Cà dại hoa tím

Cây cà dại hoa tím sử dụng rễ chữa ho, hen suyễn, buồn nôn và hạt dùng để trị sâu răng. Dược liệu được sử dụng phổ biến theo hình thức sắc uống với liều lượng khoảng 6 – 12g mỗi ngày.

  • Tên gọi khác: Cà ấn, cây Plờn plên, cà hoang, dân tộc Tày gọi là Mác rịa phạ đeng
  • Tên khoa học: Solanum indicum L.
  • Họ: Cà – Solanaceae

Mô tả về cây cà dại hoa tím

cà dại hoa tím
Hình ảnh cây cà dại hoa tím

+ Đặc điểm thực vật

Cà dại hoa tím là một loại cây nhỏ nhỏ, mọc đứng. Đặc điểm nhận diện của cây như sau:

  • Thân cây: Cây trưởng thành có chiều cao trung bình từ 0,6 – 1,3 mét, phân nhiều cành nhỏ. Bên ngoài thân và cành đều có gai và được bao phủ một lớp lông tơ mịn hình sao.
  • Lá: Các lá của cây cà dại hoa tím mọc so le. Mặt trên lá màu xanh đậm, trong khi đó mặt dưới lá màu trắng nhạt và được bao phủ nhiều lông. Lá có phiến dài từ 5 – 7cm, bề rộng lá cỡ 2,5 – 5cm, xẻ 3- 4 thùy. Cuống lá dài khoảng 1,5 cm và cũng phủ nhiều lông. Một điểm đặc biệt là cả hai mặt lá đều chứa gai mọc rải rác theo đường gân.
  • Hoa: Các bông mọc thành chùm đâm ra từ kẽ lá. Hoa có màu tím xanh, bên ngoài cũng phủ lông.
  • Quả: Quả cài dại hoa tím thường ra từ tháng 1 – tháng 6 trong năm. Nó có hình tròn hoặc hình cầu. Quả còn non màu xanh, khi chín vỏ chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ, bề mặt nhẵn nhụi. Mỗi quả có đường kính khoảng 1cm. Bên trong quả có hạt nhỏ màu vàng, hình dĩa, bề mặt nhẵn.

+ Phân bố

Cây cà dại hoa tím rất dễ phát triển. Cây mọc hoang ở khắp nơi bằng hạt hoặc dâm cành và được tìm thấy ở hai bên đường đi hoặc các khu đất trống. 

+ Bộ phận dùng:

Bộ phận có giá trị dược liệu là rễ và hạt của những quả đã chín đỏ. Một số nước còn thu hoạch quả chưa chín để bào chế bột cà ri.

+ Thu hái – bào chế

Rễ được người dân đào quanh năm về rửa sạch đất cát, thái nhỏ, phơi ngoài nắng to cho kiệt nước hoặc sấy khô tích trữ làm thuốc. Để thu hạt, những quả chín đỏ sẽ được hái đem về tách bỏ lấy hạt, phơi khô dùng dần.

+ Thành phần hóa học của cây cà dại hoa tím

 Rễ cây cà dại hoa tím chứa các thành phần gồm:

  • Chất béo
  • Ancaloit
  • Glycoancaloit

Ngoài ra, phân tích thành phần hóa học của thân cây, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một chất có tên gọi là Glycoalcaloid. 

Vị thuốc cà dại hoa tím

+ Tính vị, quy kinh

Chưa có nghiên cứu

+ Công dụng 

Hoạt chất Ancaloit trong cà gai leo có tác dụng kháng khuẩn, ức chế virus. Thành phần Glycoancaloit cũng thể hiện đặc tính chống oxy hóa.

dược liệu cà dại hoa tím
Rễ và hạt cà dại hoa tím được sử dụng làm thuốc chữa bệnh

Trong dân gian, cà gai leo được người dân sử dụng làm thuốc chữa các bệnh lý sau:

  • Ho
  • Hen suyễn
  • Nóng sốt
  • Bí tiểu
  • Bồn nôn
  • Sâu răng, đau răng

+ Liều lượng:

 Ngày dùng 6 – 12g rễ cây

+ Cách sử dụng:

  • Rễ cây: Sắc uống hoặc ngậm
  • Hạt xông răng hoặc đốt cháy lấy bột bôi

Bài thuốc chữa bệnh có cà dại hoa tím

1. Bài thuốc tẩy xổ, chống buồn nôn

Mỗi ngày lấy 6 – 12g rễ cây sắc với 3 bát nước. Khi nước sôi, tiếp tục đun trên lửa nhỏ cho đến khi thấy cạn còn 1 bát thì ngưng. Gạn thuốc ra chén, để nguội uống.

2. Bài thuốc chữa đau răng

  • Cách 1:

Dùng 6 – 12g rễ cây sắc lấy nước đặc dùng ngậm vài lần trong ngày

  • Cách 2: 

Lấy hạt bỏ vào chảo nóng rang cháy cho bốc lên nhiều khói. Dùng một cái ống nhỏ bằng tre nứa hứng khói này đưa vào vị trí răng bị sâu và đau. Sau đó lấy than hạt tán bột mịn, bôi vào ngay lợi ở khu vực răng bị đau.

Trên đây là những thông tin tham khảo về cây cà dại hoa tím. Ở nước ta, loại cây này chưa được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, nhân viên y tế trước khi dùng.