Cây ba chẽ

Cây ba chẽ có tính ôn, vị ngọt và hơi đắng, không độc, có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Do đó, vị thuốc này thường dùng để điều trị bệnh lỵ, rắn cắn và cải thiện các vấn đề liên quan đến xương khớp như đau nhức xương, gãy khớp hoặc bong gân.

Cây ba chẽ

+ Tên khác: Lá ba chẽ, biền ong (Dao), đậu bạc đầu, may thặp moong (Tày), niễng đực, tràng quả tam giác, đa rờtip (K.ho), chù tay mãy (Hmông)

+ Tên khoa học: Dendrolobium Triangulare (Retz.) Schinler

+ Họ: Đậu (Fabaceae)

I. Mô tả cây ba chẽ

+ Đặc điểm thực vật

Cây ba chẽ là loại cây thân nhỏ sống lâu năm có nhiều cành. Cây có chiều cao trung bình từ 0.5 – 0.6 m, có một số cây cao tới 1.5 m. Thân cây tròn và có nhiều cành. Cành cây non thường có hình tam giác dẹt, có cạnh, uốn lượn và có lông mềm màu trắng. 

Lá ba chẽ là lá kép mọc so le nhau. Bên cạnh đó, cây cũng có 3 lá chét với lá chét ở giữa to hơn các lá còn lại. Phiến lá chét nguyên có hình trứng, hình thoi hay bầu dục. Lá ba chẽ non nằm ở ngọn thường được phủ bởi lớp lông trắng.

Hoa ba chẽ mọc thành chùm đơn ở kẽ lá. Mỗi chùm có 10 – 20 cái, có màu trắng và cánh hoa có móng. Đài hoa chia làm 4 thùy, trong khi đó thùy dưới dài hơn 3 thùy trên. Đặc biệt, đài hoa có lông mềm. Quả có mép lượn và không có cuống. Mỗi quả có các đốt thắt ở giữa các hạt thành 2 – 3 đốt, có lông mềm.

+ Phân bố

Có thể tìm thấy cây ba chẽ ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du và cao nguyên như Lào Cai, Lạng Sơn, Đắc Lắc, Lai Châu, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai và Hà Bắc.

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Lá cây
  • Thu hái: Quanh năm
  • Chế biến: Sau khi thu hái xong đem rửa sạch và phơi hoặc sấy khô. Nếu sấy, không nên sấy ở nhiệt độ quá 500 độ C
  • Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt
hình ảnh cây ba chẽ
Bộ phận dùng làm thuốc của cây ba chẽ chính là lá

+ Thành phần hóa học

Cây ba chẽ gồm các thành phần chính như:

  • Saponin
  • Acid nhân thơm
  • Flavnoid
  • Tanin
  • Acid hữu cơ
  • Alcaloid, bao gồm Candixin, Hocdenin, Phenethylamin và Salsolidin

II. Vị thuốc

+ Tính vị

Lá ba chẽ có tính ôn, có vị ngọt, hơi đắng và không chứa độc

+ Tác dụng dược lý

– Theo Y học cổ truyền:

Lá ba chẽ thường dùng với các mục đích như:

  • Điều trị bệnh phong tê thấp
  • Kháng viêm và chống khuẩn
  • Giúp thanh nhiệt và đào thải độc tố, chữa rắn cắn

– Theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam

Lá cây ba chẽ chứa nhiều hoạt chất có các tác dụng chính như:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Dược liệu có tác dụng ức chế khả năng hoạt động của các chủng khuẩn như Staphylococus Aureus, Eschesichia Coli nhưng không có tác dụng kiểm soát các vi khuẩn Hemolyticus, Enterococus, Diplococus Pneumoniae và Streptococus
  • Tác dụng kháng viêm: Lá ba chẽ được nghiên cứu chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng chống viêm
  • Thu teo tuyến ức: Thành phần hóa học chứa trong dược liệu có công dụng gây thu teo tuyến ức ở chuột cống non

+ Cách sử dụng và liều dùng

Cây ba chẽ được dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng ở dạng cao khô, cao nước và hoàn viên. Về liều dùng, mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 10 – 50 gram. Tuyệt đối không dùng quá liều vì dược liệu này có thể gây táo bón.

công dụng cây ba chẽ
Thuốc sắc từ lá cây ba chẽ giúp điều trị bệnh lỵ

III. Bài thuốc chữa bệnh từ cây ba chẽ theo kinh nghiệm dân gian

+ Điều trị bệnh lỵ

Chuẩn bị 30 – 50 gram lá ba chẽ sao vàng hoặc phơi khô. Sau đó cho vào nồi và thêm 800 ml nước, đun sôi khoảng 15 – 30 phút. Sau khi nước cạn còn 400 ml, chia thuốc làm 2 và uống trong ngày. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngưng sử dụng.

+ Chữa rắn cắn

Sử dụng một nắm lá ba chẽ tươi đem rửa sạch, nhai hoặc giã nát, sau đó nuốt nước còn phần bã đem đắp lên miệng rắn cắn để giảm sưng và hút nọc độc.

+ Chữa tiêu chảy và các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

Sử dụng 200 gram lá cây ba chẽ đem rửa sạch và cho vào ấm nấu chung với ít nước. Nấu cho đến khi lá mềm và tạo thành cao khô. Sau đó dập thành viên, mỗi viên thuốc có trọng lượng 0,25 gram. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà liều dùng ở mỗi người không giống nhau. Cụ thể, mỗi ngày người lớn uống 2 lần, mỗi lần 5 – 6 viên. Trẻ em từ 1 – 3 tuổi, mỗi ngày uống 2 – 3 viên. Còn đối với trẻ ở độ tuổi 4 – 7, liều uống mỗi ngày từ 4 – 5 viên, chia uống 2 lần.

+ Trị chứng đau nhức xương khớp do phong tê thấp và bong gân

Sử dụng 50 gram lá ba chẽ đem rửa sạch và ngâm trong nước muối pha loãng. Sau đó, vớt lên để ráo và giã nát. Dùng dược liệu này đắp lên vị trí xương khớp bị sưng đau và dùng miếng vải cố định lại. Sau khoảng 1 ngày, tháo thuốc và vệ sinh lại vùng da. Với bài thuốc chữa đau xương khớp bằng cây ba chẽ này, người bệnh cần kiên trì áp dụng 5 – 7 ngày để giảm nhanh triệu chứng đau.

Cây ba chẽ có tác dụng hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe và dự phòng những rủi ro không may có thể xảy ra, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này.