Cây đại bi
Cây đại bi còn có tên gọi khác là từ bi xanh, chứa nhiều tinh dầu với thành phần hóa học đa dạng nên thường được dùng làm vị thuốc. Xuất hiện phổ biến trong các bài thuốc chữa cảm mạo, đau nhức xương khớp, viêm họng, cao huyết áp, mất ngủ, kinh nguyệt không đều…
- Tên gọi khác: Từ bi xanh, Băng phiến, Đại ngải…
- Tên khoa học: Blumea balsamifera (L.) DC.
- Họ: Cúc (Asteraceae).
Mô tả cây dược liệu đại bi
1. Đặc điểm thực vật
Đại bi là một loại cây nhỡ với chiều cao trung bình khoảng từ 1,5 đến 2,5m. Thân cây có nhiều rãnh chạy dọc có lông bao phủ phía ngoài, phía trên ngọn có nhiều cành.
Lá cây hình trứng, nhọn nhưng hơi tù ở hai đầu, dài khoảng 12cm và rộng khoảng 5cm. Mặt phía trên có lông, phần mép lá gần như nguyên và xẻ thành răng cưa ở phía gốc lá. Mỗi lá có khoảng từ 2 đến 6 thùy nhỏ do phía dưới phiến lá bị xẻ quá sâu.
Hoa có màu vàng, mọc thành chùy ở đầu cành hoặc kẽ lá. Trên hoa có rất nhiều lông tơ. Quả bế có 2 cạnh dài khoảng 1mm, đỉnh có mang chùm lông.
2. Bộ phận dùng
Lá và rễ của cây là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Cây đại bi dược tìm thấy rất nhiều ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin… Riêng ở nước ta, dược liệu mọc hoang dại ở khắp nơi, điển hình nhất là ở vùng đồng bằng và trung du.
4. Thu hái và sơ chế
Lá và rễ cây đại bi có thể được thu hái quanh năm để làm vị thuốc, tuy nhiên, mùa hạ được cho là thời điểm phù hợp nhất. Có thể dùng ở dạng tươi hay sơ chế bằng cách rửa sạch, cắt khúc rồi phơi hoặc sấy khô.
Ngoài ra, lá non và búp còn có thể rửa sạch và chưng cất để tạo thành mai hoa bằng phiến. Hay còn được gọi với tên quen thuộc là long não đại bi.
5. Bảo quản
Dược liệu khi đã sơ chế khô cần bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm ướt để dùng dần.
6. Thành phần hóa học
Phân tích cho thấy cây đại bi có chứa một số thành phần sau:
- Vitamin C
- Protit
- Lipit
- Xenluloza
- Caroten
- Canxi
- D-borneol
- Cineol
- Limonen
- L-camphor
- Acidmyristic
- Acid palmitic
- Sesquiterpen alcol
Vị thuốc cây đại bi
1. Tính vị
Dược liệu được các tài liệu Đông y ghi nhận là có vị cay đắng và tính ôn.
2. Quy kinh
Được quy vào 2 kinh Thận và Phế
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Tiêu ứ, trừ thấp, sát trùng, hoạt huyết, hạ áp, tán uất hỏa, tiêu thũng. Nhờ đó mà có thể tăng nhu động hô hấp, làm giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, cầm máu, chống viêm nhiễm.
- Chủ trị: Đầy bụng, kinh nguyệt nhiều, chữa ho có đờm, cảm mạo, cao huyết áp, mất ngủ, đau lưng, đau bụng kinh, đau đầu…
Theo y học hiện đại:
- Kháng khuẩn, chống nấm, kháng viêm
- Tác dụng giảm đau
- Điều trị đau nhức xương khớp, gai cột sống
- Tăng cường chức năng tiêu hóa
- Hạ huyết áp, hạ sốt
- Chữa bí tiểu
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng cây đại bi theo nhiều cách khác nhau. Cả dạng tươi hay dạng khô đều đem lại tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Thường dùng sắc lấy nước uống, tán bột hay làm hoàn cùng các vị thuốc khác. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp còn có thể giã nát để đắp ngoài da. Liều lượng được khuyến cáo lá 15 – 30g rễ hay 6 – 12g lá/ngày.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây đại bi
Dưới đây là thông tin về những bài thuốc có sử dụng cây đại bi làm vị thuốc:
1. Bài thuốc chữa chứng thấp khớp
- Chuẩn bị: 30g rễ cây đại bi cùng với 30g kê huyết đằng.
- Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống mỗi ngày chỉ 1 thang duy nhất. Hoặc cũng có thể ngâm với rượu trắng để uống.
2. Bài thuốc chữa cảm mạo, ho, sốt nóng
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 5 – 12g lá cây đại bi. Dùng sắc lấy nước uống trực tiếp. Nên kết hợp thêm với dùng 1 nắm lá dược liệu nấu nước xông. Trường hợp này có thể nấu nước xông cùng các loại lá có tinh dầu khác.
- Bài thuốc 2: Cần có 20g cây đại bi (phần rễ và lá), 20g đinh lăng, 20g cam thảo, 20g rễ bưởi. Các vị thuốc sắc lấy nước uống trong ngày với liều 1 thang/ngày. Cần duy trì liên tục trong 5 – 7 ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị 15g lá cây đại bi, 10g lá bàng, 8g hương nhu. Các vị thuốc này đem sắc với 400ml nước trên lửa nhỏ lấy 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày khi còn ấm. Dùng với liều lượng chỉ 1 thang/ngày.
3. Bài thuốc chữa ho
- Chuẩn bị: 200g lá cây đại bi, 50g lá chanh, 100g rễ cà gai leo, 100g rễ thủy xương bồ, 100g sả củ cùng với 50g trần bì.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem phơi khô rồi cắt nhỏ. Cho hết vào ấm sắc chung với nước 2 lần để lấy 700ml. Lọc bỏ bã sau đó thêm 300ml siro để có được 1 mít cao. Mỗi lần lấy uống 20ml với tần suất 2 lần/ngày.
4. Bài thuốc chữa đau bụng kinh
- Chuẩn bị: 30g rễ cây đại bi cùng với 15g ích mẫu.
- Thực hiện: Cho hai vị thuốc vào ấm sắc trên lửa nhỏ cùng 1 thăng nước để lấy phân nửa. Có thể chia đều lượng thuốc thành nhiều lần uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.
5. Bài thuốc chữa bệnh nha chu
- Chuẩn bị: 0,6g mai hoa băng phiến, 0,39g thanh đại, 0,1g bạch phàn, 0,1g ngũ bội tử.
- Thực hiện: Các vị thuốc này đem tán thành bột mịn rồi trộn đều lại với nhau. Sau khi súc miệng sạch thì dùng tăm bông chấm vào thuốc bột và bôi trực tiếp vào chỗ bị viêm.
6. Bài thuốc chữa lòi dom
- Chuẩn bị: 1 nắm lá đại bi cùng với 1 nắm lá câu đằng đều ở dạng tươi.
- Thực hiện: Đem giã chung 2 vị thuốc với nhau cho nát rồi đắp trực tiếp vào vị trí tổn thương.
7. Bài thuốc chữa viêm tai giữa có mủ
- Chuẩn bị: 2,5 g băng phiến, 0,5g xạ hương, 10g mẫu lệ, 10g chương đơn, 15g long cốt, 10g hoàng liên.
- Thực hiện: Đem tán bột tất cả các vị thuốc trên rồi trộn đều. Mỗi lần tiến hành thổi một ít thuốc bột vào tai.
8. Bài thuốc trị đau đầu
- Chuẩn bị: 3g lá cây đại bi.
- Thực hiện: Cuộn vị thuốc trong giấy rồi đốt lên. Sau đó cho hơi thuốc xông vào mũi đến khi có thể nôn ra đờm và nhớt.
9. Bài thuốc chữa viêm họng có đờm ở cổ
- Chuẩn bị: 1g mai hoa băng phiến, 3g đằng tâm thảo, 2,5g phèn chua, 2g hoàng bá.
- Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên đây đem tán nhuyễn rồi trộn đều. Mỗi lần dùng lấy khoảng 2 – 3g để thổi trực tiếp vào trong cổ họng.
10. Bài thuốc trị bệnh ghẻ
- Chuẩn bị: 1 nắm lá cây từ bi tươi.
- Thực hiện: Giã nát dược liệu rồi đắp trực tiếp lên vết thương. Ngoài ra nên dùng lá cây tươi nấu nước để tắm hằng ngày giúp nâng cao công dụng.
11. Các bài thuốc khai khiếu, hồi tỉnh
- Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 7,5g mai hoa băng phiến, 7,5g xạ hương, 30g chu sa, 30g sừng tê giác, 30g đồi mồi, 30g hùng hoàng, 30g hổ phách, 15g ngưu hoàng, 45g an tức hương, 50 lá vàng lá. Các vị thuốc này đem tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy uống 0,8g với nước sôi ấm, tần suất 1 – 2 lần/ngày.
- Bài thuốc 2: Cần có 10g mai hoa băng phiến, 63g ngưu hoàng, 63g uất kim, 63g tê giác, 63g hoàng liên, 63g hoàng cầm, 63g chi tử, 65g hùng hoàng, 20g xạ hương. Các vị thuốc đem hoàn thành viên và dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Bài thuốc 3: Cần chuẩn bị 8g mai hoa băng phiến, 12g chu sa, 63g hùng hoàng, 125g phèn xanh, 500g diêm tiêu. Đem tán hết các vị thuốc thành bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần lấy 0,04g điểm vào gốc mắt và 1,2g uống với nước sôi ấm.
12. Bài thuốc chữa căng thẳng
- Chuẩn bị: 50g cây đại bi, 100g đu đủ, 50g hoa cúc trắng cùng với 100g óc lợn (cho vào sau).
- Thực hiện: Các nguyên liệu cho vào nồi đun sôi với 1 lít nước sau đó cho óc lợn vào đun thêm chừng 20 phút cho nhừ. Ăn nóng mỗi ngày 2 lần trước bữa cơm chín liên tục trong 1 tuần.
13. Bài thuốc chữa viêm khí quản
- Chuẩn bị: 20g lá đại bi già, 2 nắm gạo, 50g thịt lợn nạc băm nhuyễn cùng với 3g gừng.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đem nấu thành cháo rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Chia làm 3 lần ăn trong ngày, dùng liên tục trong 3 ngày.
Cây đại bi mặc dù có dược tính cao nhưng cần thận trọng khi sử dụng. Những bài thuốc trên đây chỉ có giá trị tham khảo, nếu có ý định áp dụng, bạn cần hỏi kỹ ý kiến từ thầy thuốc hay những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tuyệt đối không tự ý sử dụng nhất là với mục đích điều trị bệnh.