Dây gân
Dây gân còn được nhân dân gọi là Dây đòn gánh hoặc Seng thanh (tiếng Mường). Với công dụng tán huyết ứ, tiêu viêm, thanh nhiệt, hoạt lạc, dây đòn gánh thường được sử dụng trong bài thuốc chữa bỏng, đau nhức xương khớp, bong gân và bầm tím do chấn thương.
- Tên gọi khác: Dây đòn gánh, Đơn tai mèo, Dây đòn kẻ trộm, Dây con kiến, Hạ quả đằng, Seng thanh, Dây râu rồng, Dây xà phòng, Đơn tai.
- Tên khoa học: Gouania leptostachya
- Họ: Táo ta (danh pháp khoa học: Rhamnaceae)
Mô tả dược liệu dây gân
1. Đặc điểm của dây gân
Dây gân là dạng cây thân leo, kích thước dài, cành non nhẵn, ban đầu có màu nâu sau khi già chuyển sang màu xám nhạt. Lá mọc so le, phiến hình bầu dục, tù ở gốc và nhọn ở đầu. Lá nhẵn, các gân nổi rõ trên phiến lá, mép có khía răng cưa.
Hoa mọc ở đầu cành hoặc nách lá, thường mọc tập trung thành các chùy thưa, dài khoảng 25cm. Hoa rộng 2 – 3mm, cánh dài 1mm và có màu trắng. Quả khô, rộng 10 – 12mm, màu nâu bóng và có 3 cánh mềm. Dây gân ra hoa vào tháng 7 – 9 hằng năm và kết quả vào tháng 9 – 12.
2. Bộ phận dùng
Dây và lá được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Dây đòn gánh thường mọc hoang ở bãi đất trống, đồi trọc, ven rừng hoặc khe suối. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở Yên Bái, Hòa Bình, Hà Bắc, Lạng Sơn, Bắc Thái, Bà Rịa,…
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc đem phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Vỏ và lá đều chứa saponin, ngoài ra lá còn chứa alkaloid (hoạt chất tạo ra vị đắng của lá).
Vị thuốc dây gân (dây đòn gánh)
1. Tính vị
Vị hơi đắng, chát và có tính mát.
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Chiết xuất methanol từ dược liệu có tác dụng làm giảm các triệu chứng của viêm dạ dày ở chuột thực nghiệm.
- Các nhà nghiên cứu Thái Lan đã tiến hành khảo sát và nhận thấy dây gân thực sự có giá trị trong việc chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ sau khi sinh.
– Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng: Thông mạch, tán huyết ứ, giảm đau, tiêu viêm, thanh nhiệt, hoạt lạc, thư cân.
- Chủ trị: Bỏng da, bị thương, phong thấp, kinh nguyệt không đều, đau xương sống, đau thắt lưng. Dùng ngoài trị cảm gió, sài giật, hạ sốt và chữa ngộ độc.
- Ở Ấn Độ, nhân dân thường dùng lá của dây gân giã nát rồi đắp lên vết thương.
- Ở Trung Quốc, người ta sử dụng dược liệu để trị lở ngứa và bỏng ngoài da, dùng uống trị đau mỏi cơ thể.
- Nhân dân Thái Lan thường sử dụng dây đòn gánh để tăng cường sức khỏe và chữa các bệnh viêm nhiễm ở phụ nữ sau khi sinh.
4. Cách dùng – liều lượng
Dây đòn gánh được sử dụng ở dạng giã đắp, sắc uống hoặc ngâm rượu. Liều dùng uống: 8 – 16g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc dây gân
1. Bài thuốc trị bỏng nước sôi nhẹ
- Chuẩn bị: Lá và thân của dây gân.
- Thực hiện: Giã nát và thêm ít nước sôi để nguội vào ngâm trong một lúc. Sau đó chiết lấy dịch thoa lên vết bỏng liên tục để làm dịu da và giảm đau.
2. Bài thuốc chữa chấn thương gây tụ máu, sưng tấy và đau nhức
- Chuẩn bị: Lá và thân dây gân.
- Thực hiện: Đem rửa sạch, để ráo rồi giã nhỏ, chế thêm rượu ở nồng độ cao vào rồi đắp lên vết thương. Tuy nhiên không áp dụng mẹo chữa này đối với chấn thương có hở da và chảy máu.
3. Bài thuốc trị va đập và ngã khiến người đau ê ẩm
- Chuẩn bị: Lá và thân dây gân 16g.
- Thực hiện: Sắc với 400ml nước, sau đó chắt lấy nước hòa vào 1 ít rượu và chia thành 3 lần uống. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 3 ngày.
4. Bài thuốc trị sốt cao do cảm cúm và viêm họng
- Chuẩn bị: Lá dây gân tươi 16g.
- Thực hiện: Giã nát rồi đắp vào lòng bàn tay và trán để hạ thân nhiệt.
5. Bài thuốc chữa chứng cảm gió
- Chuẩn bị: Dây gân 8 – 16g.
- Thực hiện: Sắc với 2 bát nước còn lại nửa bát, đem uống sau khi ăn trưa. Thực hiện bài thuốc trong vòng 2 ngày và dùng ăn với cháo ngải cứu/ tía tô để giải cảm.
6. Rượu dây đòn gánh trị đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: Dây gân tươi (bỏ lá).
- Thực hiện: Đem cắt ngắn, phơi khô rồi sao vàng hạ thổ. Cứ 1kg dược liệu thì dùng 3 lít rượu, đem ngâm trong vòng 30 ngày là dùng được. Có thể dùng uống hoặc xoa bóp ngoài da để giảm đau nhức xương khớp.
7. Bài thuốc chữa ứ huyết và sưng tấy do va đập và té ngã
- Chuẩn bị: Lá dây đòn gánh, lá xuyên tiêu và lá bạc thau tươi mỗi vị 30g.
- Thực hiện: Giã nát rồi cho vào chảo đảo với 1 ít rượu cho nóng, sau đó đắp lên chỗ sưng đau. Thực hiện ngày 1 lần cho đến khi khỏi.
8. Bài thuốc chữa bệnh sốt rét
- Chuẩn bị: Dạ giao đằng 10g, thảo quả 10g, cây chó đẻ 8g, thường sơn 12g, lá mãng cầu tươi 10g, ô mai 4g, binh lang (hạt cau) 4g và dây cóc 4g.
- Thực hiện: Đem sắc lấy nước và dùng uống trước khi lên cơn khoảng 2 giờ.
9. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp và bong gân
- Chuẩn bị: Lá dây gân 10g, lá bạc thau 8g và lá náng 10g.
- Thực hiện: Đem giã nát rồi đắp lên chỗ đau nhức và cố định lại bằng băng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng dây gân
- Không dùng cho phụ nữ mang thai.
- Dây gân có thể tương tác với một số loại thuốc Tây y, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phối hợp.
Thông tin về dược liệu dân gân (dây đòn gánh) trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn đọc vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng vị thuốc này.