Hoa bóng nước

Cây hoa bóng nước (móng tay, nắc nẻ) không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn được sử dụng để chữa bệnh. Do có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, trừ phong thấp và tán ứ nên thảo dược này được dùng trong bài thuốc trị đau nhức do phong thấp, mụn nhọt ngoài da và chứng bế kinh ở phụ nữ.

hoa bóng nước có tác dụng gì
Hoa bóng nước không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn được sử dụng để chữa bệnh
  • Tên gọi khác: Móng tay, Cây bóng nước, Nắc nẻ, Bông móng tay.
  • Tên khoa học: Impatiens balsamina
  • Họ: Bóng nước (danh pháp khoa học: Balsaminaceae)

Mô tả dược liệu bóng nước

1. Đặc điểm cây bóng nước

Hoa bóng nước là loài cây thường được trồng để làm cảnh. Cây mọc hằng năm, chiều cao trung bình từ 35 – 55cm. Lá mọc so le, phiến lá hình mác, nhọn ở 2 đầu, mép lá có răng cưa, có cuống. Lá rộng 2 – 2.5cm và dài khoảng 7 – 8cm.

cây bóng nước
Hoa của cây bóng nước mọc ở nách lá, hoa thường có màu trắng, hồng, tím hoặc đỏ

Hoa của cây mọc ở nách lá, thường có màu trắng, hồng, tím hoặc đỏ. Quả nang thường nứt ra thành 5 mảnh và tung hạt đi xa. Quả của cây thường nổ khi chín hoặc có tác động.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây bóng nước được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Cây hoa bóng nước mọc ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Cây có thể được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang ở ruộng, vườn,…

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái lá, hoa và quả của cây vào mùa hè hoặc mùa thu. Sau đó đem phơi/ sấy khô hoặc nhúng qua nước sôi rồi phơi khô dùng dần. Một số trường hợp nhân dân có thể dùng dược liệu tươi.

Hạt của cây bóng nước (cấp tính tử) cũng là một loại thuốc quý. Sau khi hái quả về, đem đập lấy hạt và dùng phơi khô hoàn toàn. Hạt của cây sau khi phơi thường có hình trứng hoặc hình tròn dẹt, mặt ngoài có màu xám hoặc nâu. Hạt có vị nhạt, hơi đắng, không mùi.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

  • Toàn cây hoa bóng nước có chứa axit ferulic, axit p-hydroxybenzoic, scopoletin, axit cafeic, axit sinapic, axit gentisic,…
  • Hạt chứa 17.9% chất béo, trong đó chứa octadecatetraenoic, axit parinaric, sipinaterol,…
  • Thân chứa quexetin pelargonidin, delphindin, kaempferol 3-glycozit.
  • Lá chứa kaempferol, kaempferol-3 arabinozit, axit xinnamic,…

Vị thuốc hoa bóng nước

1. Tính vị

  • Toàn cây có vị cay, tính ôn và hơi có độc.
  • Hạt cây bóng nước có vị nhạt, hơi đắng, tính ôn và hơi có độc.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Tỳ và Can.

3. Hoa bóng nước có tác dụng gì?

hoa bóng nước có tác dụng gì
Cây hoa bóng nước có tác dụng gì?

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hợp chất axit p-hydroxybenzoic trong dược liệu có tác dụng kháng khuẩn mạnh.
  • Hợp chất lawsone methyl ether trong hoa bóng nước có tác dụng ức chế một số vi nấm gây bệnh thường gặp.

– Theo Đông Y:

  • Hạt có tác dụng hành ứ, giáng khí, giải độc và thông kinh. Được dùng để chữa chứng đẻ khó, kinh nguyệt bế tắc, hóc xương và nấc nghẹn.
  • Toàn cây có tác dụng chỉ thống, hoạt huyết và khử phong thấp. Chủ trị rắn rết cắn, sưng đau do bị thương và phong thấp.
  • Nhân dân còn dùng lá nấu nước gội đầu để trị rụng tóc.

4. Cách dùng – liều lượng

Cây bóng nước thường được sử dụng ở dạng sắc, tán bột hoặc dạng viên. Liều dùng trung bình: 4 – 12g/ ngày, nếu dùng hạt hoa bóng nước chỉ nên dùng 4 – 6g/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hoa bóng nước

1. Bài thuốc trị chứng sưng đau do té ngã, vết thương lở loét

  • Chuẩn bị: Rễ bóng nước.
  • Thực hiện: Giã nát và đắp lên vùng đau nhức.

2. Bài thuốc trị nga trưởng phong

  • Chuẩn bị: Lá bóng nước tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch, để ráo nước rồi xát với chỗ bị bệnh 2 lần/ ngày.

3. Bài thuốc trị phát bối, tràng nhạc

  • Chuẩn bị: Lá hoa bóng nước tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch và đem giã nát rồi đắp lên vùng da cần điều trị. Một ngày thay thuốc 2 – 3 lần cho đến khi khỏi.

4. Bài thuốc trị hóc xương

  • Chuẩn bị: Rễ và hạt bóng nước.
  • Thực hiện: Nhai và ngậm trong miệng hoặc tán bột mịn và thổi vào bên trong họng (không được nuốt) cho đến khi ói ra xương.

5. Bài thuốc trị chứng nghẹn ở người cao tuổi

  • Chuẩn bị: Hạt hoa bóng nước.
  • Thực hiện: Đem tẩm mật, sau đó phơi khô và tán thành bột mịn. Hòa với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần dùng 8 viên uống với rượu.

6. Bài thuốc giúp ngừa thai

  • Chuẩn bị: Rễ cây bông cỏ 30g và hạt bóng nước 20g.
  • Thực hiện: Đem các nguyên liệu thái nhỏ, phơi khô và dùng sắc uống 2 – 3 lần/ ngày.

7. Bài thuốc trị bế kinh ở nữ giới

  • Chuẩn bị: Hoa bóng nước phơi khô 3 – 6g.
  • Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống.

8. Bài thuốc chứng đau mỏi lưng

  • Chuẩn bị: Nho chua 10 quả, nhân hạt đào 15g và cả cây hoa bóng nước 10g.
  • Thực hiện: Đem thái nhỏ, phơi khô và sắc uống liên tục trong vòng 7 ngày.

9. Bài thuốc trị bệnh phong thấp

  • Chuẩn bị: Vỏ ngũ gia bì 10g, bóng nước phơi khô 15g, rễ uy linh tiên 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị thái nhỏ và sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Sau đó chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

10. Bài thuốc trị vết thương ngoài da, mụn nhọt, sưng tấy

  • Chuẩn bị: Hoa bóng nước tươi.
  • Thực hiện: Giã với 1 ít muối và đắp trực tiếp lên vết thương.

Lưu ý khi dùng cây hoa bóng nước chữa bệnh

  • Không sử dụng thảo dược này cho phụ nữ mang thai.
  • Tránh dùng đồng thời với các loại thuốc chống đông máu.

Các nghiên cứu hiện đại về dược liệu hoa bóng nước còn hạn chế. Do đó một số bài thuốc từ thảo dược này chưa được chứng minh về độ an toàn và cải thiện lâm sàng. Vì vậy bạn cần tránh tình trạng tùy tiện áp dụng, thay vào đó cần chủ động tham vấn y khoa để dự phòng các tình huống rủi ro.