Cây thiên ma
Cây thiên ma được xem là thuốc có tác dụng an thần và chống co giật. Bên cạnh đó, thảo dược này còn giúp tăng cường lưu lượng máu đến não và tim, giúp làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Đồng thời giúp trừ phong chỉ thống, chữa tê chân tay, phong thấp đau nhức.
+ Tên khác: Xích tiễn, minh thiên ma, định phong thảo, vô phong tự động thảo, minh thiên ma, thần thảo, hợp ly thiên ma
+ Tên khoa học: Gastrodia Elata Blume
+ Họ: Lan (Orchidaceae)
I. Mô tả về cây thiên ma
+ Đặc điểm thực vật của thiên ma
Được xem là một loài thực vật kỳ lạ, cây thiên ma không chứa chất diệp lục. Theo sách Thần Nông Bản Thảo Kinh cho biết, thân cây có hình dáng giống như mũi tên vươn thẳng lên phía bầu trời. Thân có màu vàng, có lá nhỏ hình vảy cá. Rễ cây có hình bầu dục với mặt ngoài trắng hoặc vàng nhạt đến nâu hơi vàng.
+ Phân bố
Cây thiên ma thường mọc nhiều ở các nước Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc,… Ở Việt Nam, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh vùng núi như Hòa Bình, Lạng Sơn,…
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Rễ và củ
- Thu hái: Thu hoạch vào mùa đông hoặc mùa xuân
- Chế biến: Sau khi thu hái, rễ củ được đem rửa sạch, bỏ vỏ và luộc, hầm hoặc nướng chín. Sau đó thái lát, phơi khô và tán bột
- Bảo quản: Nơi khô mát
+ Thành phần hóa học
Thiên ma có chứa các thành phần chính như gastrodioside, alkaloid, Gastrodin, vitamin A, vannillyl và alcohol,..
II. Vị thuốc
+ Tính vị
Tính ôn và vị ngọt
+ Quy kinh
Tác dụng vào kinh Can
+ Tác dụng dược lý
– Tác dụng theo Y học cổ truyền:
- Tức phong chỉ kinh: Giúp chữa chứng miệng méo mắt lệch và kinh giản co giật do can phong nội động gây nên
- Bình can tiềm dương: Điều trị chứng choáng váng, chóng mặt và đau đầu do can dương thương cang gây nên
- Trừ phong chỉ thống: Chữa triệu chứng chân tay liệt, chân tay tê hoặc đau nhức do phong thấp
– Tác dụng theo Y học hiện đại:
- Giúp giảm đau và chống viêm
- Có tác dụng an thần và chống co giật
- Giúp tăng cường lưu lượng máu đến tim và não, giúp hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim. Đồng thời, một số nghiên cứu cho thấy các hoạt chất chứa trong thiên ma giúp tăng sức chịu đựng thiếu oxy ở động vật thí nghiệm.
- Tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể
+ Cách dùng và liều lượng
Thuốc được dùng dưới dạng sắc hoặc thuốc bột. Liều dùng mỗi ngày là 3 – 10 gram dưới dạng thuốc sắc, 1 – 1,5 gram dưới dạng thuốc bột.
+ Tác dụng phụ
Thiên ma nếu không biết cách sử dụng đúng liều lượng và thời gian có thể gây các tác dụng phụ như giảm cân đột ngột, chuột rút hoặc chảy máu âm đạo, đau dạ dày,…
III. Bài thuốc chữa bệnh từ thiên ma theo kinh nghiệm dân gian
+ Chữa đau khớp và tê bại do bệnh phong hàn thấp gây nên
- Cách 1: Sử dụng 12 gram thiên ma, 6 gram nhũ hương, 12 gram ngưu tất và 4 gram bọ cạp đem nghiền thành bột min. Sau đó trộn hồ, hoàn viên uống. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể điều trị bệnh dưới dạng thuốc sắc.
- Cách 2: Sử dụng 12 gram thiên ma, 12 gram phụ tử, 12 đỗ trọng, 12 gram tỳ giải và 12 gram ngưu tất, 16 gram huyền sâm, 12 gram đương quy và 12 gram sinh địa. Tất cả các vị thuốc đem nghiền thành bột mịn và trộn với mật ong, làm hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống khoảng 8 gram
+ Điều trị chứng đau đầu do can phong bốc lên quấy nhiễu
- Cách 1: Sử dụng 20 gram thiên ma và 6 gram xuyên khung đem chế thành hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống 4 – 8 gram. Uống liên tục giúp chữa hoa mắt, thiên đầu thống và váng đầu
- Cách 2: Dùng 12 gram thiên ma sắc chung với 12 gram bán hạ, 8 gram quất hồng, 12 gram bạch truật, 4 gram cam thảo. Uống chữa nhức đầu và hoa mắt do phong đàm
+ Chữa sài uốn ván
Sử dụng thiên ma, nam tinh chế, phòng phong, bạch phụ chế, khương hoạt, mỗi vị thuốc có liều lượng như nhau. Đem tất cả các vị thuốc nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần dùng khoáng 4 – 8 gram. Cách dùng là hòa bột thuốc với nước ấm đun sôi để nguội hoặc rượu trắng uống.
IV. Lưu ý khi sử dụng thiên ma chữa bệnh
Khi dùng dược liệu thiên ma chữa bệnh, người bệnh nên lưu ý những điều sau:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng thiên ma chữa bệnh. Bởi thuốc chữa được nghiên cứu chứng minh an toàn ở những đối tượng này
- Thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, những người bị thiếu đạm, ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng hoặc vừa thực hiện cấy ghép thận,… không nên sử dụng
- Thiên ma có thể tương tác làm giảm tác dụng của thuốc. Vì vậy, người bệnh không nên kết hợp chung với các loại thuốc sau
- Atorvastatin, thuốc gây ngộ độc gan như Erythromycin, Carbamazepine, Phenytoin, Acetaminophen, Methyldopa. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên dùng chung thiên ma với các chế phẩm chuyển hóa qua gan như Amitriptyline, Tramadol, Codein, Clozapin, Fluoxetine, Ondansetron, Fentanyl,…
Trên đây là tất cả các thông tin tổng hợp về cây thiên ma. Lưu ý, những bài thuốc chữa bệnh từ thảo dược này chỉ là mẹo lưu truyền từ dân gian. Do đó, để hạn chế tác dụng phụ, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.