Trắc bách
Lá và hạt của cây trắc bách được sử dụng để làm dược liệu trong y học cổ truyền. Lá (trắc bách diệp) được dùng để điều trị các vấn đề về huyết và tiêu hóa. Trong khi đó hạt (bá tử nhân) có tác dụng an thần và trừ tâm phiền nên được dùng cho người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hồi hộp,…
- Tên khác: Trắc bá diệp, trắc bách diệp, hạt của cây được gọi là bá tử nhân.
- Tên khoa học: Thuja orientalis
- Họ: Trắc bách/ Bách tán/ Hoàng đàn (Cupressaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Trắc bá diệp cao khoảng 5 – 8m, một số cây lớn có thể cao đến 20m. Thân cây màu xanh hoặc nâu đỏ, lá mọc đối xứng, dẹp và vẩy, hình dạng lá khá giống lá kim nhưng rộng và dẹp hơn. Cây xanh tốt quanh năm, có màu xanh rất đẹp nên còn được trồng làm cảnh.
Cây ra hoa và quả vào tháng 3 – 9 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Cành non, lá và hạt.
3. Phân bố
Trắc bách diệp có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Hiện nay cây đã được di thực sang nước ra, Triều Tiên, Myanmar và một số quốc gia khác để làm cảnh, dược liệu.
4. Thu hái – sơ chế
Lá của cây được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào tháng 9 – 10. Lá thường được bỏ tạp chất và phơi khô (trắc bá diệp).
Hạt được thu hái vào mùa đông, sau khi hái về đem phơi khô. Xát bỏ vỏ bên ngoài và sấy khô (bá tử nhân).
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô thoáng, có thể đem ra phơi lại đều đặn để tránh ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Trắc bách có chứa fenchome, caryophyllene, thujene, thujone, quercetin, tannin, vitamin C, hinokiflavone, myricetin, pinene, amentoflavone, carotene, saponosid,…
Vị thuốc trắc bách
1. Tính vị
Trắc bách diệp có vị đắng, tính hơi hàn và mùi thơm.
Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình.
2. Qui kinh
Qui vào kinh Phế, Đại tràng, Tâm và Can.
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng giảm ho do dược liệu có khả năng tác dụng lên trung khu thần kinh.
- Cầm máu, long đờm và cải thiện cơn hen do histamine.
- Tác dụng an thần, hạ huyết áp nhẹ.
- Dược liệu có khả năng ức chế virus ban phỏng, bạch hầu, tụ cầu khuẩn vàng, virus cúm 68-1, liên cầu khuẩn B, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn lao, thương hàn,…
- Chống co thắt ruột.
Theo Đông y:
- Trắc bách diệp có tác dụng chỉ huyết, trừ thấp nhiệt, tiêu ứ và lương huyết. Được sử dụng trong các vấn đề tiêu hóa, ho sốt, tắc sữa và chảy máu.
- Bá tử nhân có tác dụng định thần, thông đại tiện, bổ tâm tỳ, nhuận táo và ngưng đổ mồ hôi. Chủ trị chứng mất ngủ, táo bón, đổ mồ hồi trộm và mất ngủ. Hoặc được dùng để trị rong kinh, tử cung xuất huyết, thổ huyết, băng huyết và tiểu ra máu.
4. Cách dùng – liều lượng
Chủ yếu được dùng ở dạng sắc. Liều dùng lá 6 – 12g, hạt 4 – 12g.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc trắc bách
1. Bài thuốc chữa băng huyết và rong kinh
- Chuẩn bị: Buồng cau điếc 6g, trắc bá diệp sao đen 12g, bạc hà 6g và ngải cứu 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 500ml, còn lại khoảng 200ml và chia thành 2 lần uống, dùng trước khi ăn.
2. Bài thuốc trị trúng phong bất tính, bại liệt nửa người, sùi bọt mép và cắn răng
- Chuẩn bị: Củ hành 12g, trắc bá diệp 20g.
- Thực hiện: Nghiền nát dược liệu và sắc với rượu, nên uống khi còn ấm.
3. Bài thuốc trị đứt tay do dao và bỏng
- Chuẩn bị: Trắc bá diệp (nên chọn lá non).
- Thực hiện: Giã nát và đắp lên vùng bị tổn thương.
4. Bài thuốc trị thổ huyết và ho ra máu
- Chuẩn bị: Ngải cứu và trắc bá diệp sao đen mỗi thứ 15g, sinh khương 6g.
- Thực hiện: Sắc các vị với 650ml nước, còn lại 200ml. Chia thành 2 lần uống và dùng trước khi ăn.
5. Bài thuốc trị rắn cắn
- Chuẩn bị: Hương phụ 100g và trắc bá diệp 100g.
- Thực hiện: Rửa sạch thảo dược, đem chưng nóng với nước, sau đó dùng nước rửa vết thương.
6. Bài thuốc trị táo bón sau khi sinh
- Chuẩn bị: Hạnh nhân 12g, đào nhân 20g, trần bì 8g, túc lý nhân 4g, hạt của cây trắc bách 12g và tùng tử nhân.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, trộn với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống từ 4 – 8g.
7. Bài thuốc trị táo bón gây bệnh trĩ hoặc đại tiện ra máu
- Chuẩn bị: Thêm cỏ mực sao đen 6g, trắc bá diệp 6g, hoa hòe 6g vào bài thuốc trên.
- Thực hiện: Thực hiện tương tự bài thuốc trị táo bón sau sinh.
8. Bài thuốc trị lưỡi đỏ, họng khô, chảy máu cam và nôn ra máu
- Chuẩn bị: Lá sen, sinh địa, trắc bá diệp, cỏ mực và lá ngải cứu. Tất cả dược liệu đều dùng ở dạng tươi, mỗi thứ khoảng 12 – 20g.
- Thực hiện: Đem rửa sạch, giã lấy nước uống. Hoặc sắc với nước, còn lại 200ml và chia thành 2 lần dùng.
9. Bài thuốc chữa cảm do nhiễm phong tà (dấu hiệu: ho có đờm, mũi khô, miệng khô và sốt)
- Chuẩn bị: Lá ngải cứu tươi 20g, lá sen tươi 40g, lá trắc bách 20g và cỏ nhọ nồi 40g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu sắc với 600ml nước, còn lại 1 nửa đem chia thành 2 lần dùng và uống hết trong ngày.
10. Bài thuốc chữa bệnh trĩ chảy máu
- Chuẩn bị: Kinh giới sao đen 15g, trắc bá diệp 30g và than địa hoàng 20g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, thêm 200ml nước sôi vào, trộn đều và thụt ruột lưu. Ngày thực hiện 1 lần.
11. Bài thuốc trị bệnh ngoài da (lở chảy, zona)
- Chuẩn bị: Địa long, trắc bá diệp, địa hoàng và hoàng liên mỗi thứ 25g, tùng hương 6g, khinh phấn 10g và hùng hoàng 15g.
- Thực hiện: Tán các vị thành bột mịn, sau đó trộn với dầu thơm và thoa trực tiếp lên da.
12. Bài thuốc trị trẻ nhỏ tiêu phân xanh, thường khó về đêm, động kinh và bụng đầy
- Chuẩn bị: Hạt của cây trắc bách 3 – 20g và nước cơm.
- Thực hiện: Trộn đều, uống.
13. Bài thuốc trị tinh thần bất ổn, tâm huyết bất túc, hồi hộp, mất ngủ, giảm trí nhớ
- Chuẩn bị: Đương quy, bá tử nhân, câu kỷ và mạch đông mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, phục thần 12g, thục địa 20g, huyền sâm 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống.
14. Bài thuốc chữa chứng mất ngủ, hồi hộp và huyết không dưỡng tâm
- Chuẩn bị: Toan táo nhân 16g, viễn chí 8g và bá tử nhân 16g.
- Thực hiện: Đem sắc uống.
15. Bài thuốc trị đổ mồ hôi nhiều do âm hư suy
- Chuẩn bị: Mẫu lệ, ma hoàng căn, hạ khúc, bạch truật và đẳng sâm mỗi thứ 12g, mạch nhu 16g, bá tử nhân 16g và ngũ vị tử 8g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, nhào với thịt đại táo làm thành viên. Hoặc có thể dùng bằng cách sắc uống.
16. Bài thuốc an thần và dưỡng tâm
- Chuẩn bị: Đương quy và bá tử nhân mỗi thứ 500g.
- Thực hiện: Nghiền thành bột, sau đó trộn đều với mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 12g, ngày dùng 2 lần.
17. Bài thuốc trị chứng thận hư gây rụng tóc
- Chuẩn bị: Hồ đào nhục và bá tử nhân mỗi thứ 500g.
- Thực hiện: Tán mịn, sau đó trộn đều, dùng 9g uống cùng nước sôi. Nên dùng đều đặn mỗi ngày và dùng sau khi ăn.
Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ dược liệu trắc bách
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên cẩn trọng khi dùng.
- Đàm nhiều, tiêu chảy tuyệt đối không sử dụng dược liệu này.
- Bá tử nhân sợ dương đề thảo và cúc hoa nên tránh dùng đồng thời.
Trắc bách là dược liệu khá phổ biến và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro khi điều trị, bạn nên trao đổi với lương y về bài thuốc và liều lượng phù hợp.