Hà ăn chân là gì? Hình ảnh, dấu hiệu và cách trị
Hà ăn chân là căn bệnh da liễu khá phổ biến được y học gọi bằng cái tên khác là nấm kẽ chân. Bệnh do vi nấm gây ra khiến da bị tấy đỏ, nổi bọng nước, nứt nẻ và ngứa ngáy dữ dội. Sử dụng thuốc chống nấm là phương pháp điều trị chính hiện đang được áp dụng để khắc phục căn bệnh này.
Hà ăn chân là gì?
Hà ăn chân là tên gọi khác của bệnh nước ăn chân, sâu nước ăn chân hay nấm kẽ chân. Bệnh gây ra bởi các loại vi nấm do bàn chân thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt. Lúc này, nấm tấn công trực tiếp vào trong các kẽ chân và gây ra tổn thương ở lớp trung bì da khiến cho da xuất hiện các mảng đỏ có mụn nước ngứa, đau, bong tróc, nứt nẻ.
Bệnh hà ăn chân ảnh hưởng chủ yếu đến người dân ở các vùng nông thôn do làm công việc đồng áng nhiều, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Các tổn thương ở kẽ chân kéo dài không chỉ tác động tiêu cực đến tâm lý của người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ bị bội nhiễm, lở loét da. Vì vậy, bạn nên chú ý để phát hiện và điều trị bệnh ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Dấu hiệu hà ăn chân
Vi nấm gây bệnh hà ăn chân chủ yếu gây tổn thương cho các kẽ chân. Ban đầu, các triệu chứng có thể chỉ xuất hiện ở 1 – 2 kẽ chân và theo thời gian nấm có thể lây lan sang các khu vực khác và ảnh hưởng đến cả bàn chân. Các triệu chứng hà ăn chân bao gồm:
- Da khô, nứt nẻ và có thể bong tróc thành từng mảng. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở các kẽ chân, rìa bàn chân, trên mu hay dưới lòng bàn chân.
- Khu vực tổn thương xuất hiện cảm giác ngứa ngáy thường trực. Cơn ngứa có thể trở nên nghiêm trọng và dữ dội nếu bị bệnh trong những ngày thời tiết khô hanh hoặc sau khi tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa.
- Đầu các ngón chân bị bệnh thường có màu trắng bợt thay vì phải có màu sắc hồng hào như khi khỏe mạnh. Phần đầu móng cũng có thể chuyển sang màu tím tái.
- Vị trí da chân bị nấm tấn công có thể xuất hiện mụn nước, các bọng nước nhỏ hay mụn mủ. Chúng gây ngứa ngáy khó chịu.
- Mụn có thể vỡ ra gây tiết dịch, đóng vảy hoặc có thể tạo thành các đường nứt kẽ rỉ máu dẫn đến đau rát.
- Vùng da bị hà ăn chân thường chuyển sang màu đỏ hoặc hồng trông khác biệt so với vùng da lành xung quanh.
Nguyên nhân gây hà ăn chân
Như đã đề cập ở trên, bệnh hà ăn chân do vi nấm gây ra. Phổ biến nhất là các chủng nấm Trichophyton Rubrum, microsporum, trichophyton hay vi nấm thuộc nhóm candida albicans. Chúng có thể tấn công vào da ở bàn chân và gây bệnh khi gặp các điều kiện thuận lợi như:
- Thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt, chân phải tiếp xúc nhiều mới nước bẩn, chẳng hạn như công nhân vệ sinh trong cống nước thải, người rửa chén bát trong các quán ăn, nông dân ở các vùng trồng lúa…
- Mang giày nhiều giờ trong ngày khiến chân bị bít kín, bí hơi và sinh ra ẩm ướt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
- Tiếp xúc nhiều với xi mang hay hóa chất
- Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh khiến cho mồ hôi ở bàn chân tiết ra nhiều. Đây chính là môi trường lý tưởng thúc đẩy sự bùng phát của nấm
- Không giặt vớ chân thường xuyên
- Da khô và thiếu nước khiến cho hàng rào bảo vệ da bị suy yếu nên dễ dàng bị nấm tấn công.
Hà ăn chân có lây không?
Hà ăn chân là căn bệnh có khả năng lây nhiễm. Khi bị bệnh lâu ngày mà không có biện pháp kiểm soát tốt, vi nấm gây hà ăn chân có thể tấn công sang các vùng da lành xung quanh. Mầm bệnh cũng có thể lây truyền cho người khác thông qua các con đường như:
- Tiếp xúc da kề da
- Dùng chung vớ, giày, dép
- Sử dụng chung quần áo, chậu tắm, khăn tắm
- Ngủ chung giường và dùng chung chăn với người bệnh
Bệnh hà ăn chân có nguy hiểm không?
Hà ăn chân là căn bệnh da liễu khá phổ biến. Ở giai đoạn mới khởi phát, bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại mang đến các cơn ngứa ngáy và nhiều triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt, sự tự tin cũng như chất lượng sống của người bệnh.
Khi tiến triển nặng, hà ăn chân gây tạo ra các đường nứt ở khu vực tổn thương khiến người bệnh đau đớn và chảy máu. Từ các kẽ hở cùng với những mụn nước bị bể do gãi ngứa, vi khuẩn có thể tấn công vào trong gây biến chứng lở loét, bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng máu.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng máu thường có các biểu hiện như nóng sốt, mệt mỏi trong người, tạo mủ trên bề mặt da tổn thương, ớn lạnh trong người, tụt huyết áp, thở mệt… Biến chứng này nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Thêm vào đó, bệnh hà ăn chân không được chữa trị từ sớm cũng có thể lan rộng sang các vùng da lành phía trên bàn chân hoặc nghiêm trọng hơn bạn có thể bị nhiễm nấm toàn thân. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị và khiến người bệnh gặp nhiều di chứng trên da.
Cách điều trị hà ăn chân
Để chữa hà ăn chân, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian kết hợp điều trị bằng các loại thuốc bác sĩ kê đơn. Ngoài ra, cần chú ý chăm sóc vùng da bị bệnh đúng cách để tổn thương trên da nhanh lành mà không để lại di chứng.
1. Cách chữa hà ăn chân bằng mẹo dân gian
Khi bị hà ăn chân nhẹ, bạn có thể cân nhắc áp dụng một số mẹo dân gian để cải thiện triệu chứng bệnh. Dưới đây là những cách trị hà ăn chân tại nhà đang được lưu truyền trong dân gian.
– Ngâm chân vào hỗn hợp nước muối, giấm ăn và rượu
Người bị hà ăn chân thường có biểu hiện ngứa ngáy, viêm đỏ da. Thường xuyên ngâm chân với hỗn hợp nước có pha muối kết hợp cùng với một chút rượu và giấm ăn có thể giúp cải thiện được các triệu chứng khó chịu này.
Cả ba nguyên liệu trên đều có đặc tính sát trùng, kháng nấm mạnh. Chúng giúp ức chế vi nấm phát triển, giảm ngứa, làm sạch bề mặt vùng da bị tổn thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 3 thìa cà phê muối, 1 cốc giấm ăn, 1 ly rượu và nước sạch
- Hòa tan các nguyên liệu trên với lượng nước vừa đủ
- Nhúng bàn chân bị bệnh vào ngâm trong khoảng 15 phút
- Lặp lại cách trên 2 – 3 lần trong ngày rồi sử dụng một cái khăn riêng để thấm khô chân.
– Sử dụng phèn chua
Phèn chua được sử dụng như một phương thuốc sát trùng, diệt nấm trong dân gian. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn và có khả năng ức chế được hầu hết các chủng vi nấm gây bệnh. Sử dụng nguyên liệu này đúng cách cũng có tác dụng giảm ngứa da, ngăn chặn không cho tổn thương lan rộng và nhẹ nhàng lấy đi các mảng vảy cùng tế bào chết trên da.
Cách sử dụng:
- Cục phèn chua sau khi mua về bạn đem giã nhỏ
- Bỏ phèn chua vào nồi chưng nóng cho đến khi nguyên liệu này hóa lỏng, rút hết nước và nở phồng ra. Lúc này bạn thu được bột phèn chua có màu trắng và rất mịn. Để cho bột nguội, bỏ hết vào trong hũ và đậy nắp kín lại để dùng dần.
- Để điều trị hà ăn chân, hãy lấy lượng bột phèn chua vừa đủ bôi vào các kẽ chân và vùng da bị nấm.
- Áp dụng mỗi ngày 1 lần để thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương, giảm ngứa da và ngăn ngừa mùi hôi khó chịu ở chân.
– Bài thuốc chữa hà ăn chân từ rau răm và lá trầu không
Rau răm và lá trầu không là hai vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiễm nấm ngoài da, bao gồm cả chứng hà ăn chân. Sở hữu đặc tính kháng khuẩn, chống nấm tự nhiên, các nguyên liệu này có khả năng tiêu diệt tác nhân gây bệnh và cải thiện các dấu hiệu có liên quan một cách an toàn.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị lá trầu và rau răm mỗi thứ một nắm
- Cả hai nguyên liệu trên đem rửa sạch, ngâm nước muối rồi vò nát
- Bắc nồi lên bếp, đun sôi 1 lít nước rồi bỏ dược liệu vào, đun cho nước trong nồi sôi trở lại
- Văn nhỏ lửa và nấu thêm 10 phút nữa cho các hoạt chất có lợi trong lá cây giải phóng hết vào trong nước.
- Gạn thuốc ra một cái chậu sạch, chờ nguội rồi nhúng chân vào ngâm. Kết hợp sử dụng xác lá chà nhẹ ở khu vực bị ảnh hưởng giúp xoa dịu cơn ngứa và làm bong tróc vảy trên da.
- Duy trì ngâm chân mỗi ngày 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 10 phút
- Cuối cùng lau khô và bôi thuốc điều trị hà ăn chân do bác sĩ kê đơn.
– Mẹo chữa hà ăn chân bằng lá muồng trâu
Muồng trâu là cây mọc hoang, thường phát triển ở các khu vực đất trống. Cây có nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý nhiễm trùng da do nấm hoặc vi khuẩn.
Phân tích thành phần của lá cây cho thấy bộ phận này chứa nhiều hoạt chất chrysophanol hay aloe emodin. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, sát khuẩn, diệt nấm, bảo vệ tế bào da ở chân khỏi tác hại của gốc tự do và các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, lá muồng trâu còn có tác dụng chống dị ứng, giảm ngứa, ngăn chặn phản ứng viêm dưới da và đẩy nhanh quá trình chữa lành các mô bị tổn thương.
- Cách 1: Sử dụng 1 nắm lá muồng trâu tươi đem rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch. Sau đó đun sôi kỹ với nước để ngâm chân hoặc làm nước tắm rửa nếu nấm ảnh hưởng trên diện rộng.
- Cách 2: Lấy lá muồng trâu tươi giã nát chung với vài hạt muối ăn, đắp trực tiếp lên các vùng da bị viêm đỏ, nổi mụn nước ngứa ở bàn chân.
- Cách 3: Hái cuống lá muồng trâu cùng quả muồng khô, dùng khoảng 20 gram đem sắc với 1 lít nước. Lấy uống vào buổi tối và giữ lại một phần để ngâm chân.
– Bài thuốc trị hà ăn chân từ lá lốt
Trong lá lốt chứa các hoạt chất benzyl axetat, ankaloid và flavonoid. Những chất này có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Chúng giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh, giảm viêm ngứa, đồng thời tăng cường lưu thông máu đến cung cấp oxy cùng các dưỡng chất cho khu vực bị bệnh để tổn thương trên da nhanh được chữa lành.
Với những tác dụng tuyệt vời trên, lá lốt được dân gian sử dụng làm thuốc đắp trị hà ăn chân.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 3 cái lá lốt tươi, băng gạc y tế
- Rửa và ngâm lá lốt với nước muối pha loãng cho đảm bảo sạch khuẩn
- Vớt lá ra cho ráo nước rồi thái nhỏ, sử dụng chày giã nát
- Tiến hành rửa vùng da bị bệnh cho sạch sẽ rồi thấm khô
- Đắp thuốc trực tiếp bên ngoài tổn thương và băng cố định lại để lưu thuốc trên da trong 60 phút.
- Chăm chỉ thực hiện cách trị hà ăn chân bằng lá lốt theo hướng dẫn trên mỗi ngày 2 lần trong 2 – 3 tuần liên tục để bệnh được chữa lành hẳn.
– Trị hà ăn chân bằng rau sam
Bài thuốc từ rau sam cũng được sử dụng phổ biến trong điều trị hà ăn chân. Loại cây này thường mọc ở ven đường hoặc trong vườn nhà. Các hoạt chất trong cây có tác dụng kháng khuẩn, chống virus, ức chế nấm phát triển. Ngoài ra, thành phần vitamin C dồi dào trong rau sam còn giúp làm tăng sức đề kháng cho da và hỗ trợ chữa lành tổn thương ở chân.
Cách sử dụng:
- Dùng 1 nắm cây rau sam tươi và vài hạt muối ăn
- Rửa sạch rau, bỏ vào cối giã nát cùng với muối
- Vắt nước cốt rau sam bôi lên vùng da bị ảnh hưởng 3 – 4 lần trong ngày
- Thực hiện trong vài ngày liên tục để bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm
2. Thuốc tây trị hà ăn chân
Nếu bị hà ăn chân kéo dài quá vài ngày mà các dấu hiệu bệnh có khuynh hướng ngày càng nghiêm trọng hơn thì bạn nên nhanh chóng tới bệnh viện khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị. Các loại thuốc chữa hà ăn chân thường được sử dụng trong Tây y chủ yếu là các loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ. Bao gồm:
- BSI 2%: Thuốc có dạng dung dịch bôi ngoài da có tác dụng sát trùng, diệt nấm, giảm ngứa. Người bệnh thường được khuyến cáo nên bôi thuốc BSI 2% từ 1 – 2 lần trong ngày. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần rửa sạch các kẽ ngón chân và khu vực tổn thương. Lưu ý chỉ thoa một lớp thuốc mỏng, tránh bôi quá nhiều có thể gây kích ứng tại chỗ, châm chích da.
- Cồn ASA: Dung dịch cồn ASA được chỉ định trong điều trị bệnh hà ăn chân nhằm mục đích sát trùng, ngăn ngừa bội nhiễm da.
- Povidon Iod 10%: Loại thuốc này thường được chỉ định trong điều trị hà ăn chân và một số bệnh nhiễm nấm ngoài da khác như nấm tóc, nước ăn tay… Thuốc được pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:5 dùng để rửa tổn thương.
- Dipolac: Thuốc Dipolac nằm trong nhóm các dược phẩm kháng khuẩn chứa corticoid được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da. Thuốc hoạt động tại chỗ, giúp kháng viêm, giảm ngứa. Liều dùng 2 – 3 lần mỗi ngày tùy theo mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Không dùng thuốc Dipolac trị hà ăn chân cho trẻ em.
- Các thuốc kháng nấm: Nhóm thuốc này được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân bởi bản chất của bệnh hà ăn chân là do vi nấm gây ra. Bạn có thể được chỉ định thuốc kháng nấm theo đường bôi hoặc uống. Thông dụng nhất là các loại thuốc như Ketoconazol, Terbinafin, Clotrimazol, Griseofulvin, Miconazol. Thời gian điều trị hà ăn chân bằng thuốc chống nấm thường kéo dài trong khoảng 1 tuần. Nếu quá thời gian này mà các triệu chứng bệnh chưa dứt hẳn, bạn nên tái khám và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục sử dụng thuốc.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp khu vực hà ăn chân có biểu hiện lở loét, làm mủ do bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thêm thuốc kháng sinh. Thuốc có thể được bào chế dưới dạng kem bôi, thuốc mỡ thoa ngoài da hay các chế phẩm được sử dụng theo đường uống. Khi sử dụng thuốc kháng sinh lưu ý dùng đủ liều, đủ thời gian theo đúng hướng dẫn trong đơn của bác sĩ để tránh bị lờn thuốc.
Cách chăm sóc ngăn ngừa hà ăn chân
Khi bị hà ăn chân, bạn cần chăm sóc da đúng cách để tổn thương nhanh hồi phục, đồng thời xây dựng một lối sống lành mạnh nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại trong tương lai. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:
- Giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ, khô ráo
- Hạn chế để chân tiếp xúc với nước. Sau khi rửa xong nên lau khô ngay
- Khi lội chân ở các vùng nước bẩn hay khu vực có hóa chất thì nên mang ủng để bảo vệ cho da chân
- Thoa kem dưỡng ẩm nếu da chân bị khô, bong tróc
- Tránh mang giày bít kín suốt cả ngày, đặc biệt là khi tuyến mồ hôi ở chân hoạt động mạnh. Những người làm việc trong văn phòng nên tháo giày ra khi ngồi tại chỗ. Lựa chọn giày có kích cỡ phù hợp, tránh mang quá chặt.
- Lựa chọn tất chân có chất liệu cotton thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt. Trường hợp bị ra mồ hôi nhiều nên thay đổi tất 2 lần trong ngày và giặt sạch, phơi thật khô trước khi sử dụng lại để nấm không có cơ hội phát triển.
- Không mang tất hay giày chung với người khác làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể để da không bị khô và kích ứng. Tránh sử dụng các thực phẩm, đồ uống có tính kích thích và gây mất nước như bia, rượu, cà phê, các món cay.
- Khi bị bệnh, hạn chế dùng tay cào gãi khiến da bị tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng.
- Cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn với vi nấm gây bệnh hà ăn chân bằng cách bổ sung nhiều rau củ, trái cây, nhất là các thực phẩm giàu vitamin vào chế độ ăn. Kết hợp ngủ đủ giấc, tránh stress và tập thể dục hàng ngày để da chân luôn khỏe mạnh.