Ý dĩ
Ý dĩ được dùng trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh như ung thư, ho, sỏi,… còn hỗ trợ làm đẹp và giảm cân. Nhưng không nên quá lạm dụng có thể gây hại cho sức khỏe. Bạn nên tìm hiểu thật kĩ trước khi sử dụng.
- Tên khác: giải lễ, mễ châu, dĩ thực, dĩ mễ, ý châu tử, yế mễ nhân, ngọc mễ, thảo ngư mục, bò lô ốc viêm, khởi mục, ý thử, hữu ốc mai, cảm mễ, tây phiên thuật, hồi hồi mễ, thảo châu chi, cống mễ
- Tên khoa học: Coix lachryma jobi L
- Họ: Lúa (Poaceae)
Mô tả cây ý dĩ
Đặc điểm của cây ý dĩ
Đây là cây thân thảo sống quanh năm có chiều cao trung bình từ 1 đến 1,5m. Phần thân có vạch sọc, nhẵn bóng. Lá có dạng dài hẹp như lá mía dài khoảng 10 đến 40 cm. Phần quả được bao bọc bởi bẹ.
Phân bố
Ý dĩ thường mọc ở những nơi có khí hậu mát mẻ, ven suối. Tập trung nhiều ở các tỉnh Thanh Hóa, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Bộ phận dùng
Chủ yếu phần hạt, những cây có hạt lớn, màu trắng thì càng có ý nghĩa đối với việc làm thuốc. Phần rễ cũng có thể được tận dụng trong một số bài thuốc.
Thu hái – sơ chế
Ý dĩ thường được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. Khi thu hoạch thường cắt cả cây rồi sau đó đem đi đập cho rụng hạt. Thông thường hạt sẽ được bỏ phần vỏ cứng bên ngoài, chỉ dùng phần nhân ở bên trong.
Bào chế thuốc
Hạt ý dĩ thường dùng sống hoặc đem sao vàng.
Bảo quản
Để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt
Thành phần hóa học
Thành phần của ý dĩ thường có chứa nhiều lipid, protit, cacbohydrat, các loại axit amin lysin, leucin, arginin; ngoài ra còn có chứa các thành phần khác như: sitosterol, coixol, coixenolid, dimethyl glucozit…
Vị thuốc ý dĩ
Tính vị
Vị ngọt, hơi hàn, tính bình
Quy kinh
Kinh phế, tỳ, vị, can
Tác dụng dược lý và chủ trị của ý dĩ
- Tác dụng lên hệ hô hấp: tinh dầu ý dĩ có tác dụng kích thích hô hấp hoặc ức chế hô hấp nếu liều cao. Đồng thời cũng có khả năng làm giãn phế quản.
- Tác dụng lên khối u: nhiều người cho rằng ý dĩ có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
- Tác dụng lên cơ vân: theo nhiều nghiên cứu thì tinh dầu ý dĩ có thể làm cơ vân giảm và ngưng co bóp. Tức là có tác dụng thư giãn đối với cơ trơn.
Cách dùng và liều lượng
Vị thuốc có thể được dùng dưới dạng tươi hoặc đã qua sao hơi vàng. Tùy theo từng trường hợp điều trị mà có liều lượng tương ứng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc để nắm rõ thông tin này.
Thông thường mỗi người không được dùng quá 80g mỗi ngày.
Độc tính
Theo nghiên cứu thì độc tính phát huy tác dụng đối với chuột nhắt khi sử dụng với hàm lượng từ 5 đến 10g/kg. Còn thỏ phát huy độc tính với hàm lượng 1 đến 1,5g/kg. Tức là dùng với liều lượng lớn có thể gây nguy hại đến sức khỏe của chúng ta.
Bài thuốc sử dụng ý dĩ
Trong dân gian vẫn lưu truyền rất nhiều bài thuốc sử dụng ý dĩ để điều trị bệnh. Chẳng hạn như:
1/ Bài thuốc điều trị ung thư phổi, đại tràng, dạ dày
- Dùng 100g hạt ý dĩ sao vàng lên.
- Bỏ vào ấm và sắc lấy nước uống thay nước lọc hàng ngày.
2/ Điều trị đau nhức do phong thấp
- Chuẩn bị nguyên liệu: 40g ý dĩ, 30 hạt hạnh nhân, 120g ma hoàng, 40g cam thảo
- Cho tất cả nguyên liệu vào nấu với 4 chén nước cho đến khi còn 1 chén thì chắt lấy nước.
- Cho thêm 3 chén vào nấu tiếp cho đến khi còn 1 chén thì tắt bếp.
- Dùng 2 chén nước của hai lần nấu trộn đều rồi tiếp tục sắc còn 1 chén.
- Chia ra uống hết 3 lần trong ngày.
3/ Điều trị ho, có đờm
- Chuẩn bị nguyên liệu: 120g ý dĩ, 80g cam thảo và 40g cát cánh
- Đem nguyên liệu tán thành bột rồi mỗi lần dùng khoảng 20g.
- Đem hỗn hợp nấu lên cùng với nước rồi dùng sau bữa ăn.
4/ Điều trị tiểu ra sỏi
- Dùng 40g ý dĩ đem sắc cùng 500ml nước cho đến khi còn 250ml thì tắt bếp.
- Chia ra uống hết trong ngày.
- Kiên trì trong khoảng 1 tuần sẽ thấy bệnh có sự cải thiện.
5/ Điều trị tỳ hư, tiêu hóa kém
- Chuẩn bị nguyên liệu: 40g ý dĩ, 40g hoài sơn, 40g bạch biển đậu, 30g liên nhục, 30g sơn tra, 30g sử quân tử, 16g thần khúc, 200g đương quy và 100g gạo nếp.
- Cho tất cả nguyên liệu đem sao vàng, tán thành bột rồi.
- Mỗi lần dùng khoảng 15g sắc với nước rồi uống khi còn ấm.
6/ Điều trị đau răng, sâu răng
- Chuẩn bị nguyên liệu: ý dĩ, cát cánh
- Nghiền nát nguyên liệu thành bột nhuyễn rồi nhét vào chỗ răng bị đau.
7/ Bồi bổ cơ thể
- Chuẩn bị: 10g ý dĩ, 4g mạch môn, 5g tang bạch bì, 4g thiên môn và 4g bách bộ.
- Dùng tất cả nguyên liệu nấu chung với 1000ml nước cho đến khi còn 300ml thì tắt bếp.
- Chia ra uống 3 lần trong ngày sau khi ăn tầm 20 phút.
8/ Điều trị tiểu buốt
Dùng 20g ý dĩ sắc với 2 chén nước cho đến khi còn 1 chén nước. Có thể cho thêm 16g cam thảo cho dễ uống.
9/ Điều trị phong tê thấp
- Chuẩn bị nguyên liệu: 40g ý dĩ và 20g phổ thục linh
- Đem tất cả nguyên liệu nấu với 800ml nước cho đến khi còn 400ml thì tắt bếp.
- Chia ra uống trong ngày, sau bữa ăn tầm 15 phút.
10/ Điều trị vàng da
Dùng 40g rễ ý dĩ sắc nước uống hàng ngày
11/ Điều trị khí hư
- Chuẩn bị: 30g rễ ý dĩ, 12g hồng táo
- Dùng nguyên liệu sắc với nước rồi chia ra uống 2 lần trong ngày
12/ Điều hòa kinh nguyệt
Dùng 12g rễ ý dĩ khô sắc với nước uống trước khi có kinh khoảng 3 đến 5 ngày liên tục.
13/ Giúp tăng tiết sữa
Dùng khoảng 30g ý dĩ đã sao vàng nấu móng giò với lá sung và gạo nếp thành cháo để dùng hàng ngày.
14/ Điều trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở trẻ em
- Dùng 12g ý dĩ và 10g hoài sơn sao lên rồi tán bột.
- Mỗi lần dùng khoảng 6g hỗn hợp hòa với cơm để cho bé dùng.
15/ Điều trị tàn nhang, dưỡng da
- Trộn 1 thìa bột ý dĩ với 2 thìa mật ong
- Đắp hỗn hợp lên da khoảng 15 phút rồi rửa mặt lại thật sạch.
- Áp dụng 2-3 lần mỗi tuần sẽ thấy da có cải thiện trong thời gian ngắn
16/ Giúp giảm béo
- Chuẩn bị: 10g hạt ý dĩ, 10g lá sen khô và 10g táo mèo
- Dùng nguyên liệu nấu với 1 lít nước trong khoảng 15 phút cho các tinh chất tan ra trong nước và uống hết trong ngày.
- Dùng liên tục trong 1 tháng sẽ thấy tác dụng.
Còn rất nhiều bài thuốc sử dụng ý dĩ để chữa bệnh chưa được chúng tôi nhắc tới. Bạn có thể tham khảo nhưng cần đặc biệt chú ý về liều lượng để tránh dùng quá liều có thể gây ra những tác động không tốt đối với sức khỏe.
Kiêng kị khi sử dụng ý dĩ
Bạn không nên sử dụng ý dĩ trong các trường hợp sau:
- Khi đang mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu sử dụng thì phải có sự cho phép của bác sĩ.
- Không sử dụng khi có dấu hiệu dị ứng với bất cứ thành phần nào của ý dĩ hay các loại thảo mộc.
- Cẩn trọng khi dùng ý dĩ với thuốc tiểu đường vì có thể làm giảm lượng đường trong máu nhanh hơn. Cụ thể đó là các loại thuốc như: glyburide, glimepiride, tolbutamide, glipizide,…
Việc sử dụng ý dĩ có nhiều ý nghĩa đối với sức khỏe nhưng cũng hàm chứa nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Chính vì vậy, người dùng cần phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Cách tốt nhất là hỏi ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc để được hướng dẫn thật chi tiết trước khi sử dụng.