Ong đen
Ong đen hay còn gọi là Ong mướp theo Đông y có tác dụng thanh nhiệt, khử phong. Dược liệu thường được sử dụng để điều trị đau răng, miệng lở loét, đau cổ họng, chữa kinh phong ở trẻ nhỏ.
- Tên gọi khác: Ong mướp, Hùng phong, Ô phong, Trúc phong, Tượng phong
- Tên khoa học: Xylocoba dissimilis
- Họ: Ong – Apidae
Mô tả dược liệu Ong đen
1. Đặc điểm
Ong đen có thân màu đen, to và tù, dài khoảng 0.5 cm. Toàn thân Ong đen được phủ một lớp lông mềm, màu đen nhạt, trên lưng có màu vàng nhạt. Ong có chân ngắn, màu đen. Cánh màu lam tím óng ánh, mềm, nhìn thấy được.
Ong đen thường sống trong những hốc cây mục rỗng hoặc thân tre, nứa, độ sâu của thân cây có thể đến 30 cm hoặc hơn. Trong các thân cây, tổ ong được chia thành nhiều ngăn, ngăn chứa phấn hoa, mật và ngăn để đẻ trứng.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn bộ cơ thể Ong đen được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Ong đen có mặt ở khắp nơi, ở đồng bằng cùng như miền núi. Tại nước ta ít thấy thu bắt, khai thác, sử dụng.
4. Thu hái – Sơ chế
Tại miền Nam Trung Quốc, người dân thường bắt Ong đen vào mùa thu đông, khi ong sống trong các ống tre nứa. Sau khi xác định được vị trí tổ ong, người ta bịt kín một đầu ống nứa lại, sau đó hơ nóng để ong chế, chẻ ống nứa, lấy ong dùng.
5. Bảo quản dược liệu
Ong đen rất dễ mối mọt, hư hỏng do đó cần sấy thật khô trước khi bảo quản. Không nên phơi nắng, vì điều này làm dược liệu dễ hỏng và mốc hơn.
Bảo quản dược liệu trong hộp kín, đặt ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng và côn trùng.
6. Thành phần hóa học
Đang cập nhật.
Vị thuốc Ong đen
1. Tính vị
Ong đen tính hàn, không độc, có vị ngọt, hơi chua.
2. Quy kinh
Ong đen quy vào kinh Vị và Đại trường.
3. Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền, Ong đen có tác dụng tả hỏa, trừ phong, thanh nhiệt. Thường được sử dụng trong các trường hợp đau họng, viêm họng, miệng lở loét, sâu răng, kinh phong ở trẻ con,…
4. Cách dùng – Liều lượng
Ong đen thường được sử dụng dưới dạng bột tán, có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.
Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 2 – 4 con hoặc 2 – 3 g mỗi ngày, tán bột dùng.
Bài thuốc sử dụng Ong đen
1. Chữa viêm họng, đau họng
Sử dụng Ong mướp, tán thành bột mịn kết hợp với Bằng sa (hàn the), mỗi vị phân lượng bằng nhau, trộn đều. Mỗi ngày dùng uống 1 – 4 g với nước ấm. Ngoài ra có thể hòa bột ong với tỷ lệ 1/10 với nước, dùng bôi vào chỗ hàng ngày.
2. Điều trị ung nhọt, lở loét lâu ngày không khỏi
Dùng Ong đen sấy khô, tán thành bột, rây mịn. Lại vệ sinh sạch sẽ vết thương, vết lở loét bằng nước muối hoặc lá trầu không. Rắc bột ong lên vết thương, mỗi ngày có thể thực hiện vài lần để tăng khả năng hồi phục.
3. Trị trẻ con kinh phong, sốt cao, co giật
Sử dụng Ong đen 2 con, tán thành bột mịn, dùng sắc với 200 ml nước, đến khi cạn còn 50 ml thì dùng uống hết một lần trong ngày. Có thể gia thêm đường để cải thiện hương vị.
Kiêng kỵ khi dùng Ong đen
Người không hỏa, hư hàn, không nên dùng.
Ong đen là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian để thanh nhiệt, trừ phong và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại không có nghiên cứu nào về tác dụng cũng như hiệu quả điều trị của dược liệu. Vì vậy, trước khi sử dụng người bệnh nên trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.