Tai chua
Tai chua là dược liệu tính mát, vị chua, có chứa độc tố nhẹ. Dược liệu thường được sử dụng để sát trùng, chữa khát nước, hạ sốt, giải độc.
- Tên khoa học: Garcinia pedunculata Roxb
- Họ: Măng cụt – Clusiaceae
Mô tả dược liệu Tai chua
1. Đặc điểm sinh thái
Cây Tai chua là cây thân gỗ lớn, thân thẳng, có thể cao đến 18 m. Vỏ cây màu xám đen, phân thành nhiều cành, cành thường thẳng, đâm ngang, đầu cành cây hơi rủ xuống.
Lá cây có hình bầu dục thon, dài khoảng 7 – 12 cm, rộng 3 – 5 cm, các gân ở bên xếp song song, các gân phụ nối liền với nhau ở các mép lá. cuống lá mảnh, dài khoảng 2 cm.
Cụm hoa đực xếp thành tán, mỗi tán gồm 3 – 8 hoa, cuống hoa dài 1 cm. Hoa có 4 đài, tràng hoa 4 cánh, nhị xếp thành nhiều khối, chỉ nhị hoa ngắn. Hoa lưỡng tính đơn lẻ, tụ thành 2 – 3 hoa mọc ở các nách lá, gần như không có cuống.
Quả Tai chua thường to, tròn như quả ổi. Tuy nhiên, Tai chua thường dẹt, bên trên có nhiều múi nổi rõ ràng. Bên trong quả chia thành nhiều múi, vỏ quả dày, bên trong màu đỏ, bên ngoài màu vàng, quả có 6 – 8 hạt.
Mùa hoa vào tháng 3 – 4, mùa quả và tháng 7 – 8.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Vỏ quả, thân, lá và nhựa cây được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Tai chua được tìm thấy ở Ấn Độ, miền Nam Thái Lan, Mianma và miền Bắc Việt Nam.
Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở các vùng rừng trung du. Cây thường phổ biến ở Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Ngoài ra, một số nơi có thể trồng Tai chua để thu quả làm gia vị trong ẩm thực.
4. Thu hái – Sơ chế
Thân, rễ và lá Tai chua có thể thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.
Quả Tai chua thu hái khi quả chín vàng đều. Sau khi thu hái, bỏ hạt, thái vỏ thành từng lát mỏng, phơi hoặc sấy khô đến khi vỏ quả có màu đen hoặc nâu nhạt.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Vỏ dược liệu chứa:
- Acid Citric
- Acid Malic
- Acid Tartric
- Chất gôm và nhựa
Trong hạt quả Tai chua có chứa chất gây nôn mửa. Chất này không mất đi kể cả khi nướng hoặc bào chế kỹ.
Vị thuốc Tai chua
1. Tính vị
Thân, lá, nhựa dược liệu có vị chua, chát, đắng, tính mát, chứa độc tố nhẹ.
2. Tác dụng của quả Tai chua
Tai chua thường được sử dụng với các tác dụng phổ biến như:
- Hỗ trợ giảm căng thẳng, điều chỉnh nồng độ Cortisol trong máu, đây là hormone dẫn đến căng thẳng. Do đó, cân bằng Cortisol có thể hạn chế stress, căng thẳng, lo lắng và cải thiện các hoạt động của các cơ quan.
- Chống trầm cảm, giải phóng Serotonin giúp con người cảm thấy hạnh phúc, hỗ trợ cân bằng tâm trạng. Hoạt chất này cũng có thể dẫn truyền thần kinh, giảm căng thẳng và hỗ trợ điều trị căng thẳng.
- Hỗ trợ giảm Cholesterol, hạn chế các chất béo xấu và làm tăng Cholesterol tốt trong cơ thể. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ, giảm huyết áp và bổ sung năng lượng cho cơ thể.
- Tăng cường trao đổi chất, tăng tốc độ đốt cháy calo và tăng hoạt động của các cơ quan.
- Điều chỉnh lượng đường trong máu, hạn chế và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
- Ngăn cảm giác thèm ăn, thay đổi thói quen ăn uống không lành mạnh, hỗ trợ giảm cân.
- Tăng năng lượng, giúp cơ bắp săn chắc, hạn chế tình trạng kiệt sức, mệt mỏi.
3. Cách dùng – Liều lượng
Vỏ quả Tai chua thường được sử dụng để nấu canh hoặc sắc thành thuốc dùng uống. Công dụng của bài thuốc bao gồm chữa khát, phát sốt.
Ở Trung Quốc, sử dụng nhựa tươi dược liệu để điều trị tình trạng con đỉa chui vào xoang mũi.
Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 6 – 10 g.
Bài thuốc sử dụng Tai chua
Chữa sốt, khát nước
Sử dụng Tai chua 6 – 10 g, nấu canh hoặc sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
Ngoài ra, cây Tai chua còn được sử dụng để bào chế các loại thuốc chống ung thư.
Lưu ý khi sử dụng cây Tai chua
Tai chua cũng là tên gọi chung là một loại dược liệu khác với tên thường gọi là Bứa (Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth). Đâu là cây nhỏ, mọc thẳng, thân có nhiều u lồi, thường được dùng để làm thuốc giải độc, điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém và các bệnh về nha khoa.
Do đó, khi cần có nhu cầu sử dụng vị thuốc, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, dược liệu cũng có chứa một lượng độc tố nhẹ, sử dụng quá liều lượng quy định có thể dẫn đến các rủi ro không mong muốn. Vì vậy, người dùng không nên tự ý sử dụng dược liệu.