Cốt khí củ
Cốt khí củ (Hổ trượng) là vị thuốc hoạt huyết, phá ứ, thanh thấp nhiệt và trừ phong thấp. Dược liệu được nhân dân ứng dụng trong bài thuốc chữa bệnh viêm gan do virus, đau nhức xương khớp do phong thấp, ung nhọt, vết rắn cắn và đau bụng dưới do bế kinh.
- Tên gọi khác: Củ cốt khi, Nam hoàng cầm, Điền thất, Hổ trượng, Hồng lìu, Hồ tượng căn, Ban trượng căn, Tử kim long, Hoạt huyết đan.
- Tên khoa học: Polygonum reynoutria/ Polygonum cuspidatum/ Reynoutria japonica.
- Tên dược: Radix polygoni cuspidati
- Họ: Rau răm (danh pháp khoa học: Polygonaceae)
Mô tả dược liệu
Dược liệu củ cốt khí là thân rễ sấy hoặc phơi khô của loài thực vật cùng tên.
1. Đặc điểm cây cốt khí củ
Cốt khí củ là loại thực vật sống lâu năm, nhỏ, chỉ cao khoảng 50 – 100cm, thân mọc thẳng đứng. Một số cây có thể cao đến 2m. Thân không có lông phủ nhưng ở một số cành và vị trí ở thân có xuất hiện những đốm màu hồng tím.
Phiến lá hình trứng, cuống ngắn, thường mọc so le, rộng 3.5 – 8cm, dài 5 – 12cm, mép lá nguyên. Mặt lá dưới màu nhạt hơn mặt lá trên. Hoa mọc thành chùm, ở kẽ lá, hoa có màu trắng. Quả có 3 cạnh, khô và thường có màu nâu đỏ khi chín. Cây ra hoa vào tháng 8 – 9 và sai quả vào tháng 9 – 10 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Rễ cây được dùng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cây mọc hoang ở nhiều nơi như ven đường, ruộng đồng và đồi núi. Ở nước ta, cốt khí củ mọc nhiều ở Sapa và một số tỉnh thành lân cận. Ngoài ra, loài thực vật này cũng được tìm thấy ở Triết Giang và Giang Tô Trung Quốc.
4. Thu hái – sơ chế
Rễ cây được thu hái quanh năm nhưng thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào tháng 8 – 9 hằng năm. Một số địa phương thu hái dược liệu vào tháng 2 – 3.
Sau khi hái rễ về, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch tạp chất và đất cát. Sau đó cắt thành từng đoạn vừa phải, thái mỏng, đem sấy hoặc phơi khô. Dược liệu sau khi bào chế thường có mặt ngoài màu nâu vàng, đường kính 0.5 – 2cm, dài 1 – 8cm, cắt ngang thấy màu vàng bên trong. Không rõ mùi và thường có vị hơi đắng.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của cây cốt khí củ gồm có tannin, polygonin, antraglucozit (emodin/ rheum emodin).
Vị thuốc Cốt khí củ
1. Tính vị
Vị đắng, tính ấm.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tâm bào và Can.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Công dụng: Tiêu viêm, trừ phong thấp, hoạt huyết thông kinh, sát khuẩn, thanh thấp nhiệt, chỉ thống.
- Chủ trị: Trị đau nhức gân cốt, phong tê thấp, mỏi lưng, tê bì chân tay, huyết ứ gây chậm kinh và đau bụng dưới.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Dược liệu có tác dụng hạ triglyceride, cholesterol và hạ huyết áp.
- Cốt khí củ giúp tiêu viêm, cầm máu, hạ đường huyết, an thần, lợi tiểu và cải thiện cơn ho suyễn.
- Hổ trượng có khả năng ức chế một số vi khuẩn thường gặp như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết,…
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu được sử dụng ở dạng sắc với liều dùng từ 10 – 30g. Nếu dùng ngoài không quy định về liều lượng.
Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc cốt khí củ
1. Bài thuốc trị đau đầu gối và sưng đỏ mu bàn chân
- Chuẩn bị: Dây đau xương, lá lốt, rễ tầm sọong, cốt khí củ, cam thảo dây và rễ cỏ xước mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Sắc uống dùng mỗi ngày 1 thang. Sử dụng liên tục trong vòng 2 – 3 tuần.
2. Bài thuốc trị khớp xương đau nhức và khó vận động
- Chuẩn bị: Lá bìm bịp, mộc thông mỗi vị 20g, rễ gối hạc và cốt khí củ mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Sắc uống dùng trong ngày.
3. Bài thuốc trị đau bụng dưới do bế kinh, huyết ứ sau sinh nở, thống kinh, bụng đau và căng đầy do té ngã
- Chuẩn bị: Lá móng 30g và cốt khí củ 20g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
4. Bài thuốc chữa đau bụng do kinh nguyệt
- Chuẩn bị: Kê huyết đằng, cốt khí củ, đào nhân, ích mẫu và hồng hoa, điều chỉnh liều lượng theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng thuốc mỗi ngày 1thang.
5. Bài thuốc điều trị sỏi tiết niệu, sỏi mật, viêm túi mật và viêm gan
- Chuẩn bị: Chút chít 15g, lá móng 20g, cốt khí củ 15g, tỳ giải, kim tiền thảo và xa tiền tử mỗi vị 12 – 16g.
- Thực hiện: Sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.
6. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp do phong thấp
- Bài thuốc 1: Dùng hạt cau (sao vàng) 6g, uy linh tiên 6g, hy thiêm và rễ cỏ xước mỗi vị 8g, cốt khí củ 15g và đơn gối hạc 12g. Đem sắc uống liên tục trong 7 – 10 ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị cam thảo nam, dây đau xương, rễ cỏ xước, lá lốt, rễ tầm xọng, cốt khí củ và đơn gối hạc mỗi vị 20g. Đem các vị sắc uống và dùng hết trong ngày.
7. Bài thuốc chữa viêm gan do virus thể vàng da
- Chuẩn bị: Lá liễu tươi 15g, cốt khí củ tươi 30g và rễ cam thảo tươi 20g.
- Thực hiện: Đem sắc uống mỗi ngày.
8. Bài thuốc trị hoàng đản (viêm gan) do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Bán chi liên 20g, cốt khí củ 20g, nhân trần 20g, đan sâm 20g, hoạt thạch 10g, hoắc hương 6g, đại hoàng 5g, bạch hoa xà thiệ thảo 20g, hy thiêm 20g, hồng táo 20g, phục linh 10g, cam thảo 6g, kim tiền thảo 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với lượng nước vừa đủ, chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
9. Bài thuốc chữa bỏng lửa và bỏng nước
- Chuẩn bị: Củ cốt khí và ít dầu lạc.
- Thực hiện: Đem rán dược liệu trong dầu lạc, sau đó để nguội và lấy dầu thoa lên vết bỏng.
10. Bài thuốc trị bầm máu do té ngã
- Chuẩn bị: Hồng hoa, một dược, củ cốt khí và nhũ hương, gia giảm liều theo từng trường hợp bệnh.
- Thực hiện: Đem sắc các vị với nước, dùng hết trong ngày.
11. Bài thuốc trị đau khớp do ứ huyết
- Chuẩn bị: Tần giao, xuyên ngưu tất, tang ký sinh, phòng phong, ích mẫu thảo, cốt khí củ và ích mẫu thảo, gia giảm lượng tùy mức độ bệnh.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
12. Bài thuốc trị tắt kinh và đau bụng kinh
- Chuẩn bị: Đương quy, xuyên khung, đơn sâm, cốt khí củ và ích mẫu thảo.
- Thực hiện: Sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang.
13. Bài thuốc trị rắn độc cắn và ung nhọt
- Chuẩn bị: Bồ công anh, liên kiều, cốt khí củ và kim ngân hoa.
- Thực hiện: Dùng nguyên liệu tươi, rửa sạch, để ráo, giã nát và đắp lên da.
14. Bài thuốc trị bệnh viêm họng gây ho
- Chuẩn bị: Hoàng cầm tỳ bà diệp, ngân hoa và cốt khí củ.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng trong nhiều ngày cho đến khi khỏi.
Kiêng kỵ khi dùng dược liệu Cốt khí củ (Hổ trượng)
- Dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh nên không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể tăng co bóp tử cung và gây sảy thai, sinh non.
- Tránh dùng đồng thời với các loại thuốc chống đông máu và thuốc co mạch.
- Không dùng cho người bị rong kinh.
Các bài thuốc từ vị thuốc cốt khí củ được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên dược liệu có tác dụng hoạt huyết và phá ứ mạnh, do đó cần thận trọng khi dùng trong điều trị dài hạn.