Huyết giác

Huyết giác là vị thuốc quý có tác dụng chỉ huyết, hành khí, sinh cơ và hoạt huyết. Dược liệu này được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc và ngâm rượu (uống, xoa bóp) để làm thuốc bổ máu, trị chứng bầm tím và ứ huyết do chấn thương, chứng bế kinh, kinh nguyệt không đều,… 

cây huyết giác
Hình ảnh Cây huyết giác – Vị thuốc quý, được dùng để bồi bổ máu, trị chấn thương gây ứ huyết và bầm tím
  • Tên gọi khác: Cây xó nhà, Cau rừng, Trầm dứa, Giác máu, Huyết giáng ông.
  • Tên khoa học: Pleomele cochinchinensis
  • Họ: Hành tỏi (danh pháp khoa học: Liliaceae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm của cây huyết giác

Huyết giác là loại thực vật nhỏ, sống lâu năm, chiều cao chỉ khoảng 1 – 1.5m, một số cây sống trong điều kiện lý tưởng có thể cao đến 2m. Thân cây phân thành nhiều nhánh, đường kính từ 1.6 – 2cm, một số cây lớn có đường kính khoảng 20cm.

Phiến lá hình lưỡi kiếm, rộng 3 – 4cm, dài 25 – 60cm, lá mọc cách, không có cuống, phiến lá cứng và có màu xanh tươi. Hoa mọc thành chùm, có khi dài đến 1m, hoa nhỏ và có màu vàng xanh nhạt. Quả có đường kính khoảng 1cm, quả mọng, hình cầu. Cây ra hoa và quả vào tháng 2 – 5 hằng năm.

2. Bộ phận dùng

Thân cây.

3. Phân bố

Cây cau rừng phân bố ở Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây mọc nhiều ở Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh,…

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái cây quanh năm, sau khi hái về đem phơi khô là dùng được. Dược liệu sau khi khô có màu đỏ, không mùi, chất rắn chắc và có vị hơi chát.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo.

6. Thành phần hóa học

Nhựa trong gỗ cây huyết giác có chứa 3% nhựa không tan, 8.3% tro, 57 – 82% dracoresinotanol, 14% dracoresen, 2.5% dracoalben,…

Vị thuốc huyết giác

cây huyết giác
Huyết giác có vị đắng, chát, tính bình, tác dụng sinh cơ, chỉ huyết và hoạt huyết

1. Tính vị

Vị đắng chát, tính bình.

2. Quy kinh

Thận và Can.

3. Tác dụng dược lý của huyết giác

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Sinh cơ, chỉ huyết, hành khí và hoạt huyết.
  • Chủ trị: Mụn nhọt lâu ngày không liền, vết thương chảy máu, bế kinh, huyết ứ trệ sau khi sinh, tụ máu do chấn thương, đau nhức lưng, u hạch.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng chống đông máu: Dịch từ cây cau rừng có tác dụng ngăn ngừa hình thành huyết khối nhờ vào tác dụng ức chế tập kết tiểu cầu.
  • Tác dụng kháng khuẩn. Dịch chiết từ dược liệu có thể ức chế vi khuẩn Staphylococcus aureus và một số loại nấm gây bệnh khác.
  • Thực nghiệm trên thỏ cho thấy, cồn trong huyết giác có tác dụng giãn mạch, giảm glycopen trong gan, tăng IgA, IgG trong máu.
  • Thực nghiệm trên chuột trắng cho thấy, dịch chiết từ thuốc có tác dụng tăng tỷ lệ sống sót của động vật trong điều kiện áp suất giảm và thiếu oxy.

4. Cách dùng – liều lượng

Huyết giác được dùng ở dạng ngâm rượu uống, xoa hoặc sắc cùng với các vị thuốc khác. Liều dùng trung bình: 8 – 12g/ ngày.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyết giác

1. Bài thuốc trị bệnh tràng nhạc (lao hạch) vỡ mủ

  • Chuẩn bị: Địa hoàng khô 16g, đại táo (sao thành than) 20 quả và huyết giác (sao) 8g.
  • Thực hiện: Nghiền các vị thành bột và làm thành cao dán.

2. Bài thuốc trị ứ huyết và bầm tím do chấn thương

  • Chuẩn bị: Mã đề 6g, cam thảo nam 8g, huyết giác 10g, dây đau xương 3g, rễ cốt khí củ 10g, bồ bồ 10g, rễ lá lốt 10g, rễ cỏ xước 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
  • Lưu ý: Kết hợp với bài thuốc ngâm rượu từ huyết giác, thiên niên kiện, địa liền, quế chi, bột long não để xoa bóp bên ngoài.

3. Bài thuốc trị chứng căng tức ngực, đau nhói vùng tim, đau mỏi lưng và ê ẩm vùng vai gáy

  • Chuẩn bị: Sinh địa, mạch môn, huyết giác, ngưu tất và đương quy mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

4. Bài thuốc giúp bổ máu

  • Chuẩn bị: Đỗ đen (sao cháy) 100g, quả tơ hồng 100g, huyết giác 100g, ngải cứu 20g, vừng đen 30g, gạo nếp rang 10g, hoài sơn 100g, hà thủ ô 100g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế với mật làm thành viên. Mỗi ngày dùng từ 10 – 20g.

5. Bài thuốc xoa bóp giúp giảm đau nhức và tụ máu do chấn thương

  • Chuẩn bị: Đại hồi, địa liền, thiên niên kiện, huyết giác và quế chi mỗi vị 20g, gỗ vang 40g, 500ml rượu 30 độ.
  • Thực hiện: Đem các vị tán nhỏ và ngâm với rượu trong vòng 7 ngày, sau đó chắt bỏ bã và dùng dịch rượu xoa bóp vùng khớp đau nhức.

6. Bài thuốc trị vết thương hở gây chảy máu

  • Chuẩn bị: Nhựa và bột cây huyết giác.
  • Thực hiện: Bôi vào vết thương để cầm máu.

7. Bài thuốc trị chứng chảy máu cam

  • Chuẩn bị: Bạc hà và nhựa cây huyết giác bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn rồi thổi vào mũi sẽ hết.

8. Bài thuốc xoa bóp giúp tiêu viêm, giảm đau, tăng lưu thông khí huyết và giãn gân cơ

  • Chuẩn bị: Quế chi và đại hồi mỗi vị 12g, long não 15g, địa liền và thiên niên kiện mỗi vị 20g, ô đầu và huyết giác mỗi vị 40g.
  • Thực hiện: Tán nhỏ các vị thuốc sau đó đem ngâm với 1 lít rượu trong vòng 1 tuần. Lọc bỏ bã, thêm một ít rượu vào và dùng dịch rượu để xoa bóp lên chỗ đau nhức.

9. Bài thuốc chữa chứng kinh nguyệt không đều

  • Chuẩn bị: Huyết giác 20 – 40g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 400ml nước còn lại 200ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc trước kỳ kinh 15 ngày.

10. Bài thuốc trị chứng tụ máu do chấn thương

  • Chuẩn bị: Tỏi đỏ 30g, huyết giác 50g và ngưu tất 100g.
  • Thực hiện: Ngâm với rượu trong ít nhất 30 ngày. Mỗi lần dùng 10 – 15ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục từ 10 ngày trở lên.

11. Bài thuốc trị chứng đau nhức do ứ máu và phong thấp

  • Chuẩn bị: Hoa, rễ và lá cây huyết dụ 30g, huyết giác 15g.
  • Thực hiện: Sắc uống cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

12. Bài thuốc trị thận hư suy gây đau mỏi lưng, tiểu nhắt, tiểu nhiều lần và suy nhược cơ thể

  • Chuẩn bị: Rượu 250ml, huyết giác 1.2g, cáp giới 6g, tiểu hồi hương 6g, đảng sâm 16g và trần bì 0.8g.
  • Thực hiện: Ngâm các dược liệu với rượu trong vòng 1 tháng là dùng được. Trước khi đi ngủ dùng 1 chén rượu nhỏ (khoảng 20ml). Sử dụng đều đặn hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.

13. Bài thuốc trị khớp tụ máu bầm gây sưng và đau nhức

  • Chuẩn bị: Quốc lão 6g, dây đau xương 20g, huyết giác 20g, củ trinh nữ hoàng cung 20g, lá cối xay 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi máu bầm tan hoàn toàn.

14. Bài thuốc trị chứng rối loạn tiểu tiện ở người cao tuổi và hỗ trợ điều trị u xơ tiền liệt tuyến

  • Chuẩn bị: Rễ ngưu tất nam 12g, hương tử 6g, ba kích (sao muối) 10g, lá trinh nữ hoàng cung 20g, huyết giác 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc lấy nước, chia thành 2 – 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

15. Bài thuốc ngâm trị thoái vị đĩa đệm

  • Chuẩn bị: Đương quy, độc hoạt, tô mộc, khương hoạt, tần giao, huyết giác mỗi vị 12g, nhục quế và hồng hoa mỗi vị 8g, ngải cứu 6g, thiên niên kiện và mộc qua mỗi vị 10g.
  • Thực hiện: Đem ngâm với 1 lít rượu trong vòng 1 tuần, mỗi lần dùng 15 – 20ml sau bữa ăn. Ngày dùng 2 lần.

16. Bài thuốc trị chứng thiếu máu khiến người xanh xao, mệt mỏi, mất ngủ, ăn ngủ kém, ngực nặng tức

  • Chuẩn bị: Ba kích, huyết giác và cao hổ cốt mỗi vị 20g, sâm bố chính 120g, quả dâu, hà thủ ô (chế), tang ký sinh, thỏ ty tử (sao) và đỗ trọng mỗi vị 40g, hoàng tinh (chế) 80g.
  • Thực hiện: Đem các vị ngâm với 1 lít rượu trong 2 ngày 2 đêm. Sau đó chưng cách thủy trong 2 giờ, hạ thổ trong 7 ngày rồi đem lên. Mỗi lần dùng 30ml rượu uống trong bữa ăn, ngày dùng 2 lần.

Sử dụng dược liệu huyết giác cần lưu ý điều gì?

  • Phụ nữ có thai và đang trong giai đoạn hành kinh không nên dược liệu huyết giác.
  • Vị thuốc này có tác dụng chống tập kết tiểu cầu nên có khả năng tương tác với thuốc chống đông máu. Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này, vui lòng trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng thuốc và dược liệu.

Vị thuốc huyết giác không chứa độc nên có thể sử dụng trong điều trị dài hạn. Tuy nhiên dùng dược liệu với liều lượng lớn có khả năng gây chảy máu kéo dài. Do đó nếu có ý định dùng bài thuốc từ huyết giác, bạn nên gặp thầy thuốc để dự phòng tác dụng phụ và tương tác thuốc.