Kỳ nam – Trầm hương

Kỳ nam là phần đặc biệt ở gỗ trầm hương. Cả kỳ nam và trầm hương đều có giá trị kinh tế cao, được sử dụng để làm dược liệu, nước hoa và vật phẩm phong thủy. Trong Đông Y, trầm hương được dùng trong bài thuốc chữa thận hư, bí tiểu tiện, suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới và chống buồn nôn.

trầm kỳ nam
Trầm hương và kỳ nam là phân gỗ thơm của cây Trầm
  • Tên gọi khác: Trầm hương, Trầm kỳ nam, Trầm, Trầm gió, Gió bầu, Trà hương.
  • Tên khoa học: Aquilaria agallocha Roxb/ Aquilaria crassna Pierre.
  • Họ: Trầm (danh pháp khoa học: Thymelaeaceae)

Mô tả dược liệu trầm hương

Trầm hương và kỳ nam có dược tính giống nhau. Tuy nhiên kỳ nam có giá thành rất đắt đỏ (dao động từ 2 – 7 tỷ/ kg) nên nhân dân thường ưu tiên trầm hương để làm thuốc.

1. Đặc điểm của cây trầm hương

Kỳ nam là loại thân gỗ to, chiều cao từ 30 – 40m, vỏ ngoài có màu xám tro. Phiến lá mỏng, mọc so le, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới có màu nhạt hơn và được phủ lông. Lá hình thuôn, rộng 3 – 6cm, dài 8 – 10cm, đầu và cuống đều nhọn. Cuống lá được phủ lông mịn, dài 4 – 5mm và mặt trên các rãnh.

kỳ nam trầm hương
Lá cây trầm mọc so le, hoa mọc thành từng chùm hoặc từng tán và thường mọc ở kẽ lá

Hoa mọc thành từng chùm hoặc từng tán, thường mọc ở kẽ lá và thường có màu trắng xám. Quả nang, hình lê, rộng 3cm, dài 4cm và có lồng.

2. Bộ phận dùng

Phần gỗ chứa nhựa thơm của cây trầm hương. Phần gỗ hóa trầm thường xuất hiện ở những cây kỳ nam già và nhiễm loại nấm Cryptosphaerica mangifera. Trầm hương có hình dáng đa dạng nhưng đều có mùi hương rất thơm, đặc biệt khi đốt.

kỳ nam trầm hương
Trầm hương loại III thường được sử dụng làm nhang (hương) đốt

Hiện nay trên thị trường có 3 loại trầm hương:

  • Loại I màu gỗ đen bóng và chìm khi thả xuống nước thường được sử dụng để làm hương liệu, có tên gọi là Kỳ hương.
  • Loại II có màu xanh sẫm không đều, thả xuống nước thì nửa chìm nửa nổi được dùng để làm dược liệu, có tên gọi là Trầm hương.
  • Loại II chất lượng kém hơn, gỗ màu trắng đục và nổi hoàn toàn trên mặt nước được sử dụng để làm nhang (hương) đốt.

3. Phân bố

Cây kỳ nam mọc hoang nhiều ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận trải dài xuống các tỉnh Tây Nam Bộ.

4. Thu hoạch – sơ chế

Sau khi thu hoạch phần gỗ đã hóa trầm, đem chẻ thành từng mảnh nhỏ rồi phơi trong bóng râm cho khô. Sau đó đem tán bột mịn để dùng dần. Tránh phơi ngoài nắng hoặc sấy ở nhiệt độ cao vì có thể làm mất mùi thơm của dược liệu.

5. Bảo quản

Bảo quản trong lọ kín, đặt ở nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh để dược liệu ở nơi có nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Trầm hương chứa tinh dầu, trong đó gồm có 11% terpen alcol, metoxybenzalaceton 53%, benzylaceton 26% và một số acid amin.

Vị thuốc kỳ nam – trầm hương

kỳ nam trầm hương
Trầm hương có vị đắng, cay, tính ôn, tác dụng hành khí, kiện vị, noãn thận, tráng nguyên dương,…

1. Tính vị

Vị cay, đắng, tính ôn.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Tỳ, Vị và Thận.

3. Kỳ nam có tác dụng gì?

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Giảm đau, noãn thận, kiện vị, giáng khí, tráng nguyên dương và ôn trung.
  • Chủ trị: Suyễn cấp, khí nghịch, chứng tinh lạnh ở nam giới, tiêu chảy, thận hư, chống nôn, bí tiểu tiện

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Kỳ nam có tác dụng giảm biên độ co bóp ruột ở mèo được tiêm acetylcholine. Ngoài ra, thuốc còn làm giảm nhu động tự nhiên của đường ruột.
  • Dạng chiết của dược liệu có tác dụng chống co thắt cơ trơn và ức chế co bóp tự chủ của hồi tràng chuột lang do acetylcholine và histamine gây ra.

4. Cách dùng – liều lượng

Trầm hương thường được sử dụng ở dạng bột hoặc hoàn. Liều dùng trung bình từ 1 – 4g/ ngày.

Một số bài thuốc trị bệnh từ kỳ nam – trầm hương

1. Bài thuốc chữa hen khí phế quản

  • Chuẩn bị: Trắc bách diệp 3g và trầm hương 1.5g.
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn và dùng uống trước khi ngủ.
  • Lưu ý: Không áp dụng bài thuốc này cho người âm hư hỏa vượng.

2. Bài thuốc trị đau dạ dày, đau bụng và nôn mửa

  • Chuẩn bị: Nhục quế, đinh hương và trầm hương mỗi vị 10g, hoàng liên và bạch đậu khấu mỗi vị 8g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán nhỏ, mỗi lần dùng 1g. Sử dụng nước nóng chiêu thuốc, ngày uống từ 3 – 4 lần.

3. Bài thuốc chữa chứng bệnh do xúc động tinh thần khiến khí dồn lên thở gấp, người buồn bực và không muốn ăn uống

  • Chuẩn bị: Hạt cau (binh lang), ô dược, trầm hương và nhân sâm mỗi vị 6g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày sắc 1 thang.

4. Bài thuốc trị bệnh nặng gây nôn ói và phát nấc liên tục

  • Chuẩn bị: Hạt tía tô, đậu khấu và trầm hương các vị bằng lượng nhau 4 – 6g.
  • Thực hiện: Sắc với nước uống và dùng hết trong ngày.

5. Bài thuốc trị chứng xúc động mạnh gây khó thở, tức ngực

  • Chuẩn bị: Nhân sâm và bột trầm hương mỗi thứ 2 chỉ.
  • Thực hiện: Đem hãm với 1 tách nước sôi trong khoảng 10 phút rồi dùng uống.

6. Bài thuốc hỗ trợ điều trị nam giới bị suy giảm chức năng sinh lý, thường xuyên lạnh ở bụng dưới và chân tay

  • Chuẩn bị: Chích cam thảo, ngũ vị tử, quế chi, nhân sâm và bột trầm hương.
  • Thực hiện: Hãm với nước sôi trong 10 – 15 phút và dùng uống hằng ngày.

7. Bài thuốc trị khí suyễn và các chứng thực khiến bụng trướng

  • Chuẩn bị: Mộc hương 4g, chỉ xác 8g, trầm hương 2g và hạt củ cải 12g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

8. Bài thuốc trị chứng suyễn do hư hàn

  • Chuẩn bị: Gừng sống 8g, phụ tử 12g và trầm hương 2g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

9. Bài thuốc trị đau ngực và đau bụng do hàn ngưng khí trệ

  • Bài thuốc 1: Hương phụ 8g, sa nhân 4g, trầm hương 2g và cam thảo 8g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị mộc hương 6g, ô dược 8g, cau 12g và trầm hương 4g. Sắc uống đều đặn mỗi ngày.

10. Bài thuốc trị tỳ vị hư lạnh gây nôn mửa, tiêu chảy, bụng sườn căng tức, đau vùng thượng vị

  • Chuẩn bị: Bào phụ tử, chích thảo, quan quế, bạch truật, nhân sâm, trầm hương, sa nhân, mộc hương, bào khương, đinh hương và bạch đậu khấu các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột mịn, mỗi lần dùng 9g thuốc bột thêm vào 1 quả đại táo và 5 lát gừng tươi. Đem sắc lấy nước, lọc bỏ bã, sử dụng khi đói và dùng thuốc còn ấm.

11. Bài thuốc trị kinh giãn đàm quyết do hàn đàm nội bế và chứng trúng phong khí bế (đột quỵ, lên cơn động kinh, hàm răng nghiến chặt)

  • Chuẩn bị: Nhũ hương, băng phiến và dầu tô hợp hương mỗi vị 20g, tỳ bạt, chu sa, bạch truật, thanh mộc hương, xạ hương, đinh hương, tê giác, hương phụ, trầm hương, kha tử, an tức hương và bạch đàn hương mỗi vị 40g.
  • Thực hiện: Nghiền các vị thành bột, gia thêm mật ong vào làm thành hoàn (viên nặng 4g). Ngày sử dụng từ 1 – 2 lần, mỗi lần dùng ½ – 1 hoàn uống với nước ấm.

12. Bài thuốc trị táo bón ở người lớn tuổi do cả khí huyết đều hư

  • Chuẩn bị: Ma nhân 12g, nhục thung dung 24g, trầm hương 2g.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, trộn với mật ong làm thành viên. Mỗi lần dùng 12 – 20g, ngày uống 2 lần.

13. Bài thuốc trị viêm dạ dày

  • Chuẩn bị: Đinh hương 3g, nhục quế 3g, ba đậu sương 0.5g và trầm hương 2g.
  • Thực hiện: Tán bột mịn và trộn đều. Mỗi lần dùng từ 0.5 – 1g uống với nước ấm.

14. Bài thuốc trị đại tiến táo bón, váng đầu, ho suyễn, động kinh, rêu lưỡi vàng dày và dính do có thực nhiệt

  • Chuẩn bị: Mông thạch 40g, đại hoàng (chưng rượu) 320g, trầm hương 20g và hoàng cầm 320g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó thêm nước vào làm thành viên hoàn nhỏ. Mỗi ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần sử dụng từ 2 – 12g tùy triệu chứng.

Cách nhận biết gỗ kỳ nam

Kỳ nam có giá rất đắt đỏ vì không phải cây trầm nào cũng có. Ban đầu phần gỗ bị bệnh sẽ tiết da chất dầu bao phủ các tế bào bị tổn thương và theo thời gian tạo thành trầm hương.

Tuy nhiên một số điểm trầm hương có thể biến đổi thành gỗ kỳ nam. Kỳ nam thường hình thành ở phần gốc hoặc rễ cây và chứa lượng tinh dầu rất lớn. Tinh dầu của kỳ nam không chỉ mùi thơm mà còn dẻo và sánh như sáp mật.

Hiện nay có 4 loại kỳ nam chính, bao gồm:

  • Hoàng kỳ: Gỗ có sắc vàng, chất cứng rắn và nặng.
  • Hắc kỳ: Gỗ màu đen như hắc ín do tinh dầu quyện vào từng sớ gỗ.
  • Thanh kỳ: Gỗ có màu ánh tím xanh, có loại ít dầu thì chất gỗ khô và cứng, loại nhiều dầu thì chất gỗ mềm hơn.
  • Bạch kỳ: Loại này rất hiếm và gần như chưa xuất hiện trên thị trường, Bạch kỳ là phần gỗ có màu trắng xám, mềm và chứa nhiều tinh dầu.
cách nhận biết kỳ nam
Nhận biết kỳ nam thường dựa vào hình dạng, hương thơm và mùi vị của gỗ

Cách nhận biết kỳ nam:

  • Sử dụng kính phóng đại sẽ nhận thấy gỗ kỳ nam có màu đỏ ánh kim, các thớ thịt xếp chồng lên nhau và có độ bóng đẹp.
  • Kỳ năm có hàm lượng tinh dầu cao nên có mùi rất thơm (mùi hương tựa như kẹo bạc hà). Nếu để sát gỗ kỳ nam gần mắt có cảm giác cay the và chảy nước mắt.
  • Nếm thử 1 ít gỗ kỳ nam và nhai nhẹ ở răng cửa sẽ thấy 2 răng dính vào nhau do tinh dầu có trong dược liệu. Sau đó đem miếng kỳ nam vào trong lưỡi sẽ cảm thấy vị cay tê kéo dài từ 10 – 20 phút.
  • Để tránh nhầm lẫn kỳ nam và trầm hương, bạn nên nếm thử để cảm nhận mùi vị. Thông thường, trầm hương có vị đắng hoàn toàn nhưng kỳ nam có vị đắng sau chuyển sang vị ngọt, chua và cay tê.
  • Ngoài ra, bạn có thể dùng 1 lượng nhỏ gỗ kỳ nam đốt sẽ thấy gỗ tỏa ra mùi hương mạnh, khói có màu xanh, bay thẳng tắp, cao và không bị đứt đoạn.

Trầm hương thường được sử dụng để làm hương liệu và làm thuốc. Trong khi đó, kỳ nam chủ yếu được dùng để làm nước hoa giúp an thần, dễ ngủ và xoa đuổi tà khí. Ngoài ra hiện nay người ta còn sử dụng kỳ nam – trầm hương để làm vật phẩm phong thủy giúp thu hút tài lộc, tránh xui xẻo và xua đuổi tà ma.

Thận trọng – Lưu ý khi sử dụng trầm hương

  • Không nên sử dụng cho người âm hư hỏa vượng và phụ nữ đang mang thai.
  • Thận trọng khi dùng cho người có khí hư hãm ở phần dưới.

Do giá trị kinh tế cao nên hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh trầm hương và kỳ nam kém chất lượng. Vì vậy bạn cần thận trọng khi chọn mua dược liệu. Ngoài ra, một số tác dụng chữa bệnh của dược liệu này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học nên cần chủ động tham vấn y khoa trước khi thực hiện.