách sử dụng: Sơ chế ba ba sạch sẽ, cho vào tô ướp gia vị, thêm long nhãn, sơn dược vào hấp cách thủy ăn.
8. Bổ thận âm, lợi khí huyết
- Nguyên liệu: Long nhãn và hoài sơn ( mỗi vị 16g ); Giáp ngư ( 500g ).
- Cách thực hiện: Mổ bỏ ruột giáp ngư, cắt miếng vừa ăn rồi đem hầm với các vị thuốc còn lại. Khi các nguyên liệu chín nhừ, nếm nếm gia vị cho vừa miệng, ăn thịt giáp ngư và uống nước.
9. Chữa ăn uống lâu tiêu, kém ăn, da dẻ xanh xao, hồi hộp, lo âu
- Nguyên liệu: Long nhãn, đại táo và mật ong ( mỗi loại 250g), một ít nước cốt gừng.
- Cách sử dụng: Nấu long nhãn cùng với đại táo cho đến khi 2 nguyên liệu này chín nhừ. Tiếp tục cho mật ong và nước cốt gừng vào nấu cho sôi đều trở lại thì tắt bếp. Ăn cái và uống cả nước.
10. Bổ can thận, lợi huyết
- Nguyên liệu: Long nhãn, câu kỷ tử và hoàng tinh ( mỗi vị 12g); Trứng chim bồ câu ( 4 quả ); Đường trắng ( 50g )
- Cách sử dụng: Rửa sạch và thái nhỏ các vị thuốc gồm câu kỷ tử, long nhãn, hoàng tinh rồi đem nấu với 3 bát nước. Đun sôi kỹ sau 30 phút thì đập trứng và cho đường vào. Gạn lấy nước chia đều làm hai phần uống trong 2 ngày. Kiên trì sử dụng vài tuần liên tiếp để thấy được kết quả.
11. Bổ khí huyết, dưỡng tâm
- Nguyên liệu: Long nhãn dạng tươi ( 300g ), đường trắng ( 500g)
- Cách sử dụng: Chưng long nhãn với đường trong 30 – 40 phút, để nguội, cất vào lọ kín ăn dần. Mỗi lần dùng 12 – 16g x 2 lần/ngày.
12. Chữa đoản hơi, chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Nguyên liệu: Long nhãn và thục địa ( mỗi vị 16g ); Hoàng kỳ và đương quy ( mỗi vị 12g )
- Cách sử dụng: Mỗi ngày dùng 1 thang sắc lấy nước đặc. Chia thuốc uống làm 2 lần trong ngày khi còn ấm.
13. Chữa suy giảm trí nhớ, lo âu, mất ngủ, bồi bổ trí não
- Nguyên liệu: Long nhãn và thục địa ( mỗi vị 16g ); Toan táo nhân ( 10g ); Câu đằng ( 12g )
- Cách sử dụng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang
14. Điều trị lở ngứa ở các khe ngón chân
- Nguyên liệu: Long nhãn
- Cách sử dụng: Phơi khô long nhãn rồi tán thành bột mịn rắc vào khu vực cần điều trị.
15. Chữa tiêu chảy, tỳ hư
- Nguyên liệu: Long nhãn khô (14 quả ), sinh khương ( 3 lát )
- Cách sử dụng: Sắc uống ngày 1 lần
III. Những điều cần lưu ý khi sử dụng long nhãn
Long nhãn dù tốt nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Đặc biệt, một số đối tượng dùng long nhãn có thể khiến bệnh tình diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, hãy thận trọng tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi bạn sử dụng dược liệu này cho bất cứ mục đích nào.
Thời điểm tốt nhất để ăn long nhãn là sau bữa ăn từ 1- 2 giờ. Tránh dùng khi bụng đang trống rỗng bởi thành phần vitamin C trong long nhãn có thể gây cồn cào, xót ruột, ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Không dùng quá liều lượng được khuyến cáo.
Những đối tượng không nên dùng long nhãn
Do có tính nóng, long nhãn không được khuyến cáo sử dụng cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai
- Người đang bị nóng trong với biểu hiện táo bón, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa
- Những đối tượng đang bị bệnh nổi mề đay
- Người có biểu hiện cảm mạo, uất hỏa
- Người đang bị đầy bụng
Ngoài ra, những người đang bị thừa cân, béo phì, tiểu đường cần hạn chế ăn long nhãn do nguyên liệu này chứa hàm lượng đường rất cao.