Cây đa lông
Cây đa lông thường được thu hái lá, búp non hay tua rễ để làm thuốc điều trị các bệnh lý như viêm mũi xoang, sỏi thận, vàng da… Dưới đây là đặc điểm, công dụng của cây thuốc và cách dùng.
- Tên khác: Song hạch, đa hạch, cây sung nhân
- Tên gọi khoa học: Ficus drupacea Thunb
- Họ: Dâu tằm (Moraceae)
Mô tả về cây đa lông
+ Đặc điểm thực vật
Cây đa lông thuộc dạng thân gỗ, sống nhiều năm. Cây cao khoảng 15 mét hoặc có khi cao hơn. Phần thân trên phân nhiều cành to. Ban đầu cành bao phủ nhiều lông dài, mềm nhưng sau lớp lông này biến mất để lại lớp vỏ ngoài nhẵn nhụi. Toàn cây chứa nhiều nhựa lỏng màu trắng..
Lá cây đa lông mọc so le ở các cành nhỏ, có hình dạng bầu dục hoặc trái xoan. Phía dưới gốc lá hơi tròn, có cuống ngắn ( 10- 15mm). Các lá còn non có lông hoe, lá già nhẵn nhụi. Chiều dài lá dao động từ 5 – 12 cm, bề ngang lá khoảng 3,5 đến 6 cm. Lá có gân chính ở giữa và các cặp gân phụ tỏa ra hai bên đối xứng qua gân chính. Ngoài ra, cây còn có nhiều lá kèm chiều dài chỉ 1 cm. Hai bên lá kèm phủ kín lông tơ màu vàng.
Hoa ra vào tháng 4 – tháng 5, hình trứng, màu trắng bên ngoài và đỏ hồng ở giữa, mọc đơn độc trên các nhánh nhỏ có mang lá. Một số hoa xếp thành đôi phát triển ngay nách lá. Chiều dài mỗi bông dao động từ 15 – 17mm.
+ Phân bố
- Trên thế giới: Myanma, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Úc, Campuchia
- Ở Việt Nam: Trước đây cây đa lông mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi. Ngày nay, loại cây này được trồng phổ biến để lấy bóng mát hoặc làm cảnh. Một số tỉnh thành ở nước ta có cây đa lông như: Vũng Tàu, Hòa Bình hay tỉnh Quảng Trị…
+ Bộ phận sử dụng:
Y học cổ truyền sử dụng tua rễ, lá, vỏ thân và búp non của cây đa lông làm dược liệu trị bệnh.
+ Thu hái – Sơ chế:
Các bộ phận của cây được thu hái quanh năm đem về, chà nhẹ lá cho rụng sạch lông. Dùng dạng khô hoặc tươi.
+ Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu sâu về thành phần hoạt chất có trong cây đa lông
Vị thuốc cây đa lông
+ Tính vị
Cây đa lông có tính mát, vị nhạt
+ Tác dụng dược lý
Y học cổ truyền ghi nhận, cây đa lông có tác dụng lợi tiểu, làm tăng tiết mồ hôi, hạ sốt, giảm phù thũng.
+ Chủ trị
- Phù nề cổ trướng do mắc bệnh xơ gan
- Ho ra máu
- Vàng da
- Viêm xoang
- Viêm mũi
- Đau đầu
- Sỏi thận
- Bí tiểu và một số căn bệnh khác
+ Liều lượng
Liều dùng cây đa lông được điều chỉnh tùy theo từng chứng bệnh. Có thể dùng dược liệu theo hình thức thuốc sắc hoặc tán bột uống.
+ Độc tính
Chưa được nghiên cứu
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây đa lông
1. Điều trị bệnh sốt rét
Dùng lá đa lông phối hợp với lá cối xay mỗi thứ 30g. Thái nhỏ, bỏ vào chảo sao vàng rồi sắc uống.
2. Bài thuốc điều trị phù nề cổ trướng cho các trường hợp bị xơ gan
Dùng tua rễ của cây đa lông rửa sạch, cắt khúc ngắn phơi khô. Tán bột mịn hoặc sắc uống hàng ngày theo liều lượng được thầy thuốc chỉ định.
3. Cây đa lông điều trị ho ra máu (thổ huyết)
Chuẩn bị 20g lá dược liệu (có thể thay thế bằng búp), 20g ô cửu (mạch môn), 15g cây cỏ nhọ nồi tươi.
La đa lông sao cháy, ô cửu sao vàng, cỏ nhọ nồi thái nhỏ. Tất cả các vị trên bỏ vào ấm, đổ thêm 400ml nước sắc cạn còn 100ml thì ngưng. Chia làm 2 lần uống sau khi ăn.
4. Bài thuốc điều trị vàng da
Dùng thang thuốc gồm: 160g lá đa lông, 160g hoắc hương núi, 40g thần khúc. Lá đa lông sắc lấy nước đặc. Các vị còn lại đem sấy khô, sao trên chảo nóng cho giòn rồi tán bột.
Để điều trị vàng da, dùng bột thuốc uống với nước sắc lá đa lông. Người trưởng thành mỗi lần dùng 1 thìa cafe bột thuốc x 3-5 lần/ ngày. Trẻ em uống liều ít hơn tùy theo độ tuổi của bé.
5. Điều trị bệnh sỏi thận
Sắc rễ cây đa lông chung với các dược liệu khác gồm: Lá mít mật, rễ bạch mao, mã đề, cây bông bạc. Mỗi thứ một ít lượng bằng nhau. Dùng thuốc theo hình thức sắc uống.
6. Trị chứng phù thũng
Dùng lá cây đa lông, rễ tất bát, xa tiền, rễ cà vạnh, rễ cây quýt gai, rễ cây sưng (hoàng lực). Mỗi loại chuẩn bị 10 – 30g. Tất cả thái nhỏ, phơi 2- 3 nắng cho khô. Bỏ vào ấm sắc uống 2 lần, mỗi ngày dùng 1 thang.
7. Điều trị bệnh đau dạ dày
Vỏ thân cây phơi khô, sao vàng. Sắc lấy nước đặc uống hàng ngày.
8. Bài thuốc điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhức đầu, chảy nhiều nước mũi trong
– Cách 1:
Kết hợp búp đa lông với hoa cây nhót tây với liều lượng bằng nhau. Cả hai đem phơi khô rồi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 8g uống với nước đun sôi để nguội. Ngày dùng thuốc đều đặn 2 lần giúp giảm đau đầu, sổ mũi, cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang, viêm mũi.
– Cách 2:
Dùng búp cây đa lông và thương nhĩ tử mỗi vị 20g, rễ cây dâu còn tươi 40g, cẩu vĩ trùng (vòi voi) 15g. Trước tiên đem búp lá đa lông và cẩu vĩ trùng sao vàng. Sắc mỗi ngày 1 thang chia làm 2 -3 lần uống. Thời điểm dùng thuốc thích hợp là sau các bữa ăn.
– Cách 3:
Dùng 9g lá đa lông, 9g bách chiểu, 9g thương nhĩ tử, 4g bạc hà. Tất cả dùng dạng khô, tán nhuyễn rây lấy bột mịn. Mỗi lần uống 3g x 2-3 lần trong ngày.
9. Chữa bí tiểu, tiểu tiện ra dưỡng chấp
Dùng 20g tua rễ cây đa lông, 15g cây thủy long, 15g tì giải. Sắc uống mỗi ngày 1 thang giúp thông tiểu.
Trên đây là những tác dụng của cây đa lông trong điều trị bệnh. Khi áp dụng, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để xác định mức độ phù hợp của cây thuốc với tình trạng bệnh của cá nhân.
Bạn đã biết chưa
- Cây Mè Đất Chữa Bệnh Gì? Dược Tính Và Cách Dùng
- Tang Diệp – Tính Vị, Công Dụng, Cách Dùng Và Kiêng Kỵ