An tức hương
An tức hương là nhựa của cây bồ đề (Styrax tonkinensis). Vị thuốc này có tác dụng trừ tà, hạ khí, an thần, chỉ thống và hoạt huyết nên được sử dụng trong các trường hợp trúng phong và trúng tà khí. Ngoài ra nhân dân còn sử dụng an tức hương để loại bỏ tà khí ở những nơi âm u.
- Tên gọi khác: Cánh kiến trắng, Bồ đề, Thoán hương, Tịch tà, Thiên kim mộc chi.
- Tên khoa học: Styrax tonkinensis
- Tên dược: Benzoinum Styrax
- Họ: Bồ đề (danh pháp khoa học: Styracaceae)
Mô tả dược liệu an tức hương
Vị thuốc an tức hương là nhựa của cây bồ đề.
1. Đặc điểm cây bồ đề
Bồ đề là loài thực vật thân gỗ, nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 15 – 20m. Lá có hình trứng, nhọn ở đầu và tù ở phía gốc, lá rộng 22.5cm, dài 6 – 14cm, mọc so le và có cuống ngắn. Mặt dưới lá có nhiều lông tơ, mặt trên nhẵn và bóng.
Hoa mọc thành chùm, mỗi chùm gồm có nhiều bông hoa nhỏ màu trắng, nhị vàng và có mùi thơm đặc trưng. Cây có quả hình cầu, đường kính khoảng 10 – 16mm.
2. Bộ phận dùng
Nhựa của cây được sử dụng để làm thuốc. Chỉ chọn loại nhựa có màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng nhạt, chất cứng nhưng hóa mềm khi gặp nhiệt và có mùi thơm đặc trưng.
3. Phân bố
Bồ đề được di thực vào nước ta và phân bố nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang,…
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái nhựa của cây vào tháng 6 – 7 hằng năm. Nhựa có phẩm chất tốt phải được thu hoạch ở cây từ 5 – 10 năm tuổi. Lấy nhựa của cây bằng cách rạch vào cành hoặc thân cho mủ chảy ra.
Sau khi lấy nhựa về, đem ngâm với rượu rồi nấu sôi từ 2 – 3 lần cho đến khi nhựa chìm xuống dưới. Say đó vớt ra và thả vào nước lạnh cho nhựa cứng lại, cuối cùng đem phơi khô rồi dùng dần.
5. Bảo quản
Ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
- An tức hương của Việt Nam chứa 70 – 80% chất keo, Cinnamyl benzoate, Acid siaresinolic, Vanillin, Lubanyl benzoate, Coniferil benzoate,…
- An tức hương của Trung Quốc chứa 10 – 20% chất kéo, Acid sumaresinolic, Vanillin, Lubanyl cinnamate, Coniferyk cinnamate, Styrene, tinh dầu quế 10 – 30%,…
Vị thuốc an tức hương
1. Tính vị
Vị cay, đắng, hơi ngọt, tính ấm.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tâm, Tỳ và Phế.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Chưa có nghiên cứu.
– Tác dụng của an tức hương theo Đông Y:
- Công dụng: Hành khí, chỉ thống, khai khiếu, hoạt huyết, thanh thần, từ tà, an thần, làm ấm thận
- Chủ trị: Hắc loạn, huyết vận ở sản hậu, trúng phong, ngực và bụng đau, đau nhức xương khớp do phong, chứng kinh phong ở trẻ nhỏ, di tinh, tai ù,…
- Nhân dân còn sử dụng an tức hương để khử tà ở những nơi ám khí và âm u.
4. Cách dùng – liều lượng
An tức hương chủ yếu được dùng ở dạng thuốc bột và hoàn tán, liều dùng trung bình từ 2 – 4g/ ngày. Ngoài ra vị thuốc này cũng có thể được dùng ở ngoài da.
Các bài thuốc chữa bệnh từ an tức hương
1. Bài thuốc trị chứng trúng phong gây hôn mê, ngất xỉu, đờm dãi gây tắc cổ họng
- Chuẩn bị: Vàng lá 50 lá, sừng tê giác 30g, xạ hương 705g, đồi mồi 30g, ngưu hoàng 50g, chu sa 30g, hùng hoàng 30g, hổ phách 30g, bocneol 7.5g và an tức hương 45g.
- Thực hiện: Cho các dược liệu nghiền thành bột mịn, sau đó dùng 0.8g uống với nước ấm. Ngày dùng từ 1 – 2 lần tùy vào tình trạng bệnh lý.
2. Bài thuốc trị chứng kinh phong (động kinh) ở trẻ nhỏ do tà
- Chuẩn bị: Một lượng an tức hương vừa đủ (khoảng bằng một hạt đậu)
- Thực hiện: Đốt trên lửa cho dược liệu tỏa ra mùi thơm rồi xông cho trẻ.
3. Bài thuốc trị hoắc loạn thể âm, hàn thấp và lãnh khí
- Chuẩn bị: Phụ tử và nhân sâm mỗi vị 8g, an tức hương 4g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
4. Bài thuốc trị nứt nẻ ở đầu vú
- Chuẩn bị: Cồn 80 độ 100ml và an tức hương 20g.
- Thực hiện: Ngâm dược liệu với cồn trong vòng 10 ngày (thỉnh thoảng nên lắc đều). Sau đó dùng dịch cồn thoa lên phần vú nứt nẻ.
5. Bài thuốc trị phụ nữ sau sinh bị huyết trướng, huyết vận gây cấm khẩu
- Chuẩn bị: Ngũ linh chi 20g và an tức hương 4g.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g uống với nước gừng.
6. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị đau bụng do khí lạnh
- Chuẩn bị: Đại hồi, an tức hương, hoắc hương, trầm hương, mộc hương và đinh hương mỗi vị 12g, cam thảo, hương phụ và sa nhân mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, sau đó thêm mật ong vào làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 4g thuốc uống với nước sắc từ lá tía tô.
7. Bài thuốc trị chứng đau nhức xương khớp do phong thấp
- Chuẩn bị: Thịt heo nạc 160g và an tức hương 80g.
- Thực hiện: Trộn bột thuốc với thịt heo đã thái nhỏ, sau đó cho vào bình và đốt lửa lớn rồi xông.
8. Bài thuốc trị trúng ác khí và trúng phong
- Chuẩn bị: Sinh khương và thạch xương bồ 4g, ngưu hoàng 2g, quỷ cửu 8g, nhũ hương 4.8g, đơn sa 4.8g, hùng hoàng 4.8g, an tức hương 4g.
- Thực hiện: Đem 2 vị đầu tiên sắc lấy nước, các vị còn lại tán thành bột mịn. Dùng thuốc bột uống với thuốc sắc.
9. Bài thuốc trị tim đập nhanh và đau tim kinh niên
- Chuẩn bị: Một lượng an tức hương vừa đủ.
- Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi lần dùng 2g uống với nước sôi.
10. Bài thuốc giúp khai khiếu, giải uất, oan thông và hóa trọc, dùng trong trường hợp trúng phong khiến đàm quyết chứng bế
- Chuẩn bị: Nhũ hương, băng phiến và dầu tô hợp hương mỗi vị 20g, tê giác, tỳ bạt, xạ hương, đinh hương, bạch truật, hương phụ, thanh mộc hương, trầm hương, kha tử, an tức hương, chu sa và bạch đàn hương mỗi vị 40g.
- Thực hiện: Để băng phiến, xạ hương và dầu tô hợp hương riêng, các dược liệu còn lại đem tán thành bột. Sau đó cho 3 dược liệu trên vào rồi tiếp tục nghiền, chế thêm mật ong vào làm thành hoàn (mỗi viên nặng 4g). Mỗi lần dùng ½ – 1 viên hoàn cùng với nước ấm, ngày dùng từ 1 – 2 lần. Nếu dùng cho trẻ nhỏ cần gia giảm liều tùy theo độ tuổi.
11. Bài thuốc trị co giật và hôn mê do sốt cao
- Chuẩn bị: Ngưu hoàng, chế nam tinh, đại mao, băng phiến, xạ hương, an tức hương, hùng hoàng, tê giác, chu sa, hổ phách, thiên trúc hoàng và nhân sâm, gia giảm liều lượng theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, mỗi lần dùng 2 – 4g uống với nước ấm, ngày dùng 1 – 2 lần.
Kiêng kỵ – Lưu ý khi dùng an tức hương
- Không dùng cho người âm hư hỏa vượng, khí hư và các chứng bệnh không liên quan đến ác khí.
An tức hương là vị thuốc quý trong Đông y. Tuy nhiên phần lớn các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này chưa được chứng minh về độ an toàn và cải thiện lâm sàng. Vì vậy để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc an tức hương.