Hoa dẻ
Nhiều bộ phận của cây hoa dẻ được sử dụng để làm vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền. Điển hình nhất là bài thuốc chữa mụn nhọt mẩn ngứa hay đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt tác dụng của dược liệu này cần dùng đúng bài thuốc cho từng trường hợp cụ thể.
- Tên gọi khác: Hoa dẻ thơm, Nồi côi, Chập chại…
- Tên khoa học: Desmos chinensis Lour.
- Họ: Na (Annonaceae).
Mô tả dược liệu hoa dẻ
1. Đặc điểm thực vật
Hoa dẻ là một loài cây bụi sống lâu năm có chiều cao trung bình khoảng từ 1 – 3m. Thân và cành của cây mảnh, mọc trườn, ban đầu phủ một lớp lông màu trắng nhạt nhưng sau đó nhẵn và có màu đen cùng những nốt sần nhỏ.
Lá dẻ có hình trái xoan hay bầu dục thuôn và mọc so le nhau, phần gốc lá tròn, phần đầu lá nhọn. Lá dài khoảng 8 – 10cm, rộng khoảng 3 – 5cm, mặt trên nhẵn bóng, còn mặt dưới có phủ lông tơ màu vàng nhạt. Phần cuống lá ngắn và có lông.
Hoa dẻ có màu vàng nhạt mọc đơn độc ở kẽ lá hay đối diện với lá. Lá đài có hình tam giác, có lông ở mặt ngoài, có 6 cánh hoa, dài gấp 6 – 7 lần lá đài. Phiến cánh hoa dày, loăn xoăn, lá noãn và nhị nhiều. Mùa hoa rơi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6. Phần quả hình chuỗi dài, mỗi quả có từ 1 – 4 hạt.
Đây là loại cây có khả năng chịu hạn rất tốt nhờ bộ rễ khỏe ăn sâu vào lòng đất. Cây ra nhiều hoa quả. Những cây mọc ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ cho nhiều hoa quả hơn là những cây bị che bóng. Cây hoa dẻ có thể tái sinh tự nhiên chủ yếu dựa vào hạt.
2. Bộ phận dùng
Rễ và hoa là bộ phận của cây được dùng khá phổ biến để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Hoa dẻ là loại cây được tìm thấy ở hầu khắp các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới ở châu Á. Điển hình như Nepan, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Dương, Indonexia, Philippin…
Riêng ở nước ta, cây phân bố tương đối rộng rãi ở nhiều tỉnh thuộc vùng trung du, núi thấp và đồng bằng từ miền Bắc đến miền Nam. Đây là loại cây ưa sáng thường mọc trên các đồi cây bụi hay bờ nương rẫy, ven rừng thứ sinh. Cây có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất, trong đó có cả đất đồi bị xói mòn mạnh chỉ còn trơ tầng đá ong.
4. Thu hái và sơ chế
Về phần hoa, cần thu hái khi hoa mới nở, sau đó đem phơi nắng nhẹ hay sấy nhiệt độ thấp cho khô nhưng vẫn đảm bảo được mùi thơm. Còn phần rễ thì có thể thu hái quanh năm, đem về rửa thật sạch và thái mỏng, có thể phơi hay sấy khô đều được.
5. Bảo quản
Dược liệu khi đã được sơ chế khô cần bảo quản vào trong túi kín và để nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp, ẩm mốc, mối mọt.
6. Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu hoa dẻ phát hiện một số thành phần sau:
- 5 – methoxy – 7 hydroxy – flavanon
- 8 – formyl – 2, 5, 7 – trihydroxy – 6 — methyl – flavanon
- 7 – dihydroxy – 5 – methoxy – 6 – methyl – 8 – formylflavan
- 5, 7 – dihydroxy – 6, 8 – dimethyl – dihydroflavon
Vị thuốc hoa dẻ
1. Tính vị
Dược liệu được ghi nhận là có vị cay và tính hơi ấm.
2. Quy kinh
Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận:
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Mạnh tỳ vị
- Giảm đau
- Lợi thấp
Theo y học hiện đại:
- Kháng nấm
- Kháng khuẩn
- Điều trị sốt rét, tiêu chảy
Tham khảo thêm:
Một số tài liệu nước ngoài còn ghi nhận:
- Dùng nước sắc hoa dẻ cho phụ nữ uống có thể chữa chứng đẻ khó.
- Rễ và lá trị các bệnh đường tiêu hóa, trướng bụng, tiêu chảy, đau dạ dày.
- Ngoài ra còn chữa đau bụng thống kinh, xuất huyết trước khi sinh.
- Tác dụng tốt với chứng đau nhức xương, phù thũng, viêm thận.
- Dùng ngoài còn giúp trị đòn ngã tổn thương.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu thường được dùng phổ biến ở dạng thuốc sắc với liều dùng được khuyến cáo khoảng từ 10 – 15g ở dạng khô. Có thể kết hợp với các vị thuốc khác, đồng thời điều chỉnh liều lượng cho phù hợp để nâng cao công dụng chữa bệnh.
3 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hoa dẻ
Dược liệu hoa dẻ được dùng phổ biến trong 3 bài thuốc sau đây:
1. Chữa tê thấp, chân tay tê bại, đau nhức gân xương
- Chuẩn bị: 80g rễ hoa dẻ, 80g rễ gắm, 80g vỏ thân ngũ gia bì chân chim, 80g rễ rung rúc, 80g rễ bướm bung, 40g rễ sâm nam, 40g rễ cỏ xước, 40g rễ ô thược, 40g rễ tầm xuân, 40g tầm gửi, 40g rễ bướu bạc, 40g cây dâu, 40g rễ bạch đồng tử, 20g cả cây roi ngựa, 20g rễ chỉ thiên, 2 lít rượu trắng.
- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô ở nắng nhẹ. Sau đó cho vào bình thủy tinh và đổ ngập 2 lít rượu lên ngâm trong ít nhất 30 ngày. Mỗi lần dùng lấy 10 – 15ml uống trực tiếp, tần suất 2 lần/ngày.
2. Bài thuốc trấn kinh, an thần, chữa mất ngủ
- Chuẩn bị: 16g hoa dẻ khô.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi hãm chung với khoảng 200ml nước sôi nóng như hãm trà. Ngày uống 2 lần vào thời điểm trước khi đi ngủ.
3. Bài thuốc chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, ngộ độc
- Chuẩn bị: 30g rễ hoa dẻ cùng với 30g kim ngân hoa.
- Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem rửa sạch cho vào ấm rồi đổ thêm 400ml nước vào. Sắc trên lửa nhỏ để thu lấy khoảng 100ml thuốc. Chia làm nhiều lần uống trong ngày nhưng chỉ dùng đúng 1 thang/ngày.
Những thông tin về dược liệu hoa dẻ mà bài viết đã tổng hợp chỉ có giá trị tham khảo. Nếu có ý định dùng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh, bạn nên trao đổi trước với bác sĩ hay thầy thuốc để đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe.