Ngũ bội tử

Ngũ bội tử là chỗ sùi ở lá, cành và thân cây muối hoặc cây diêm phu mộc do loài sâu ngũ bội gây ra. Vị thuốc này có tác dụng cầm tiêu chảy, thu liễm, chỉ huyết và cố tinh. Với công năng đa dạng, ngũ bội tử được nhân dân sử dụng để chữa chứng lòi dom, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, di hoạt tinh,…

Ngũ Bội Tử
Dược liệu Ngũ bội tử là túi nhỏ do sâu ngũ bội gây ra ở cành lá của cây diêm phu mộc/ cây muối
  • Tên gọi khác: Bầu bí, Bơ pật, Bách trùng thương, Văn cáp.
  • Tên khoa học: Schlechtendalia sinensis Bell
  • Tên dược: Galla sinensis
  • Họ: Đào lộn hột (danh pháp khoa học: Anacardiaceae)
  • Ngũ bội tử là túi nhỏ do sâu ngũ bội gây ra ở cành lá của cây diêm phu mộc hoặc cây muối, thuộc họ Đào lộn hột.

Mô tả dược liệu Ngũ bội tử

1. Đặc điểm

Cây muối có sống nhiều năm, có chiều cao từ 2 – 8m. Thân gỗ, lá mọc so le, lá dạng kép lẻ, mỗi lá gồm có 7 – 14 lá chét. Lá chét có phiến hình trứng, không cuống, mép lá có răng cưa to và thô. Lá rộng khoảng 2.5 – 9cm và dài khoảng 5 – 14cm.

Hoa mọc thành cụm, kích thước nhỏ, màu trắng sữa, hay mọc ở đầu cành. Cụm hoa dài khoảng 20 – 30cm. Cây ra hoa vào tháng 8 – 9 và sai quả vào tháng 10. Quả có màu đỏ cam, bên trong có chứa 1 hạt.

ngũ bội tử là gì
Hoa của cây muối thường mọc thành cụm, có màu trắng sữa và kích thước nhỏ

Sâu ngũ bội thường sống ký sinh trên cây muối. Loài ký sinh này thường đục cành lá của cây và tạo thành từng chỗ sùi (được gọi là ngũ bội tử). Ngũ bội tử có kích thước nhỏ, dài khoảng 3 – 6cm và hình dạng không đều.

2. Bộ phận dùng

Chỗ sùi trên cành lá của cây muối do con sâu ngũ bội gây ra.

3. Phân bố

Ngũ bội tử có nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số tỉnh ở vùng Tây Bắc. Ngoài ra, dược liệu cũng được tìm thấy ở Trung Quốc và Nhật Bản.

4. Thu hoạch – sơ chế

Thông thường, sâu ngũ bội từ những loài thực vật trung gian và di chuyển đến cây diêm phu mộc và cây muối vào tháng 5 – 6 hằng năm. Loài ký sinh này đục cành lá và thân để đẻ trứng. Ở những vị trí bị sâu đục, tế bào của cây phát triển bất thường và tạo thành ngũ bội tử.

Dược liệu thường được thu hoạch vào tháng 9 hằng năm. Sau khi thu hoạch, đem hấp với nước sôi trong vòng 3 – 5 phút nhằm giết chết con sâu rồi mới đem phơi khô, cất dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh ẩm thấp.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu có chứa các thành phần hóa học chủ yếu là tanin (chiếm khoảng 50 – 80%). Trong tanin chứa 1 phân tử glucoza kết hợp với 5 phân tử axit digalic.

Vị thuốc Ngũ bội tử

1. Tính vị

Vị đắng chua, mặn, tính bình.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Thận, Đại trường, Cạn và Phế.

3. Tác dụng dược lý

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ dược liệu có tác dụng tiêu diệt và ức chế một số loại vi khuẩn như kiết lỵ, bạch hầu, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn, phó thương hàn, phế cầu khuẩn, virus cúm, trực khuẩn thương hàn và chủng virus PR8.
  • Tác dụng làm liền vết loét: Tanin trong dược liệu kết tủa với albumin giúp thu liễm (se vết loét).
  • Độc tính: Tiêm thuốc ở liều cao dưới da có thể gây khó thở, tinh thần kích động, hoại tử tại chỗ và tử vong trong 24 giờ (thực nghiệm trên súc vật).

– Theo Đông Y:

  • Công năng: Liễm hãn, cố tinh, sáp tràng, liễm phế, chỉ huyết, giáng hỏa.
  • Chủ trị: Hoạt tinh, di tinh, lòi dom, phế hư, đạo hãn, tự hãn, băng lậu hạ huyết.

4. Cách dùng – liều lượng

Ngũ bội tử được dùng ở dạng thuốc sắc, thuốc bột, làm hoàn. Dùng khoảng 1.5 – 6g/ ngày.

Các bài thuốc chữa bệnh từ Ngũ bội tử

ngũ bội tử là gì
Dược liệu thường được dùng để trị xuất huyết tiêu hóa, lòi dom, đau bụng, ỉa lỏng, ra mồ hôi,…

1. Bài thuốc điều trị xuất huyết đường tiêu hóa trên

  • Chuẩn bị: Ngũ bội tử 6g.
  • Thực hiện: Đem sắc với nước, còn lại 100ml, chia thành 3 lần dùng trong ngày. Với bệnh nhân không nôn, nên ăn thức ăn lỏng và truyền máu. Còn trường hợp nôn ra máu nên nhịn ăn.

2. Bài thuốc trị sẹo do bỏng

  • Chuẩn bị: Giấm đen 250ml, ngũ bội tử 8 – 100g, mật ong 18g và ngô công 1 con tán bột.
  • Thực hiện: Đem trộn đều thành cao, sao đó phết vào miếng vải đen và dán lên vùng sẹo bỏng. Cứ 3 – 5 ngày thay 1 lần cho đến khi sẹo liền lại.

3. Bài thuốc trị bệnh trĩ

  • Chuẩn bị: 500g ngũ bội tử (tán vụn) và cồn 52.5% 1000ml.
  • Thực hiện: Đem dược liệu ngâm với cồn, bảo quản trong lọ kín và ngâm trong vòng 30 – 60 ngày. Sau đó lọc lấy nước, nấu sôi để vô trùng. Khi dùng, nên vệ sinh vùng hậu môn và chích trực tiếp vào búi trĩ.
  • Chú ý: Thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc.

4. Bài thuốc trị đau bụng và đại tiện ra phân lỏng

  • Chuẩn bị: Ngũ bội tử tán bột, một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày dùng khoảng 15 – 20 viên uống với nước bạc hà sắc.

5. Bài thuốc chữa chứng trẻ nhỏ bị trớ

  • Chuẩn bị: Chích cam thảo 20g, ngũ bội tử (nửa sống nửa nướng chín) 3g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 2g thuốc bột uống với nước cháo hoặc nước cơm.

6. Bài thuốc trị di tinh

  • Chuẩn bị: Nước muối sinh lý và bột mịn ngũ bội tử.
  • Thực hiện: Trộn đều làm thành hồ, sao đó phết vào cao dán 3×4 và đem dán vào huyệt Tứ mãn (huyệt vị nằm ở dưới rốn 2 thốn và đo ngang trái – phải 0.5 thốn). Cứ 3 ngày thay miếng dán 1 lần.

7. Bài thuốc trị tưa miệng

  • Chuẩn bị: Băng phiến 3g và bột ngũ bội tử 20g.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, sau đó thổi vào lưỡi. Thực hiện ngày 2 lần cho đến khi khỏi.

8. Bài thuốc trị mồ hôi đêm

  • Chuẩn bị: Bột ngũ bội tử.
  • Thực hiện: Làm thành hồ rồi đắp lên vùng rốn trước khi đi ngủ.

9. Bài thuốc chữa xuất tinh sớm

  • Chuẩn bị: Hạt tiêu và ngũ bội tử mỗi vị 20g, khổ sâm và địa phu tử mỗi vị 30g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

10. Bài thuốc trị bệnh lòi dom và sa tử cung

  • Chuẩn bị: Một ít ngũ bội tử.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước rửa.

11. Bài thuốc trị chứng lòi dom ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Địa du và ngũ bội tử bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Tán nhỏ, sau đó dùng 1 ít bột uống với nước cơm.

Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu Ngũ bội tử

  • Ngũ vị tử khác ngũ bội tử nên cần phân biệt khi dùng. Ngũ vị tử thường được dùng để an thần và trị ho, trong khi ngũ bội tử dùng dể chữa tiêu chảy, lòi dom, làm liền vết loét và cầm tiêu chảy.
  • Tả lỵ do thấp nhiệt, thực tà, ngoại cảm không nên sử dụng.

Ngũ bội tử là vị thuốc quý nhưng dùng liều lớn hoặc sử dụng trong điều trị dài hạn có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy trước khi áp dụng bài thuốc, bạn nên tham vấn y khoa để biết chính xác liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng.