Dừa cạn

Cây hoa dừa cạn (bông dừa) thường được trồng để làm cảnh vì cây xanh tốt và nở hoa quanh năm. Ngoài ra thân, rễ và lá của cây còn được dùng ngoài để chữa vết bỏng nhẹ, zona thần kinh và đau nhức mô mềm. Bên cạnh đó, vị thuốc này còn được kết hợp với một số dược liệu khác trong bài thuốc uống hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, cao huyết áp và bệnh trĩ.

tác dụng của cây dừa cạn
Cây hoa dừa cạn thường được trồng để làm cảnh vì cây nở hoa quanh năm
  • Tên gọi khác: Bông dừa, Trường xuân và Hoa hải đằng.
  • Tên khoa học: Catharanthus roseus
  • Họ: Trúc đào (danh pháp khoa học: Apocynaceae)

Mô tả dược liệu dừa cạn

1. Đặc điểm cây hoa dừa cạn

Dừa cạn là loài thực vật thân thảo, nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 40 – 80cm. Rễ cây phát triển, phần thân dưới hóa gỗ, thân trên dạng thảo và mềm. Cây thường mọc thành bụi, lá xanh quanh năm, thường mọc đối xứng, phiến hình trứng dài, rộng 1 – 2.5cm, dài 3 – 8cm, hai đầu hẹp nhọn.

công dụng của cây dừa cạn
Cây hoa dừa cạn có chiều cao chỉ khoảng 40 – 80cm, hoa có màu đỏ, hồng hoặc trắng

Hoa có màu trắng, đỏ hoặc màu hồng, mọc đơn độc ở các kẽ lá phía trên và có mùi thơm đặc trưng. Mỗi hoa gồm có 5 cánh, mỏng, sờ vào thấy mềm mịn. Quả rộng 2 – 3mm, dài 2 – 4mm, đầu quả hơi tù, bên trong chứa khoảng 10 – 20 hạt nhỏ, dạng hình trứng và có màu nâu nhạt. Cây xanh tốt và nở hoa quanh năm.

2. Bộ phận dùng

Rễ, thân cây và lá của cây dừa cạn được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Dừa cạn mọc hoang và được trồng nhiều ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài ra cây bông dừa cũng được trồng tại châu Mỹ, châu Phi và châu Úc.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái quanh năm. Sau khi hái về đem rửa sạch, phơi hoặc sấy khô hoàn toàn.

5. Bảo quản

Nơi khô thoáng, tránh ẩm và nhiệt độ cao.

6. Thành phần hóa học

Cây dừa cạn chứa 0.1 – 0.2% alkaloid, trong đó gồm có một số thành phần chủ yếu như catharanthin, vindolin, prinin, vinblastine,…

Vị thuốc dừa cạn

1. Tính vị

Tính mát, vị đắng.

2. Quy kinh

Chưa có ghi chép.

3. Tác dụng dược lý của cây dừa cạn

– Công dụng của cây dừa cạn theo Đông Y:

  • Tác dụng: Tiêu viêm, tiêu thũng, hoạt huyết, thông tiểu và hạ áp.
  • Chủ trị: Tiêu hóa kém, lỵ, đái tháo đường, tiểu tiện khó, cao huyết áp, bỏng nhẹ, ung thư, mất ngủ.

– Công dụng của cây dừa cạn theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư bạch cầu (bệnh máu trắng).
  • Vincristin trong dừa cạn có tác dụng ức chế tế bào ung thư nhưng có thể gây ức chế thần kinh và gây hại cho thai nhi.
  • Lá và thân bông dừa có tác dụng lọc máu và làm săn da.
  • Thành phần hóa học trong cây dừa cạn có tác dụng lợi tiểu và tẩy giun.

4. Cây dừa cạn trị bệnh gì?

Hiện nay, dừa cạn được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư máu, tăng huyết áp, tiểu đường, zona thần kinh, bỏng nhẹ, mất ngủ, rong kinh, nhiễm trực khuẩn lỵ, bệnh trĩ, u xơ tuyến tiền liệt và khí hư ở nữ giới.

5. Cách dùng – liều lượng

Bông dừa được sử dụng chủ yếu ở dạng cao lỏng, sắc uống hoặc đắp ngoài. Nếu dùng uống chỉ nên sử dụng từ 8 – 20g dược liệu khô/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa dừa cạn (bông dừa)

cây dừa cạn trị bệnh gì
Bông dừa được dùng để trị zona thần kinh, bỏng nhẹ, bệnh trĩ, cao huyết áp và hỗ trợ điều trị ung thư

1. Bài thuốc trị chứng rong kinh

  • Chuẩn bị: Cây dừa cạn sao vàng (bao gồm thân, lá, rễ và hoa).
  • Thực hiện: Đem sắc uống, dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.

2. Bài thuốc trị chứng mất ngủ

  • Chuẩn bị: Hạt muồng sao đen và lá vông nem mỗi vị 12g, thân lá dừa cạn khô (sao vàng) 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống và dùng trước khi đi ngủ.

3. Bài thuốc trị chứng tiêu khát (khát nhiều và tiểu tiện nhiều)

  • Bài thuốc 1: Cây dây thìa canh 20g và bông dừa 10g, đem sắc với 1 lít nước còn lại 3 bát. Chia đều thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày, nên sử dụng sau khi ăn 15 – 20 phút.
  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị ngũ vị và đan bì mỗi vị 10g, thạch hộc, khởi tử, khiếm thực, củ mài và sơn thù nhục mỗi vị 12g, cát căn 20g, bông dừa 16g. Đem các vị sắc với 600ml nước, còn lại 300ml. Mỗi lần dùng 150ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 7 ngày.

4. Bài thuốc trị lỵ trực khuẩn

  • Chuẩn bị: Hoàng liên và chi tử mỗi vị 10g, dừa cạn (sao vàng hạ thổ), đinh lăng, rau má, lá khổ sâm, cỏ mực và cỏ sữa mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 600ml nước còn lại 300ml và chia thành 3 lần uống. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 5 ngày.

5. Bài thuốc trị chứng bế kinh (bụng dưới đau, căng đầy, mặt đỏ và dễ cáu gắt)

  • Chuẩn bị: Hương phụ và nga truật mỗi vị 12g, kê huyết đằng, bông dừa (phơi khô), trạch lan mỗi vị 16g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g và hồng hoa 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc với 500ml nước còn lại 300ml và chia thành 2 lần uống.

6. Bài thuốc trị vết bỏng nhẹ

  • Chuẩn bị: Lá dừa cạn tươi.
  • Thực hiện: Giã nát, đắp lên vết bỏng. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày.
  • Lưu ý: Không thực hiện với những vết bỏng nặng, trợt lở da và bỏng da trên diện rộng.

7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: Cam thảo đất 140g, đỗ trọng 120g, dừa cạn 160g, chi tử 100g, cỏ xước 160g, lá đinh lăng 180g và hoa hòe 150g.
  • Thực hiện: Đem sao giòn, tán vụn và bảo quản trong hộp kín. Mỗi ngày dùng 40g hãm với 1 lít nước sôi trong vòng 10 phút và dùng thay nước trà.

8. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp

  • Bài thuốc 1: Hy thiêm 9g, cây hoa dừa cạn 12g, bạch cúc 6g và thảo quyết minh 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc 2: Dùng cây hoa dừa cạn 15g, sắc lấy nước uống và dùng hằng ngày.

9. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư

  • Chuẩn bị: Cây xạ đen 30g và cây hoa dừa cạn 15g.
  • Thực hiện: Sắc với 1 lít nước còn 700ml, đem chia thành 3 lần uống và dùng sau khi ăn 30 phút.

10. Bài thuốc trị búi trĩ sưng đau

  • Bài thuốc đắp: Dùng lá và hoa cây dừa cạn, lá thầu dầu tía bằng lượng nhau. Đem nguyên liệu rửa sạch, giã nát và băng lại ở búi trĩ.
  • Bài thuốc uống: Chuẩn bị cam thảo 12g, trần bì, thăng ma và sài hồ mỗi vị 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật và phòng sâm mỗi vị 16g, bông dừa (sao vàng), cỏ mực mỗi vị 20g. Đem sắc với 600ml nước còn lại một nửa, chia thành 2 lần uống. Áp dụng bài thuốc trong vòng 10 ngày, sau đó ngưng 3 – 4 ngày và lặp lại liệu trình.

11. Bài thuốc điều trị zona thần kinh

  • Chuẩn bị: Hạ khô thảo, bông dừa (sao vàng, hạ thổ), cam thảo đất, thổ linh và nam tục đoạn mỗi vị 16g, chi tử và bạch linh mỗi vị 10g, kinh giới 12g.
  • Thực hiện: Đem sắc 3 lần và dùng uống 3 lần. Ngày sử dụng 1 thang cho đến khi khỏi.

12. Bài thuốc đắp làm giảm đau nhức

  • Chuẩn bị: Lá cây hòe và lá cây dừa cạn, bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị giã nhỏ và đắp lên vùng đau nhức, băng lại.

13. Bài thuốc trị chứng bạch đới ở nữ giới

  • Chuẩn bị: Lá bạc sau, rễ cây bạch đồng từ, cây chó đẻ, biển đậu và đan sâm mỗi vị 16g, cây hoa dừa cạn 12g.
  • Thực hiện: Dùng các dược liệu sắc uống, ngày dùng 1 thang.

14. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng u xơ tuyến tiền liệt

  • Chuẩn bị: Đinh lăng 16g, huyền sâm, dừa cạn, chè khô mỗi vị 12g, xuyên sơn và bối mẫu 10g, cát căn 6g, trinh nữ hoàng cung 5g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống.

15. Bài thuốc hỗ trợ điều trị xơ gan và viêm gan

  • Chuẩn bị: Diệp dạ châu 10g, cây hoa dừa cạn 10g và thân, rễ, lá của cây cà gai leo 30g.
  • Thực hiện: Sao vàng, sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý và Kiêng kỵ khi dùng cây dừa cạn

  • Không nên dùng dừa cạn cho người có huyết áp thấp, phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
  • Dùng dược liệu ở liều quá cao có thể gây mù và tử vong. Do đó không nên dùng quá 50g/ ngày.
  • Alkaloid trong bông dừa có thể gây ra một số phản ứng bất lợi như táo bón, viêm miệng, nôn mửa, buồn nôn, viêm thần kinh, giảm số lượng bạch cầu, rụng tóc, chán ăn, tắc ruột,…
  • Một số chuyên gia cho rằng, cây hoa dừa cạn màu trắng có tác dụng dược lý cao hơn cây màu hồng hoặc đỏ.
  • Các hoạt chất trong dừa cạn như vinblastine và vincristine có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên sử dụng tùy tiện có thể gây ngộ độc và tử vong.

Dừa cạn là vị thuốc Nam quý và được ứng dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh. Tuy nhiên dược liệu này chứa độc tính mạnh, vì vậy bạn không nên tùy tiện sử dụng bài thuốc uống khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa,