Bạch đàn
Bên cạnh công dụng là cây lấy gỗ, bạch đàn còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đau nhức xương khớp, ngứa ngoài da,… Ngoài ra, với tính hàn và vị đắng, vị thuốc này còn dùng chữa ho và thông đờm.
+ Tên khác: Khuynh diệp
+ Tên khoa học: Aromadendron Andrews ex Steud
+ Họ: Đào kim cương Myrtaceae
I. Mô tả về bạch đàn
1. Đặc điểm
Theo thống kê của Wikipedia, trên thế giới có khoảng hơn 700 loại cây bạch đàn. Mỗi loại bạch đàn có đặc điểm thực vật khác nhau. Dưới đây là đặc điểm của một số loại bạch đàn thông dụng.
- Bạch đàn đỏ: Có tên khoa học là Eucalyptus Robusta Smith. Cây có chiều cao trung bình 5 – 30 m. Vỏ cây có màu đỏ, hoa có màu vàng và nhiều nhị. Khi nở hoa nở thành 4 mảnh. Hoa thường nở vào mùa thu.
- Bạch đàn trắng: Với tên khoa học là Eucalyptus Camaldulensis. Cây có chiều ao trung bình từ 20 đến 30 m. Thân gỗ thẳng, có vỏ màu xám nâu và có tán lá rộng, lòa xòa. Lá cây mọc so le, có chiều dài khoảng 20 cm. Hoa màu trắng có nhiều nhị. Quả nhỏ và thường xuất hiện vào tháng 3 đến tháng 5.
- Bạch đàn xoắn: Thân cây to và thẳng thường dùng làm nha, gỗ có vân và màu sắc bắt mắt.
2. Phân bố
Khuynh diệp phân bố chủ yếu ở Úc và New Zealand. Ngoài ra, loại cây lấy gỗ này còn được tìm thấy nhiều ở Indonesia, New Guinea, Philippines, bán đảo Ấn Độ, vùng Địa Trung Hải, Trung Đông và Đài Loan. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở các vùng phía Nam.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Lá và vỏ
- Thu hái: Có thể thu hái quanh năm nhưng dùng để chiết xuất tinh dầu, lá khuynh diệp thường thu hoạch vào gần hè
- Chế biến: Lá bạch đàn đem hái, rửa sạch và phơi trong bóng râm đến khi khô. Trong trường hợp tươi, không cần chế biến có thể sử dụng điều trị bệnh luôn
- Bảo quản: Lá khô được bảo quản trong túi hoặc lọ kín
4. Thành phần hóa học
Khuynh diệp chứa lượng lớn tinh dầu với các thành phần hóa học chính như cineol, Aldehyde Valeric, butyric,…
II. Vị thuốc bạch đàn
1. Tính vị
Tính hàn, vị đắng
2. Công dụng
Lá và vỏ cây khuynh diệp được sử dụng như một vị thuốc Đông y mang lại nhiều tác dụng chữa bệnh như:
- Điều trị các bệnh lý về đường hô hấp: Trong lá và vỏ bạch đàn có chứa nhiều hoạt chất có lợi, giúp làm giảm chất nhầy do viêm đường hô hấp gây nên. Với các bệnh như cảm cúm thông thường hoặc cảm lạnh có thể sử dụng chiết xuất từ lá bạch đàn để khắc phục bệnh.
- Giúp cải thiện hệ thống miễn dịch: Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, các chiết xuất từ lá khuynh diệp có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn E. Coli và nấm men gây nhiễm trùng. Không những thế, vị thuốc tự nhiên này còn có công dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại tác nhân gây hại bên ngoài.
- Giảm căng thẳng và stress: Các thành phần hóa học có trong khuynh diệp được xem như là chất kích thích tự nhiên, giúp hệ thần kinh thư giãn và giảm cảm giác mệt mỏi, stress
- Giúp kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường: Một vài nghiên cứu chỉ rõ công dụng điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường của lá bạch đàn.
- Điều trị các bệnh ngoài da: Bao gồm bệnh hôi nách, ngứa, bệnh ghẻ
- Giảm đau nhức khớp: Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng làm mát. Do đó, khi xoa lên da giúp tạo cảm giác dịu mát và giảm bớt đau nhức. Bên cạnh đó, các thành phần chứa trong khuynh diệp còn có công dụng giúp hệ cơ và thần kinh thư giãn. Đồng thời thúc đẩy máu lưu thông đến bộ phận khớp bị tổn thương. Từ đó giúp sửa chữa khớp bị thương tổn và ngăn ngừa viêm nhiễm.
III. Bài thuốc chữa bệnh từ bạch đàn theo kinh nghiệm dân gian
+ Giảm căng thẳng và stress
Dùng 3 – 5 lá khuynh diệp tươi đem rửa sạch và cho vào cốc nước sôi hãm trong 5 phút rồi uống. Uống liên tục 2 – 3 ngày giúp tinh thần thoải mái, giảm lo âu và mệt mỏi.
+ Chữa bệnh tiểu đường
Dùng lá khuynh diệp tươi hãm nước nóng và uống. Mỗi ngày nên uống từ 1- 2 tách.
+ Điều trị hôi nách
Sử dụng một nắm lá bạch đàn tươi đem rửa sạch và giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt và thoa đều lên nách sau khi tắm hoặc cũng có thể dùng cả bã chà lên. Mỗi ngày thực hiện một lần và làm liên tục trong một tuần để có kết quả điều trị như ý muốn.
+ Chữa ho
Dùng tinh dầu khuynh diệp thoa đều lên cổ họng, ngực và hai bên thái dương. Trong trường hợp không có tinh dầu, người bệnh có thể dùng một nắm lá bạch đần kết hợp với 10 nhánh sả đun sôi. Dùng hỗn hợp nước này xông hơi và tắm.
+ Trị đau nhức xương khớp
Sử dụng tinh dầu bạch đàn thoa đều lên vùng khớp bị đau nhức rồi tiến hành massage nhẹ nhàng 2 – 3 phút. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng lá khuynh diệp nấu nước và ngâm. Thực hiện thường xuyên và đều đặn 2 – 3 lần trong tuần giúp giảm nhanh triệu chứng đau nhức do xương khớp gây nên.
+ Chữa ngứa ngoài da và bị ghẻ
Sử dụng 1 – 2 nắm lá bạch đàn nấu với 1,5 lít nước rồi dùng nước này tắm hàng ngày sẽ giúp giảm ngứa và hết ghẻ.
+ Điều trị bệnh á sừng
Dùng lá khuynh diệp đem rửa sạch và đun với 3 lít nước. Sau khi nước sôi khoảng 5 – 10 phút, thêm một ít muối vào và cờ nước nguội dùng ngâm chân, tay bị á sừng.
IV. Lưu ý khi sử dụng bạch đàn chữa bệnh
Trong quá trình dùng bạch đàn chữa bệnh, người bệnh nên chú ý những điều sau:
- Lá bạch đàn chỉ được dùng ngoài da nhưng bệnh nhân cần sử dụng với liều lượng phù hợp. Tuyệt đối không dùng quá nhiều vì lá có độc có thể gây ảnh hưởng xấu đến da
- Lá bạch đàn hái làm thuốc nên hái những lá già có hình lưỡi liền. Không nên hái lá non mặc dù lá có tỷ lệ dầu cao
- Khi sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra
Bạch đàn mang lại nhiều lợi ích tốt đối với sức khỏe nhưng khi sử dụng bệnh nhân nên thận trọng. Tốt nhất nên hỏi thăm ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh những rủi ro không may có thể xảy ra.