Tỏi tây
Tỏi tây (Hành boa rô, Hành ba rô) là loại rau gia vị có nguồn gốc từ Ai Cập. Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, bổ sung tỏi tây thường xuyên có thể duy trì sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa các bệnh lý về xương khớp, điều hòa huyết áp và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Ngoài ra, thảo dược này còn được dùng trong bài thuốc Đông y trị viêm bàng quang, tiểu tiện kém và nhiễm giun ở trẻ nhỏ.
- Tên gọi khác: Hành ba rô, Hành boa rô
- Tên Tiếng Anh: Leek
- Tên khoa học: Allium ampeloprasum
- Họ: Hành (danh pháp khoa học: Alliaceae)
Đặc điểm & Hình ảnh cây tỏi tây
Tỏi tây là cây thân thảo sống 2 năm, chiều cao trung bình từ 40 – 140cm. Thân thảo có hình trụ, đường kính 1 – 2cm và khá cứng. Lá dẹp, dài, mép nguyên và mọc thành 2 hàng, có màu lục và hơi trắng ở gốc. Hoa mọc ở ngọn cành, mọc tụ lại thành hình cầu, hoa màu xanh hoặc tím, cuống dài.
Một số bằng chứng cho rằng, tỏi tây có nguồn gốc từ Ai Cập. Hiện nay loài thực vật này được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải. Ở nước ta, hành boa rô được trồng chủ yếu tại thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.
– Hình ảnh của cây tỏi tây:
Giá trị dinh dưỡng trong tỏi tây (hành boa rô)
Thân của cây tỏi tây thường được sử dụng trong chế biến món ăn nhằm gia tăng mùi hương và kích thích vị giác. Trung bình 100g hành boa rô có thể cung cấp hàm lượng thành phần dinh dưỡng như:
- Năng lượng 60 calo
- Đường: 3.9g
- Protein: 1.5g
- Thiamine 0.06mg
- Vitamin A: 83mg
- Niacin: 0.4mg
- Riboflavin: 0.03mg
- Chất béo: 0.3g
- Chất xơ: 1.8g
- Vitamin E: 0.92mg
- Pantothenic acid: 0.14mg
- Vitamin B6: 0.233mg
- Calcium: 59mg
- Vitamin K: 47ml
- Magnesium: 28mg
- Phosphorus: 35mg
- Sắt: 2.1mg
- Folate: 64mg
- Kali: 189mg
16 Công dụng của tỏi tây đối với sức khỏe
Hành boa rô là một trong những loại rau gia vị được sử dụng khá phổ biến. Bổ sung loại rau này thường xuyên có thể đem đến những công dụng như sau:
1. Tỏi tây giúp cải thiện thị lực
Tỏi tây chứa hàm lượng vitamin A dồi dào (khoảng 83mg/ 100g) chiếm 10% nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần trong một ngày. Vitamin A là thành phần thiết yếu giúp duy trì thị lực và làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng.
Ngoài ra bổ sung vitamin A thường xuyên còn cải thiện khả năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu và giảm mức độ ảnh hưởng của ánh sáng xanh đối với thị lực.
2. Giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (cườm đá, đục nhân mắt, cường khô) xảy ra khi thục tinh thể bị mờ khiến ánh sáng khó hội tụ tại võng mạc gây ra hiện tượng giảm thị lực. Tỏi tây là một trong những loại thực phẩm có khả năng ngăn ngừa đục thủy tinh thể hiệu quả.
Theo các chuyên gia, tỏi tây chứa lutein và zeaxanthin. Các thành phần này có tác dụng che chắn và bảo vệ tế bào mắt khỏi tia UV và ánh sáng xanh có hại. Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong thực phẩm này còn có khả năng tiêu trừ gốc tự do và ngăn ngừa quá trình thoái hóa điểm vàng.
3. Tỏi tây giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch
Tỏi tây chứa hàm lượng kaempferol cao – một hoạt chất flavonoid chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ mạch máu khỏi các tác nhân gây hại. Ngoài ra, kaempferol còn thúc đẩy sản sinh oxit nitric – một chất giúp làm thư giãn mạch máu và điều hòa huyết áp.
Bên cạnh đó, hành boa rô còn chứa hàm lượng folate dồi dào. Folate phá vỡ homocysteine và tạo ra các axit amin có lợi, từ đó giảm nguy cơ tăng huyết áp và duy trì sức khỏe của hệ tim mạch.
Tỏi tây còn chứa hàm lượng polyphenol lớn. Polyphenol là chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ mạch máu và hồng cầu khỏi tác động của gốc tự do, từ đó giúp phòng ngừa các bệnh lý như huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tắc tĩnh mạch, suy giãn tĩnh mạch,…
Hơn nữa hành ba rô còn chứa một lượng chất xơ lớn. Chất xơ không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có tác dụng làm sạch mạch máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các rối loạn tim mạch (đột quỵ, thiếu máu cơ tim,…).
4. Bổ sung hành boa rô giúp duy trì làn da khỏe mạnh
Ít ai biết rằng, hành boa rô còn có tác dụng ngăn chặn các vấn đề về da như nám, nếp nhăn, sạm đen, tàn nhang,… Hầu hết các vấn đề này đều là hệ quả do hoạt động của gốc tự do. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, gốc tự do thúc đẩy quá trình thoái hóa và gây tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
Tỏi tây có chứa allicin – hợp chất có khả năng kháng khuẩn, chống virus và nấm tự nhiên. Sau khi được dung nạp, allicin trong tỏi tây sẽ được chuyển hóa thành axit sulfenic. Thành phần này có khả năng điều hòa hệ vi sinh ở mặt, ngăn chặn nhiễm trùng và duy trì làn da khỏe mạnh.
5. Tác dụng hạ huyết áp
Hành boa rô chứa hàm lượng kali dồi dào, trung bình 100g thực phẩm có thể cung cấp đến 189mg kali. Kali là nguyên tố vi lượng cần thiết trong cơ thể.
Ngược lại với natri, kali có tác dụng giãn mạch, giảm áp lực từ mạch máu và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu qua động mạch tim. Ngoài ra bổ sung kali còn giúp cân bằng nội môi giữa natri và đảm bảo chức năng co bóp của cơ tim.
6. Ăn tỏi tây thường xuyên giúp ngăn ngừa thiếu máu
Thiếu máu do sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Sắt và vitamin B trong tỏi tây có thể thúc đẩy quá trình tái tạo, sản sinh hồng cầu, từ đó ngăn ngừa và điều trị chứng thiểu máu. Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong tỏi tây còn có tác dụng giãn mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu đến các mô trong cơ thể.
7. Duy trì sức khỏe xương khớp
Tỏi tây có chứa canxi và một số nguyên tố vi lượng tốt cho xương khớp. Các thành phần này có tác dụng tái tạo mô xương, tăng mật độ xương và ức chế các enzyme gây tiêu xương như collagenase.
Ngoài ra tỏi tây còn chứa vitamin K – thành phần có tác dụng kích thích protein osteocalcin. Loại protein này có tác dụng giảm tái hấp thu xương, duy trì độ chắc khỏe của xương khớp và ức chế quá trình thoái hóa mô sụn.
8. Tỏi tây giúp cải thiện chức năng tiêu hóa
Ngoài chất xơ, vitamin và khoáng chất, tỏi tây còn chứa hàm lượng carbs prebiotic dồi dào. Carbs prebiotic là thức ăn cho lợi khuẩn sinh sống bên trong dạ dày và đường ruột. Việc cung cấp carbs prebiotic cho lợi khuẩn có thể thúc đẩy sản xuất các enzyme tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột và cải thiện khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
Bổ sung tỏi tây và các loại rau xanh thường xuyên giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa các chứng bệnh thường gặp như tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng,…
9. Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
Ung thư là hệ quả do hoạt động quá mức của các gốc tự do trong cơ thể. Do đó để ngăn ngừa ung thư, bạn cần phải tăng cường các thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa.
Tỏi tây là một trong những loại thực phẩm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, bao gồm vitamin C, flavonoid, kaepferol,… Các thành phần này có tác dụng “vô hiệu hóa” gốc tự do trong cơ thể nhằm ngăn chặn tổn thương và thoái hóa tế bào.
10. Kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh tiểu đường type 2
Tỏi tây chứa hàm lượng đường và calo thấp nên thường được bổ sung vào chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường type 2. Ngoài ra, tỏi tây còn có tác dụng ức chế hoạt động của alpha-amylase. Alpha-amylase gây phá vỡ carb phức hợp tạo ra đường và làm tăng lượng đường trong máu một cách đột ngột.
Do đó với khả năng ức chế alpha-amylase, tỏi tây có thể điều hòa nồng độ đường huyết, đồng thời ngăn chặn biến chứng thần kinh và hội chứng rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân tiểu đường.
Bên cạnh đó, flavonoid và polyphenol trong thực phẩm này còn có tác dụng ức chế gốc tự do, bảo vệ mạch máu và tăng cường chức năng tim ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
11. Giảm triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt là thuật ngữ tổng hợp các triệu chứng khó chịu xảy ra trước khi hành kinh. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn có thể bổ sung tỏi tây vào bữa ăn hàng ngày.
Tỏi tây chứa hàm lượng mangan dồi dào. Theo các chuyên gia Sản phụ khoa, mangan có thể điều hòa nồng độ hormone, cân bằng hoạt động của tuyến giáp và kiểm soát các triệu chứng khó chịu phát sinh trước kỳ kinh.
12. Tỏi tây giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng
Tương tự các loại rau xanh khác, hành boa rô có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất nhằm hạn chế tích trữ chất béo và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Ngoài ra tỏi tây còn chứa nhiều chất xơ và nước, các thành phần này có thể giảm cảm giác đói và hạn chế lượng thực phẩm tiêu thụ trong ngày.
13. Bảo vệ da trước tia UV từ ánh nắng mặt trời
Tia UV trong ánh nắng không chỉ gây cháy nắng, sạm da mà còn thúc đẩy sản sinh melanin và tăng tốc độ lão hóa. Với hàm lượng beta-carotene và vitamin C dồi dào, lá tỏi tây có tác dụng bảo vệ làn da trước tia cực tím và gốc tự do.
Ngoài ra các tỏi tây còn chứa các chống oxy hóa khác như vitamin A, E, polyphenol,… Các hoạt chất này đều có tác dụng duy trì làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa nám, tàn nhang và ung thư da.
14. Duy trì mái tóc chắc khỏe và ngăn ngừa rụng tóc
Hành boa rô chứa hàm lượng khoáng chất đa dạng, bao gồm sắt, mangan, folate và kali. Các khoáng chất này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu đến nang tóc, kích thích tóc mọc và giảm số lượng tóc rụng đáng kể.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong tỏi tây còn có tác dụng tiêu trừ các gốc tự do và bảo vệ nang tóc khỏi các tác nhân có hại.
15. Giảm viêm và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Viêm là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp,… Vitamin K trong tỏi tây có khả năng chống viêm mạnh, từ đó giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý mãn tính.
Ngoài vitamin K, tỏi tây còn chứa vitamin B6 cũng có tác dụng chống viêm. Đồng thời loại vitamin này còn có khả năng tăng độ mềm dẻo cho động mạch, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và cao huyết áp.
16. Tỏi tây tốt cho phụ nữ mang thai
Các chuyên gia cho biết, bổ sung tỏi tây trong thời gian mang thai có thể duy trì sức khỏe cho sản phụ và giảm nguy cơ dị tật thai nhi. Vitamin B9 (folate) trong tỏi tây là thành phần cần thiết trong việc sản xuất các DNA, đảm bảo quá trình phát triển ống thần kinh, não bộ, tim và cột sống.
Ngoài ra bổ sung tỏi tây thường xuyên còn giúp thai nhi khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân, ốm yếu.
Cách dùng tỏi tây (hành boa rô) tốt nhất
Tỏi tây là một loại rau gia vị và thường được sử dụng để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng.
Một số cách chế biến hành boa rô:
- Xắt thành từng lát mỏng rồi trộn với các loại rau khác để làm salad.
- Thêm vào nước dùng, trứng tráng, nước mắm, bơ, nước tương,… để làm sốt hoặc nước chấm.
- Thái mỏng hành boa rô rồi cho vào cháo nóng, canh hoặc súp để gia tăng hương vị.
- Thái mỏng thân cây và dùng để hấp hoặc xào với các thực phẩm khác.
- Sử dụng trong một số bài thuốc chữa bệnh.
Các bài thuốc chữa bệnh từ tỏi tây
Theo Đông Y, tỏi tây có vị cay, tính ấm, tác dụng lợi tiểu, bổ thần kinh, nhuận tràng, lợi tiêu hóa và bồi bổ cơ thể. Với dược tính đa dạng, thảo dược này được sử dụng trong một số bài thuốc chữa bệnh sau đây:
1. Bài thuốc tẩy giun
- Chuẩn bị: Rễ con của cây tỏi tây.
- Thực hiện: Đem rửa sạch rồi ngâm trong sữa và cho trẻ uống.
2. Bài thuốc chữa viêm bàng quang, bí tiểu tiện
- Chuẩn bị: Tỏi tây 6 củ, dầu dừa.
- Thực hiện: Đem bỏ tỏi tây vào dầu dừa rồi đun với lửa nhỏ, sau đó áp vào bụng để thông tiểu.
Tỏi tây không chỉ là loại thực phẩm lành mạnh mà còn là vị thuốc quý, có nhiều công dụng đối với quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Nếu có ý định sử dụng thảo dược này để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhằm giảm thiểu tác dụng phụ và ngăn ngừa tương tác thuốc.