Hoa sói

Cây hoa sói hay còn gọi là cây hoa ngâu, là loài cây có hoa thơm được sử dụng với nhiều mục đích trong cuộc sống người Việt. Hoa sói thường được dùng trang trí cảnh quan, dâng hoa cúng Phật, ướp hương mà cây cũng được ứng dụng điều chế thuốc chữa bệnh.

Cây hoa sói
Cây hoa sói có tác dụng làm đẹp cảnh quan và một số nơi ứng dụng cây làm thuốc chữa bệnh
  • Tên tiếng việt: Hoa sói, Sói gié, hoa ngâu
  • Tên khoa học: Chloranthus spicatus (Thunb.) Makino – Nigrina spicatus Thunb.
  • Họ: Chloranthaceae

Đặc điểm hình thái cây hoa sói

Hoa sói là loại cây thân thảo, thấp, có chiều cao trung bình từ 30 – 60cm. Mỗi cây phân thành nhiều cành, mỗi cành phân đốt, thân ngầm dưới đất phát triển thành nhiều nhánh. Hoa sói phát triển rất nhanh, từ 1 cây trồng ban đầu, sau 2 –  3 năm cây có thể phát triển thành khóm có từ 25 đến 30 nhánh.

Cây hoa sói thuộc nhóm lá đơn, lá cây mọc đối, hình bầu dục, lá suôn nhọn ở đầu, có răng cưa. Bề mặt lá cây có gân nổi rõ, bóng sáng đẹp mắt. Cây hoa sói đặc trưng nhất là hình ảnh hoa nở, hoa của cây hoa sói mọc thành cụm ở đầu cành có nhiều nhánh (4 – 6 nhánh), trung bình mỗi nhánh có 13 – 14 hoa. Hoa ra quanh năm và chín đúng độ với màu trắng đục nghiêng xanh.

Hoa sói có mùi thơm ngào ngạt,  mùa cao điểm hoa nở nhiều nhất là vào tháng 3 – 4. Từ tháng 6 – 8 trời nắng nóng thì bông hoa nhỏ dần và năng suất giảm.

Cây hoa sói là loài cây ưa bóng nên cây có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên. Cây hoa sói tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc. Trong đời sống, người ra chủ yếu trồng cây hoa sói để làm hoa chưng. Cây trồng trong chậu, sân vườn hoặc lối đi, ứng dụng để trang trí nội thất, làm đẹp sân vườn, tạo cảnh quan xanh mát đẹp mắt.

Thành phần hóa học

Cây hoa sói có chứa các loại tinh dầu, flavonoit, axit fumaric…. vì thế một số dẫn xuất của cây hoa sói đã được chứng minh có thể mang lại nhiều hữu ích trong y học. Nghiên cứu gần đây chứng minh, các sesquiterpen có trong cây hoa sói có khả năng bảo vệ gan.

Các thành phần hoạt chất khác trong hoa sói flavonoit, axit fumaric cũng có tác dụng mạnh chống lại oxi hóa. Đồng thời các thành phần còn giúp giải nhiệt, tiêu độc, thúc đẩy sản xuất tiểu cầu trong máu và hỗ trợ tăng tuần hoàn, chống lại viêm nhiễm.

Một số ghi nhận khẳng định hoa sói giúp làm giảm mệt mỏi trong điều trị ung thư, cây cũng được đề xuất sử dụng như một giải pháp thay thế trong điều trị.

Thu hái

Hoa sói ra hoa quanh năm, thời điểm hoa nở nhiều nhất là vào khoảng tháng 3 tháng 4. Mùa hoa được dịp nở rộ và hương thơm đạt tới độ chín nhất cũng là mùa thu hái hoa lớn trong năm. Thời gian này, sau khi thu hái về, bông hoa sói sẽ được làm sạch và bắt đầu chuẩn bị cho công đoạn ướp trà.

Tác dụng phụ

Độc có nhiều trong gốc và rễ nên khi sử dụng hoa sói làm thuốc cần hết sức thận trọng xử lý hai bộ phận này. Mặc dù phần gốc và rễ cây hoa sói có nhiều chất độc nhưng đồng thời cũng là nơi có nhiều tinh dầu thơm nhất. Trong dân gian tận dụng chúng để điều trị mụn nhọt, đinh độc chưa làm mủ theo cách giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên vùng ngoài da.

Cây hoa sói có tác dụng gì?

Trong y học Trung Quốc gọi cây hoa sói là Kim tắc lan. Cây hoa sói có vị cay, ngọt, hơi chát, và tính ấm. Công dụng khư phong thấp, hoạt huyết tán ứ, tiếp gân cốt, sát trùng trừ ngứa. Chủ yếu dùng trong điều trị các vấn đề ngoài da. Hoa tươi dùng để ướp trà, được dùng rất phổ biến tại Trung Quốc.  Một số địa phương còn dùng hoa sói khô hãm uống chữa ho.

Cây hoa sói chủ yếu được sử dụng để làm thuốc và ướp trà trong Đông y. Theo tài liệu ghi nhận, toàn cây hoa sói có vị cay ngọt, hơi chát, tính ấm và cả cây đều có độc tính.

Trong dân gian, người ta dùng cả cây hoa sói bỏ rễ để trị dao chém, chữa gãy xương, viêm xương, khắc phục chứng thiên đầu thống. Phần lá cây dùng trị ho do lao lực và dùng rễ để trị đinh nhọt. Một số khu vực tại Vân Nam – Trung Quốc, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị cảm mạo, chữa bệnh phong thấp đau tê nhức khớp xương, đao chém xuất huyết, động kinh, tử cung rủ xuống.

Cây hoa sói có tác dụng gì
Hoa sói có công dụng điều trị các chứng viêm nhiễm, đau khớp, chủ yếu là điều trị tổn thương ngoài da

Ngoài ra, gốc rễ cây sói cũng được dùng ngâm rượu xoa bóp chữa chứng  phong tê thấp, đau nhức xương khớp hay đòn ngã tổn thương. Có thể áp dụng theo hình thức ngâm rượu toàn bộ cây tươi,  hoặc giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương.

Tác dụng chữa bệnh của cây hoa sói đã được công bố theo tạp chí Chemistry of Natural Compounds. Tại  Châu Á, cây hoa sói là vi thuốc có lịch sử lâu đời thường dùng điều trị gãy xương và cao huyết áp. Hoa sói cũng là bộ phận chứa tinh dầu với nhiều thành phần hoạt chất có tính kháng khuẩn cao. Nhưng chủ yếu hoa sói được dùng làm trà uống giúp điều thống khí huyết, giải tà trừ độc.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa sói

Hiện nay các bài thuốc chữa bệnh từ hoa sói vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong dân gian. Chủ yếu người ra thường sử dụng thân và rễ cây để điều trị các vết thương ngoài da. Với bài thuốc uống, cần cân nhắc tham khảo ý kiến chuyên gia để tránh các tổn thương ảnh hưởng đến dạ dày.

Bài thuốc dân gian

Toàn cây hoa sói dùng làm thuốc hoạt huyết, sát trùng, trừ ngứa và kích thích. Bài thuốc giúp điều trị sốt, cảm mạo, thiên đầu thống và động kinh. Sử dụng khoảng 10 g cây hoa sói sắc lấy nước uống hàng ngày.  Tuy nhiên, nếu sử dụng cần lưu ý liều lượng để tránh xảy ra ngộ độc.

Cách ướp trà hoa sói

Trà Hoa sói còn được gọi là Châu lan trà; đầu tiên hái búp trà tươi về, trải qua công đoạn sơ chế sạch với nước, để ráo dưới gió.  Tiếp tục cho hoa sói ướp theo tỷ lệ 300 – 400g một kg trà. Khi chọn trà ướp hương hoa sói cũng phải là loại trà bạch mao chất lượng tốt nhất, không chỉ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà còn phải sở hữu đặc điểm như cánh phải dày, lá to mới đảm bảo chất lượng hấp hương tốt.

trà ướp hoa sói
Dân gian thường ướp trà với hoa sói để tăng hương thơm và giúp bồi bổ các chất dinh dưỡng

Theo kinh nghiệm của những người đi trước, khi ướp hoa sói với trà phải để 3 ngày liền thì trà và hoa sói mới hòa quyện với linh khí vào nhau. Đó mới đảm bảo thành phẩm trà mới ngon nhất. Sở dĩ hoa sói được dùng để ướp trà là vì tuy cấu tạo búp hoa nhỏ bé nhưng lại chứa lượng tinh dầu lớn. Thế cho nên cần thời gian để trà hấp thụ hương hoa.

Để trà hoa sói lưu lại mùi hương lâu dài, người ta còn ướp trà cùng với 5 loại thuốc đông y như đại hồi, tiểu hồi, quế chi, cam thảo và phá cố. Những vị thuốc này không chỉ giúp thêm hương vị cho trà mà còn làm tăng hiệu quả bồi bổ cơ thể, chống suy nhược hữu hiệu cho thể trạng người bệnh.

Những tác dụng lợi ích của hoa sói đối với sức khỏe đã được dân gian và y học công nhận. Tuy nhiên vì hoa sói là dược liệu chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Vì thế nên hiệu quả của bài thuốc chữa bệnh từ hoa sói chưa được công nhận trong điều trị y tế. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu để đảm bảo không xảy ra các phản ứng phụ hay gây phản tác dụng của thuốc.