Cỏ mật
Cỏ mật hay còn được biết đến với tên gọi cỏ ngọt, có chứa một glycoside tên là steviol với độ ngọt cao gấp 300 lần đường kính. Được sử dụng để làm tăng độ ngọt tự nhiên cho các món ăn. Cỏ mật còn là một vị thuốc quý với bệnh nhân tiểu đường, người cao huyết áp hay những người đang có chế độ ăn kiêng.
- Tên gọi khác: Cỏ đường, cỏ ngọt, cúc ngọt…
- Tên khoa học: Herba Steviae.
- Họ: Cúc (Asteraceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Cỏ mật là một loại cây thảo sống lâu năm thường cao khoảng từ 40 – 80cm, cành lá mọc um tùm. Thân cây có tiết diện tròn, có rãnh dọc, phần gốc nâu còn phía trên màu xanh và có lông mịn vao phủ.
Phiến lá hình mũi mác, lá có chiều dài khoảng 4 – 8cm, chiều rộng khoảng 0,8 – 1,5cm, mặt lá có nhiều lông tơ mịn. Các lá mộc đối nhau và ở phần nách là còn mộc lên các chồi khác. Nhìn vào mặt lá sẽ thấy rõ 3 gân được mọc ra từ gốc lá, các gân phụ có hình lông chim. Phần mép lá có răng cưa.
Hoa đầu mọc ở kẽ lá và tụ thành chùm ở phía ngọn. Mỗi hoa đều sẽ có 5 hoa hình ống với màu vàng nhạt với 5 chỉ nhị có chiều dài bằng nhau và đính trên ống tràng. Cây cỏ mật thích nghi với những vùng khí hậu nóng ẩm, nhiều ánh sáng.
2. Bộ phận dùng
Búp non và lá của cây cỏ mật chính là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Dược liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Nam Mỹ như Paraguay, Achentina hay Brazil. Ngoài ra một số vùng thuộc Tây Ấn Độc cũng có trồng có mật. Riêng ở nước ta, loại cây này được trồng ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam để phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm và dược liệu.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu là loại cây cỏ mọc lâu năm nên có thể thu hái quanh năm, tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất được cho là vào khoảng tháng 8. Sẽ tiến hành cắt phần ngọn cây về, loại bỏ những lá héo úa đi rồi rửa sạch và phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
Cỏ mật sau khi phơi khô sẽ hơi có mùi khó chịu. Để loại bỏ mùi khó chịu này cần phun nước cho dược liệu ẩm rồi để trong túi kín ủ 2 – 3 ngày. Sau đó tiếp tục mang ra phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp. Cách sơ chế này được cho là không làm ảnh hưởng đến độ ngọt cũng như dược tính của cỏ mật.
5. Bảo quản
Dược liệu mặc dù đã được sơ chế khô nhưng vẫn rất dễ ẩm mốc và bị hỏng. Cần để dược liệu vào trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô mát. Tránh ánh nắng trực tiếp hay nhiệt độ cao bởi có thể ảnh hưởng đến vị ngọt cũng như tác dụng dược lý.
6. Thành phần hóa học
Phân tích ghi nhận, hoạt chất chính có trong cỏ mật là một glycoside có tên steviol.
Vị thuốc cây cỏ mật
1. Tính vị
Dược liệu cỏ mật có vị ngọt và tính mát.
2. Quy kinh
Được quy vào 3 kinh Tỳ, Phế và Thận.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Lợi tiểu, trừ tiêu khát, hạ huyết áp.
- Chủ trị: Dược liệu được dùng phổ biến trong các trường hợp tiểu đường, huyết áp cao, bí tiểu tiện, đái nhạt.
Theo y học hiện đại:
- Chất stevioside trong cỏ mật được chứng minh là có độ ngọt gấp khoảng 300 lần đường kính. Tuy nhiên nó lại không bị phân hủy, lên men, đồng thời chứa rất ít năng lượng.
- Cỏ mật chính là nguyên liệu tuyệt vời làm gia tăng vị ngọt tự nhiên cho các món ăn. Nhất là đối với chế độ ăn của bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường hay những người ăn kiêng.
- Chiết xuất etanolic của lá cỏ mật còn được đánh là rất giàu axit isochlorogen và không có tác dụng phụ. Điều này đã mở ra tiềm năng lớn trong việc sử dụng loại cỏ này ở ngành công nghiệp thực phẩm cũng như dược phẩm.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu cỏ mật thường được sử dụng tương tự như 1 loại trà. Ngoài ra, nó còn được thêm vào món ăn nhằm tạo vị ngọt tự nhiên. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào mục đích, liều thường dùng là từ 8 – 12g.
Các bài thuốc từ dược liệu cỏ mật
Sau đây là một số đơn thuốc rất thông dụng có dùng cỏ mật làm vị thuốc:
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường
- Chuẩn bị: 2,5g lá cỏ mật phơi khô.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, thêm 200ml đun đến khi còn 50ml. Mỗi ngày sắc uống 2 lần. Cần duy trì trong thời gian dài mới hiệu nghiệm.
2. Bài thuốc chữa cao huyết áp
- Chuẩn bị: 6g lá cỏ mật, 4g hoa cúc, 12g quyết minh tử (sao cháy) cùng với 10g hoa hòe (sao vàng).
- Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc trên rồi cho vào ấm, gia thêm 1 thăng nước. Đun trong 10 phút, lọc bỏ bã, uống mỗi ngày 1 thang.
3. Bài thuốc giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch
- Chuẩn bị: 7,5g cỏ mật phơi khô.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước. Bỏ phần bã đi và chia uống làm nhiều lần trong ngày. Cần duy trì bài thuốc liên tục nhiều ngày liền.
4. Bài thuốc chữa tiểu tiện không thông
- Chuẩn bị: 6g cỏ ngọt, 10 hạt đào nhân, 4g hồng hoa, 20g đương quy, 12g mẫu đơn bì, 20g trư linh cùng 6g xích thược.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm. Sắc trên lửa nhỏ, lấy nước bỏ bã đi, uống 1 thang mỗi ngày.
5. Bài thuốc chữa bệnh phong, hư lao sau sinh
- Chuẩn bị: 2,4g cỏ ngọt, 2g bá tử nhân, 2g bạch truật, 2g cảo bản, 2g bạch chỉ, 2g chích thảo, 2g đan sâm, 2g hậu phác, 4g địa hoàng, 2,8g đương quy, 2g quế tâm, 2g nhân sâm, 2g phòng phong, 2g xuyên khung cùng 2g tế tân.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đây đem trộn lại cho đều rồi tán thành bột mịn và làm hoàn.
6. Bài thuốc chữa rong huyết
- Chuẩn bị: 20g cỏ mật, 15g chỉ hiên, 15g mã đề, 15g ké hoa vàng.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem thái nhỏ rồi cho lên chảo nóng sao vàng. Sau đó cho vào ấm, thêm 3 bát nước sắc đến khi còn 1 bát. Lọc bỏ bã rồi chia thành 2 lần uống, duy trì mỗi ngày 1 thang trong 5 ngày liền.
7. Bài thuốc chữa mệt mỏi, mất ngủ sau sinh
- Chuẩn bị: 20g cỏ mật, 10g ngải cứu, 20g mạch đông, 4g rẻ quạt, 6g nhân trần, 4g vỏ quả bưởi đào khô.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, sắc lấy nước bỏ bã, uống 1 thang/ngày. Cần duy trì liên tục trong 10 ngày.
Những thông tin về dược liệu cỏ mật mà bài viết đã tổng hợp chỉ có giá trị tham khảo. Dược liệu này mặc dù có nhiều công dụng tốt nhưng cần dùng đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tốt nhất, nên trực tiếp trao đổi với bác sĩ để nhận khuyến cáo về liều lượng phù hợp với thực trạng sức khỏe bản thân và mục đích sử dụng.