Hắc sâm
Hắc sâm là thảo dược tính hàn, vị đắng, mặn có tác dụng giải nhiệt, trị táo bón, phát ban, sưng họng, thổ huyết… Dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.
- Tên khác: Huyền sâm, Trọng đài, Sâm đen, Thủy la bặc, Lộc trường, Sơn ma, Hắc Nguyên Sâm, Sơn đương quy, Nguyên sâm
- Tên khoa học: Scrophularia kakudensis Franch
- Họ: Họ Hoa Mõm Chó – Scrophulariaceae
Mô tả về cây hắc sâm
Hắc sâm là gì?
Cây hắc sâm có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó phổ biến nhất là cái tên huyền sâm. Thảo dược này là một loại cỏ thân thảo, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao từ 1,5 – 2 mét. Thân màu xanh, có 4 góc tạo thành hình vuông, giữa các cạnh hơi lõm xuống tạo thành đường rãnh.
Lá hắc sâm mọc đối chữ thập, các lá có hình trứng, nhọn ở một đầu, chiều dài khoảng 3 – 8cm. Càng lên cao thì lá càng nhỏ. Hai bên mép lá hình răng cưa nhỏ.
Hoa hình ống, màu trắng vàng nhạt hoặc tím, mọc nhiều ở ngọn hoặc đầu cành tạo thành một chùm to. Phần giữa bông hoa hơi phình và thắt nhỏ ở phía trên. Chiều dài hoa khoảng 18mm, mỗi bông có 5 cánh và 4 nhị.
Quả bế hình trứng chứa nhiều hạt màu đen. Rễ phình to thành củ, hơi cong, có chiều dài không đều nhau, khoảng 10 – 20cm. Hai bên đầu củ nhỏ hơn so với chính giữa. Mỗi cây có thể mọc 4 – 5 củ tạo thành chùm. Củ tươi thì lớp vỏ ngoài có sắc trắng hoặc vàng nhạt, rắn chắc nhưng sau khi trải qua công đoạn bào chế thì chuyển thành màu đen, chất mềm dẻo.
Phân bố
Cây hắc sâm có thể mọc hoang ở các vùng miền núi hoặc được trồng ở đồng bằng để khai thác dược liệu. Thảo dược này được trồng nhiều ở Trung Quốc, nhiều nhất là các tỉnh Triết Giang, Vạn Huyện, Sơn Tây, Bồi Lăng, Quý Châu, Liêu Ninh, Ôn Giang, Hồ Bắc…
Nếu như trước đây, nguồn dược liệu ở nước ta chủ yếu được nhập từ Trung Quốc thì ngày nay thảo dược này đã di thực vào nước ta và được trồng canh tác ở nhiều nơi cho chất lượng không thua kém. Ở các vùng đồng bằng, hắc sâm được gieo trồng vào tháng 10 hoặc 11 hàng năm, trong khi đó, cây phát triển mạnh ở các vùng đồi núi vào tháng 2 – 3.
Cây hắc sâm ưa sống ở những nơi có đất màu mỡ pha lẫn cát và chứa nhiều chất mùn. Cây được trồng bằng cách ươm hạt hoặc dùng mầm mọc từ cây đã thu hoạch trồng.
Bộ phận dùng
Rễ hắc sâm ( còn gọi là củ )
Thu hoạch – sơ chế
Dược liệu được thu hoạch vào tháng 7 – 8 ở Đồng bằng hoặc tháng 10 – 11 ở miền núi. Những cây trồng trên 2 năm tuổi, lá đã lụi tàn sẽ được thu hoạch trước. Người dân dùng cuốc đào cả gốc lên để lấy củ, phần đầu chồi có thể được giữ lại làm giống cho mùa vụ tiếp theo. Thông thường, mỗi hecta cho sản lượng khoảng 5 tấn củ tươi.
Củ hắc sâm đem về rửa sạch đất cát, cắt bỏ những rễ nhỏ, cắt khoảng 3mm ở đầu chồi để làm giống, phần củ được phân loại kích thước to nhỏ để sử dụng.
Bào chế thuốc
- Cách 1: Củ được đem phơi hoặc sấy với nhiệt độ 50 – 60 độ C cho đến khi gần khô. Sau đó, tãi ra nong nia và rải lên trên bề mặt một lớp rơm mỏng, để nơi thoáng mát, thỉnh thoảng đảo lên. Sau khoảng 5 – 10 ngày ủ sẽ thấy ruột củ chuyển sang màu nâu đen hoặc màu đen là được. Bỏ ra phơi cho đến khi khô hoàn toàn.
- Cách 2: Đem củ hắc sâm tươi phơi khô 50%, sau đó chất đống để trong 2 – 3 ngày. Tiếp tục bỏ ra phơi cho đến khi khô kiệt.
Khi dùng chỉ cần rửa sạch dược liệu, ủ mềm, thái lát mỏng phơi khô.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu hắc sâm ở nơi thông thoáng và khô ráo. Tránh để những nơi có nhiệt độ quá cao hoặc ẩm ướt.
Thành phần hóa học
Hắc sâm chứa nhiều thành phần quý như:
- L-Asparagine
- Asparagine
- Oleic acid
- Linoleic acid
- Ningpoenin
- Stearic acid
- Harpagide
- Harpagoside
- Aucubin
- 6-O-Methylcatalpol
Vị thuốc hắc sâm
Tính vị
- Vị đắng, mặn xen lẫn vị ngọt
- Tính hơi hàn, mát
Quy kinh
Dược liệu có khả năng đi vào các kinh túc Thiếu âm Thận , âm, Phế, Tỳ, Vị
Tác dụng dược lý, chủ trị
– Theo y học cổ truyền:
Hắc sâm có tác dụng tư âm, tiêu độc, nhuận trường, chỉ khát, hạ hỏa, ích yết hầu, trừ phiền, tăng dịch, thanh thận hỏa. Chủ trị:
- Hay khát nước
- Phát ban ngoài da
- Nóng trong xương
- Đem ngủ trằn trọc không yên giấc
- Ra nhiều mồ hôi trộm
- Khó đi cầu
- Thổ huyết
- Sưng đau cổ họng
- Chảy máu cam
- Lao hạch
- Ôn dịch độc
- Ban sởi
– Theo nghiên cứu hiện đại
- Hắc sâm thể hiện đặc tính kháng khuẩn mạnh trên chủng vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa
- Nước sắc hắc sâm Làm co mạch, tăng huyết áp
- An thần, chữa nóng trong, giải nhiệt, chống co giật
- Cường tim ở mức độ nhẹ
- Chất cồn được chiết xuất từ hắc sâm làm tăng khả năng tuần hoàn máu của mạch vành, giúp tim có sức chịu đựng tốt hơn trong trạng thái thiếu oxy.
Liều lượng và cách sử dụng
- Liều lượng: Ngày dùng 12 – 20g
- Hình thức sử dụng: Sắc uống, làm hoàn, ngâm rượu, giã đắp ngoài
Độc tính
Độc tính của hắc sâm chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Làm giảm nhịp tim hoặc thậm chí là ngừng tim
- Buồn nôn, ói mửa
- Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn
- Tiểu chảy
- Phản ứng dị ứng: Ngứa da, nổi mẩn đỏ…
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng hắc sâm
1. Chữa viêm họng, viêm amidan, da bị lở ngứa, mụn nhọt
Dùng hắc sâm, cây khúc khắc, sài đất mỗi loại 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang cho đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
2. Chữa các loại đọc do rò
Ngâm rượu hắc sâm uống hàng ngày. Khi ngâm chú ý đổ ngập rượu và để ít nhất 4 tuần cho cốt sâm ra hết mới dùng mới tốt. Mỗi ngày uống 2 – 3 ly nhỏ.
3. Điều trị bệnh loa lịch ( loa hạch ở cổ ) kèo dài trong nhiều năm
Lấy hắc sâm tươi giã nát làm thuốc đắp vào khu vực bị bệnh. Dùng gạc ý tế băng cố định thuốc lại. Cứ 2 ngày mới thay thuốc đắp một lần.
4. Chữa mắt nổi gân đỏ lên đến đồng tử
Hắc sâm phơi khô, tán bột mịn. Lấy gan lợn luộc bằng nước cơm chấm bột dược liệu ăn hàng ngày.
5. Chữa nổi phát ban ngoài da, sưng họng
Dùng 20g hắc sâm, 20g châu ma, 20g cam thảo. Sắc tất cả với 3 chén nước, canh cho đến khi cạn còn 1,5 chén thì ngưng. Uống khi thuốc còn ấm.
6. Điều trị ho kéo dài ngày do huyết hư
Dùng hắc sâm, bạch thược, đương quy, cát cánh mỗi vị 6g, mạch môn, sinh địa mỗi vị 8g, địa hoàng thán 12g, bách hợp 10g, cam thảo 4g.
Sắc uống trong 3 – 4 tuần liền mỗi ngày 1 thang.
7. Chữa nghẹn và sưng ở cổ họng
Chuẩn bị 40g hắc sâm, 40g hắc phong tử. Mỗi vị chia làm 2 phần đều nhau, 1 nửa đem sao vàng, 1 nửa dùng sống. Tất cả tán bột mịn, trộn chung với nhau pha nước ấm uống.
8. Chữa viêm lở trong mũi
Hắc sâm tán thành bột mịn bôi vào chỗ tổn thương. Hoặc có thể tẩm dược liệu với nước cho mềm rồi nhét trực tiếp vào trong lỗ mũi.
9. Chữa tam tiêu tích nhiệt
Dùng thang thuốc gồm 40g hắc sâm, 40g vương liên, 40g xuyên quân ( đại hoàng ). Tất cả nghiền thành bột mịn, trộn chung với mật làm thành viên hoàn kích thước cỡ đầu ngón tay út. Nếu dùng cho trẻ em thì chỉ nên vo viên hoàn bằng hạt gạo. Mỗi ngày uống 30 – 40 viên. Dùng nước đun sôi để nguội uống.
10. Chữa tiểu trường sán khí
Dược liệu đem thái nhỏ, sao thơm, giã thành bột mịn rồi vo viên hoàn nặng khoảng 6g. Mỗi lần uống 1 viên cùng với rượu lúc bụng đang trống rỗng. Nếu thấy mồ hôi ra có nghĩa là thuốc đang phát huy tác dụng tốt, các triệu chứng sẽ thuyên giảm.
11. Chữa thương hàn gây nổi phát ban, sưng đau cổ họng, tâm phiền nhiệt không yên, buồn bực tay chân, nói sảng sau khi đã dùng phép phát hãn, phép thổ không có hiệu quả
Dùng bài Huyền Sâm Thăng Ma Thang bao gồm các thành phần sau: Cam thảo (tẩm mật ong sao vàng thành chích thảo ) 20g, hắc sâm 20g, kê cốt thăng ma 20g. Đem các vị đã chuẩn bị thái nhỏ. Mỗi ngày lấy 20g sắc với 1 bát nước còn 2/3 bát. Bỏ bã, gạn nước uống hết 1 lần. Đều đặn sắc uống mỗi ngày 1 thang để mau khỏi bệnh.
12. Chữa táo bón, hạ sốt, chống mất nước
Dùng bài Huyền Sâm Thang: Hắc sâm, lan tiên, địa hoàng (sinh địa) mỗi vị 12g. Mỗi ngày sắc 1 thang lấy nước đặc chia uống 2 lần
13. Ngăn ngừa chứng đậu
Chuẩn bị 200g hắc sâm, 400g thỏ ty tử. Cả hai sấy khô, tán bột. Sau đó trộn chung với một ít đường làm hoàn. Liều dùng 6 – 8g một ngày. Uống thuốc chung với nước đường.
14. Điều trị đậu mọc gây sưng đau cổ họng
Kết hợp hắc sâm, hạt dành dàn (chi tử ), cam thảo, cam bố, đơn bì, sinh địa mỗi vị 2g, dư dung 4g. Tất cả hợp thành một thang sắc uống trong ngày. Dùng thuốc vài ngày bệnh tình sẽ thuyên giảm.
15. Điều trị bệnh lao
Hắc sâm 480g, khổ di đa (cam tùng ) 180g. Cả hai đem luyện với 480 ml mật ong, bỏ vào hũ sành đậy kín lại. Đem chôn dưới lòng đất 10 ngày rồi đào lên. Tiếp tục lấy tro luyện với mật rồi bỏ vào bình ủ cùng thuốc thêm 5 ngày.
Khi dùng lấy 1 ít thuốc ra đốt cháy để người bệnh hít ngửi khói bốc lên.
16. Điều trị viêm tắc động mạch
Hắc sâm, xuyên quy, song bào hoa, cam thảo. Sắc uống ngày 1 thang.
17. Cải thiện thị lực, làm sáng mắt
Hắc sâm kết hợp với thục địa, cam cúc hoa, gai ma vương, câu kỷ tử, trúc diệp sài hồ tạo thành một thang. Sắc uống.
18. Chữa loa lịch
Hắc sâm, thổ bối mẫu, liên kiều, hạt thảo ca, cam thảo, yến diện, bạc hà lượng bằng nhau. Sắc uống ngày 1 thang.
19. Điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính
Dùng hắc sâm, sinh địa, bối mẫu, bách hợp, mạch môn, đương qui, bạch thược, cát cánh mỗi vị 12g, cam thảo 6g. Sắc uống giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
20. Điều trị bệnh lao phổi
Dùng hắc sâm, sinh địa, mạch môn, sa sâm mỗi vị 8g, a giao, bách bộ và thiên môn mỗi vị 8g. Sắc một thang chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng 1 tháng liên tục rồi nghỉ 7 ngày trước khi tiếp tục liệu trình mới.
21. Chữa tiểu đường có biểu hiện khát nước nhiều, táo nhiều
Hắc sâm 16g, sinh địa, thiên hoa phấn mỗi vị 20g, mạch môn và tri mẫu mỗi vị 12g, hoàng liên 4g và thạch cao 40g. Mỗi ngày lấy 1 thang sắc nước chia 3 lần uống. Dùng thuốc một liệu trình khoảng 4 tuần, nghỉ 1 tuần rồi mới tiếp tục sang liệu trình mới.
22. Điều trị viêm thanh quản, sưng họng
Hắc sâm 20g, hắc phong tử 20g. Sắc mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
23. Điều trị bệnh bạch hầu
Dùng thang thuốc gồm: 20g hắc sâm, địa hoàng, bạch thược mỗi vị 16g, mạch môn, lộc cửu mỗi vị 12g , cam thảo 4g, thổ bối mẫu 8g, linh thông (cam thảo) 2g.
Sắc thuốc với nửa lít nước đun cho đến khi cạn còn 1/2. Gạn chia 3 lần uống.
24. Chữa sốt cao gây khát nước, nóng trong người bứt rứt, nổi sởi, hô mê, tổn thương âm dịch
Hắc sâm 20g, toái cốt tử, mạch môn đông mỗi vị 12g, kim ngân hoa, xích sâm, liên kiều mỗi vị 16g, sinh địa 24g, tê giác và hoàng liên mỗi vị 4g. Dùng 1 thang mỗi ngày bằng cách sắc uống.
25. Chữa u nhọt tạo thành khối rắn
Chuẩn bị: Hắc sâm, liên kiều mỗi vị 16g, mẫu lệ, bối mẫu và hạ khô thảo mỗi vị 8g. Dùng thuốc bằng cách sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
26. Điều trị suy nhược cơ thể, chán ăn do bị lao phổi
Sơn khương, ngưu bàng tử mỗi vị 12g, hắc sâm 20g, củ mài (sơn dược ) 40g, kê nội kim 8g. Kết hợp các vị trên làm một thang thuốc sắc uống.
27. Chữa nổi ban sởi
Dùng bài thuốc Hóa Ban Thang gia thêm các vị gồm 12g hắc sâm và 4g tê giác. Sắc thuốc chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
28. Chữa nhọt ở vú, viêm hạch
Dùng hắc sâm 20g kết hợp với nga truật, bồ công anh, xạ can và mộc thông mỗi vị 10g. Tất cả gộp chung sắc uống ngày 1 thang.
29. Điều trị chứng lao hạch chưa vỡ mủ
Hắc sâm và liên kiều mỗi vị 16g, tả sác, hạ thảo khô mỗi vị 12g, xuyên bối mẫu 8g. Sắc thuốc với 4 chén nước lấy 2 chén. Chia uống 2 – 3 lần, mỗi ngày 1 thang.
30. Chữa bong tróc da tay
Hắc sâm và địa hoàng mỗi vị 30g. Cả hai thái mỏng, cho vào ấm hãm như hãm trà uống.
Lưu ý khi sử dụng hắc sâm
– Chống chỉ định:
Không dùng dược liệu này trong các trường hợp đang gặp phải những vấn đề sau:
- Tiêu lỏng
- Tỳ hư
- Tỳ vị có thấp
- Thiếu máu
- Đau bụng
- Huyết hư
- Âm hư kèm tiêu lỏng
- Hàn nhiệt
- Chi mãn
- Âm hư không có nhiệt
– Kiêng kỵ:
Hắc sâm kỵ với các dược liệu:
- Hoàng kỳ
- Đại táo
- Sơn Thù
- Can Khương
Tránh kết hợp các vị này chung với nhau.
– Tương tác thuốc:
Hắc sâm có thể tương tác với các thuốc tân dược như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế beta
- Thuốc điều trị bệnh tiểu đường
- Thuốc chống rối loạn nhịp tim
- Các thuốc thảo dược có ảnh hưởng đến đường trong máu
Để tránh những tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe, khi sử dụng hắc sâm, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và các bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm
- Hắc Sâm là gì? Công dụng & cách dùng vị thuốc hắc sâm
- Cây Cúc Áo – Đặc điểm, tính vị, công dụng & cách dùng