Cây thạch đen

Cây thạch đen còn được gọi là cây Sương sáo hoặc Thủy cẩm. Nhân dân thường sử dụng thảo dược này để làm thạch ăn vào những ngày nắng nóng. Ngoài ra dược liệu thạch đen còn được phối hợp với các thảo dược khác để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Cây xương sáo
Hình ảnh cây thạch đen – Còn được gọi là cây Sương sáo hoặc Thủy cẩm, thuộc họ Hoa môi
  • Tên gọi khác: Tiên nhân đông, Sương sáo, Xương sáo, Lương phấn thảo, Thủy cẩm, Tiên nhân thảo, Tiên thảo.
  • Tên khoa học: Mesona chinensis
  • Họ: Hoa môi (danh pháp khoa học: Lamiaceae)

Mô tả cây dược liệu Thạch đen

1. Đặc điểm cây

Thạch đen là cây thân thảo, sống hằng năm. Thân cây cao khoảng 20 – 60cm hoặc hơn, toàn thân được phủ lông rậm, thô, cây ít phân nhánh. Lá mọc đối xứng, phiến lá có hình thuôn dài hoặc hình trứng, mép lá nguyên và dày. Lá rộng 1 – 1.5cm, dài 2 – 4cm, cuống lá dài 0.8 – 2cm.

Cây xương sáo
Lá cây thạch đen mọc đối xứng, phiến lá có hình thuôn dài hoặc hình trứng, mép lá nguyên và dày

Hoa mọc thành cụm ở ngọn, chùm hoa dài khoảng 10 – 13cm. Chùm hoa dài, được phủ lông mịn và có lá bắc màu hồng. Tràng hoa có màu hồng nhạt hoặc màu trắng, môi dưới to, môi trên chia làm 3 thùy. Quả thuôn, bế nhẵn, chiều dài khoảng 0.6 – 0.8mm.

Xương sáo ra hoa và quả vào mùa thu – đông.

2. Bộ phận dùng

Thân và lá sương sáo được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Sương sáo có nguồn gốc từ các tỉnh miền Nam ở Trung Quốc. Hiện nay cây đã được di thực vào nước ta, mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nơi. Sương sáo thường được nhân dân sử dụng để làm thạch ăn nhằm giải khát và thanh nhiệt.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái cây thạch đen quanh năm nhưng thời điểm thu hái tốt nhất là vào mùa mưa. Sau khi hái về, đem cắt bỏ rễ rồi rửa sạch dùng tươi hoặc để phơi khô dùng dần.

5. Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh nhiệt độ cao, ánh nắng trực tiếp và nơi có độ ẩm hơn 60%.

6. Thành phần hóa học

Chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về thành phần hóa học của cây thạch đen. Tuy nhiên dân gian có lưu truyền, khi dùng lá và thân cây thạch đen vò sẽ tạo ra chất pectrin có màu đen.

Vị thuốc thạch đen

1. Tính vị

Vị ngọt, tính mát, không có độc.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Nghiên cứu sơ bộ cho thấy cây thạch đen được trồng ở Cao Bằng có tác dụng hạ cholesterol trong máu và chống lão hóa.

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Giải thử và thanh nhiệt.
  • Chủ trị: Viêm thận, viêm khớp cấp, cảm mạo, đái tháo đường và huyết áp cao.

– Tham khảo thêm:

  • Nhân dân Indonesia và Đài Loan cho rằng cây thạch đen có tác dụng lợi tiểu nên còn được dùng để trị chứng tiểu tiện không thông.

4. Cách dùng – liều lượng

Sương sáo được sử dụng ở dạng sắc là chủ yếu. Ngoài ra thảo dược này còn được nhân dân dùng để chế biến thạch ăn vào mùa hè giúp giải khát và thanh nhiệt.

Bài thuốc trị bệnh từ cây thạch đen – sương sáo

cây thạch đen
Nhân dân thường dùng cây thạch đen để làm thạch ăn vào những ngày nắng nóng

1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

  • Chuẩn bị: Biển súc (rau đắng) 30g, thạch đen 30g và rung rúc 45g.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm và thêm nước vào đun sôi. Uống hết 1 lần, mỗi ngày dùng 1 thang.

2. Thạch xương sáo giúp thanh nhiệt

  • Chuẩn bị: Lá và thân cây sương sáo phơi khô.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào nồi nấu nhừ. Sau đó dùng túi vải vắt lấy nước rồi thêm bột gạo vào quấy đều trên bếp lửa cho đến khi dung dịch sánh lại. Đổ sương sáo ra khuôn rồi đợi dông. Khi dùng, có thể ăn sương sáo riêng hoặc dùng thêm vào các món ăn như sương sáo hạt lựu, sương sáo nước đường, sương sáo nước cốt dừa,…

Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây thạch đen 

  • Trẻ nhỏ ăn quá nhiều thạch sương sáo có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến mức độ hấp thu protein và các chất dinh dưỡng khác.
  • Hiện nay có nhiều nơi bán thạch sương sáo đã được chế biến sẵn. Tuy nhiên quy trình làm thạch cần phải sử dụng tay nên nguy cơ ăn phải sương sáo bẩn là khá cao. Vì vậy nếu có thể, bạn nên tự chế biến sương sáo để đảm bảo công dụng của dược liệu và tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Cần phân biệt cây sương sáo với cây sương sâm (Tiliacora triandra).

Hiện nay có nhiều thông tin đồn thổi về tác dụng của cây thạch đen – sương sáo. Tuy nhiên những thông tin này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học mà chủ yếu được lưu truyền trong phạm vi y học cổ truyền. Vì vậy bạn không nên tùy tiện áp dụng những bài thuốc không rõ nguồn gốc và hiệu quả điều trị.