Đậu đỏ

Đậu đỏ còn được biết đến với tên là xích tiểu đậu trong nhiều bài thuốc Đông y. Loại đậu này không chỉ mang đến vô vàn lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh phù thũng, tả lỵ, mụn nhọt lở ngứa, sưng phù tay chân…

hình ảnh cây đậu đỏ
Đậu đỏ không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là vị thuốc quen thuộc với tên xích tiểu đậu
  • Tên gọi khác: Xích tiểu đậu, Mễ xích, Mao sài xích…
  • Tên khoa học: Vigna angularis (Willd.) Ohwi et Ohashi.
  • Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Đậu đỏ là một loại cây thảo sống hằng năm có chiều cao khoảng từ 25 – 90cm, nhánh có cạnh và lông dài. Lá kép gồm 3 lá chét với phần cuống dài khoảng 10 – 12cm, có lông.

Lá chét xoan, có thùy với phần đầu tròn, dài khoảng 5 – 10cm, rộng khoảng 2 – 5cm. Mỗi lá có 4 – 5 cặp gân phụ, lá kèm thon, có hình lọng dài khoảng 8mm.

Hoa mọc thành từng chùm ở nách lá, mỗi chùm có khoảng 6 – 12 hoa, đài 5 răng ngắn, tràng màu vàng tươi. Phần quả có hình trụ dài khoảng 6 – 12,5cm, đường kính 0,5 – 0,7cm, chót nhọn. Mỗi quả có từ 6 – 14 hạt, hình trụ, màu nâu đỏ với phần rốn nổi rõ.

2. Bộ phận dùng

Hạt của cây là bộ phận được sử dụng.

3. Phân bố

Dược liệu được tìm thấy ở rất nhiều nơi, nhất là ở miền Bắc Trung Quốc như các tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh hay Hà Bắc. Ở nước ta, đậu đỏ được trồng rất phổ biến ở hầu khắp các tỉnh thành, nhất là ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

4. Thu hái và sơ chế

Thời điểm thu hái đậu đỏ thích hợp nhất vào mùa thu khi quả chín. Sau khi hái quả về sẽ tiến hành đập lấy hạt để phơi hay sấy khô và bảo quản dùng dần.

5. Bảo quản

Dược liệu nếu đã được sơ chế khô cần để trong túi hay lọ kín, bảo quản nơi khô ráo, tránh mối mọt, ẩm mốc.

6. Thành phần hóa học

Phân tích đậu đỏ phát hiện thấy một số thành phần chính như sau:

  • protid
  • lipid
  • glucid
  • chất xơ
  • a, b – globulin
  • vitamin A1, B1, B2
  • calcium
  • phosphor
  • sắt
tác dụng của đậu đỏ
Hạt đậu đỏ chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe

Vị thuốc đậu đỏ

1. Tính vị

Dược liệu có vị ngọt, chua và tính bình.

2. Quy kinh

Được quy vào các kinh: Tâm, Tiểu tràng.

3. Tác dụng dược lý

  • Theo y học hiện đại: Dược liệu có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, hạ cholesterol, lợi tiểu và chống ung thư…
  • Theo y học cổ truyền: Có tác dụng giải độc bài nung, lợi tiểu tiêu thũng. Thường trị sưng phù tay chân, thủy thũng đầy chướng, mụn nhọt lở ngứa, phong thấp tê đau, vàng da đái đỏ, tả lỵ…

4. Cách dùng – liều lượng

Vị thuốc có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau, điển hình nhất là dạng thuốc sắc hay tán bột đắp ngoài da. Ngoài ra có thể dùng chế biến thành các món ăn như cháo, chè…

Liều lượng được khuyến cáo ở dạng thuốc sắc là 20 – 40g/ngày. Còn dùng đắp ngoài thì không kể liều lượng.

Một số công dụng tuyệt vời của đậu đỏ với sức khỏe

Đậu đỏ là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đem lại rất nhiều lợi  ích cho sức khỏe, bao gồm:

  • Chống oxy hóa: Hàm lượng các chất chống oxy hóa trong loại đậu này rất cao. Giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm khuẩn, đồng thời ngăn ngừa sự lão hóa làn da.
  • Ổn định huyết áp: Hàm lượng Kali cao trong đậu đỏ mang đến tác dụng giúp cơ thể kiểm soát và điều chỉnh mức huyết áp. Đồng thời còn hỗ trợ ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi cho phụ nữ trong thai kỳ.
  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Nhờ hàm lượng chất xơ cao mà loại đậu này có thể đảm nhiệm vai trò giúp cải thiện chức năng của dạ dày và đường ruột.
  • Hỗ trợ giảm cân: Khi dùng đậu đỏ, hàm lượng chất xơ nhiều trong nó sẽ giúp tạo cảm giác no. Từ đó giảm việc cung cấp năng lượng.
  • Tốt cho làn da: Lượng vitamin C dồi dào sẽ giúp ngăn chặn gốc tự do, đồng thời bảo vệ làn da khỏi tia UV. Ngoài da, loại đậu này còn giúp bổ sung các vitamin nhóm B và vitamin E để tăng cường miễn dịch. Đồng thời giúp các tế bào phát triển khỏe mạnh để hạn chế hình thành các sắc tố khiến da bị sạm.
  • Ngăn ngừa bệnh tim mạch: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong đậu đỏ được xem là có thể tác động lên quá trình chuyển hóa lipid. Từ đó giúp làm giảm đáng kể nguy cơ xơ vữa động mạch.

Các bài thuốc, món ăn chữa bệnh từ dược liệu đậu đỏ

Đậu đỏ không chỉ rất tốt cho sức khỏe mà còn được sử dụng làm vị thuốc trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh:

1. Bài thuốc trị viêm thận cấp tính

  • Chuẩn bị: 60g đậu đỏ, 500g bí đao, 1 con cá chép.
  • Thực hiện: Tất cả nguyên liệu đem nấu thanh món canh, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Ăn hết cả nước lẫn cái khi còn nóng. Mỗi ngày chỉ ăn duy nhất 1 lần và duy trì liên tục trong 5 – 7 ngày.
cây đậu đỏ
Đậu đỏ là vị thuốc xuất hiện trong nhiều bài thuốc Đông y

2. Bài thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần

  • Chuẩn bị: 30g đậu đỏ, 8g đảng sâm, 8g đương quy, 1 quả tim lợn cùng 1 ít nấm hương.
  • Thực hiện: Tất cả các nguyên liệu trên cho hết vào nồi hầm mềm. Ăn cả cái lẫn uống nước. Có thể chia nhiều lần ăn trong ngày và mỗi ngày chỉ 1 thang duy nhất.

3. Bài thuốc chữa phù thũng, tiểu tiện không thông

  • Chuẩn bị: 30g đậu đỏ, 50g gạo tẻ, 50g hạt bo bo.
  • Thực hiện: Đem đậu đi ngâm mềm rồi nấu trước. Sau đó cho hạt bo bo và gạo vào hầm nhừ. Nêm thêm đường cho vừa ăn. Dùng ăn trong ngày với liều 1 thang/ngày.

4. Bài thuốc trị viêm tiểu cầu thận

  • Chuẩn bị: 90g đậu đỏ, 60g râu ngô, 10g táo đỏ.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem đun sôi trong khoảng 30 phút với 1 thăng nước. Nêm thêm đường vào cho hợp khẩu vị. Dùng uống trong ngày với liều 1 thang/ngày. Dùng liên tục với một liệu trình điều trị kéo dài từ 1 – 3 tháng.

5. Bài thuốc bồi bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị

  • Chuẩn bị: 30g đậu đỏ, 2 con chim cút cùng 3 lát gừng tươi.
  • Thực hiện: Tất cả các nguyên liệu trên đem cho vào nồi hầm nhừ. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, ăn khi còn nóng mỗi ngày chỉ 1 lần.

6. Bài thuốc chữa đầy bụng, ăn không tiêu

  • Chuản bị: 30g đậu đỏ cùng với 30g qua đế.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem đi sao vàng rồi tán thành bột mịn.Trộn đều lại với nhau và uống chung với nước sôi ấm với liều 1 thang/ngày.

7. Bài thuốc chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu

  • Chuẩn bị: 20g đậu đỏ cùng với 20g đương quy.
  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên cho vào ấm sắc cùng với khoảng nửa thăng nước trên lửa nhỏ. Thu lấy 200ml rồi uống khi còn ấm. Sử dụng đúng 1 thang/ngày.

8. Bài thuốc chữa viêm gan cấp gây vàng da

  • Chuẩn bị: 30g đậu đỏ, 30g nhân hạt lạc, 50g đại táo cùng với 200g đường.
  • Thực hiện: Cho các vị thuốc vào nồi hầm trên lửa nhỏ đến khi chín nhừ rồi thêm đường. Chia đều thành 3 lần ăn trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày.

9. Bài thuốc trị chứng huyết hôi ở sản phụ

  • Chuẩn bị: 50 – 100g đậu đỏ cùng với 200g đường.
  • Thực hiện: Đem cho đậu vào nồi hầm nhừ rồi thêm đường vào. Sử dụng hết trong ngày với liều 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc trị mụn nhọt

  • Chuẩn bị: 200g đậu đỏ.
  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi nghiền thành bột mịn. Sau đó hòa với nước để thành dạng hồ đặc rồi đắp trực tiếp vào chỗ bị mụn nhọt, sưng tấy. Sử dụng để đắp hằng ngày đến khi mụn xẹp hẳn.

11. Bài thuốc chữa thấp nhiệt, sinh lở

  • Chuẩn bị: 20g đậu đỏ, 12g đơn đỏ, 12g bồ công anh, 12g kim ngân hoa, 12g ngưu tất, 12g núc nắc.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày khi còn ấm. Dùng với liều chỉ 1 thang/ngày.

12. Bài thuốc chữa táo bón, khát nước

  • Chuẩn bị: 30g đậu đỏ, 30g cà gai, 30g cỏ may, 30g dây bòng bong.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cắt nhỏ rồi sao qua trên chảo nóng. Sau đó cho vào ấm đổ ngập nước lên rồi sắc trên lửa nhỏ lấy 250ml nước thuốc. Chia đều thành 2 – 3 lần uống trong ngày với liều đúng 1 thang/ngày.

13. Món ăn bài thuốc giúp kiện tỳ dưỡng âm

  • Chuẩn bị: 20g đậu đỏ, 1 tàu lá sen, 20g biển đậu, 15g ngọc trúc, 8g trần bì, 100g thịt lợn nạc, 500g thịt vịt.
  • Thực hiện: Tất cả nguyên liệu trên cho vào nồi hầm mềm. Sau đó nêm nếm gia vị rồi dùng làm canh ăn trong ngày.
cây đậu đỏ
Dùng đậu đỏ nấu nước uống giúp thanh nhiệt, giải độc

14. Món chè tam đậu ẩm giúp thanh nhiệt, giải độc

  • Chuẩn bị: 100g đậu đỏ, 100g đậu xanh và 100g đậu đen.
  • Thực hiện: Các loại đậu trên đem rửa sạch rồi cho vào nồi hầm đến khi chín nhừ. Nêm đường phèn vào cho vừa miệng rồi ăn khi còn nóng. Món này đặc biệt phù hợp với trẻ kém ăn, da mặt xanh xao, ngủ không yên giấc, rôm sảy khắp người.

15. Bài thuốc chữa chứng phù thũng do suy tim

  • Chuẩn bị: 50g đậu đỏ cùng với 15g thài lài trắng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm rồi đổ 300ml vào sắc trên lửa nhỏ. Thu lấy 100ml chia thành 3 lần uống trong ngày. Chỉ dùng đúng 1 thang/ngày.

16. Bài thuốc trị viêm thận cấp ở trẻ em

  • Chuẩn bị: 40g đậu đỏ, 5g vỏ gừng tươi, 13g liên kiều, 3g ma hoàng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc cùng với khoảng 1 thăng nước. Thu lấy phân nửa rồi cho trẻ uống làm nhiều lần trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng với liều 1 thang/ngày.

17. Bài thuốc trị ung thư đại tràng

  • Chuẩn bị: 8g đậu đỏ, 20g ngưu bàng căn, 12g bồ công anh, 12g đương quy, 6g đại hoàng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem xay nhỏ hay tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy khoảng 6 – 10g uống cùng nước sôi ấm. Sử dụng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.

18. Bài thuốc chữa bệnh sỏi tiết niệu

  • Chuẩn bị: 50g đậu đỏ, 20g kê nội kim cùng với 50g gạo tẻ.
  • Thực hiện: Kê nội kim đem phơi khô rồi tán thành bột. Đậu và gạo cho vào nồi nấu cho chín nhừ rồi thêm kê nội kim và ít đường vào cho vừa ăn. Ăn 2 lần/ngày và duy trì liên tục cho đến khi hết bệnh.

19. Bài thuốc chữa bệnh trĩ

  • Chuẩn bị: 250g đậu đỏ cùng với 1 lít giấm ăn.
  • Thực hiện: Cho đậu và giấm vào nồi đun sôi rồi vớt đậu ra phơi khô. Lặp đi lặp lại cho đến khi hết giấm. Đậu đã phơi khô đem tán thành bột mịn và cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng lấy 3g uống với nước sôi ấm, tần suất 3 lần/ngày.

20. Món ăn bài thuốc giúp lợi sữa sau sinh

  • Chuẩn bị: 100g đậu đỏ, 100g hạt sen cùng với 500g chân giò.
  • Thực hiện: Chân giò đem rửa sạch để ráo rồi chặt thành miếng vừa ăn và ướp gia vị trong 15 phút. Đậu cùng với hạt sen đem rửa rồi ngâm khoảng 2 – 3 giờ. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi hầm trên lửa nhỏ với 1 lít nước đến khi chín nhừ. Nhớ vớt bọt liên tục trong quá trình hầm để nước trong. Nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi cho hành lá vào và sử dụng trong ngày khi còn nóng.

Lưu ý khi sử dụng đậu đỏ

Đậu đỏ là nguồn nguyên liệu có chứa hàm lượng lectin cao nhất trong tất cả các loại đậu. Lectin là chất rất dễ gây ngộ độc nhất là khi dung nạp với liều lượng lớn.

Chính vì thế, khi dùng vị thuốc này, bạn cần sơ chế để loại bỏ lectin bằng cách ngâm với nước trong 3 – 5 giờ. Tuyệt đối không sử dụng đậu ở dạng sống và chú ý thời gian nấu đậu phải từ 10 phút trở lên. Một số triệu chứng ngộ độc đậu đỏ thường gặp là nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội…

Những thông tin về dược liệu đậu đỏ mà bài viết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn cũng cần bổ sung đậu đỏ đúng cách. Trước khi sử dụng những bài thuốc có đậu đỏ, cần trao đổi với bác sĩ để nhận tư vấn chuyên môn.