Cúc vạn thọ
Cúc vạn thọ là biểu tượng cho hạnh phúc và sức khỏe vĩnh hằng nên thường được dùng để trưng bày trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, loài hoa này còn có nhiều tác dụng chữa bệnh và được dân gian tận dụng để trị chứng ho gà, hen suyễn, viêm vú, viêm miệng, đau nhức răng, bỏng, viêm mủ ngoài da,…
- Tên gọi khác: Khổng tước thảo, Hoàng cúc hoa.
- Tên khoa học: Tagetes erecta L
- Tên dược: Flos, Folium et Radix Tagetes Erecta
- Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)
- Phân loại: Cúc vạn thọ đơn (loại thấp) và cúc vạn thọ kép (loại cây cao lớn)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm của cúc vạn thọ
Cúc vạn thọ là cây thân thảo, thân mọc đứng và thẳng, chiều cao khoảng 60 – 100cm. Cây phân nhánh thành bụi, lá xẻ sâu hình lông chim, thùy dài, nhọn và hẹp, mép lá có răng cưa.
Hoa mọc ở ngọn, tỏa tròn, đường kính khoảng 3 – 4cm. Hoa thường có màu vàng, vàng cam hoặc cam. Hoa cúc vạn thọ có nhiều cánh xếp chồng lên nhau nên hình dạng rất đặc trưng. Quả bế, có từ 1 – 2 vảy ngắn. Cây ra hoa từ mùa đông đến mùa hè năm sau.
2. Bộ phận dùng
Hoa, lá và rễ cây được dùng làm thuốc.
3. Phân bố
Cúc vạn thọ có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, cúc vạn thọ được trồng để làm cảnh hoặc mọc dại ở ven đường.
4. Thu hái – sơ chế
Hoa được thu hái mùa xuân và hè, sau khi hái về đem phơi khô ngoài nắng. Lá thường được dùng tươi và thu hái quanh năm.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo.
6. Thành phần hóa học
Toàn cây chứa 0.01% tinh dầu có mùi thơm đặc trưng, trong đó chứa tagetone, ocimen, d-limonen, l-linalyl acetat, nonanal,… Hoa chứa quercetagetin – một loại flavonoid giúp tạo màu cho cánh hoa.
Vị thuốc Cúc vạn thọ
1. Tính vị
Vị đắng, mùi thơm, tính mát.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Phế và Tâm.
3. Tác dụng dược lý của cúc vạn thọ
– Theo Đông Y:
- Công năng: Trị ho, long đờm và tiêu viêm. Một số tài liệu ghi rằng: Lá cúc có tác dụng giải nhiệt và làm mát phổi, gan; toàn cây trị ho và thông khí; hoa giáng hỏa, thanh tâm và tiêu đờm.
- Chủ trị: Viêm kết mạc, viêm khí quản, ho gà, đau nhức răng, viêm miệng, viêm vú, viêm hầu, viêm tuyến mang tai, viêm mủ da.
- Nhân dân Ấn Độ dùng dược liệu để lọc máu, trị mụn nhọt độc, đau nhức mắt, bệnh trĩ, đau tai.
- Ở Campuchia, nhân dân dùng lá để nấu canh hoặc ăn sống.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Cúc vạn thọ được dùng để trích xuất thành phần lutein – một chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện sức khỏe thị giác và hỗ trợ điều trị thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và chứng sợ ánh sáng.
- Cao lỏng từ rễ có tác dụng tăng nhu động ruột.
- Cao từ hoa tươi có tác dụng ức chế vi khuẩn gram dương.
- Nước sắc cả cây có khả năng trị giun sán, viêm phổi, nhiễm lạnh và phong tê thấp.
4. Cách dùng – liều lượng
Cúc vạn thọ được dùng ở dạng thuốc sắc, chế biến món ăn hoặc dùng ngoài. Liều dùng trung bình từ 10 – 15g.
Bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ cây cúc vạn thọ
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn
- Chuẩn bị: Củ tầm sét, rau cần trôi, thài lài tía, rễ bạch đồng nữ, tinh tre mỡ, nhân trần mỗi vị 10g, cúc vạn thọ 20g.
- Thực hiện: Đem các vị thái nhỏ, phơi khô và sắc với 400ml nước còn lại 100ml nước. Chia nước sắc thành 2 lần dùng và uống hết trong ngày.
2. Món ăn giúp duy trì và tăng cường thị lực
- Chuẩn bị: Gan gà 50g và hoa cúc vạn thọ 20g.
- Thực hiện: Đem cắt nhỏ và nấu thành canh, ăn khi nóng.
3. Bài thuốc chữa bệnh ho gà
- Chuẩn bị: Hoa đu đủ đực 10g, đường phèn 20g, húng chanh 10g và hoa cúc vạn thọ 20g.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đều dùng tươi, đem rửa sạch, để ráo và giã nát cho vào bát. Đường phèn để vào sau cùng và hấp cách thủy trong vòng 15 phút. Để nguội, chắt bỏ bã và dùng nước uống. Chia thành 2 – 3 lần và dùng hết trong ngày.
4. Bài thuốc chữa đau nhức tai, mụn nhọt và chữa vết bỏng nhẹ
- Chuẩn bị: Lá cúc vạn thọ tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và giã nát, đắp lên vết bỏng và mụn nhọt. Nếu bị đau tai, ép lấy nước dùng.
5. Bài thuốc chữa mụn nhọt chưa vỡ
- Chuẩn bị: Muối ăn 10 hạt, lá táo ta 15g và lá cúc vạn thọ 10g.
- Thực hiện: Đem thảo dược rửa sạch, giã nát với muối và đắp lên vùng da đau nhức. Nên thay 1 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.
6. Bài thuốc chữa viêm vú
- Chuẩn bị: Lá đại bị, kim ngân hoa và hoa cúc vạn thọ mỗi vị 30g.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo, giã nát và đắp lên vùng ngực sưng đau.
7. Bài thuốc chữa bệnh viêm khí quản và chứng ho gà
- Chuẩn bị: 15 hoa tươi.
- Thực hiện: Sắc uống, thêm đường vào cho dễ uống.
8. Bài thuốc chữa viêm mủ da, viêm vú và viêm tuyến mang tai
- Chuẩn bị: 10 – 15g cây cúc vạn thọ.
- Thực hiện: Nghiền nát, hòa với giấm và đắp lên vùng đau nhức.
9. Bài thuốc chữa đau nhức răng, viêm hầu và viêm miệng
- Chuẩn bị: 15 hoa tươi.
- Thực hiện: Sắc và dùng uống khi còn ấm.
10. Bài thuốc chữa chứng kiết lỵ
- Chuẩn bị: Hoa cúc vạn thọ 20g.
- Thực hiện: Giã nát trộn với ít đường, sau đó đem hấp trong cơm và dùng uống.
11. Bài thuốc chữa đau nhức răng
- Chuẩn bị: Bột cúc vạn thọ.
- Thực hiện: Chấm vào chỗ răng đau nhức.
Lưu ý khi dùng cúc vạn thọ chữa bệnh
- Cần phân biệt cúc vạn thọ với những loại cúc khác.
- Phụ nữ mang thai và người có vấn đề sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Cúc vạn thọ không chỉ là loài hoa được dùng để trưng bày mà còn đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên phần lớn những bài thuốc từ dược liệu này đều được lưu truyền trong phạm vi y học cổ truyền. Để xác định mức độ hiệu quả và tính an toàn của bài thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng.