Cóc
Nhựa trên da và tuyến mang tai con cóc chứa chất kịch độc có thể giết người. Tuy nhiên, phân tách các thành phần trong nhựa loài động vật này có thể ứng dụng chữa nhiều bệnh hiểm nghèo.
Tên gọi khác: Không có
Tên khoa học: Secretio Bufonis
Họ: Bufonidae (họ cóc hoặc họ cóc rừng)
I. Mô tả loài cóc
Đặc điểm của Secretio Bufonis
Con cóc là loại động vật lưỡng cư. Khi trưởng thành, nó sống ở trên cạn. Thức ăn là các loại côn trùng gồm: cào cào, châu chấu và sâu bọ.
Bề ngoài của cóc xù xì và có một cặp tuyến mang tai (tuyến nước bọt) trên gáy. Tuyến này chứa chất độc và thường tiết ra khi chúng gặp tình huống nguy hiểm. Nhựa tiết ra sau tai và trên da của cóc gọi là thiềm tô. Nó rất độc nhưng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh với liều lượng nhỏ.
Phân bố của loài cóc
Ở nước ta và một số nước lân cận như Campuchia, Lào và Trung Quốc, loài cóc phổ biến thuộc họ cóc rừng. Chúng thích môi trường ẩm thấp của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đặc biệt ưa thích những nơi gần sông ngòi.
Bộ phận dùng, cách bắt, chế biến và bảo quản cóc
Bộ phận dùng: Thịt và nhựa.
Cách bắt: Phổ biến nhất là dùng ánh sáng dụ cóc đến gần và bắt khi trời tối.
Chế biến:
Cách lấy nhựa cóc
Khi cóc đã được dội sạch với nước, người ta sẽ chờ cho da nó khô. Sau đó bắt từng con, giữ chặt và dùng nhíp để ép lấy tuyến nhựa trên da, chủ yếu là sau hai tai. Nhựa được lấy sẽ đựng trong vật liệu bằng sành, sứ hoặc thủy tinh. Nếu đựng bằng sắt, các độc tính trong nhựa sẽ tác dụng với sắt và bị đen. Sau khi lấy nhựa thì có thể thả cóc ra hoặc giữ lại lấy thịt.
Nhựa được lấy từ cóc sẽ mang đi phơi khô trên kính hoặc cho vào khuôn. Một số nơi trộn nhựa với bột và nặn thành bánh dẹp để phơi khô. Người ta ước tính rằng phải lấy dịch từ 1 vạn con cóc thì mới có 1 ký nhựa cóc khô.
Cách lấy thịt cóc
Chọn những con cóc to. Da cóc có màu đen hoặc vàng đều dùng được và chỉ trừ những con có mắt đỏ. Nội tạng của cóc gồm gan, phổi và trứng cóc không sử dụng. Bởi chúng rất độc.
Trong khi lột da cóc cần chú ý không để nhựa trên da dính vào thịt. Nếu không, thịt sẽ bị nhiễm độc. Thịt cóc sau khi làm sạch sẽ cho vào chảo rang hoặc phơi khô rồi tán thành bột.
Cách lấy than cóc
Buộc chân cóc rồi bọc đất kín và nung lên. Đến khi cục đất đỏ lên như than hồng thì dừng lại. Đập bỏ lớp đất bên ngoài sẽ lấy được than cóc. Một số nơi kẹp cóc giữa hai hòn gạch rồi đem nung đỏ để lấy than.
Thành phần hóa học trong nhựa và thịt cóc
Trong nhựa cóc chứa cholesterol, axit ascorbic (vitamin C) và chất phá huyết. Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều hoạt chất rất độc như: bufotalin, bufotoxin, bufogin, bufotenin, bufotionin và bufotenidin. Lượng độc tính trong 1 con cóc có thể giết chết 4 – 5 người trưởng thành khỏe mạnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hoạt chất khác đang được các nhà khoa học làm rõ.
Trong thịt cóc chủ yếu chứa protit, tro và lipit. Một ít còn lại là gluxit và độ ẩm. Trong protit chứa nhiều axit amin quan trọng. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy hàm lượng kẽm và mangan trong thịt cóc cao hơn nhiều so với thịt ếch, gà, bò và lợn.
II. Vị thuốc
Tính vị
Nhựa cóc có vị ngọt và cay. Thịt cóc có vị ngọt. Cả nhựa và thịt cóc đều mang tính ôn và có độc. Lượng độc trong nhựa cóc nhiều hơn gấp nhiều lần trong thịt.
Tác dụng của nhựa và thịt cóc
Cả thịt và nhựa cóc thường dùng để làm dược liệu hơn là nguyên liệu nấu ăn. Trong Đông y, nhựa cóc dùng để gây tê cục bộ. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được thành phần nào trong nhựa cóc gây ra tác dụng này.
Ngoài ra, nhựa cóc còn tác dụng đối với tim gần giống như glucozit. Đây là hoạt chất tác động đến sự tăng co sợi cơ và thay đổi điện sinh lý. Các thí nghiệm trên động vật (ếch, chó và mèo) cho thấy tim đập chậm lại và không theo quy luật khi tiêm dung dịch nhựa cóc vào tĩnh mạch.
Nếu lấy riêng từng chất trong nhựa cóc để tác dụng với tim, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các hợp chất có nitơ làm tăng áp lực co bóp tim mà không giảm áp suất tâm giãn. Vì thế, nó khiến biên độ tim tăng lên. Còn chất bufotenin trong nhựa cóc thì làm tăng huyết áp mạnh.
Tây y không dùng con cóc (bao gồm cả thịt và nhựa) để chữa bệnh. Tuy nhiên, Đông y lại dùng để chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nó là một trong 6 vị thuốc của lục thần hoàn. Ngoài khả năng trợ lực tốt cho tim, nhựa cóc còn dùng chữa tình trạng bị chó dại cắn; trẻ kém ăn dẫn đến gầy còm và chậm lớn; giảm đau, giải độc, mụn nhọt và cam răng (chứng viêm lợi và nhiệt miệng gây đau rát dữ dội).
Liều dùng
Nhựa cóc dùng dưới 1mg/1 ngày.
Thịt cóc khô tán lấy bột uống hoặc làm thành viên uống: 2 – 3mg/1 ngày
III. Các bài thuốc Đông y
-
Bài thuốc lục thần hoàn chữa trúng độc và tim suy nhược
Thành phần: Xạ hương (hươu xạ), nhựa cóc, minh hùng hoàng (thạch hoàng), băng phiến (mỗi loại 1g); tây ngưu hoàng, châu phấn (mỗi loại 1,5g).
Chế biến: Nhựa cóc sau khi tẩm rượu nặn thành viên cùng với các vị thuốc khác đã tán nhỏ. Kích thước mỗi viên bằng đầu đinh. Áo lớp vỏ bên ngoài bằng muội bếp.
Liều lượng: Ngày uống 1 – 2 lần. Mỗi lần uống 5 – 10 viên.
-
Bột cóc chữa suy dinh dưỡng
Thành phần: Bột cóc 10 phần, bột chuối 14 phần và 2 phần lòng đỏ trứng.
Chế biến: Trộn các thành phần này với nhau làm thành viên. Mỗi viên khoảng 4g.
Liều lượng: Ngày uống 2 lần. Mỗi lần 2 viên. Dùng liên tục trong 2 – 3 tháng.
-
Chữa cam tích từ thịt cóc
Cam tích là tình trạng hay gặp ở trẻ em chậm lớn với biểu hiện là bụng to, người gầy và vàng da. Thịt cóc sau khi đã lột da và bỏ nội tạng sẽ đem đi nướng ăn. Mỗi ngày ăn 1 con. Ăn liên tục trong khoảng 1 tuần.
-
Chữa cam răng từ than cóc
Thành phần: 12g than cóc, 10g hoàng liên, 4g thanh đại và 0,8g xạ hương.
Chế biến: Tán nhỏ tất cả các nguyên liệu.
Cách dùng: Vùng răng và lợi bị viêm loét cần được rửa sạch bằng nước muối. Sau đó bôi hỗn hợp trên lên vị trí bị cam răng.