Ô tặc cốt
Ô tặc cốt là nang/ mai của các loại cá mực. Dược liệu này có tác dụng cầm máu, trung hòa axit dạ dày,… nên được ứng dụng trong bài thuốc trị xuất huyết trĩ/ đường tiêu hóa và đại tiện ra máu.
- Tên gọi khác: Ô ngư, Mai mực, Hải phiêu tiêu, Mực nang, Mực ván, Bạch long, Lãm ngư cốt,…
- Tên khoa học: Sepiella maindroni
- Tên dược: Os sepiae seu sepiellae
- Họ: Mực (Sepiidae)
Mô tả dược liệu
Ô tặc cốt là nang của các loại cá mực, trong đó phổ biến nhất là mực ván.
1. Đặc điểm động vật
Mực là động vật thân mềm sinh sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Động vật này có cơ thể dạng thủy động học và có màng vây. Đầu mực có các xúc tu, có vai trò bắt mồi và tự vệ. Khi bị tấn công, mực thường tiết chất màu đen trong túi mực.
Loài động vật này thường sống ở tầng nước đáy. Thức ăn chủ yếu là các loại tôm và cá nhỏ.
2. Bộ phận dùng
Mai mực.
3. Phân bố
Mực có mặt ở hầu hết các vùng biển trên thế giới. Ở nước ta, mực sinh sống nhiều ở vùng biển miền Trung như Cam Ranh, Bình Thuận, Đà Nẵng,…
4. Thu bắt – sơ chế
Có thể thu bắt quanh năm nhưng thu bắt mạnh vào tháng 3 – 9 vìđây là thời điểm mực di chuyển vào gần bờ để đẻ trứng.
Sau khi đánh bắt về, đem bỏ đầu sau đó cạo lớp vỏ bên ngoài. Ngâm mai mực trong nước cho hết mặn, sau đó sấy hoặc phơi khô và dùng dần.
Mô tả dược liệu: Dược liệu có màu trắng ngà, hình bầu dục và dẹt, ở giữa dày hơn hai bên và có độ cứng. Mặt lưng có các hạt nổi lên, mặt bụng trắng hơn so với mặt lưng và có các đường vân ngang nhỏ. Ô tặc cốt có mùi tanh.
5. Bảo quản
Nơi thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Hải phiêu tiêu có chứa các thành phần hóa học như iod, natri clorua, chất keo, phosphate, carbonate calci, một số chất hữu cơ,…
Vị thuốc ô tặc cốt
1. Tính vị
Vị mặn, tính ôn.
2. Qui kinh
Qui vào kinh Thận và Can.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Có tác dụng cầm máu do có chứa pectin. Ngoài ra thành phần này còn có khả năng bảo vệ vết loét dạ dày, thúc đẩy quá trình đông máu và hạn chế xuất huyết cơ quan tiêu hóa.
- Hỗ trợ sửa chữa các khiếm khuyết trong cấu trúc xương và thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo tế bào xương tổn thương.
- Axit carbonat có khả năng trung hòa acid dạ dày. Từ đó cải thiện các triệu chứng do dạ dày tăng tiết dịch vị quá mức.
- Có khả năng hấp thụ chất nhầy và vi khuẩn gây hại.
Theo Đông y:
- Tác dụng thông huyết mạch, cố tinh chỉ đới, trừ hàn, chế toan chỉ thống, thu liễm, thu thấp liễm sang, chỉ huyết.
Chủ trị:
- Phế vị xuất huyết, di tinh, nôn mửa chất chua, lở loét da, mụn mủ, băng lậu, đới hạ.
- Thấp chẩn, đau dạ dày, bế kinh.
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng ô tặc cốt ở dạng thuốc sắc và tán bột. Tuy nhiên dùng dược liệu ở dạng tán bột nhận thấy tác dụng cao hơn. Liều dùng thông thường: 6 – 12g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc ô tặc cốt
1. Bài thuốc trị chảy máu dạ dày, trĩ xuất huyết, đại tiện ra máu, phụ nữ băng huyết
- Chuẩn bị: Xuyến thảo 8g, cam thảo 4g, ô tặc cốt 16g, bạch thược 12g, hoàng kỳ 12g, tông thán 6g, bạch truật 12g, ngũ bội 6g, địa du 12g, long cốt 12g và mẫu lệ 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc và uống mỗi ngày.
2. Bài thuốc trị chảy máu do chấn thương
- Chuẩn bị: Phấn hoa tùng và ô tặc cốt bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị nghiền thành bột mịn, thêm ít băng phiến, trộn đều và rắc lên vết thương. Nếu vết thương lớn có thể băng để tránh chảy máu.
3. Bài thuốc trị loét dạ dày tá tràng, đau dạ dày và hội chứng tăng tiết dịch vị
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị bối mẫu 15g và ô tặc cốt 85g. Đem các vị tán bột mịn, mỗi lần dùng 4 uống với nước sôi để nguội. Nên dùng thuốc trước bữa ăn.
- Bài thuốc 2: Diên hồ sách 10g, ô tặc cốt 80g và khô phàn 40g, mật ong 60g. Mật ong để riêng, đem các vị còn lại nghiền thành bột, sau đó trộn với mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 12g viên trước khi ăn, ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi.
4. Bài thuốc trị mụn nhọt
- Chuẩn bị: Ô tặc cốt một lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, sau đó đắp vùng mụn nhọt sưng đau. Thực hiện đến khi nhọt khô và bong ra.
5. Bài thuốc trị mắt kéo màng
- Chuẩn bị: Băng phiến và ô tặc cốt bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, sau đó dùng tăm bông lấy bột và chấm theo khóe mắt.
6. Bài thuốc trị bạch đới
- Chuẩn bị: Than quán chúng 30g, tam thất 8g và ô tặc cốt 63g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g thuốc uống với nước đun sôi để nguội.
7. Bài thuốc trị xích bạch đới
- Chuẩn bị: Lộc giác sương 12g, phục linh 12g, ô tặc cốt 16g, sơn dược 16g, bạch vĩ 12g, bạch thược 12g và mẫu lệ 12g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, sau đó làm thành hoàn. Mỗi lần dùng khoảng 8 – 12g.
8. Bài thuốc trị viêm tai giữa chảy dịch/ mủ
- Chuẩn bị: Xạ hương 0.4g và ô tặc cốt 2g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, sau đó rây cho mịn. Trước khi dùng thuốc chấm vào tai cần vệ sinh tai bằng oxy già.
9. Bài thuốc trị loét âm hộ
- Chuẩn bị: Lòng đỏ trứng gà và ô tặc cốt.
- Thực hiện: Thiêu tồn tính ô tặc cốt, sau đó trộn đều với lòng đỏ trứng và thoa vào vết loét.
Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ ô tặc cốt
Khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu mai mực, bạn cần chú ý những thông tin sau:
- Dùng bài thuốc từ ô tặc cốt lâu ngày dễ sinh táo bón. Nên bổ sung các loại dược liệu có khả năng nhuận tràng hoặc uống nhiều nước và tăng cường bổ sung chất xơ.
- Người nhiệt vượng và âm suy không nên dùng dược liệu này.
- Ô tặc cốt là mai của cá mực đã được sơ chế nên chứa một lượng đạm nhất định, cần tránh dùng dài ngày cho bệnh nhân gout.
- Một số dược liệu phối hợp với ô tặc cốt có tính nóng. Vì vậy nên thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai.
Áp dụng bài thuốc chữa bệnh không phù hợp có thể khiến việc điều trị bị trì trệ. Vì vậy trước khi thực hiện các bài thuốc từ dược liệu ô tặc cốt, bạn cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.