Hạt tiêu

Hạt tiêu không chỉ được dùng làm gia vị mà còn là dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh như phong thấp, động kinh, đau bụng tiêu chảy, đau dạ dày. Liều lượng được khuyến cáo là 2 – 4 gram mỗi ngày.

hạt tiêu

  • Tên gọi khác: Cây tiêu ăn, cây hồ tiêu, cây cổ nguyệt, bạch xuyên, cây hắc xuyên, bạch cổ nguyệt
  • Tên khoa học: Piper Nigrum L.
  • Họ: Hồ tiêu

Mô tả về cây hạt tiêu

Hạt tiêu là loại gia vị được sử dụng phổ biến trong ẩm thực. Nó giúp tạo ra hương vị cay nồng, thơm ngon cho món ăn. Ngoài ra, hạt tiêu còn là một vị thuốc chữa bệnh trong Đông y. Dưới đây là một số thông tin về đặc điểm của cây, khu vực phân bố, cách thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu.

Đặc điểm của cây tiêu

Tiêu là một loại cây thân leo, dài, sống lâu năm. Thân cây mọc cuốn trên cây khác hoặc trên các trụ được dựng sẵn bằng rễ, vỏ ngoài thân cây nhẵn, không chứa lông tơ.

Lá cây hạt tiêu có hình dáng tương tự như lá trầu không nhưng thuôn dài hơn. Từ các kẽ lá đâm ra hai nhánh, một nhánh mang quả và một nhánh để chứa các chất dinh dưỡng phân bổ nuôi quả cũng như các bộ phận khác của cây. Hoa mọc thành cụm hình đuôi sóc, có cụm dài cả gang tay. 

Quả tiêu hình cầu nhỏ, mỗi chùm có đến 20 – 30 quả mọc chi chít nhau. Ban đầu quả có màu xanh lục, sau đó già đi và từ từ ngả vàng rồi chuyển sang màu đỏ khi chín. Quả mang một hạt duy nhất được bao bọc bên trong lớp vỏ mỏng. 

Phân bố

Cây tiêu được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam. Đây là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nên được trồng với diện tích lớn ở nhiều tỉnh thành nước ta như. Có sản lượng thu hoạch tiêu nhiều nhất phải kể đến các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng trị, Đắk Lắk…

Các loại hạt tiêu

Hạt tiêu được chia thành 2 loại phổ biến là hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng. Trong đó:

  • Hạt tiêu đen: Là tiêu còn nguyên vỏ sau khi khô sẽ chuyển sang màu đen và bên ngoài nhăn nheo. Hạt tiêu đen có mùi thơm hơn tiêu trắng nhưng lại không cay bằng.
  • Hạt tiêu trắng: Còn được gọi là tiêu sọ. Quả tiêu được loại bỏ đi lớp vỏ bên ngoài và chỉ còn lại hạt. Khi phơi khô sẽ có màu trắng ngà hoặc hơi xám. Khi ăn tiêu trắng sẽ ngay lập tức có cảm giác cay nồng.

Thu hoạch – sơ chế

Hạt tiêu thường được thu hoạch vào đầu năm, nhiều nhất là từ tháng 2 – tháng 3. Đối với tiêu đen, quả sẽ được thu hái khi đã già nhưng lớp vỏ ngoài còn xanh hoặc bên trong chùm quả xuất hiện điểm vàng. Sau đó đem phơi trực tiếp ngoài nắng to hoặc sấy khô cho lớp vỏ săn lại.

Để thu hạt tiêu trắng, quả được hái khi vỏ ngoài đã chín đỏ. Đem về ngâm nước khoảng 1 – 2 ngày để lớp vỏ và thịt quả mềm ra. Cuối cùng chà sát để lấy hạt, đem phơi nắng cho khô.
 

Cách bảo quản hạt tiêu

Để nơi khô ráo. Thông thường hạt tiêu trắng sẽ có thời hạn sử dụng ngắn hơn tiêu đen do đã trải qua một quá trình ngâm nước và chế biến phức tạp. 

Thành phần hóa học

Hạt tiêu chứa các chất sau:

  • Vitamin C
  • Tinh dầu
  • Các alkaloid gồm Piperin và Chanvixin
  • Chất béo
  • Tinh bột
  • Tro

Vị thuốc hạt tiêu

Tính vị

Hạt tiêu có tính nóng, vị cay, đại ôn

Quy kinh

Dược liệu quy vào 4 kinh gồm:

  • Kinh Tỳ
  • Kinh Vị
  • Kinh Phế
  • Kinh Đại Tràng

Hạt tiêu có tác dụng gì? Chủ trị

– Theo y học cổ truyền:

Hạt tiêu có tác dụng trừ đờm, hạ khí, giảm đau, kháng khuẩn, trừ hàn. Dược liệu được chủ trị trong các chứng bệnh sau:

  • Động kinh
  • Tiêu chảy
  • Tay chân lạnh
  • Đau bụng
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Thổ tả
  • Phong thấp
  • Viêm khớp
  • Ho
  • Viêm thận
  • Quai bị
  • Đau dạ dày và nhiều căn bệnh khác
hạt tiêu có tác dụng gì
Hạt tiêu đen được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền

– Theo nghiên cứu hiện đại:

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những công dụng của hạt tiêu như sau:

  • Đối với hệ tiêu hóa: Hoạt chất Piperin trong hạt tiêu có giúp tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột non. Đồng thời kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hydrochloric thúc đẩy quá trình tiêu hóa, cải thiện các vấn đề như ăn lâu tiêu, trướng bụng, đầy hơi, táo bón, đau bụng.
  • Giảm cân: Các chất có trong lớp vỏ hạt tiêu giúp cơ thể đốt cháy lượng calo dư thừa, tăng bài tiết mồ hôi, đào thải độc tố và nước dư thừa thông qua đường tiết niệu. Sử dụng một ít vỏ ngoài của hạt tiêu đen trước khi tập luyện thể thao sẽ làm tăng hiệu quả đốt cháy tế bào mỡ dư thừa.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Hạt tiêu có tác dụng kháng khuẩn cao nên giúp chống nhiễm trùng ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, giảm sưng viêm khớp, khắc phục các vấn đề về răng lợi như sâu răng, viêm nướu…
  • Đối với hệ thần kinh: Chất Piperin làm tăng lượng serotonin được sản xuất trong não bộ. Chất này giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Liều lượng – Cách dùng

Liều dùng hạt tiêu là 2 – 4 g mỗi ngày. Có thể dùng dược liệu dưới dạng thuốc sắc, tán bột, làm hoàn hay ngâm rượu tùy theo mục đích điều trị.

Độc tính

Hạt tiêu không có độc

Bài thuốc chữa bệnh sử dụng hạt tiêu

1. Điều trị bệnh phong thấp

Lấy hạt tiêu, hoa hồi và minh thạch lượng bằng nhau. Tất cả nghiền nhỏ, trộn với ít nước xoa bóp vào chỗ đau.

2. Chữa tiêu chảy cho trẻ em

 Dùng hạt tiêu trắng giã nhuyễn bỏ vào rốn của bé rồi lấy băng gạc y tế dán cố định lại. Cứ sau 1 ngày lại thay thuốc 1 lần. Theo báo cáo thực nghiệm, áo dụng cách này để điều trị cho 209 ca bị tiêu chảy là trẻ em cho thấy hiệu quả đạt được là 81,3%.

3. Điều trị bệnh viêm khớp

Lấy hạt tiêu tán bột, trộn chung với dầu nóng đem thoa trực tiếp lên các khớp bị viêm mỗi ngày 2 lần. Cách này có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết đến khớp bị viêm, giảm đau nhức, chữa viêm khớp.

4. Điều trị ngũ tạng ( Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận ) phong hàn, nôn ói do lạnh bụng

Lấy 30g hạt tiêu đem ngâm với một ít rượu trắng trong khoảng vài tiếng. Mỗi ngày 1 – 2 ly nhỏ ( tương đương khoảng 15ml) trước bữa ăn.

 5. Điều trị chứng thương hàn, dạ dày bị nhiễm khí lạnh

Chuẩn bị 30 cái hạt tiêu, 2g hươu xạ và 200ml rượu trắng. Đem 2 vị thuốc sắc chung với rượu cho cạn còn 100ml. Gạn ra uống khi thuốc còn nóng.

6. Chữa sưng viêm lợi

Lấy 1/2 thìa cà phê bột hạt tiêu trộn chung với 1/2 thìa cà phê muối ăn, thêm vào ít nước, quậy đều. Bôi hỗn hợp vào chỗ lợi bị viêm

7. Chữa ho kéo dài

Dùng 2 quả thận sơ chế sạch sẽ, thái miếng. Đem thận nấu chung với 6 hạt tiêu lấy nước uống.

8. Trị nghẹt mũi, sung huyết niêm mạc mũi

  • Cách 1: Lấy một nửa thìa bột tiêu pha với nước ấm. Ngày dùng 2 – 3 lần
  • Cách 2: Chuẩn bị một chậu nước nóng, thêm vào chút bột hạt tiêu và vài giọt dầu khuynh diệp để xông mũi
  • Cách 3: Trộn 2 thìa bột tiêu với lượng dầu mè vừa đủ sao cho được một hỗn hợp thuốc đặc sệt giống như kem.

9. Giảm đau ở phía dưới tim

Kết hợp 49 hột tiêu với 10ml sữa bò loại nguyên chất. Cho cả hai vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Nếu đối tượng bị bệnh là nam giới thì gia thêm 1 lát mỏng gừng tươi, còn nữ giới thì thêm 1 miếng tần quy. Khi dùng hòa hỗn hợp chung với một ít rượu uống hết 1 lần.

10. Điều trị bệnh đau bao tử

Chuẩn bị 7 hạt tiêu sọ và 7 quả đại táo. Táo tách bỏ hạt, nhét hết hạt tiêu vào bên trong. Bỏ thuốc vào bát sành đem hấp cách thủy đến khi chín nhừ. Nghiền nát thuốc, vo thành các viên hoàn bé bằng đậu xanh. Để trị đau dạ dày, mỗi lần dùng 7 viên, uống chung với nước ấm. Trường hợp bị đau nhẹ thì dùng khoảng 10 viên sẽ hết đau.

11. Điều trị buồn nôn kéo dài không dứt

Dùng bài thuốc gồm các vị: Hạt tiêu 1g, gừng sống 30g. Hạt tiêu giã thành bột, gừng thái lát, phơi khô tán bột mịn. Trộn cả hai với nhau đem nấu với 200ml. Khi nước sôi vặn nhỏ lửa để đến khi cạn còn 100ml thì ngưng. Gạn ra, để thuốc nguội còn hơi âm ấm chia uống 3 lần.

12. Chữa buồn nôn, ăn uống không được

Lấy 15g bột hạt tiêu trộn chung với 15g bột bán hạ và một lượng nước cốt gừng vừa đủ để tạo thành một khối bột mịn, không bị nhão. Chia bột thành nhiều phần bằng nhau vo viên to cỡ hạt đậu nành. 

Để giảm hiện tượng buồn nôn và kích thích vị giác mỗi lần dùng 20 – 30 viên tùy theo tình trạng bệnh. Chiêu thuốc bằng nước gừng loãng.

13. Chữa bí đại tiện, bụng trướng đau

Dùng 21 hạt tiêu đập dập đem sắc với 200ml nước còn 100 ml. Lọc bỏ bã rồi cho thêm vào nước sắc 20g mang tiêu. Tiếp tục đun thêm 5 phút nữa gạn ra uống.

14. Bài thuốc chữa bệnh quai bị từ hạt tiêu

 Chuẩn bị 0,5 – 1g hạt tiêu, 5 – 10g bột mì trắng. Hạt tiêu tán bột, trộn chung với bột mì và một ít nước nóng tạo thành một loại hồ đặc. Đắp trực tiếp lên chỗ quai bị sưng đau và lấy băng dán cố định lại. Cứ 24 giờ lại thay thuốc một lần. Theo một công bố được đăng trên tạp chí Y học Sơn Tây vào năm 1960, áp dụng bài thuốc trên điều trị cho 18 ca thấy có kết quả tốt.

15. Bài thuốc điều trị bệnh sốt rét

Dùng hạt tiêu trắng kết hợp với xác ve sầu (thuyền thoái). Hạt tiêu sọ tán thành bột mịn, bỏ vào trong lọ có nắp đậy. Xác ve sầu cũng đem phơi khô rồi tán bột, cất riêng ra một cái hũ khác. Khi sử dụng lấy 2 thứ bột mỗi loại 3g trộn lẫn với nhau bọc trong giấy kín, để khoảng 4 giờ lấy thuốc ra uống với nước đun sôi để nguội.

hạt tiêu trắng
Hạt tiêu trắng phối hợp cùng xác ve sầu có tác dụng trị bệnh sốt rét

16. Chữa thiếu canxi dẫn đến co rút

 Dùng 20 hạt tiêu và 2 cái vỏ trứng gà ta. Đem sao vàng, tán bột trộn chung với nhau. Sau đó chia thành 14 phần gói riêng. Mỗi ngày lấy 1 gói pha với nước ấm uống.

17. Điều trị bệnh viêm thận

Lấy 1 quả trứng gà chọc một lỗ thủng nhỏ ở trên đầu. Sau đó nhét vào trong 7 hạt tiêu và dùng một ít bột gạo bịt kín lỗ thủng lại. Bọc quả trứng vào trong một tờ giấy ướt rồi bỏ vào nồi nước đang sôi hấp cách thủy khoảng 15 phút cho chín. Bóc trứng ra ăn.

Người trưởng thành mỗi ngày ăn 2 quả, bệnh nhi dùng 1 quả. Mỗi liệu trình điều trị nên ăn 10 ngày liên tục. Nếu các triệu chứng bệnh viêm thận chưa dứt hẳn thì nghỉ 3 ngày rồi thực hiện tiếp một liệu trình mới.

18. Chữa cước tay chân do thời tiết lạnh

Lấy 1 phần hạt tiêu đem ngâm với 9 phần nước. Để khoảng 1 tuần gạn lấy nước ngâm thoa vào khu vực tổn thương mỗi ngày 1 lần.

19. Điều trị sâu răng, đau nhức răng

Kết hợp hạt tiêu với lá lốt lượng bằng nhau. Cả hai nghiền nhỏ, trộn chung với một ít sáp ong rồi vo thành viên to bằng hạt vừng. Khi bị đau nhức răng hoặc sâu răng, lấy 1 viên thuốc nhét ngay vào chỗ đau hoặc kẽ răng bị sâu.

20. Điều trị bệnh động kinh

Dùng chiết xuất hạt tiêu với liều lượng trung bình là 150 – 200mg trên 73 ca bị động kinh đã dùng thuốc tây mà không khỏi. Kết quả sau 6 – 2 năm điều trị cho thấy 36 ca có hiệu quả rõ, 34 ca tình trạng bệnh được cải thiện và chỉ có 3 ca là không thấy tác dụng. 

21. Điều trị bệnh chàm da (eczema)

Tán 10 hạt tiêu thành bột mịn đem đun sôi với 1 lít nước. Để nước nguội còn khoảng 35 độ lấy rửa khu vực bị bệnh mỗi ngày 2 lần.

22. Chữa bệnh thổ tả

Thổ tả là một dạng nhiễm trùng đường ruột gây ra bởi loại vi khuẩn có tên Vibrio cholerae. Chúng tiết ra độc tố khiến người bệnh bị tiêu chảy nặng, nguy hiểm hơn là bị mất nước nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. 

Trường hợp này có thể dùng 49 hạt tiêu và 150 hạt đỗ xanh. Tất cả tán bột trộn với nhau cho đều. Liều dùng mỗi lần là 3g. Uống thuốc bằng nước canh đu đủ.

23. Chữa rắn cắn

Lấy bột tiêu rắc vào chỗ vết rắn cắn băng bó lại

24. Điều trị biếng ăn

Xay nhuyễn 1/2 thìa hạt tiêu đen cùng 12g đường cát hoa vàng. Hòa hỗn hợp với nước uống mỗi ngày 1 lần. Bôi vào cả hai bên cánh mũi có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm nghẹt mũi, làm loãng chất nhầy trong mũi.

25. Chữa bạch biến

Lấy hạt tiêu giã nát, hòa với nước bôi ngoài vùng da bị bạch biến. Tiện lợi hơn, bạn có thể sử dụng các loại kem bôi, thuốc mỡ chữa chiết xuất từ hạt tiêu đen để bôi lên vùng da cần điều trị. 

Lưu ý khi dùng hạt tiêu chữa bệnh

Khi sử dụng hạt tiêu dù là trong ăn uống hay điều trị bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

Tác dụng phụ của hạt tiêu

Dù không có độc nhưng hạt tiêu vẫn có thể tiềm ẩn một số tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng với số lượng lớn:

  • Dị ứng, nổi mẩn ngứa
  • Các dấu hiệu nhẹ ở tim mạch
  • Khó chịu ở mắt
  • Trẻ em dùng số lượng lớn có thể gây ngưng thở
  • Đau bụng, rối loạn tiêu hóa
  • Sưng rát cổ họng, làm nặng thêm triệu chứng của bệnh hen suyễn
  • Khô da, bong tróc da
  • Sảy thai nếu bà bầu dùng hạt tiêu với số lượng lớn theo đường miệng
  • Mất sữa, biến đổi mùi vị của sữa ở phụ nữ đang cho con bú
  • Bệnh trĩ
  • Mụn nhọt

Tương tác thuốc:

Hạt tiêu có thể tương tác làm ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc như:

  • Cytochrome P450
  • Phenytoin
  • Propranolol
  • Theophylline

Một số xét nghiệm y tế cũng có thể bị ảnh hưởng nếu dùng hạt tiêu trước đó. Phổ biến nhất là xét nghiệm huyết thanh xác nhận nghiện ma túy.

– Những đối tượng không nên dùng hạt tiêu:

  • Những bệnh nhân có thể âm suy hỏa nhiệt
  • Người bị dị ứng với thành phần của hạt tiêu

Trên đây là những tác dụng của hạt tiêu dưới góc nhìn của y học và cách dùng nguyên liệu này làm thuốc chữa bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vị thuốc này, bệnh nhân nhờ các thầy thuốc Đông y tham vấn để đạt được hiệu quả tối ưu khi sử dụng.

Có thể bạn chưa biết

  • Tác dụng của cây rau sam và cách dùng hiệu quả nhất
  • La Hán Quả có tác dụng gì cho sức khỏe và cách dùng?
  • Rau mùi tàu – Hình ảnh và các công dụng tốt cho sức khỏe