Húng quế
Húng quế là loại rau gia vị rất quen thuộc còn được gọi với tên rất phổ biến khác là húng chó. Đây cũng chính là một loại dược liệu có tác dụng dược lý đa dạng nhờ hàm lượng tinh dầu cao. Thường dùng làm vị thuốc chữa các triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp, mề đay mẩn ngứa, đau dạ dày, viêm ruột, đầy bụng…
- Tên gọi khác: Húng chó, Húng giổi, É, É tía, Hương thái, Rau quế…
- Tên khoa học: Ocimum basilicum.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Húng quế là loài một loại cây thảo sống hằng năm, có thể cao khoảng 25 – 50cm. Thân và cành cây nhẵn, vuông, phân nhánh nhiều từ dưới gốc, cành còn non có màu tím đỏ.
Lá cây mọc đối nhau có hình trái xoan hoặc mũi mác, dài khoảng 3 – 5cm, rộng khoảng 1 – 1,5cm. Phần gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, 2 mặt đều nhẵn và có màu lục. Mặt trên lá bóng còn mặt dưới nhạt hơn, mép nguyên hoặc hơi khía càng. Phần cuống lá tương đối dài.
Hoa nhỏ có màu trắng hoặc hơi tía, mọc thành chùm ở đầu cành có nhiều vòng gồm 5 – 6 hoa nhỏ. Các vòng sẽ mọc cách xa nhau ở phía dưới và sít dần về phía ngọn. Lá hắc nhỏ thường rụng sớm, đài 5 tràng có màu lục hay tím tía, mọc nghiêng và có thể tồn tại ngay cả khi hoa đã rụng. Quả bế tư, rời nhau và mỗi bế quả chỉ đựng 1 hạt. Mùa hoa quả rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.
Húng quế là cây ưa sáng và ẩm. Hạt gieo nảy mầm rất tốt nhưng để sớm thu hoạch thì nên trồng bằng cành. Cây có khả năng mọc chồi với tốc độ rất nhanh khi bị ngắt ngọn.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây húng quế được dùng để làm vị thuốc, trong đó lá và ngọn có hoa là được dùng phổ biến nhất.
3. Phân bố
Cây húng quế được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay loại cây này đang được trồng rất phổ biến ở các nước nhiệt đới.
Riêng ở nước ta, các tỉnh miền Bắc thường trồng làm gia vị còn ở miền Nam thì phần quả được dùng làm nguyên liệu giải nhiệt còn được gọi là hạt é.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu có thể được thu hái quanh năm, nhưng mùa thu hái phổ biến vẫn là mùa hè thu. Sau khi hái về sẽ đem rửa sạch và phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Dược liệu trong trường hợp đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín và để ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt, nấm mốc.
6. Thành phần hóa học
Phân tích cho thấy, dược liệu húng quế có chứa rất nhiều các thành phần. Điển hình nhất là trong tinh dầu có chứa:
- Linalol
- Cineol
- Estragolm
- Metylchavicol
- Geranyl acetat
Vị thuốc húng quế
1. Tính vị
Theo các tài liệu Đông y thì húng quế có vị cay, mùi thơm và tính ấm.
2. Quy kinh
Dược liệu được quy vào 2 kinh là Phế và Tâm.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Tán máu ứ, làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm đau.
- Chủ trị: Ho, viêm họng, khàn tiếng, đau nhức răng, dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, bồn chồn, lo lắng…
Theo y học hiện đại:
- Chống ho, làm long đờm, điều chỉnh khả năng miễn dịch. Đáp ứng tốt với các triệu chứng của bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm phế quản…
- Các hợp chất như camphene, eugenol và cineole dồi dào trong tinh dầu hũng quế giúp làm dịu tình trạng sung huyết. Đồng thời còn có khả năng chống nấm và kháng khuẩn giúp ức chế tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến những rắc rối ở đường hô hấp.
- Dược liệu còn có tác dụng lợi tiểu, thêm vào đó là làm giảm lượng acid uric trong máu và khử độc rất tốt cho thận.
- Một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ ghi nhận rằng húng quế giúp duy trì mức bình thường của cortisol – hormone gây stress trong cơ thể. Dược liệu này có thể làm dịu thần kinh và điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu, đồn thời đánh bại các gốc tự do vốn là 1 yếu tố gây stress rất phổ biến.
- Hàm lượng chất oxy hóa dồi dào trong húng quế được cho là có thể hỗ trợ ngăn cản quá trình phát triển bệnh ung thư vú và ung thư miệng. Hợp chất có trong dược liệu sẽ tấn công các mạch máu nuôi sống khối u.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu húng quế thường được dùng theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể. Có thể dùng tươi bằng cách giã lấy nước uống hay đắp ngoài, hấp cách thủy, sắc nước cùng các vị thuốc khác.
Liều dùng được khuyến cáo cho lá tươi là khoảng 20g/ngày, còn với hạt là 6 – 12g/ngày. Tuy nhiên, trong các trường hợp cụ thể có thể điều chỉnh liều cho phù hợp, nhất là khi dùng chung với các vị thuốc khác.
10 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu húng quế
Húng quế được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc sau:
1. Bài thuốc chữa bồn chồn, đau đầu, lo âu
- Chuẩn bị: 20 – 40g lá và hoa hũng quế khô.
- Thực hiện: Cho vị thuốc vào ấm giữ nhiệt hãm như hãm nước chè. Mỗi ngày uống khoảng từ 2 – 3 chén.
2. Bài thuốc chữa dị ứng mẩn ngứa
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 3 – 6g hạt cùng với 20 – 30g lá húng quế. Đối với phần hạt đem ngâm với nước cho nổi nhầy. Sau đó giã chung với lá rồi lọc lấy nước pha thêm chút đường để uống. Tận dụng phần bã để xoa lên vùng da bị ngứa.
- Bài thuốc 2: Cần có 20g lá hũng quế khô cùng với 1 nắm lớn lá khế. Sắc lá húng quế khô lấy nước uống trong ngày. Kết hợp với nấu nước lá khế để tắm.
3. Bài thuốc giúp tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh thiếu sữa
- Chuẩn bị: 10g lá húng quế.
- Thực hiện: Đem cho dược liệu vào ấm sắc cùng với 1 lít nước trong 10 – 15 phút. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, chỉ dùng mỗi ngày 1 thang.
4. Bài thuốc chữa đau răng
- Chuẩn bị: 15g cành và lá húng quế tươi.
- Thực hiện: Cho vào ấm sắc đặc rồi lấy nước sắc súc miệng mỗi ngày.
5. Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa
- Chuẩn bị: 15g lá húng quế.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sau đó đổ thêm nửa thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ để thu lấy 200ml. Chia đều thành 2 lần uống, dùng mỗi ngày 1 thang.
6. Bài thuốc trị ho ở trẻ sơ sinh
- Chuẩn bị: 1 bó húng quế chỉ lấy hoa và lá non, 2 quả khế chua cùng 50g đường phèn.
- Thực hiện: Khế đem vắt lấy nước còn húng quế cũng giã nát để vắt lấy nước cốt. Trộn đều 2 loại nước cốt với nhau rồi thêm đường phèn và hấp cách thủy trong 1 giờ. Khi nước cô lại thì tiến hành gạn ra bình thủy tinh để bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng thìa nhỏ chấm 1 ít nước thuốc lên miệng để trẻ tự mút, thực hiện đều đặn 3 lần/ngày.
7. Bài thuốc chữa ho có đờm ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 15 lá húng quế, 4 quả quất xanh cùng với 1 ít đường phèn.
- Thực hiện: Xay nhuyễn lá húng cùng với quất rồi thêm đường phèn vào trộn đều. Đem đi hấp cách thủy trong khoảng 20 phút là được. Cho trẻ uống đều đặn 1 – 2 lần/ngày sẽ thấy hiệu nghiệm.
8. Bài thuốc chữa chứng ho dị ứng ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 1 nắm húng quế, 1 thìa gừng cùng 3 thìa cà phê mật ong.
- Thực hiện: Húng quế đem xay nhuyễn rồi cho gừng đã đập nhỏ cùng mật ong vào trộn đều, thêm 1 thìa nước lọc. Gạn bỏ bã cho trẻ uống nước thuốc 3 lần/ngày.
9. Bài thuốc chữa ho nhiệt, khản tiếng, viêm họng ở trẻ em
- Chuẩn bị: 20g lá húng quế tươi cùng với 20g đường phèn.
- Thực hiện: Húng quế đem giã dập rồi hãm với khoảng 10ml nước sôi. Sau đó thêm đường phèn vào và gạn lấy nước để cho trẻ uống với tần suất 2 lần/ngày.
10. Bài thuốc chữa ho khan và ho có đờm ở người lớn
- Chuẩn bị: 4 lá húng quế, 1 củ hành thái nhỏ, 2 nhánh đinh hương, 4 quả hồ tiêu.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc, đổ thêm 200ml nước vào. Đun trên lửa nhỏ cho tới khi cô lại còn 100ml. Uống với tần suất 3 lần/ngày. Lưu ý cần uống nhấp từng ngụm nhỏ để nhận được kết quả tốt nhất.
Những lưu ý khi sử dụng húng quế
Húng quế nếu dùng không hợp lý có thể phát sinh một số tác dụng phụ như:
- Ăn quá nhiều là húng quế sẽ dẫn đến quá liều Eugenol (đây là thành phần chính có trong dược liệu này). Điều này khiến cơ thể bị ngộ độc với các triệu chứng như ho, thở gấp, nước tiểu lẫn máu…
- Tinh dầu từ húng quế nếu dùng với liều cao thường sẽ kích hoạt các phản ứng gây ra hiện tượng co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai, gây loãng máu hay làm hạ đường huyết.
Chính vì thế, cần hết sức lưu ý khi dùng dược liệu cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh máu khó đông hay bệnh nhân bị hạ đường huyết. Khi dùng cho trẻ em cần dùng với liều thấp và theo dõi sát sao biểu hiện cơ thể trẻ trong suốt quá trình sử dụng.
Những thông tin về dược liệu húng quý được bài viết tổng hợp chỉ có giá trị tham khảo. Khi có ý định dùng dược liệu này cho bất cứ mục đích nào cần trao đổi với bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng bởi những rủi ro có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu dùng sai cách.