Hoàng liên gai

Hoàng liên gai hay Hoàng mù, Hoàng mộc, là vị thuốc có vị đắng, tính hàn. Theo y học cổ truyền, dược liệu thường được dùng để chữa đau răng, ăn uống không tiêu, kiết lỵ, đau mắt và một số bệnh lý khác.

hoàng liên gai có tác dụng gì
Hoàng liên gai hay Hoàng mù là dược liệu được sử dụng để điều trị đau răng, kiết lỵ và rối loạn tiêu hóa
  • Tên gọi khác: Hoàng mộc, Hoàng mù, Nghêu hoa
  • Tên khoa học: Berberis Wallichiana DC
  • Họ: Hoàng liên gai – Berberidaceae

Mô tả cây Hoàng liên gai

1. Đặc điểm sinh thái

Hoàng liên gai là cây bụi, có thể cao đến 2 – 3 mét. Thân vỏ có màu vàng xám nhạt, có nhiều cành nhỏ vườn dài. Thân thường phân thành nhiều đốt, mỗi đốt dưới thường có một chùm 3 – 4 lá, dưới mỗi chùm lá có gai ba nhánh.

Lá cây mọc thành nhiều chùm, mỗi chùm 3 – 4 lá, có thể đến 8 lá mỗi chùm. Cuống lá ngắn khoảng 0.5 – 1 cm. Phiến lá cứng, dài khoảng 16 – 17 cm, rộng khoảng 4 – 6 cm, hình mác, mép lá to, có răng cưa. Mặt trên lá có màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng.

Hoa cây mọc thành chùm, có màu vàng. Quả mọng hình bầu dục hoặc hình trái xoan, dài khoảng 1 cm, phát triển trên cuống quả dài 30 – 35 mm. Khi chín quả có màu tím đen, bên trong có chứa khoảng 3 – 4 hạt nhỏ. Hạt màu đen dài 5 – 6 mm, rộng khoảng 2 – 3 mm. Ở Sapa mùa quả Hoàng liên gai thường vào tháng 5 – 6.

tác dụng của hoàng liên ba gai
Dược liệu có lá hình mác, mép lá to, có răng cưa, bên dưới chùm lá là 3 gai đặc trưng

2. Phân bố

Hoàng liên gai thường phân bố nhiều ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, dược liệu được tìm thấy ở Sapa – Lào Cai tại các khu vực như Ô Quý Hồ, núi Hàm Rồng, xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát.

3. Bộ phận sử dụng dược liệu

Thân và rễ cây Hoàng mộc được ứng dụng để làm dược liệu.

3. Thu hái – Sơ chế

Hoàng liên gai có thể thu hái quanh năm. Khi thu hái đào cả rễ và thân cây mang về rửa sạch đất cát, cắt ngắn, thái mỏng phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.

4. Bảo quản dược liệu

Dược liệu sau khi được sơ chế cần bảo quản ở nơi cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm.

5. Thành phần hóa học

Trong rễ và thân Hoàng liên gai có chứa 3% Berberin.

Rễ dược liệu có chứa Berberin, Umbellantin, Oxyacanthin.

Vị thuốc Hoàng liên gai

hoàng liên gai dược liệu
Dược liệu Hoàng mộc tính hàn, vị đắng

1. Tính vị

Hoàng liên gai tính hàn, vị đắng.

2. Quy kinh

Dược liệu quy vào kinh Vị, Tâm, Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

– Theo y học hiện đại:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Berberine và một số thành phần khác của Hoàng mộc có thể ức chế các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus và Neisseria meningitidis. Tuy nhiên, tác dụng của dược liệu được cho là mạnh nhất đối với vi khuẩn gây bệnh lỵ là Shigella dysenteriae và S. flexneri.
  • Tác dụng kháng Virus: Dược liệu có tác dụng đối với nhiều loại virus gây cúm và virus virus Newcastle (thí nghiệm trên phôi gà).
  • Tác dụng chống viêm: Hoạt chất Berberine trong Hoàng liên gai có thể làm gia tăng khả năng chống viêm của cơ thể. Ngoài ra, Ethanol được chiết xuất từ dược liệu có tác dụng kháng viêm tại chỗ, hiệu quả tương tự như thuốc Butazolidin.
  • Tác dụng hạ áp: Chích hoặc uống dịch Berberine có tác dụng hạ huyết áp (thí nghiệm trên mèo, chó và thỏ). Tuy nhiên, ở liều lượng bình thường hiệu quả hạ huyết áp không kéo dài, liều lặp lại cho kết quả không cao. Ngoài ra, khi huyết áp giảm có thể kéo theo chứng tăng giãn mạch, gia tăng đồng bộ ở thận, lá lách và tay chân.
  • Tác dụng đối với hệ mật: Berberine có trong Hoàng mộc có tác dụng lợi mật và có thể làm giảm độ dính của mật. Sử dụng Berberine có hiệu quả cao đối với bệnh nhân viêm mật mạn tính.
  • Tác dụng đối với hệ thống nội tiết: Berberine trong Hoàng mù có tác dụng kháng Adrenaline (hormone giao cảm được sản xuất khi cơ thể sợ sãi, thích thú, tức giận hoặc bất cứ thứ gì có thể khiến tim đập nhanh và phản ứng chống lại nguy hiểm). Ngoài ra, Hoàng mộc cũng được cho là có thể dung hoà sự rối loạn của Adrenaline và các hoạt chất liên quan.
  • Tác dụng ngăn ngừa ho gà: Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy dược liệu có thể ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây ho gà khác nhau. Tác dụng cao nhất của dược liệu là đối với vi khuẩn Hemophilus pertussis. Nhưng dược liệu cũng có tác dụng với Chloramphenicol và Streptomycine. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu trên heo của Hà Lan thì không nhận thấy tác dụng giảm tỷ lệ tử vong.
  • Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Hoàng liên có tác dụng kích thích vỏ não với liều lượng nhỏ. Tuy nhiên, nếu sử dụng với liều cao có thể ức chế hoạt động của vỏ não.
hoàng liên ba gai
Hoàng liên gai được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau

– Theo y học cổ truyền:

Hoàng liên gai có tác dụng điều trị một số bệnh lý như:

  • Kiết lỵ
  • Đau mắt
  • Ăn uống kém tiêu, rối loạn tiêu hóa

Khi ngâm rượu, dược liệu có thể cải thiện các triệu chứng cao huyết áp như:

  • Chóng mặt
  • Hoa mắt
  • Đau đầu
  • Đau thắt lưng
  • Đau răng

4. Cách dùng – Liều lượng

Dược liệu có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.

Ngoài ra, Hoàng liên gai còn được sử dụng để làm nguyên liệu trích xuất Becberin.

Liều dùng khuyến cáo: 2 – 12 g mỗi lần. Khi dùng có thể tẩm gừng hoặc nước Ngô thù du để làm giảm tính hàn của dược liệu.

Bài thuốc sử dụng Hoàng liên gai

hoàng liên gai lá mốc
Dược liệu thường được dùng điều trị kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa và đau mắt

1. Chữa kiết lỵ

– Bài thuốc thứ nhất:

Sử dụng Hoàng liên gai 4 g sắc cùng 150 ml nước, dùng uống trong ngày. Có thể gia thêm đường để cải thiện hương vị khi dùng.

– Bài thuốc thứ hai:

Sử dụng Hoàng mù tán nhỏ 12 g. Mỗi lần dùng uống 2 g, 2 lần mỗi ngày cho đến khi hết thuốc. Có thể phối thêm Mộc hương làm thành bột thuốc hoặc Bạch đầu ông, Hoàng bá sắc thành thuốc dùng uống.

– Bài thuốc thứ ba:

Dùng Hoàng mộc, hạt Cau, hạt Dưa hấu, Nha đảm tử, Đại hoàng, mỗi vị đều 20 g. Mang dược liệu tán thành bột mịn, dùng uống với nước. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 g.

2. Trị sốt cao gây cuồng loạn, mê sảng, phát ban hoặc điên cuồng phá phách

Dùng Hoàng mù, Chi tử, Đại hoàng, mỗi vị đều 8 g, sắc thành thuốc, dùng uống.

3. Điều trị đau mắt đỏ, mắt sưng húp, sợ chói, viêm màng tiếp hợp mắt, chảy nước mắt

Dùng Hoàng liên gai, Hoa cúc, Dành dành, mỗi vị đều 8 g, phối với Xuyên khung, Bạc hà, mỗi vị đều 4 g, sắc thành thuốc dùng xông hơi vào mắt và dùng uống khi còn ấm. Mỗi ngày thực hiện 3 lần.

Ngoài ra, có thể dùng dịch chiết Hoàng liên gai 5 – 30% nhỏ vào mắt để cải thiện các triệu chứng.

4. Trị chứng đau răng

Dùng Hoàng mộc 10 g ngâm cùng 100 ml rượu trắng trong 7 – 10 ngày liên tục. Dùng rượu này chấm vào khu vực răng đau. Ngoài ra có thể dùng ngậm để cải thiện tình trạng đau nhức răng.

5. Kích thích hệ thống tiêu hóa, cải thiện tình trạng tiêu hóa

Sử dụng Hoàng liên gai, tán bột 0.5 g, Đại hoàng tán bột 1 g, Quế chi dạng bột 0.75 g. Trộn đều các vị thuốc, chia thành 3 phần bằng nhau, dùng uống trong ngày. Sử dụng liên tục trong 5 – 7 ngày.

6. Điều trị viêm miệng, tưa lưỡi, lở môi, sưng lưỡi ở trẻ em

Sử dụng Hoàng liên gai mài hoặc sắc với mật ong dùng bôi hoặc bôi vào khu vực sưng đau, tổn thương.

Lưu ý khi sử dụng Hoàng liên gai

Ngoài Hoàng liên gai còn có hai loại Hoàng liên khác cũng có tác dụng dược lý tương tự. Nếu không tìm được Hoàng liên gai có thể dùng thay thế cho nhau. Hai vị thuốc bao gồm:

  • Hoàng liên ô rô – Mahonia bealli Carr có thể dùng thay Hoàng liên gai, Hoàng bá.
  • Thổ Hoàng liên – Thalictrum foliolosum DC., thuộc họ Hoàng liên, có tác dụng tương tự những yếu hơn.
Hoàng liên gai
Phụ nữ có thai không được dùng Hoàng mộc điều trị bệnh

Ngoài ra, khi sử dụng Hoàng liên gai cần chú ý một số vấn đề như:

  • Nếu dùng với liều lớn có thể làm tổn thương đến dịch vị và gây nôn.
  • Người phiền nhiệt, tỳ hư, âm hư, tiết tả không được dùng.
  • Phụ nữ có thai không được dùng.

Hoàng liên gai là dược liệu được sử dụng phổ biến để điều trị kiết lỵ và các dạng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng vị thuốc người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.